Những tín hiệu cảnh báo cuộc đua lãi suất
Cập nhật lúc 21:15
Mặt bằng lãi
suất huy động đang có xu hướng tăng nhẹ trong nhóm các ngân hàng thương mại
cổ phần (TMCP) quy mô nhỏ và vừa. Trong khi đó, lãi suất phát hành trái phiếu
chính phủ (TPCP) vẫn chưa có chuyển biến nào đáng kể.
Liệu có phải
mục tiêu huy động vốn qua kênh TPCP đang tạm thời nhường chỗ cho ưu tiên ổn
định mặt bằng lãi suất nhằm tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng tín dụng?
Lãi suất huy
động đang có xu hướng tăng cho dù mức độ tăng còn thấp và chưa phải đồng loạt
tại tất cả các ngân hàng. Ảnh: Tuệ Doanh
Đợt tăng lãi suất huy động mới
Mặt bằng lãi
suất huy động kể từ đầu tháng 9 cho đến nay đang có những chuyển biến mới
đáng chú ý. Nếu như các đợt điều chỉnh lãi suất trước (cả theo chiều hướng
tăng và giảm) thường được khởi xướng bởi nhóm các ngân hàng TMCP gốc quốc
doanh có quy mô lớn (điển hình là Vietcombank) thì đợt tăng lãi suất huy động
kể từ cuối tháng 8 đến nay đang chủ yếu xuất phát từ các ngân hàng TMCP có
quy mô trung bình và nhỏ.
Cụ thể, theo
biểu lãi suất áp dụng từ ngày 24- 8 tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital
Bank), lãi suất huy động kỳ hạn ba tháng là 5,2%/năm (tăng 0,1%); tại Ngân
hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), lãi suất huy động kỳ hạn ba tháng là 5,3%/năm
(tăng 0,2%), kỳ hạn sáu tháng là 5,9%/năm (tăng 0,4%) và kỳ hạn 12 tháng là
6,8%/năm (tăng 0,3%); tại Saigonbank, lãi suất cho các khoản tiền gửi kỳ hạn
ngắn (dưới sáu tháng) cũng đã tăng thêm 0,1%; tại VIB mức tăng là 0,2-0,3%;
tại An Bình mức tăng là 0,2%.
Trong khi đó,
tại các chi nhánh, phòng giao dịch của các ngân hàng TMCP nhà nước lớn như
VietinBank, Vietcombank, lãi suất huy động các kỳ hạn vẫn giữ nguyên ở mức
4,5-4,8% cho kỳ hạn ba tháng; 5-5,5% đối với kỳ hạn sáu tháng và 6% đối với
kỳ hạn 12 tháng. Riêng tại một số chi nhánh của BIDV lãi suất huy động cũng
bắt đầu nhích lên.
Cuộc đua lãi
suất huy động (nếu có) sẽ chỉ diễn ra trong nhóm các ngân hàng quy mô nhỏ và
vừa do trần tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng lớn gốc quốc doanh bị
“ghìm cương” ở mức tối đa không quá 16%.
Có thể chỉ ra
hai nhân tố chính đã và đang tác động khiến lãi suất huy động có xu hướng
tăng cho dù mức độ tăng còn thấp và chưa phải đồng loạt tại tất cả các ngân
hàng.
Thứ nhất, đợt
điều chỉnh tỷ giá mạnh trong tháng 8 đã tạo ra áp lực không nhỏ cũng như kỳ
vọng tăng lãi suất trên thị trường. Kể từ đầu năm đến nay, tiền đồng (VND) đã
mất giá khoảng 5% so với đô la Mỹ (USD). Mức mất giá này gần như đã xóa nhòa
chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD (hiện khoảng 5-5,5% tùy từng
ngân hàng).
Không như năm
2014 biến động tỷ giá chỉ khoảng 2%, mức chênh lệch lãi suất hấp dẫn đã giúp
“nắn” một phần dòng vốn tiết kiệm từ ngoại tệ chuyển sang VND. Tình hình năm
nay đã khác, khi người gửi tiền đang có tâm lý dao động giữa việc nắm giữ
tiền VND hay USD. Việc lãi suất liên ngân hàng tăng nóng trong hai tuần cuối
tháng 8 (trên mức 5% ở tất cả các kỳ hạn) thể hiện rõ sự căng thẳng thanh
khoản của toàn hệ thống sau khi rủi ro tỷ giá tăng cao.
Để giữ chân
người gửi tiền, các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ buộc
phải tăng lãi suất huy động. Như vậy, những tín hiệu cảnh báo về cuộc đua lãi
suất mới đã bắt đầu xuất hiện.
Thứ hai, sự bứt
phá trong tăng trưởng tín dụng là rất đáng chú ý. Số liệu mới nhất từ Vụ Tín
dụng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết tín dụng tính đến cuối tháng 8 đã
tăng trưởng 10,23% so với cuối năm 2014 (gấp đôi mức tăng của cùng kỳ năm
ngoái). Trong khi đó, tăng trưởng huy động và tăng trưởng M2 tính đến ngày
20-8 mới lần lượt đạt mức 7,26% và 7,22%.
Khoảng cách
giữa tăng trưởng huy động và cho vay càng nới rộng, sức ép tăng lãi suất huy
động nhằm bổ sung nguồn vốn đầu vào phục vụ cho các khoản vay bước vào mùa
cao điểm cuối năm sẽ càng lớn. Với gia tốc như hiện nay, mục tiêu tín dụng
tăng trưởng từ 15-17% trong cả năm nay là hoàn toàn có thể đạt được.
Lãi suất trái phiếu Chính phủ đang ở đâu?
Câu hỏi đặt ra
là lãi suất huy động đã tăng, vậy bao giờ lãi suất cho vay tăng thêm? NHNN đã
nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho 12 ngân hàng cách đây vài tháng (có
ngân hàng được nới lên mức rất cao, từ 20-30%) nhưng riêng đối với nhóm ngân
hàng TMCP gốc quốc doanh như VietinBank, Vietcombank thì trần tín dụng vẫn
đang được “ghìm cương” ở mức tối đa 16%.
Với mức trần
tăng trưởng tín dụng ở mức không quá cao này, nhiều khả năng lãi suất huy
động ở nhóm các ngân hàng tốp đầu sẽ không chịu sức ép quá lớn. Do đó, cuộc
đua lãi suất huy động (nếu có) phần nào sẽ được hạn chế, có thể chỉ diễn ra
trong nhóm các ngân hàng quy mô nhỏ và vừa.
Về mặt bằng lãi
suất cho vay, dường như Chính phủ vẫn đang nỗ lực để duy trì một mặt bằng lãi
suất ổn định, tránh phải tăng trong thời gian tới. Định hướng giảm lãi suất
trong bối cảnh hiện tại là vô cùng khó khăn nếu như không muốn nói là không
thể. Do vậy, giữ được mặt bằng lãi suất không tăng đã được coi là thành công.
Một tín hiệu
quan trọng để nhà đầu tư theo dõi là tình hình đấu thầu TPCP trên thị trường
sơ cấp. Đã tám tháng qua đi, khối lượng phát hành chưa đạt 40% kế hoạch, áp
lực bù đắp bội chi ngân sách không phải là nhỏ nhưng động thái của nhà điều
hành trên thị trường này lại tỏ ra khá “đủng đỉnh”.
Việc TPCP “ế”,
không bán được hết khối lượng gọi thầu đã diễn ra được hơn hai tháng nay
nhưng Kho bạc Nhà nước vẫn không có động thái điều chỉnh tăng lãi suất nào
đáng kể. Kể từ giữa tháng 6 đến nay, lãi suất TPCP kỳ hạn năm năm chỉ dao
động quanh mức 5,39-6,45%/năm trong khi kỳ vọng của thị trường cao hơn rất
nhiều (lãi suất đặt thầu dao động từ 6,4-7,5%/năm). Nhà điều hành chắc chắn
biết rõ về độ “vênh” này nhưng vẫn chưa có động thái nào quyết liệt để cải
thiện tình hình.
Chưa rõ Bộ Tài
chính sẽ cân đối thu chi bù đắp ngân sách ra sao khi hoạt động phát hành TPCP
không hoàn thành kế hoạch nhưng nhiều khả năng mục tiêu phát hành trái phiếu
đang tạm thời nhường chỗ cho ưu tiên ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, thúc
đẩy tín dụng cho khu vực doanh nghiệp!
(Theo TBKTSG) Linh Trang
|
Chủ Nhật, 20 tháng 9, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét