Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Phải học thêm vì... bị ép?

Cập nhật lúc 07:00

 Việc học sinh bị gợi ý, ép học thêm đang diễn ra ở nhiều trường tại TP.HCM khiến phụ huynh bức xúc, học sinh mệt mỏi...



Học sinh tại một lớp học thêm tiếng Anh - Ảnh: Lam Ngọc
Thầy giáo liên tục gọi điện “hỏi thăm”


Học tới 12 tiếng/ngày
Chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung (Q.3, TP.HCM) cho biết: “Mặc dù không còn tính điểm cho bậc tiểu học nhưng tôi vẫn cho con học thêm. Thậm chí có những ngày con tôi phải học tới 12 tiếng. Vừa học xong trên lớp, đón con về nhà tôi chỉ kịp pha nước cam cho con là đưa con tới lớp học thêm ngay. Trên đường đi tranh thủ mua bánh mì cho con ăn tạm. Nhiều hôm đưa con vào lớp học xong tôi phải đợi kết thúc là lật đật chạy đưa con đi học tiếp ca 2. Thấy mệt nhưng không học không được...”.

Vừa bước vào năm học mới chưa đầy một tháng nhưng nhiều phụ huynh, học sinh (HS) đã tỏ ra mệt mỏi khi liên tục bị giáo viên chủ nhiệm, thầy cô một số bộ môn chính như văn, toán gọi điện “hỏi thăm”. Họ kêu trời vì phải học thêm quá nhiều nơi, nhiều thầy, mà hiệu quả không tới đâu.
Tỏ ra khá bức xúc, chị V.C (phụ huynh HS Trường THCS Bình An, Q.2) cho biết: “Thầy lại mới gọi điện cách đây mấy hôm. Thầy gọi bảo con em học yếu phải đi học thêm”. Theo chị C.: “Cháu học cũng rất tốt nhưng lên lớp 6 thầy giáo của cháu lại thường xuyên gọi điện về nhà gợi ý đi học thêm”. Chị C. cho biết thêm: “Khi thấy học thầy lâu nhưng không có hiệu quả, tôi ngỏ ý cho con nghỉ chuyển qua học thêm thầy khác nhưng thầy cản. Thầy nói học ai thì chỉ nên học một người không nên học thêm ở nhiều nơi”. Do thấy con bị hổng kiến thức, chị C. đành phải… lén cho con học thêm ở trung tâm vì sợ thầy làm khó con ở các buổi học chính khóa.
Chị P.K, cũng phụ huynh trường này, bức xúc: “Vào năm học lớp 6 tôi sợ con không theo kịp chương trình nên đăng ký với các thầy bộ môn chính cho con học thêm tại nhà. Học được một kỳ con tôi xin nghỉ một số môn với lý do thầy dạy chán; tôi cũng tìm cách xin cho cháu nghỉ học với lý do công việc quá bận nên không thể đưa đón, nhưng thầy dạy văn đề nghị ngay là thầy sẽ tới tận nhà đón cháu qua nhà thầy học...”.
Phải chuyển trường cho con
H.M (HS một trường Q.1, trước đây học ở Trường THCS Bình An, Q.2) kể: “Hầu hết các bạn trong lớp em đều không thích học thêm thầy T. vì thầy thường tới lớp học rất trễ. Lịch học là từ 8 giờ tới 11 giờ nhưng thường 10 giờ thầy mới tới lớp (lớp tổ chức vào sáng thứ bảy, chủ nhật - PV)”.
Nhiều HS trong lớp học thêm này tỏ ra ngao ngán vì thầy thường để ý xem HS có đi học thêm ở đâu khác lớp của thầy không. Một HS nói thẳng: “Em thấy học thầy rất chán nhưng nếu không đi học thêm thì thầy thường gây khó dễ trên lớp bằng cách gọi lên bảng hỏi cắc cớ những câu rất xa bài học. Vì sợ thầy ghét, cho điểm thấp nên em nói với ba mẹ cứ đóng tiền học thêm cho thầy nhưng em sẽ nghỉ. Chỉ khi nào sắp kiểm tra em mới tới lớp để biết trước đề…”.
Nhận thấy học thêm nhiều nhưng hiệu quả không tới đâu, nhiều phụ huynh quyết định cho con nghỉ. Tuy nhiên khi nghỉ rồi thì lại thường xuyên nghe phản ánh của thầy cô qua điện thoại. Vì quá mệt mỏi, nhiều phụ huynh chọn giải pháp là xin chuyển trường cho con.
“Sau khi chuyển trường con tôi phải học trái tuyến, xa nhà. Trước đây cháu có thể tự đi xe đạp thì bây giờ tôi phải xin nghỉ việc nửa tiếng về đưa đón con. Dù nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn chấp nhận”, chị K. chia sẻ.
Không tính điểm, học sinh tiểu học vẫn học thêm
Hai năm nay dù các trường tiểu học đã thực hiện Thông tư 30 thay việc chấm điểm cho HS bằng nhận xét nhưng tình hình học thêm của HS tiểu học vẫn chưa có dấu hiệu giảm.
Theo một thống kê nhỏ các phụ huynh đợi đón con ở một số trường tiểu học Q.3 (TP.HCM), trong khoảng 100 phụ huynh thì tất cả đều đang cho con học thêm với nhiều hình thức như học tại nhà, ở trung tâm, học thêm thầy cô chủ nhiệm. Thậm chí nhiều phụ huynh còn vừa cho con học thêm ở nhà cô giáo chủ nhiệm vừa học gia sư và ở trung tâm các môn cơ bản như toán, tiếng Việt và tiếng Anh. Phần lớn những phụ huynh này cho rằng nếu không học thêm con mình sẽ không theo kịp các bạn cùng lứa vì các bạn khác đi học thêm. “Việc học thêm bây giờ không phải vì điểm số mà giống như một cuộc đua”, một phụ huynh cho biết.
Dạy thêm vì sức ép từ nhà trường và phụ huynh !
Phóng viên Thanh Niên  tiếp xúc với ông T. (giáo viên Trường THCS Bình An ở Q.2) bị nhiều phụ huynh tố cáo là ép HS học thêm, thường xuyên bỏ mặc HS trong lớp học thêm, chửi mắng nhục mạ HS. Ông T. cho biết: “Một lớp học chính khóa có gần 40 HS nhưng những lớp học kèm của tôi chỉ khoảng dưới 10 HS. Vậy nếu nói tôi ép HS học thêm thì phải chăng là ép chưa đúng “bài” nên mới ít HS như vậy?”. Ông T. cho rằng quy định cấm học thêm nhưng vẫn cho phép dạy kèm với điều kiện lớp học dưới 10 người. “Tôi tuy có dạy nhiều lớp nhưng mỗi lớp chỉ khoảng 7 - 8 em, như vậy được xem là dạy kèm chứ không phải là dạy thêm. Mà nếu là dạy kèm thì hoàn toàn không vi phạm quy định”, ông T. khẳng định với phóng viên. Tuy nhiên, có mặt ở một ngôi nhà tại Q.2 do ông T. thuê lại vào các ngày cuối tuần, chúng tôi thấy nhiều lớp học đều có sĩ số quá 10 HS.
“Do sức ép từ phía nhà trường và phụ huynh quá lớn nên để cải thiệm điểm số nhiều thầy cô không còn cách nào khác ngoài việc tổ chức học thêm”, ông T. nói.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Tiến Hiệp, Hiệu trưởng Trường THCS Bình An, cho rằng: “Tôi đã đảm bảo không để việc dạy thêm, học thêm diễn ra trong nhà trường. Còn việc các thầy, cô ra ngoài dạy thêm là việc của người khác”.
(Theo Thanh niên) Lam Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét