Dệt may uất ức
vì... kiểm dịch
Cập nhật lúc 07:22
Một thông tư tạm nhưng áp dụng kéo dài 6 năm; 6 năm trời không một lần vi phạm nhưng tốn oan tiền tỉ cho chi phí kiểm dịch khiến các doanh nghiệp dệt may uất ức, chán nán...
Hội thảo “Đơn giản hóa thủ tục kiểm tra hàm
lượng formaldehyde đối với sản phẩm dệt may” diễn ra ngày hôm qua tại TP.HCM
do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư cộng tác với Dự án quản trị nhà nước
nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ (USAID GIG) chủ
trì “nóng” như lửa bởi các bức xúc của rất nhiều doanh nghiệp (DN) ngành may
- ngành dự kiến năm nay mang về cho đất nước 28 tỉ USD từ xuất khẩu.
Không bắt được ông nào, sao cứ tiếp tục ?
Chuyện bắt đầu từ năm 2009, Bộ Công thương ban
hành Thông tư 32 qui định một số vấn đề về kiểm dịch thực vật có nêu vấn đề
kiểm tra hàm lượng formaldehyde trên các sản phẩm dệt may, quy định tạm thời
về giới hạn cho phép đối với hàm lượng formaldehyde, các amin thơm trên sản
phẩm dệt may. Dù được ban hành “tạm thời” nhưng kéo dài tới 6 năm đã gây tốn
kém tiền tỉ cho các DN.
Tay cầm chặt xấp hồ sơ dày chứa tất cả các công
văn đã gửi các ban ngành, sắc mặt bừng bừng nóng, bà Phạm Kiều Oanh, Phó tổng
giám đốc Công ty CP may Nhà Bè (NBC), cho hay 5 - 6 năm nay, công ty đã bỏ
nhiều công sức làm biết bao công văn kêu lên Bộ Công thương về thủ tục kiểm
tra hàm lượng formaldehyde theo quy định trong Thông tư 32 nhưng hầu như
không thay đổi được gì. Từ năm 2010, nhằm tiết giảm chi phí, NBC đã mở công
ty tự vận chuyển, bốc dỡ và làm các thủ tục hải quan, đến nay đã quán xuyến
80% các lô hàng nhập về của mình. 9 tháng đầu năm, NBC có 116 lô hàng nhập
khẩu cho loại hình kinh doanh, chi phí kiểm dịch là 10.724 USD, quy ra mỗi lô
hàng là 92,44 USD; còn chi phí cho thủ tục tại nơi nhập khẩu (local charge)
chỉ tốn có 5.798 USD, tương đương 49,98 USD/lô hàng. "Có nghĩa là chúng
tôi đang phải trả cho chi phí kiểm dịch gấp đôi chi phí làm thủ tục thông
quan nội địa", bà Oanh bức xúc.
Trước đó, 7 tháng trong năm 2014 NBC nhập về 63
lô hàng, chi phí kiểm dịch hết 6.114 USD, phí local charge là 3.477 USD, quy
ra chi phí kiểm dịch 97 USD/lô hàng, còn phí local charge là 55 USD/lô hàng.
Không những vậy, hàng về phải mất 3 ngày mới được thông quan. “Tôi hỏi nhân
viên sao có những lô tăng thêm 700.000 đồng thì được trả lời, muốn lấy kết
quả gấp giá tăng. Sáu năm nay chưa lô hàng NBC nào bị “dính”. Tôi chạy lên
hỏi Tổng cục Hải quan và một số chi cục, rằng từ khi có Thông tư 32 đã bắt
được ông nào vượt hàm lượng formaldehyde chưa? Không bắt được ông nào hết thì
sao cứ tiếp tục? Tôi mệt mỏi lắm rồi”, bà Oanh than.
Ông Nguyễn Công Nghiêm, Giám đốc bộ phận xuất
nhập khẩu - Công ty Maison, cũng bức xúc cho biết chi phí kiểm một mẫu hàng
là 1.670.000 đồng, thêm 700.000 đồng nếu lấy nhanh trong ngày. Trung bình mỗi
lô hàng ít thì kiểm 3 - 4 mẫu, nhiều đến 7 mẫu. Tổng chi phí kiểm dịch của
Maison gần 3 tỉ đồng/năm. Quan trọng là phí lưu kho lưu bãi của DN tăng đột
biến. Trong suốt 6 năm từ khi Thông tư 32 ra đời, Maison không có vi phạm nào
trong kiểm dịch, vậy mà lô hàng nào về cũng bị kiểm, “không tha”.
Các DN ở xa còn khốn đốn vì tốn thêm nhiều chi
phí. Đại diện Công ty Chingluh VN (Bến Lức, Long An), có khách hàng lớn là
Nike, cũng cho hay thường nhập vải với lượng ít làm giày mẫu thử, không đưa
ra thị trường, đều đưa ra giám định. Chi phí hằng tháng 40 - 50 triệu đồng và
“ngày càng tăng” vì làm nhanh phải thêm 700.000 đồng. Mỗi lần giám định công
ty phải cho xe từ Long An lên TP.HCM rước nhân viên giám định xuống kiểm tra,
rồi chở về. Chingluh cũng chưa lần nào vi phạm, nhưng 6 năm nay mỗi lô hàng
về đều phải mang đi giám định.
“Tôi chán lắm rồi, không kêu nữa !”
Trước phản ứng của các DN, bà Phạm Thu Giang,
Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương), cho biết dự thảo sửa
đổi Thông tư 32 đã được gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, hiệp hội và đã nhận
được đầy đủ phản hổi.
Về phản ứng của DN, bà Giang biện minh
formaldehyde, các amin thơm là những chất có khả năng gây ung thư, các nước
đều kiểm soát. Trung Quốc, Nhật đã đưa vào luật. Còn việc lấy nhiều mẫu vì
theo tiêu chuẩn cắt mẫu cách mép vải 2m, nếu không sẽ ảnh hưởng đến kết quả.
Còn vì sao phát hiện ít mà vẫn kiểm tra, theo bà Giang, việc thay hóa chất
rất đơn giản và sử dụng hóa chất này sẽ khiến giá đảm bảo sức khỏe cho người
tiêu dùng so với giá không đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng chênh nhau rất
lớn. “Dự thảo sửa đổi Thông tư 32 đã rất nới so với luật Chất lượng sản phẩm
hàng hóa”, bà Giang khẳng định.
Không đồng tình với ý kiến này, ông Phạm Thanh
Bình, chuyên gia tư vấn dự án USAID GIG, cho rằng Thông tư 32 với nhiều bất
cập, cần sớm được thay thế bằng một văn bản khác. Nhiều DN nhận xét đây là
một loại “giấy phép con”, việc kiểm tra chỉ là hình thức. Trong nhiều trường
hợp, để hợp thức hóa việc thực hiện quy định này, DN đành phải làm theo cách
đối phó. Ví dụ để có mẫu cho kiểm tra loại vải bọc mặt chiếc ghế nhập khẩu,
không thể cắt vải ở mặt ghế nhập khẩu ra, họ ra cửa hàng mua mẫu vải rồi nộp
cho đơn vị kiểm tra.
Đại diện Cục Hải quan Đồng Nai cũng nhìn nhận,
Thông tư 32 chỉ là quy định “tạm thời”, nhưng lại tồn tại tới 6 năm mà chưa
được thay thế bằng một quy định chính thức để tháo gỡ khó khăn cho một ngành
sản xuất lớn.
“Càng sớm sửa Thông tư 32 càng có lợi cho DN
tăng sức cạnh tranh”, ông Nghiêm (Công ty Maison) nói. Còn bà Phạm Kiều Oanh
thì có vẻ buông xuôi: “Dự thảo sửa đổi có cũng như không. Tôi chưa đồng ý với
dự thảo. Bao năm nay không giải quyết tôi đã chán lắm rồi, không kêu nữa”.
(Theo Thanh niên) Hồng Sương
|
Thứ Tư, 23 tháng 9, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét