Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Có nên ưu tiên việc "cầm biển ra đường" tạo dư luận?

Cập nhật lúc 13:47

TS. Nguyễn Thiện Tống cho rằng, nếu có sơ xuất thì phải xem xét một cách hệ thống chứ không thể đi giải quyết từng sự vụ như vậy.

Mới đây Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã trực tiếp gọi điện cho lãnh đạo trường ĐH Cần Thơ để xem xét và nhận anh Trần Văn Sâm vào học sau khi anh này cầm biển "kêu cứu" ngoài chợ.
 
TS. Nguyễn Thiện Tống
Trước cách hành xử này, TS. Nguyễn Thiện Tống cho rằng hành động của Bộ trưởng sẽ tạo tiền lệ không hay vì ai có chuyện gì cũng sẽ cầu cứu lên Bộ trưởng. Nếu có sơ xuất thì phải xem xét một cách hệ thống chứ không thể đi giải quyết từng sự vụ như vậy.
Ông Nguyễn Thiện Tống cũng cho rằng: “Nếu Bộ trưởng chưa nghiên cứu kỹ mà đã chỉ đạo sẽ tạo tiền lệ không hay và sẽ khuyến khích người khác làm việc đó”. Thậm chí theo ông, việc làm của Bộ trưởng còn khiến ông bị “mang tiếng” vì đã "chỉ đạo".
Về việc anh Sâm cầm tấm bảng “kêu cứu”, TS. Tống nhận định đó là việc cá nhân của anh với mục đích tạo ra dư luận. Tuy nhiên ông cũng cho rằng: “Làm thì làm nhưng nếu không có lý thì không thể vì áp lực đó mà trường phải nhận”.
“Anh Sâm làm vậy và được chỉ đạo nhận vô thì sẽ nghĩ mình làm đúng. Cách của anh ta không hay, nhưng do Bộ trưởng chỉ đạo nên sau này bất kỳ ai gặp sự việc tương tự lại làm như thế, từ đó sẽ gây ra sự lộn xộn. Nó khiến người lãnh đạo bị phân tâm” – ông Tống nói.
Về quyết định của ĐH Cần Thơ, theo ông Tống, nếu trước đó trường từ chối sai thì phải sửa sai. Còn nếu hồi đó từ chối đúng mà bây giờ lại nhận vào là sai nguyên tắc. Không thể vì anh Sâm cầm bảng rồi Bộ trưởng chỉ đạo mà phải nhận vào.
Trước đó báo Pháp luật TP.HCM cho biết, vào ngày 31/8, anh Trần Văn Sâm (24 tuổi) cầm một tấm bảng trước ngực với nội dung: “Thi được 26,5 điểm nhưng vẫn không được đến trường. Xin hãy giúp em!”.
 
Tấm bảng anh Sâm cầm để "kêu cứu". Ảnh: P. Nam
Theo đó anh Sâm được Sở Y tế Bình Thuận cử đi thi liên thông (một kỳ thi riêng, tách biệt với kỳ thi quốc gia) ngành y đa khoa (khóa 2015 - 2019) tại ĐH Cần Thơ và được 26,5 điểm, số điểm này cao nhất trong số 91 thí sinh mà tỉnh Bình Thuận cử đi thi.
Tuy nhiên khi anh đi nhập học thì mới biết mình không có trong danh sách trúng tuyển, trong khi 22 thí sinh được tỉnh cử đi đã trúng tuyển dù có số điểm thấp hơn anh. Lý do sau đó được xác định là anh Sâm chỉ là nhân viên hợp đồng, chưa được tuyển dụng chính thức, nhưng khi đăng ký dự thi Bệnh viện Phan Thiết đã cập nhật thông tin nhầm lẫn.
Sau khi sự việc được các cơ quan truyền thông đưa tin, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã chỉ đạo ĐH Cần Thơ xem xét nhận anh Sâm vào học. Tới ngày 31/8 anh Sâm đã nhận được thông báo của trường ĐH Cần Thơ cho biết tên anh đã được bổ sung vào danh sách trúng tuyển.
TS Nguyễn Thiện Tống sinh năm 1947 tại Quảng Trị (gốc Huế). Ông tốt nghiệp đại học và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ về Kỹ thuật hàng không tại Đại học Sydney (Australia). Sau đó ông tiếp tục tốt nghiệp Thạc sỹ ngành Quản trị hành chính công tại Đại học Havard (Hoa Kỳ). 
Ông nguyên là Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không của ĐH Bách Khoa TP.HCM và từng tham gia vào chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright. 
Không chỉ là một chuyên gia về hàng không, ông còn có những đóng góp vào việc sửa đổi và hoàn thiện Luật Giáo dục và những vấn đề liên quan.
(Theo Infonet) Nguyễn Cường

Ở ta bây giờ lãnh đạo rất quen xử lí công việc chạy theo dư luận. Điều này thể hiện bản lĩnh, năng lực cán bộ chưa đủ tầm. Trong một xã hội thì không thiếu những chuyện bất cập. Ví như chuyện dự kiến xây tượng Bác 1400 tỉ; chuyện xây cầu chỉ có hai hộ dân đi; chuyện lạm thu tại Hà Tĩnh; gẫy cầu treo hay chui túi qua sông mới được xây cầu mới v.v… Nếu cán bộ giỏi thì phải nhận ra đằng sau những chuyện trên là cái gì, sâu xa, gốc rễ là gì, có như vậy mới giải quyết được căn nguyên. Giải quyết cái ngọn, chạy theo sự vụ như trên thì cán bộ có đông gấp ba bốn lần vẫn… lực lượng mỏng.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét