Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

TKV, EVN xin chuyển lỗ vào giá điện: Khó mà thông cảm...

Cập nhật lúc 13:22    

(Doanh nghiệp) - Giá điện bao nhiêu phần phụ thuộc tỉ giá? Thua lỗ do mưa lũ có được tính do tỉ giá không?... Tất cả phải cần phải minh bạch.

Không công bằng với dân
Hết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), giờ lại tới lượt Petrolimex phàn nàn về chính sách điều chỉnh tỉ giá khiến các tập đoàn này lỗ lớn. Từ đó, TKV xin chuyển lỗ tỉ giá vào giá điện, còn EVN lại xin tăng giá để bù lỗ. 
TKV, EVN xin chuyen lo vao gia dien: Kho ma thong cam...
Người dân mò than trong trận lũ
Th.S Bùi Ngọc Sơn cho rằng, TKV, EVN xin chuyển lỗ do chênh tỉ giá vào giá điện là không công bằng. Dựa trên cơ chế thị trường, một doanh nghiệp khi làm ăn, kinh doanh phải chấp nhận “được ăn, thua chịu”.
Điều chỉnh tỉ giá là chính sách chung của nhà nước, cả nền kinh tế phải chịu tác động không riêng gì TKV hay EVN. Vì vậy, các doanh nghiệp phải chủ động tìm cách xoay trở, giảm chi tiêu, cắt giảm nhân sự… không thể đẩy lỗ sang cho người tiêu dùng.
Theo ông Sơn, mức lỗ của TKV, PVN, EVN là do chênh lệch tỉ giá khi vay vốn đầu tư. Ví dụ, khi chưa thay đổi chính sách tỉ giá các tập đoàn này vay khoảng 2.000 tỷ USD, phải trả lãi 100.000USD. Khi điều chỉnh chính sách tỉ giá thì DN phải bỏ ra 2,3 tỷ đi mua 100.000 USD để trả nợ. Khoản chênh lệch này DN phải bù vào. Thiệt thòi này không chỉ khu vực DNNN mà ngay cả DN tư nhân cũng đang gánh chịu.
TKV có than thở về chuyện chênh lệch tỷ giá đã khiến lĩnh vực điện của TKV phát sinh khoản lỗ khoảng 1.200 tỷ đồng. EVN lại kêu số lỗ có khả năng còn cao gấp 10 lần con số mà TKV đưa ra, tức là khoảng 12.000 tỷ đồng rồi đồng loạt xin cho phân bổ vào giá điện để bù lỗ là đề xuất rất vô lý. Đòi hỏi này dù vô lý vẫn được phát đi là do vị thế độc quyền của các tập đoàn kinh tế của nhà nước, từ trước tới nay luôn được hưởng một chính sách đặc quyền, đặc lợi. Cứ lỗ là xin tăng giá, xin là được, nên mới có câu chuyện biết vô lý vẫn đòi.
Khi nền kinh tế phát triển theo định hướng cơ chế thị trường, điều quan trọng nhất là có được môi trường phát triển bình đẳng.
“Khu vực tư nhân cũng đang bị ảnh hưởng, họ có được xin chuyển lỗ không và nếu được chuyển lỗ thì chuyển vào đâu?”, ông Sơn đặt câu hỏi. Vì lý do trên, ông Sơn kiên quyết cho rằng không thể chấp nhận cái cách thức tăng giá để bù lỗ tỉ giá được. Đã làm ăn, lỗ doanh nghiệp phải chấp nhận.
Quen ỉ lại
Ông Sơn cũng nói thẳng, từ sự tác động của một chính sách đã cho thấy thói quen bị động, ỉ lại không có kế hoạch ứng phó với biến động của môi trường, thể chế. Vì vậy, khi một chính sách thay đổi đã khiến đồng loạt các ông lớn lao đao. Việc này có 3 nguyên nhân:
Thứ nhất, cách làm chính sách giật cục, không có thời gian cho doanh nghiệp chuẩn bị, ứng phó.
Thứ hai, do độc quyền nên quen dựa dẫm, quen được hưởng những đặc quyền, đặc lợi. Cứ khó lại xin.
Thứ ba, cách thức quản lý không minh bạch, không thể tính toán được lỗ thực là bao nhiêu?
“Làm sao để khẳng định TKV, EVN, PVN không nhân câu chuyện này để tính hết cả giá xây biệt thự, mua siêu xe, đầu tư ngoài ngành thua lỗ vào hết giá điện?”, ông Sơn đặt câu hỏi.
Vì thế, vị chuyên gia cho rằng, nếu Bộ Công thương chấp thuận đề xuất chuyển lỗ tỉ giá vào giá điện khi mọi chi phí lỗ lãi chưa minh bạch thì sẽ không công bằng với người dân và khu vực kinh tế tư nhân. Đây không được gọi là cách thức làm ăn theo cơ chế thị trường mà theo kiểu DN quản lý, nhà nước điều hành, điều tiết. 
Trong khi đó, từ đầu năm 2015, EVN vẫn báo cáo lãi lớn lên tới 1.500 tỷ. Dựa vào số liệu giá điện bình quân và giá điện bán ra thị trường EVN vẫn đang được hưởng lãi quá nhiều. Điều này đã gây ra tâm lý rất khó hiểu trong dư luận.
"Khi cần khoe thì báo lãi, khi cần xin tiền lại báo lỗ. Không thể có được con số nào chính xác ở các doanh nghiệp này. Như vậy, rất khó có được cái nhìn thông cảm với những doanh nghiệp này”, ông Sơn chia sẻ.
Phi kinh tế?
Nói về câu chuyện này, một chuyên gia khác cho biết, trong mấy năm gần đây tỉ giá giữa đồng USD và đồng Việt Nam gần như phẳng, không có thay đổi gì nhiều. Sự thay đổi chỉ diễn ra trong khoảng 1 tháng trở lại đây khi Chính phủ có chủ trương thay đổi chính sách tỉ giá trong nước sau khi Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ.
Vì vậy, có vấn đề cần phải làm rõ như sau: Thứ nhất, trong cơ cấu giá điện, giá than hiện nay TKV, EVP, PVN phải tách bạch rất rõ ràng phần nào phụ thuộc vào tỉ giá?. PVN, TKV  mua, bán gì theo đồng USD có minh bạch được không?.
Thua lỗ trong trận mưa lũ vừa rồi TKV có tính do tỉ giá không? Trong khi một tập đoàn lớn như vậy, nhưng lại hoàn toàn không có một chiến lược nào để ứng phó trước thay đổi bất thường của thời tiết, không có phương án chủ động đối phó, phương án thoát nước… mới mưa đã như vậy. Nên mới có nghịch cảnh mưa thì mang ô để che than.
Giá điện cũng vậy. Nước, thủy năng là tài nguyên trong nước, không phải đi mua, không phụ thuộc vào đồng USD. Lương của cán bộ công nhân viên ngành điện cũng là lương trả bằng tiền Việt Nam, không phụ thuộc vào USD. Vậy, EVN phụ thuộc tỉ giá phần nào?
Từ đó, vị chuyên gia yêu cầu: “TKV, PVN, EVN phải minh bạch tất cả. Trong 1.622 đồng/kW điện, có bao nhiêu đồng bị phụ thuộc tỉ giá? Bao nhiêu phần trăm tự sản xuất? Có phải tất cả đều phụ thuộc vào tỉ giá hay không?”. Ông nói thẳng, cả TKV, PVN và EVN đang cho thấy một cách làm phi kinh tế, phi khoa học…
“Không thể đổ thừa lý do tỉ giá thay đổi để tính vào giá điện. Khi chưa minh bạch đã đòi tăng giá để bù lỗ là không chấp nhận được”, vị chuyên gia giấu tên nói thẳng.
(Theo Đất Việt) Vũ Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét