Chuyện uống bia và lạm quyền
Cập nhật lúc 20:03
Không uống
“bia nhà” (bia do tỉnh nhà sản xuất) mà lại đi uống “bia người khác”, bảy cán
bộ thuộc ngành giáo dục của một tỉnh đã phải làm tờ tường trình theo yêu cầu
của cấp trên.
Chuyện
nghe như đùa, nhưng lại có thật.
Muốn hiểu được thì phải đặt câu chuyện
trong khung cảnh đặc thù. Số là chính quyền tỉnh phát động phong trào ủng hộ
việc tiêu thụ bia của một doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh nhà.
Thế rồi có cuộc liên hoan được một cơ
quan công tổ chức và trong cuộc liên hoan này, hầu hết đều uống đúng loại bia
được khuyến khích dùng, còn bảy người đã gọi bia khác.
Ứng xử của bảy người này đã bị coi là cá
biệt, lệch chuẩn do đi ngược lại chủ trương chung của tỉnh nhà, đáng bị kiểm
điểm!?
Nếu tỉnh ủng hộ bia nhà bằng một văn bản
pháp lý chính thức, được ban hành nhân danh nhà chức trách công thì câu
chuyện trở nên đơn giản: ủng hộ như thế là vi phạm Luật cạnh tranh, đặc biệt
là vi phạm nguyên tắc bình đẳng giữa các chủ thể kinh doanh, và không thể
được chấp nhận. Được biết địa phương đã từng ban hành một văn bản như thế
nhưng sau đó đã hủy bỏ.
Bây giờ, việc ủng hộ được phát động bằng
chủ trương, bằng phong trào. Hô hào, cổ vũ mọi người làm việc gì đó không
trái luật, không trái thuần phong mỹ tục là quyền của mỗi người, mỗi chủ thể.
Chính quyền có quyền kêu gọi người dân
địa phương ưu tiên dùng hàng được sản xuất tại địa phương, cũng như Nhà nước
có quyền kêu gọi người Việt
Song, nếu hô hào, kêu gọi mà người ta
không hưởng ứng thì... thôi. Nhiều lắm, người kêu gọi, hô hào có thể chỉ
trích, phê phán người không hưởng ứng, nói chung là bày tỏ thái độ không hài
lòng về mặt xã hội; nhưng tuyệt đối không được dựa vào quyền lực công, đặc
biệt là trật tự quản lý thượng cấp - thuộc quyền để trấn áp, chế tài đối với
người không làm theo lời kêu gọi, hô hào.
Có thể việc làm tường trình của những
cán bộ lỡ uống “bia người khác” là việc thực hiện trong khuôn khổ trình tự,
thủ tục xử lý kỷ luật theo quy định của đoàn thể mà họ là thành viên, chứ
không phải của chính quyền.
Nhưng ngay cả trong trường hợp đó thì
cũng không thể phủ nhận hơi hướng của công quyền trong vụ xử lý này, bởi biện
pháp xử lý có thể dẫn đến những hệ quả xấu liên quan đến quyền lợi pháp lý
của công chức, viên chức (hạ bậc thi đua, giảm lương, giảm thưởng...).
Rốt cuộc, từ việc đó, có thể ghi nhận sự
can thiệp không bình thường của nhà chức trách công trên mặt trận cạnh tranh
giữa các doanh nghiệp.
Sự can thiệp giúp cho doanh nghiệp này
được hưởng lợi nhờ sự hỗ trợ, tiếp sức của chính quyền; còn doanh
nghiệp khác bị đẩy vào thế yếu do không được chính quyền ủng hộ.
Ở một góc nhìn khác, việc xử lý cán bộ
do hành vi không chịu uống “bia nhà” còn khiến người ta quan ngại về xu hướng
mở rộng phạm vi quản lý của công quyền đến những phần không gian xã hội vốn
thuộc đời sống riêng tư của con người.
Uống bia trong bữa ăn, dù là nhân dịp ăn
tiệc có nhiều người, là hành vi mang tính chất sinh hoạt hằng ngày và không
thuộc phạm vi điều chỉnh của luật pháp.
Suy cho cùng, chẳng ai dựa theo chính
sách, luật pháp để mời nhau một ly rượu, một ly cà phê để kết bạn, để yêu
nhau. Xã hội luôn có những khoảng không gian mà luật pháp, chính sách không
thể can thiệp vào, có những giao tiếp mà luật pháp, chính sách không thể tác
động đến.
Sự can thiệp, tác động của luật pháp, chính sách mà vượt quá một
ranh giới nào đó sẽ khiến đời sống xã hội có nguy cơ bị hành chính hóa và đó
là điều kỳ cục.
(Theo Tuổi trẻ)
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
|
Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét