Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2015

Bó tay với tín dụng “đen”?

Cập nhật lúc 14:11                 

Những năm gần đây, các vụ án về tín dụng đen, tín dụng ngân hàng ngày càng bùng phát cả về thủ đoạn và hậu quả, giá trị tiền, tài sản thất thoát đặc biệt lớn, số người phạm tội ngày càng gia tăng. Tại hội thảo “Giải cứu người nghèo khỏi bẫy tín dụng đen” do Trung tâm Nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) tổ chức, các chuyên gia kinh tế, luật sư, đại diện Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm và cả những nạn nhân của hiện tượng này đã có những trao đổi thẳng thắn và cởi mở nhằm đề xuất những biện pháp phòng chống tín dụng đen hữu hiệu nhất.

Từ câu chuyện cắm nhà 10 tỉ đổi 200 triệu
Ông Vũ Duy Hà (56 tuổi, Nghi Tàm, Hà Nội) bước đi trên đôi chân xiêu vẹo do cú sốc tiền bạc từ vụ vay nặng lãi. Vốn có một mảnh đất 50m2 mặt đường Nghi Tàm do cha mẹ để lại (định giá theo thị trường vào khoảng 10 tỉ đồng), hai vợ chồng ông cùng với con cháu dựng tạm căn nhà cấp 4, bán quán nước chè kiếm sống.

 bo tay voi tin dung den
Năm 2012, một người quen tên Sơn đã tìm đến thuyết phục ông bà vay 200 triệu để xây sửa lại nhà, cho thuê kinh doanh. Lãi suất mà người này đưa ra chỉ 1,2%/tháng - khá “mềm” so với lãi suất tín dụng đen trên thị trường. Nghe bùi tai, với lại cũng muốn tạo cơ hội kiếm thêm thu nhập cho gia đình gần chục miệng ăn, ông bà đồng ý.
Ngay lập tức, Sơn đưa ông lên ôtô, chở đến Thụy Khuê (Tây Hồ) gặp Nguyễn Thị Hồng Nhung, tự xưng là Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm CFA. Trên đường đi, Sơn đã đọc cho ông Hà nghe một bản hợp đồng vay vốn và yêu cầu ông ký ngay khi gặp Nhung. Chẳng hiểu biết hết, nghe cũng lõm bõm, nhưng tin vào Sơn và “công ty làm ăn uy tín”, ông đã không ngại đặt bút ký và đồng ý theo yêu cầu của Nhung là đưa sổ đỏ cho Nhung giữ để “làm tin”. Cầm tiền về, hằng tháng, ông đều đặn mang 2,4 triệu đến những quán cà phê do Nhung hẹn gặp để trả lãi.
Mọi chuyện “êm xuôi” được 10 tháng, thì gia đình ông bỗng “được” đón cán bộ ngân hàng ghé thăm, ngó nghiêng nhà cửa và hỏi lý do sao ông lại bán nhà. Đến lúc này, cả gia đình ông mới hoảng hốt khi biết ngôi nhà ông đang ở đã có giấy tờ chuyển nhượng cho người đứng tên là Nguyễn Thị Hồng Nhung và người này đã mang sổ đỏ đi ngân hàng thế chấp để vay 4,8 tỉ đồng cách đây 9 tháng.
Đến khi Nhung không trả được nợ, nên ngân hàng đến “xem xét tài sản thế chấp” để phát mãi. Gọi cho Nhung thì điện thoại không liên lạc được. Viết đơn lên chính quyền thì mới biết Nhung đã bỏ trốn. Đứng trước nguy cơ mất nhà, ông Hà gần như suy sụp hẳn. Suốt 2 năm nay, ông gõ cửa khắp nơi khiếu nại, nhưng bài toán của ông vẫn chưa có lời giải.
Mất nhà vì thiếu hiểu biết
Kinh tế khủng hoảng, thị trường bất động sản đóng băng, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn dẫn đến nhu cầu về nguồn vốn ngày càng tăng. Ngược lại, việc thắt chặt tín dụng chính thức khiến nhiều doanh nghiệp, cá nhân không thể tiếp cận được với nguồn vốn của ngân hàng. Đó chính là lý do khiến nhiều người phải tìm cách tiếp cận tín dụng đen để hoạt động qua ngày.
Các thủ tục để vay được tiền của tín dụng đen là rất nhanh gọn. Các bên thậm chí không cần hợp đồng, chỉ cần ký vào sổ vay tiền và thực hiện biện pháp bảo đảm trả tiền vay cho bên cho vay bằng cách ký hợp đồng mua, bán, chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở cho bên cho vay. Và thường thì giá trị cho vay thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế của tài sản chuyển nhượng, để làm tin, xem như một hình thức thế chấp tài sản cho bên cho vay tín dụng đen; Hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền cho bên cho vay toàn quyền định đoạt tài sản nhà đất của mình (mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp), để bên cho vay được giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu hữu nhà ở, như một hình thức chế chấp tài sản; Thủ tục công chứng, chứng thực do bên cho vay liên hệ, giao dịch; Việc công chứng chứng thực có khi được thực hiện ngay ở quán cà phê, quán cóc vỉa hè, đến tại nhà bên vay, tại chợ…
Hai bên thống nhất bằng miệng, hoặc văn bản là khi nào bên vay trả tiền vay cho bên cho vay thì sẽ hủy hợp đồng mua bán, chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và hợp đồng ủy quyền.Việc ký kết hợp đồng chỉ là hình thức, không có việc giao nhận nhà, đất và tiền chuyển nhượng.
Việc này là không có gì đáng nói, bởi lẽ đây là quan hệ “thuận mua vừa bán”, tuy nhiên những kẻ đứng ra cho vay ngay lập tức lợi dụng những giấy tờ cầm cố kia để thực hiện hành vi lừa đảo.
Khi cầm giấy tờ nhà đất trong tay, nhiều kẻ đã làm thủ tục đăng ký, thay đổi, sang tên trở thành người sở hữu nhà, rồi bán tiếp cho đối tượng khác, hoặc dùng làm tài sản thế chấp cho ngân hàng để vay vốn số tiền vay hàng tỉ đồng. Trong khi đó thì người đi vay tín dụng đen vẫn đang sử dụng tài sản, nhà đất của mình, mà hoàn toàn không biết nó đã trở thành của người khác - trên giấy tờ.
Đến khi những đối tượng kia ôm tiền “cao chạy xa bay” hoặc mất khả năng thanh toán lãi cho ngân hàng thì mọi chuyện mới vỡ lở. Ngân hàng yêu cầu phát mại tài sản bảo lãnh, khi tòa án giải quyết tranh chấp mới phát hiện ra người đang chiếm giữ, sử dụng nhà đất thế chấp cho ngân hàng không phải là người cho vay đã thế chấp tài sản này cho ngân hàng.
Đến lúc này người có tài sản mới biết là nhà đất của mình đã được sang tên cho người khác, hoặc bị thế chấp cho ngân hàng, còn trước đó họ chỉ biết ký hợp đồng theo yêu cầu của bên cho vay để được vay tiền, thậm chí nhiều người chỉ hiểu là cho mượn giấy tờ nhà trong một khoảng thời gian, rồi bên mượn trả lại.
Hậu quả là, người đi vay mất nhà đất; ngân hàng mất tiền cho vay; tòa án và cơ quan thi hành án gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết các tranh chấp, thi hành án; người vay tiền của ngân hàng trốn tránh được trách nhiệm hoàn trả tiền đã vay cho ngân hàng.

bo tay voi tin dung den 
Vụ việc của ông Vũ Anh Tuấn (Hà Nội) là một ví dụ cho trường hợp người dân chỉ biết là mình đã mất nhà khi ngân hàng tới phát mãi tài sản. Do thiếu tiền kinh doanh, không vay vốn được từ ngân hàng, trong năm 2013, gia đình ông Tuấn đã tìm đến Công ty CP Cát Nam Phong (trụ sở tại tòa nhà M3 + M4, Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, Hà Nội) để vay tiền.
“Chúng tôi đã phải giao sổ đỏ và ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất với Nguyễn Thị Hải Yến là Chủ tịch Hội đồng Quản trị và anh Hoàng Phúc Đường, Phó giám đốc Công ty CP Cát Nam Phong, sau đó, được công ty này cho vay khoảng 300 - 500 triệu đồng, lãi tính theo ngày. Chị Yến nói với chúng tôi là việc ký hợp đồng chuyển nhượng và giao sổ đỏ cho chị Yến là để nhằm bảo đảm chúng tôi có nghĩa vụ trả lãi và gốc cho Công ty Cát Nam Phong. Chúng tôi tin là như vậy, vì giữa chúng tôi và chị Nguyễn Thị Hải Yến không bàn giao nhà, không nhận tiền chuyển nhượng” - ông Tuấn nói.
Tiếp đó, tới năm 2014 thì ông Tuấn bỗng dưng thấy các cán bộ của một số ngân hàng đến xem xét nhà để thu hồi tài sản. Và khi được hỏi, các cán bộ ngân hàng mới cho biết rằng, nhà đất của ông Tuấn và một số người khác đã bị Nguyễn Thị Hải Yến sang tên đem thế chấp cho ngân hàng để vay tiền.
Ông Tuấn chia sẻ: “Tới lúc này, chúng tôi mới biết được là mình đã bị lừa ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất cho chị Nguyễn Thị Hải Yến và anh Hoàng Phúc Đường. Chúng tôi rất ngạc nhiên về việc này, vì chúng tôi vẫn ăn ở trong nhà của mình từ trước cho đến nay, không thấy bất kỳ ai đến đo đạc, xem xét, kiểm tra, đánh giá hay ký tá các văn bản giấy tờ để thế chấp ngân hàng”.
Cùng với một cách thức như trên, Công ty Cát Nam Phong đã lừa đảo gần 10 hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội. Làm cho đời sống của các gia đình này bị đảo lộn, khó khăn ngày càng chồng chất, tuy nhiên các đối tượng Nguyễn Thị Hải Yến và Hoàng Phúc Đường hiện nay vẫn ung dung tự tại như không có chuyện gì liên quan tới mình.
Tín dụng đen sống khỏe vì luật mơ hồ
Đó là điều Luật sư Trương Thanh Đức - Trọng tài viên VIAC nhấn mạnh:
Trong vụ việc của ông Tuấn và Công ty Cát Nam Phong, một vấn đề được các luật sư đưa ra đó là việc các ngân hàng đã bỏ qua việc xác minh, định giá tài sản, nên đã không phát hiện ra người thế chấp không có quyền sử dụng, chiếm giữ tài sản thế chấp.
Bên cạnh đó, theo Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Công ty TNHH Luật Trường Lộc thì, thủ tục sang tên chuyển nhượng quyền sở hữu đất chỉ căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng và việc nộp các loại thuế đã sang tên chủ sở hữu sử dụng nhà đất cho bên nhận chuyển nhượng là chưa đủ căn cứ xác định bên bán giao tài sản và nhận tiền của bên mua theo quy định của Điều 428 Bộ luật Dân sự. Chưa có bằng chứng xác định là bên bán đã chuyển giao cho bên mua quyền sử dụng, chiếm hữu nhà đất cho bên mua.
Như vậy, kẽ hở của của thủ tục đăng ký thay đổi chủ sở hữu, sử dụng nhà ở, là khi thực hiện việc sang tên đã không có căn cứ vào kết quả của việc thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, mua bán nhà đất, chỉ căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng nên đã sang tên, công nhận quyền sở hữu, sử dụng nhà đất cho bên cho vay khi những người này chưa được bên vay chuyển giao quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản.
Còn theo Luật sư Đức thì cụm từ tín dụng đen là từ dùng trong dân, về mặt pháp lý không dễ gì khẳng định như thế nào là tín dụng đen vì chưa có quy định hay giải thích cụ thể của pháp luật. Còn trong dân gian, cụm từ này được hiểu là hoạt động cho vay bất hợp pháp với mức lãi suất cao “cắt cổ”, vượt mức trần lãi suất quy định của Nhà nước nhiều lần.
“Trong quy định của Bộ luật Dân sự 2005, Luật Doanh nghiệp 2014 thì giao dịch vay và cho vay giữa các cá nhân, pháp nhân với nhau là hợp pháp và không cần phải đăng ký kinh doanh. Thậm chí, tiền lãi cho vay còn được miễn thuế giá trị gia tăng (điểm b, khoản 8, Điều 5 Luật Thuế giá trị gia tăng 2008) đã được sửa đổi bổ sung năm 2013)... Như vậy khó có thể khẳng định trường hợp nào là cho vay hợp pháp hoặc bất hợp pháp” - Luật sư Đức chia sẻ quan điểm.
Để khẳng định đâu là tín dụng đen người ta chỉ căn cứ vào mức lãi suất cho vay. Luật sư Đức chỉ ra tiếp, theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 thì “lãi suất do các bên thỏa thuận và không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng.
Hiện nay mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước công bố và đang áp dụng là 9%/năm (từ năm 2010), như vậy giao dịch nào vượt mức 13,5% là giao dịch bất hợp pháp về lãi suất và bắt đầu có dấu hiệu của tín dụng đen, kể cả giao dịch của các tổ chức tín dụng.
Trong thực tế thì từ năm 2011 đến nay nhiều tổ chức tín dụng đang “đứng ngoài” quy định này khi có rất nhiều khoản vay đã vượt mức trần lãi suất, vượt cả ngưỡng được luật cho phép là 13,5% nhưng vẫn không bị xử lý. Do đó khó có thể xử lý các cá nhân ngoài tổ chức tín dụng cho vay lãi suất cao.
Lâu nay hoạt động “tín dụng đen” thường được xử bằng Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, ngay trong Bộ luật này cũng không có quy định nào về hoạt động cho vay trái phép, mà chỉ có quy định về tội kinh doanh trái phép.
Như vậy, hoạt động tín dụng vi phạm pháp luật sẽ được xử theo quy định tại Điều 159 Bộ luật Hình sự về hành vi “kinh doanh trái phép” khi cấu thành đủ tội danh gồm: “không có giấy phép hoạt động cho vay, hoạt động ngân hàng” mà đã bị “xử phạt hành chính về hành vi cho vay trái phép” hoặc thu lời từ 100 triệu đồng trở lên...
Lật lại Bộ luật Dân sự 2005, Luật Doanh nghiệp 2014 thì lại không thể xử phạt hình sự hoạt động cho vay của các cá nhân, pháp nhân dù họ không có giấy phép và cả 2 luật này đều không “khống chế” mức lợi nhuận thu được từ hoạt động cho vay...
Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh cũng cho rằng, tín dụng đen là tội “cho vay nặng lãi” quy định tại Điều 163 Bộ luật Hình sự. Một trong những yếu tố cấu thành của tội “cho vay nặng lãi” là “lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ 10 lần trở lên và có tính chất chuyên bóc lột”...
Thực tế các giao dịch cho vay ngoài không bao giờ ghi "mức lãi suất” mà đó chỉ là giao dịch miệng nên rất khó chứng minh. Ngoài ra, việc chứng minh “có tính chất chuyên bóc lột” là điều khó khăn vì bản thân các giao dịch này thường được thể hiện dưới dạng thoả thuận dân sự như uỷ quyền, đặt cọc, vay tài sản... và đều được tự nguyện thực hiện, không lừa dối, cưỡng ép...
Cần phải hoàn thiện văn bản pháp lý
Thượng tá Trần Thị Thúy - Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho biết: Tình trạng tín dụng đen hiện diễn ra phổ biến, có sự tham gia của các đối tượng hình sự nguy hiểm, một số lợi dụng núp bóng các doanh nghiệp để thực hiện hành vi phạm tội. Từ năm 2010 đến năm 2014, lực lượng công an đã điều tra làm rõ và khởi tố hơn 5.800 vụ, với gần 10.900 bị can liên quan đến tín dụng đen, trong đó có gần 1.500 vụ lừa đảo, gần 2.000 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản...
Theo Thượng tá Thúy thì, hiện nay các quy định đòi nợ thuê đang mỗi ngày một chặt chẽ hơn, nhưng chỉ mới điều chỉnh được doanh nghiệp có ngành nghề đòi nợ thuê. Chưa có luật để điều chỉnh mọi hành vi đòi nợ, đặc biệt của bọn côn đồ xã hội đen. Cần phải có quy định cấm các cá nhân tổ chức không có giấy phép hành nghề đòi nợ thuê đi đòi nợ. Trước hết, cần có những quy định cụ thể về phí đòi nợ, hiện nay đang bị đẩy lên quá cao, tới 40-50 nhiều khi tới 70%.
Theo nhiều chuyên gia, để dịch vụ thu nợ không bị biến tướng, phải có một quy trình đầu vào chuẩn, có quy định các biện pháp thu nợ và cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp. Nếu không thì với lợi nhuận cao, các công ty, nhóm tội phạm sẽ đánh đổi bằng mọi cách để đòi được, như dùng sức ép, khủng bố tinh thần con nợ. Một điều đáng chú ý nữa là chế tài xử phạt chỉ vài chục triệu đồng không đủ sức răn đe.
Giảng viên Luật Trần Quang Vũ cho rằng, Điều 163 của Bộ luật Hình sự quy định là “mức lãi suất cho vay cao hơn 10 lần mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định” còn Bộ luật Dân sự 2005 thì quy định “lãi suất do các bên thỏa thuận và không vượt quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng”... Với 2 quy định khác nhau như vậy hoạt động cho vay ngoài tổ chức tín dụng sẽ theo Bộ luật Dân sự hay Bộ luật Hình sự?
Theo ông Vũ, nên áp dụng mức mà Bộ luật Hình sự đưa ra là “trên 10 lần mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định” thì phải chịu trách nhiệm hình sự, không nên bó hẹp trong “mức lãi suất không quá 150% của lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố...” như Bộ luật Dân sự.
Nguyên tắc pháp lý cao nhất phải được đặt ra là “tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của bên cho vay và bên vay” - ông Vũ nhấn mạnh.
Giữa dịch vụ đòi nợ hợp pháp và bất hợp pháp là một ranh giới rất mong manh và càng dễ bị xóa nhòa, khi quy định pháp luật thiếu rõ ràng, cụ thể. Chính vì vậy, nếu thực sự muốn ngăn chặn những hậu quả đáng tiếc từ các kiểu đòi nợ bằng “hàng nóng, hàng lạnh”, các vụ khủng bố tinh thần con nợ... rất cần thiết phải đưa ra những nghiên cứu, đánh giá kinh nghiệm, từ đó đúc rút lại thành các quy định thật chuyên nghiệp, cụ thể, rõ ràng.

Năng lượng Mới) Tú Cẩm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét