“Chạy chức, chạy quyền là hệ quả của quản lý kém”
Cập nhật lúc 13:13
Ông Lê Quang Thưởng: Theo tôi, chạy
chức, chạy quyền là hệ quả của quản lý kém và là hệ quả của mặt trái cơ chế
thị trường tác động vào hệ thống chính trị và công tác cán bộ.
Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Báo
điện tử VOV vừa tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Cách mạng Tháng
Tám và bài học về trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Các vị khách mời tham gia chương trình gồm: PGS.TS Nguyễn Trọng
Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ
Chí Minh); PGS.TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy
ban Thường vụ Quốc hội; Ông Lê Quang Thưởng - Nguyên Phó Trưởng ban Thường
trực Ban Tổ chức Trung ương.
PV: Trong
tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”(viết tháng 10/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã
khẳng định “cán bộ là cái gốc của mọi việc”, “công việc thành công hoặc thất
bại đều do cán bộ tốt hay kém”. 70 năm qua, những thành tựu phát triển kinh tế
- xã hội có vai trò tích cực của các cá nhân lãnh đạo, của vai trò tập hợp tinh
hoa trí tuệ của Đảng để đưa ra các quyết sách đúng. Các vị khách mời nghĩ sao
về nhận định này?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Có
thể nói, quá trình định hình ra công tác cán bộ của Đảng thì Ban Tổ chức Trung
ương đã tổng kết chặng đường 70 năm Đảng cầm quyền và suy nghĩ về cán bộ của
mình. Nhưng xa hơn, phải nhìn lại lúc Bác Hồ đào tạo cán bộ ở Quảng Châu (Trung
Quốc) để đi đến kết luận cán bộ là cái gốc của mọi công việc và huấn luyện cán
bộ là công việc gốc của Đảng.
Trải qua các thời kỳ, từ Cách mạng Tháng Tám giành độc lập năm 1945 cho đến 2
cuộc kháng chiến, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và xây dựng Chủ nghĩa xã
hội trên cả nước đều theo tư duy cũ. Khi xây dựng đất nước theo con đường đổi
mới, nhận thức về Chủ nghĩa xã hội theo tư duy mới thì công tác cán bộ phải đáp
ứng được đòi hỏi của mỗi một thời kỳ lịch sử.
Khái
quát lại, tất cả các thời kỳ ấy đều có chung một vấn đề - “Cán bộ là yếu tố
quyết định”. Cán bộ giỏi thì phong trào phát triển và thành công, cán bộ kém
thì phong trào kém mà thậm chí có thể thất bại. Sau khi có đường lối đúng, mà
cán bộ không đủ sức hoàn thành trách nhiệm lịch sử thì cách mạng khó mà thành
công. Đó là bài học của lịch sử.
Tôi
nghĩ rằng, trong tất cả chuẩn mực của cán bộ hiện nay, như Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng đã nói trong bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11: Lần này, chúng ta
lựa chọn cán bộ vào Trung ương, vào các cấp Ủy phải hết sức nghiêm túc để không
lọt những người cơ hội về chính trị, thiếu bản lĩnh, không kiên trì lý tưởng
mục tiêu, làm trái đường lối quan điểm của Đảng, phạm phải những vấn đề đạo
đức, tham những và những vấn đề khác…
Vừa
rồi, chúng ta đã nói một số bài học về lịch sử của công tác lựa chọn con người.
Tôi thấy hiện nay vẫn có chiến lược về tập trung đào tạo nhân lực. Cán bộ lãnh
đạo của Đảng, Nhà nước là nguồn nhân lực. Nếu nguồn nhân lực ấy có trình độ
cao, ngoài bản lĩnh, phẩm chất đạo đức thì phải có trí tuệ trong yêu cầu công
nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hội nhập quốc tế, để đưa đất nước thoát khỏi
tình trạng tụt hậu về kinh tế so với các nước.
Người
lãnh đạo có tầm trí tuệ, mới có tư duy chiến lược và từ đó mới hoạch định và
làm phong phú thêm nội dung cương lĩnh đường lối, mới có thể hoàn thành sứ mệnh
lịch sử của thời gian sắp tới, trong sự phát triển của đất nước. Còn đương
nhiên, về mặt quy trình để lựa chọn cán bộ thì phụ thuộc vào mấy bước như đánh
giá cán bộ khách quan, trung thực để lựa chọn người tài, rồi đưa vào quy hoạch,
sau đó là đào tạo, bồi dưỡng một cách nghiêm túc, thứ 4 là sắp xếp cán bộ và cuối
cùng là luân chuyển cán bộ.
Từ
ngày xưa, chúng ta đã thấy “các cụ” luân chuyển cán bộ rất giỏi. Chúng ta mới
có Nghị quyết 01 của Bộ Chính trị khóa IX về luân chuyển cán bộ… Tất cả bước
ấy, trong điều kiện hiện nay thì phải trở lại những bài học và kinh nghiệm của
công tác cán bộ trong những năm vừa qua để suy nghĩ về đường hướng sắp tới.
Nếu
công tác cán bộ của chúng ta thành công, lựa chọn nhân tài đúng đắn thì nhất
định, bước phát triển của đất nước sẽ tốt đẹp hơn. Các cụ xưa đã tổng kết: “Tuy
mạnh yếu có lúc khác nhau nhưng hào kiệt không đời nào cũng có”, có điều chúng
ta có tìm ra hay không.
Cán
bộ trí thức, Đảng viên của chúng ta nhiều người giỏi lắm, lựa chọn và bố trí sử
dụng thế nào cho thích hợp, tạo khoa học và nghệ thuật trong lãnh đạo, quản lý
hiện nay.
Ông Lê Quang Thưởng: Theo
tôi, đường lối chính trị là số 1, đường lối tổ chức là số 2, rồi mới đến công
tác cán bộ. Nhưng khi đã có 2 cái kia rồi, mà không làm tốt công tác cán bộ thì
hỏng, không làm ăn được gì. Nên chúng ta mới đưa ra khái niệm, công tác cán bộ
là cái gốc của công việc.
Để
làm được điều này, chính là phải đi theo đường lối của Đảng, theo lời dạy của
Bác Hồ về vấn đề dùng người, phát hiện nhân tài, lựa chọn con người và sử dụng,
bồi dưỡng họ để họ trưởng thành, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao phó.
Chúng
ta đã có thời kỳ dài – 70 năm có Đảng, đã đúc kết được những bài học khá quan
trọng về công tác cán bộ. Mà Cách mạng Việt
Lúc
Cách mạng Tháng Tám, cả nước chỉ có 5.000 đảng viên, nhưng những cốt cán của
Đảng lôi kéo hàng triệu quần chúng đi theo, làm nên sự nghiệp. Sau này, Đảng
phát triển lên hàng triệu đảng viên, càng ngày càng mạnh lên. Trong đội ngũ
đảng viên ấy, có bộ phận trở thành cán bộ của Đảng, của Nhà nước từ thấp đến
cao. Họ thấm nhuần đường lối chính trị, đường lối tổ chức của Đảng và hoàn
thành nhiệm vụ của Đảng giao phó.
Bây
giờ, chúng ta thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa,
những vấn đề tích cực và tiêu cực đan xen nhau. Theo tôi nghĩ, không biết có
chủ quan không nhưng vấn đề cán bộ bây giờ khó hơn. Việc đánh giá sao cho đúng
là điều rất khó, từ quá trình làm việc, từ vị trí... Có nơi làm được, có nơi
không. Chúng ta biết có nhiều cán bộ ở cấp tương đối cao mà tham nhũng lớn, đó
là hậu quả của việc đánh giá, sắp xếp, đề bạt cán bộ quan liêu, không đúng.
Nhưng
nói đi phải nói lại, sự nghiệp cách mạng của chúng ta phát triển chính là số
đông trong đội ngũ của Đảng vẫn là người tốt. Giờ thấy tiêu cực nhiều quá mà
cho rằng hỏng cả là không phải. Đảng lâu nay vẫn nói là một bộ phận cán bộ tiêu
cực, gần đây lại nói là “một bộ phân không nhỏ”. Chỉ khi tin tưởng đại đa số
vẫn là người tốt thì mới tin vào đường lối của Đảng.
Khi sử dụng nhân tài, Bác rất chú ý tới tư
cách phẩm chất
PV: Nhiều năm qua, chúng ta đã thực hiện nhiều
cuộc chỉnh đốn lớn trong Đảng, thực chất là chỉnh đốn tác phong, đạo đức, lề
lối làm việc của cán bộ, đảng viên để loại trừ các yếu tố tiêu cực. Tuy nhiên,
trên thực tế thì chúng ta vẫn để lọt vào hệ thống chính trị một số phần tử
thoái hóa chính trị, tha hóa đạo đức. Thời gian gần đây có thể lấy ví dụ về
trường hợp Dương Chí Dũng hay Nguyễn Xuân Sơn. Theo các vị khách mời, vì sao
lại có hiện tượng đó? Phải chăng cơ chế lựa chọn, đào tạo, đề bạt cán bộ hiện
nay có sơ hở?
Ông Lê Quang Thưởng: Những
nhân vật vừa đề cập có thể lúc được đề bạt chưa bộc lộ, nhưng Dương Chí Dũng
hay Nguyễn Xuân Sơn đều là những người được đào tạo, được thử thách từ dưới
lên. Tuy nhiên, lựa chọn đúng nhưng bồi dưỡng, quản lý không tốt khiến cho
những cán bộ này thoái hóa, biến chất, họ vì đồng tiền mà lung lay.
Hai
nhân vật này tham nhũng, làm thất thoát tài sản lớn lắm. Đáng buồn có những
công ty thất thoát hàng chục ngàn tỷ đồng, do những con người này thoái hóa mà
chúng ta quản lý không tốt, không phát động được nhân dân giám sát họ đúng mức.
Đó là lỗi của hệ thống, lỗi của những nhà lãnh đạo và có lỗi của những người
làm công tác tổ chức cán bộ.
PGS.TS Đinh Xuân Thảo:
Về công tác cán bộ, việc tuyển dụng, tuyển chọn nói chung tốt, nhưng xảy ra một
số trường hợp thoái hóa, biến chất, vi phạm pháp luật trở thành tội phạm thì
cũng phải phân tích, đánh giá một cách khách quan.
Nói
về cơ chế tuyển chọn cũng chỉ là một phần bởi vì những người khi tuyển dụng đều
là những người tốt, quy trình tuyển chọn cán bộ của chúng ta ngày càng bài bản,
chặt chẽ. Nhưng việc tu dưỡng, rèn luyện của cá nhân kèm theo đó là các điều
kiện khách quan về mặt tổ chức cần phải có cơ chế xem xét, đánh giá, quản lý
cán bộ như thế nào cho tốt.
Như
Nguyễn Xuân Sơn từng là cán bộ cấp trưởng phòng nhưng được giao quyền rất lớn,
được đi đàm phán, kí kết những hợp đồng hàng triệu USD… Đây là sơ hở trong công
tác quản lý cán bộ khiến những người không có bản lĩnh, đạo đức tốt dễ dẫn đến
sai phạm.
Điều
đó khẳng định Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về công tác cán bộ là đúng đắn,
chúng ta không thể chủ quan, lơ là việc phê bình, tự phê bình và công tác cán
bộ phải là quá trình thường xuyên. Qua những vụ việc sai phạm đó, chúng ta phải
rút kinh nghiệm.
Liên
quan đến lĩnh vực doanh nghiệp, tập đoàn, cũng đáng tiếc là có thời kỳ khá dài
thí điểm tổ chức các tập đoàn công ty của Nhà nước mà lại chưa có luật mà chỉ
quy định bằng những văn bản cấp thấp là những Nghị định. Đó cũng là nguyên nhân
dẫn đến sai phạm.
Rút
kinh nghiệm đó, sau khi có Hiến pháp 2013, về việc hoàn thiện hệ thống pháp
luật để quản lý tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực kinh
tế thì vừa bảo đảm phát huy nội lực, thu hút đầu tư mặt khác cũng phải quản lý
chặt chẽ không dẫn đến thất thoát, gây thiệt hại cho kinh tế.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc:
Tôi xin bổ sung một ý cũng rất quan trọng là trong điều kiện hiện nay xây dựng
nhà nước pháp quyền cho nên bên cạnh kỷ luật của Đảng thì phải hết sức chăm lo
tăng cường kỷ cương pháp luật của Nhà nước. Bởi vì, tất cả mọi cán bộ đảng viên
dù ở cấp nào đều phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Đảng
cũng phải hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật như trong Điều 4 Hiến pháp 2013
đã quy định. Theo tôi, phải siết chặt kỷ cương, kỷ luật, pháp luật. Mà bây giờ
hệ thống pháp luật của ta so với thời kỳ trước đổi mới đã tăng lên rất nhiều
trong tất cả các lĩnh vực để quản lý, giáo dục cán bộ, đưa cán bộ đảng viên vào
hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Quay
lại tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, cần nhắc lại ý rất quan trọng của
Bác là tại sao trước khi thành lập Đảng, năm 1927, Bác đã nêu ra tư cách của
người cách mệnh gồm 23 điểm, trong đó điểm “cần-kiệm-liêm chính” được Bác đặt
lên hàng đầu. Ngoài ra còn có điểm “ít lòng ham muốn vật chất”.
Đến
năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lề lối làm việc”, Bác lại nêu 12 điểm về tư
cách của Đảng cách mệnh. Kết thúc 12 điểm đó, Người có một câu rất hay đó là:
Muốn cho Đảng được vững bền/12 điểm ấy chớ quên điểm nào. Và trong thực tế cầm
quyền, Bác đã lãnh đạo Đảng trong 24 năm cho nên Bác hiểu hết ý nghĩa của việc
rèn giũa cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên nắm chức vụ trong bộ máy
nhà nước.
Bác
là người rất tình cảm với cán bộ, nhưng Bác cũng rất nghiêm trong kỷ luật. Điển
hình như vụ xử án Trần Dụ Châu – Cục trưởng Cục Quân nhu năm 1950 và sau này
trong nhiều vụ khác, mặc dù rất thương cán bộ nhưng đã vi phạm pháp luật thì
Bác đều xử lý nghiêm khắc. Đó cũng là bài học trong điều kiện hiện nay chúng ta
phải siết chặt hơn kỷ cương pháp luật, trong đó có bài học về sử dụng, quản lý
cán bộ.
Song
cũng nên nhấn mạnh một điểm mà Bác Hồ rất quan tâm đó là mỗi cán bộ đảng viên
phải tự rèn giũa mình. Bác cũng nêu ra rất nhiều điểm để mỗi tầng lớp, mỗi lực
lượng có thể theo những điểm đó để tự răn mình. Vì dù có quản lý chặt chẽ đến
mấy nhưng mỗi cán bộ, đảng viên không ý thức được trách nhiệm của mình đối với
đất nước, với nhân dân, với Đảng thì mọi quản lý kia cũng không hiệu quả.
Đối
với con người, theo tôi, có 2 điều rất khó gần nếu không có bản lĩnh, không có
đạo đức đó là tham muốn vật chất và tham muốn quyền lực. Vì vậy, mỗi cán bộ
đảng viên khi được giao trọng trách, như Bác Hồ đã căn dặn “dĩ công vi thượng”,
tức là đặt công lên trên hết, không màng đến danh lợi, lợi ích riêng của mình.
Thực
tế hiện nay, nhiều cán bộ không vượt qua được điều này, dẫn tới tình trạng lợi
ích nhóm. Và từ lợi ích nhóm này hình thành nhóm lợi ích, nếu bị chi phối bởi
cái đó thì sẽ không còn toàn tâm, toàn ý cũng như không còn đạo đức phẩm chất
phục vụ cách mạng mà lao vào lo chức vụ, danh lợi cho mình.
Tôi
muốn nhấn mạnh rằng, khi sử dụng nhân tài, Bác rất chú ý tới tư cách phẩm chất,
đặc biệt là những người có tính tự trọng cao. Làm thế nào bây giờ chúng ta có
đội ngũ cán bộ toàn tâm toàn ý phục vụ mà không màng đến lợi ích vật chất?
Theo
tôi, anh ở chức vụ này thì sẽ được hưởng lương, chế độ tương ứng thì cứ theo
như vậy mà thực hiện, chứ đừng lợi dụng vị trí ấy để mưu lợi riêng thì sẽ tiêu
cực. Đây là cuộc đấu tranh rất khó khăn, phức tạp, như Bác Hồ cũng từng nói:
“đây là cuộc đấu tranh khổng lồ chống lại hư hỏng, tiêu cực, lỗi thời”. Cuộc
chiến đấu này đòi hỏi nhiều lực lượng, phải có những giải pháp đồng bộ từ phía
Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị, đồng thời cũng từ phía cán bộ đảng viên, kể
cả những người trí thức.
PV: Dư
luận xã hội lâu nay vẫn xì xào khi đâu đó có chuyện sử dụng cán bộ theo kiểu
"hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ". Theo ông Lê Quang Thưởng, có
chuyện này không và có dễ phát hiện ra không?
Ông Lê Quang Thưởng: Tôi
khẳng định là có chuyện này. Có trường hợp có thể phát hiện được, có trường hợp
khó phát hiện. Theo tôi, chạy chức, chạy quyền là hệ quả của quản lý kém và là
hệ quả của mặt trái cơ chế thị trường tác động vào hệ thống chính trị và công
tác cán bộ.
Cơ
chế thị trường định hướng XHCN là đúng đắn và phải làm như thế mới khiến cho sự
nghiệp đổi mới của chúng ta tiến lên được, nhưng đằng sau nó rất phức tạp, là
mối quan hệ hàng hóa, vật chất làm lu mờ tai mắt của người cán bộ. Phải làm sao
để khắc phục được mặt trái cơ chế thị trường trong công tác cán bộ, đây là một
câu chuyện rất phức tạp nhưng chúng ta phải kiên quyết làm.
Theo
tôi, Đảng và Nhà nước phải thường xuyên bổ sung chính sách, cơ chế để quản lý
cho tốt, để khắc phục những lệch lạc, thiếu sót trong công tác lãnh đạo và quản
lý. Bên cạnh đó, kỷ luật trong Đảng và Nhà nước phải thật nghiêm minh; những
người có công phải được khen thưởng đúng mức; người có tội, có khuyết điểm phải
xử lý nghiêm túc. Hiện nay, việc quản lý của ta chưa chặt chẽ, khen thưởng, kỷ
luật chưa đúng mức, chưa nghiêm. Phát hiện tiêu cực chậm, phát hiện được nhưng
xử lý cũng chậm và chưa công bằng nghiêm túc. Vấn đề này cần phải sửa.
Chúng
ta không sợ kinh tế thị trường, đó là biện pháp để thúc đẩy nền kinh tế của
chúng ta tiến lên.Phải biết phát huy mặt tích cực của kinh tế thị trường và
phải cảnh giác, tìm mọi cách khắc phục mặt tiêu cực của nó.
PV: Thưa
ông Đinh Xuân Thảo, nạn chạy chức, chạy quyền từng được nói tới nhiều trên một
số kỳ họp Quốc hội. Một số đại biểu Quốc hội đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về
vấn đề này, tuy nhiên, câu trả lời nhận được chưa thỏa mãn. Ông có bình luận gì
về vấn đề này?
TS Đinh Xuân Thảo: Nạn
chạy chức, chạy quyền ở ta không phải là mới, cũng không phải ít được nhắc đến.
Trên Nghị trường, đại biểu Quốc hội đã nêu ra và chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ,
thậm chí cả Thủ tướng và Phó Thủ tướng. Thực tế chạy chức, chạy quyền là có.
Người chạy kín đáo, không ai biết, nên dư luận nêu ra chỉ là có hiện tượng.
Khi
đại biểu Quốc hội chất vấn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trả lời “nếu đại
biểu biết rõ trường hợp nào thì hãy nêu ra để chúng tôi xử lý”. Vấn đề là chỉ
ra như thế nào là rất khó. Nhưng thực tế, để ngăn chặn việc này cần phải có một
cơ chế đề bạt, bổ nhiệm, cất nhắc.
Ví dụ như Bộ Giao thông - Vận tải tổ chức thi tuyển công khai ở nhiều vị trí,
người đủ điều kiện dự tuyển thể hiện được trình độ, năng lực tốt được cả Hội
đồng đánh giá, như thế sẽ khắc phục được việc chạy chức, chạy quyền. Nếu không
sẽ dẫn tới việc không công bằng, người được lựa chọn nhiều khi không xứng đáng.
Đó
là một sự logic, người ta chạy chức phải mất một khoản tiền để có được vị trí
đó nên khi đã vào được họ phải lo để kiếm lại bù đắp khoản tiền đã bỏ ra, còn
thời gian đâu để nghĩ tới “chí công vô tư”. Nếu người có năng lực thực sự thì
không đáng nói, nhưng người yếu kém cả về chuyên môn lẫn đạo đức sẽ gây hệ lụy
rất nghiêm trọng.
Về
dư luận đối với vấn đề lựa chọn cán bộ cũng có thể có. Nhưng tôi cho rằng đó
không phải là hiện tượng phổ biến trong xã hội ta hiện nay. Bởi quy trình, công
tác cán bộ, nhất là sau khi có Luật Công chức, Luật Viên chức, việc tuyển dụng
thông qua hình thức thi tuyển cạnh tranh cũng có thể có tiêu cực, sơ sót, thiếu
minh bạch nhưng đó chỉ là hiện tượng cá biệt. Dư luận nghĩ thế nhưng chúng ta
cũng cần đánh giá khách quan.
Cơ
bản đúng là hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ thoái hóa biến chất, tuy
nhiên, đại đa số cán bộ đảng viên là tốt và chính nhờ vậy họ mới đưa được đất
nước ta từ nghèo nàn lạc hậu trở thành nước phát triển trung bình về kinh tế;
hội nhập kinh tế toàn diện, hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng rõ
nét. Có được những điều này là do con người. Nếu nghĩ theo chiều hướng tiêu cực
thì đất nước ta sẽ không được như hôm nay.
PV: Nạn
chạy chức chạy quyền, bổ nhiệm cán bộ thiếu công tâm tuy không phải là hiện
tượng phổ biến, nhưng nó nguy hiểm như thế nào với sự tồn vong của Đảng và chế
độ, thưa PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc?
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc:
Điều đó đã được khẳng định trong Nghị quyết Trung ương 4. Nghị quyết này có
đánh giá lại công tác xây dựng Đảng trong nhiều nhiệm kỳ trước. Nghị quyết cũng
nhận định đa số cán bộ đảng viên là tốt, thì mới đưa đất nước vượt qua được
những khủng hoảng, thách thức, đưa đất nước phát triển như hiện nay.
Nếu
không có đội ngũ cán bộ đó làm sao có được đất nước như hiện nay. Cần bình tĩnh
nhận định để đánh giá. Nghị quyết cũng thẳng thắn chỉ ra những vấn đề còn tồn
tại trong công tác xây dựng Đảng, còn nhiều khuyết điểm, trong những khuyết
điểm ấy, Nghị quyết Trung ương 4 có nêu ra 3 vấn đề: Thứ nhất, là sự suy thoái về
tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng
viên; Thứ hai là đào tạo cán bộ, đặc biệt cán bộ tầm chiến lược chưa được quan
tâm đầy đủ; Thứ ba là trách nhiệm của người đứng đầu chưa được xác định rõ,
thành tích thì nhận, khuyết điểm đẩy cho tập thể.
Nói
về khuyết điểm của công tác xây dựng Đảng, Hội nghị Trung ương 4 có nói tới một
ý rất quan trọng đó là khuyết điểm này kéo dài trong nhiều nhiệm kỳ chứ không
chỉ mới nảy sinh ở khóa 11. Những khuyết điểm kéo dài lại chưa được khắc phục,
sửa chữa hiệu quả, và nếu không sửa chữa hiệu quả nó sẽ trở thành một thách
thức đối với vai trò lãnh đạo và sự tồn vong của chế độ.
Từ
khi chúng ta thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đến nay, lúc đầu cũng có phân
vân, kiểm điểm rồi tự phê bình nhưng cũng không thấy “bộ phận không nhỏ” đâu,
không thấy ai bị xử lý rõ ràng, nhất là cán bộ cấp cao. Sau đó mới đưa ra một
số vụ tham nhũng nổi cộm trong xã hội để xử lý.
Tổng
kết lại theo tài liệu của Ban Tổ chức Trung ương, từ năm 2012 cho đến hết 2014,
ta đã xử lý tới 54.000 cán bộ, đảng viên bằng cả hình thức kỷ luật và pháp luật
Nhà nước. Theo tôi, đó là một thể hiện của sự nghiêm minh của kỷ luật của Đảng
và pháp luật của Nhà nước. Đương nhiên cũng không coi con số này là thành tích.
Nói
thế để thấy rằng cuộc đấu tranh khắc phục tiêu cực, hư hỏng trong Đảng, nhất là
trong điều kiện Đảng cầm quyền, theo tôi, phải trở lại luận điểm của Lenin đó
là: Đảng cầm quyền có 2 nguy cơ lớn, một là sai lầm về đường lối, có thể dẫn
tới thất bại (một số nước đã thất bại); hai là nguy cơ xa rời quần chúng, quan
liêu tham nhũng. Ngoài ra, Lenin còn nêu ra 3 loại kẻ thù đó là: sự dốt nát,
kiêu ngạo và hối lộ hay tham nhũng. Những người sáng lập ra CNXH, chế độ cộng
sản đều đã có cảnh báo và Bác Hồ cũng đã nói nhiều tới những vấn đề đó, đặc
biệt trong Di chúc.
Theo
tôi, những khuyết điểm hiện nay, nếu nghiên cứu một cách cặn kẽ đầy đủ có thể
thấy đó là những khuyết điểm trên đường phát triển, không tránh khỏi, đặc biệt,
điểm xuất phát của ta từ một nước lạc hậu, chưa qua phát triển Chủ nghĩa tư
bản, từ tác phong, tư duy, từ những tham muốn bản năng của con người. Vì thế
cần phải bình tĩnh để gỡ từng bước, sửa chữa từng bước.
Tôi
tin rằng nếu chúng ta kiên trì theo thực hiện tự phê bình trong Nghị quyết Trung
ương 4 một cách bài bản và có phương pháp chắc chắn sẽ khắc phục được nhiều
điều, chứ không chỉ riêng công tác cán bộ. Còn có nhiều vấn đề khác nữa đảm bảo
cho công tác cán bộ, để người cán bộ vào vị trí lãnh đạo có thể hoàn thành xuất
sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.
Theo
VOV.VN
|
Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét