Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

“Nền dân chủ phương Tây” và sự khủng hoảng niềm tin
(Tiếp theo)
Cập nhật lúc 08:02     
  
Về chống tham nhũng: Điều này cho thấy quyền lực nhà nước không chỉ là quyền lực để bảo vệ công dân, mà một phần bị lạm dụng để làm giàu cho riêng mình. Nếu nhà nước sử dụng quyền lực để làm lợi cho cá nhân, thì nhà nước lạm dụng sự tín nhiệm của công dân. Các chỉ số được Ngân hàng Thế giới cung cấp, cho biết phạm vi đánh giá của người dân về quy mô của sự lạm dụng quyền lực. Nếu chỉ số càng cao thì việc kiểm soát tham nhũng qua người dân càng tốt và lòng tin của người dân vào hệ thống càng cao.

Về hiệu quả của hành chính công: Là một phần của hệ thống chính trị công cộng nên hành chính công cũng phải được xem xét. Chỉ số này cho biết nhận thức của công dân về hiệu quả và chất lượng hành chính công. Điều này cũng độc lập với các áp lực chính trị, chất lượng xây dựng chính sách và thực hiện cũng như độ tin cậy của các cam kết chính phủ đối với các chính sách. Các chỉ số giá trị cao hơn thì cảm nhận về hiệu quả và chất lượng của cơ quan hành chính càng cao và người dân tin tưởng càng nhiều. Các dữ liệu lấy từ các hồ sơ dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.
Từ quan điểm tiếp cận và nghiên cứu như vậy, công trình đã đưa ra kết quả trong bảng bên, trong đó: (1) là vị trí theo bậc thang, (2) là điểm số theo mức điểm 0-100.
Trong phần kết luận, hai tác giả viết: “Chủ đề lòng tin có tầm quan trọng lớn không chỉ trong quan hệ giữa con người với con người. Cả trong chính trị, kinh tế, các phạm vi xã hội, câu hỏi về lòng tin ngày càng được chú ý từ vài năm nay. Với tiến trình toàn cầu hóa, nhu cầu tin tưởng tổng quát vào lực lượng từ bên ngoài tăng nhanh, các nguy cơ lợi dụng lòng tin cũng tăng theo, trở nên phức tạp hơn. Các nhà khoa học của nhiều lĩnh vực khác nhau đã đưa lòng tin vào chủ đề nghiên cứu của mình. Ngoài việc giải trình lý thuyết và nhận thức, nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã phân tích mối quan hệ tin cậy giữa các cá nhân, tác động của sự tin cậy trong quan hệ con người với các yếu tố liên quan kinh tế cũng như các mối liên quan giữa niềm tin của con người với các tập đoàn kinh tế lớn. Vì sự tin tưởng đóng một vai trò quan trọng, cần phải nhận biết có bao nhiêu niềm tin đang tồn tại trong một quốc gia. Ở khía cạnh này, phải xác định lòng tin được đo trong phạm vi nào. Từ góc độ kinh tế và khoa học xã hội, các phạm vi như chính trị, kinh tế và xã hội cho chúng ta các khả năng phân tích liên quan và thú vị. Ngoài ra, chúng tạo nên trong tranh luận khoa học những khái niệm bổ trợ được sử dụng nhiều và ở cấp độ vĩ mô, phần lớn được xem là những hệ thống hoàn toàn khác nhau. Do đó, sự so sánh lòng tin theo bình diện quốc tế đối với hệ thống chính trị, hệ thống kinh tế và hệ thống xã hội, chủ yếu dựa vào chỉ số lòng tin đo được bằng khảo sát thị trường và thăm dò dư luận. Bên cạnh việc nghiên cứu lòng tin vào các hệ thống ở những nước châu Âu khác nhau, thì công trình này đem lại các kết quả sâu sắc của khoảng thời gian liên tục 14 năm liền”.
Một đánh giá của ông M. Huýt-thờ (M. Huether), Giám đốc Viện Nghiên cứu Kinh tế Cologne trong những ngày qua được rất nhiều tờ báo và tạp chí trích dẫn là, ở châu Âu: “có một vòng tròn luẩn quẩn của khủng hoảng kinh tế và sự mất lòng tin vào chính trị” (trong tiếng Đức, ông này dùng từ Teufelkreis - vòng tròn ma quỷ - HNT). Theo tác giả, những nước dẫn đầu bảng là “những nước ở đó có sự kết hợp hài hòa giữa lòng tin và sự kiểm soát”, và “để lấy lại lòng tin của người dân cần phải có một quãng thời gian tương đối dài”. Kết quả điều tra cho thấy, nếu tổng sản phẩm quốc nội thấp thì lòng tin của người dân vào nhà nước và chính trị cũng thấp theo, thí dụ các nước phía nam châu Âu. Nhưng tác giả cũng nhấn mạnh, điều này không đúng với Cộng hòa Pháp và Vương quốc Anh, tuy ở vị trí trước CHLB Đức nhưng ở Vương quốc Anh “sự chán chường nhà nước ngày càng trầm trọng”. Cũng theo ông M. Huýt-thờ thì “trong một quãng thời gian dài, ở một số nước thành viên của EU, sự thiếu lòng tin được che đậy bằng đồng EURO”.
Trong bảng bậc thang, CHLB Đức đứng thứ bảy, thuộc vào nhóm “top 10”. Điểm mạnh của Đức là lòng tin vào hệ thống kinh tế, nhưng lòng tin vào hệ thống chính trị lại đứng sau Đan Mạch, Phần Lan, Thụy Điển, Thụy Sĩ và Hà Lan. Điều này cũng dễ hiểu, bởi trong các nghiên cứu khác trước đó cũng đã chỉ ra xu hướng chán chường chính trị. Thí dụ, trên cổng thông tin Statista, một trong những trang mạng thống kê lớn nhất trên Internet, người quan tâm có thể đọc dữ liệu về kết quả thăm dò dư luận do Viện Bertelsmann - Stiftung (Bet-the-sơ-man) thực hiện vừa qua. Khi được hỏi, tại sao lại chán chường chính trị, thì 61% số người được hỏi trả lời: không thể đồng cảm với những gì đang xảy ra trong chính trị; 54%: trong chính trị hay lừa đảo; 46%: quan tâm hơn tới các vấn đề khác; 45%: có cảm giác không thể tác động được gì; 38%: thất vọng với chính trị và các chính trị gia. Theo con số công bố trên báo chí vào ngày 16-7-2015, trong năm 2014, các đảng trong liên minh cầm quyền ở CHLB Đức vẫn tiếp tục suy giảm số lượng đảng viên, cụ thể so với 2013, Đảng Dân chủ xã hội Đức (SPD) mất 2,9%, còn 459.902 đảng viên (năm 1977 đảng này có một triệu đảng viên, những năm 80 của thế kỷ trước còn 900.000 đảng viên); Đảng Liên minh dân chủ Kitô giáo Đức (CDU): mất 2,1%, còn 457.488 đảng viên (những năm 90 của thế kỷ trước, đảng này có tới 750.000 đảng viên); Đảng Liên minh xã hội Kitô giáo Bayern (CSU) mất 1,2% còn 146.536 đảng viên (năm 1999 đảng này có 186.198 đảng viên)…
Không ai phủ nhận thực tế, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, hoàn thiện xã hội và nâng cao đời sống mọi mặt của con người,… Việt Nam đã và đang học hỏi kinh nghiệm của nhiều nước, trong đó có các nước phương Tây, đặc biệt là học hỏi để xây dựng hệ thống nhà nước pháp quyền, xây dựng và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, học hỏi như thế nào cũng cần nhận biết một cách khách quan về khó khăn, trở ngại, cần vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể như: sự lựa chọn xu hướng phát triển, hoàn cảnh lịch sử, truyền thống văn hóa,… không chấp nhận một nền dân chủ bị áp đặt từ bên ngoài, hoặc là mô phỏng một cách máy móc, bất chấp các đặc điểm riêng. Và cũng cần lưu ý tới hiện tượng “ngọn cờ dân chủ” trở thành chiêu bài để gây chiến tranh, hoặc làm xã hội rối loạn, bất ổn như đã xảy ra ở I-rắc, Áp-ga-ni-xtan, Li-bi,… 
(Theo Nhân dân) HỒ NGỌC THẮNG
(Lược dịch và tổng thuật)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét