Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

Bất thường thành bình thường


Cập nhật lúc 13:49     
            
Cái xấu ở đâu cũng có. Nhưng có những cái xấu chỉ bắt đầu phát sinh từ một lúc nào đó, trong hoàn cảnh, điều kiện nhất định. 
Ngay từ lúc mới manh nha, những cái xấu nếu được ghi nhận và xử lý bằng những đối sách thích hợp thì không có cơ hội lây lan. Chậm xử lý, ngăn chặn, nó sẽ sinh sôi, phát triển và xã hội phải trả giá.
Nuôi heo bằng chất cấm, dán logo lên xe để tạo “xe vua”, học giả lấy bằng thật, lừa đảo qua mạng... là những cái xấu thuộc loại này.
Có một thời những việc như thế được coi là cá biệt, không bình thường. Bởi đó không chỉ là những việc làm trái luật mà còn bị coi là trái với lẽ công bằng, với đạo lý.
Người nuôi heo chân chính chỉ bán được với giá bình thường, trong khi người bỏ chất cấm vào thức ăn lại có được thịt heo siêu nạc bán giá cao và thu nhiều lợi nhuận. Người nuôi heo bằng chất kích thích bỗng dưng có lợi thế cạnh tranh hơn so với người nuôi heo chân chính, làm đúng luật.
Tương tự, người có logo “xe vua” tự tin hơn khi chở hàng quá tải, thu lợi cao hơn, dù việc làm của họ khiến đường sá bị hư hỏng.
Người không cần học mà vẫn có bằng cấp có điều kiện để vượt qua người chăm chỉ học tập, vất vả dùi mài sách vở năm này qua tháng nọ trong cuộc chạy đua nghề nghiệp...
Một khi cái xấu không bị thổi còi, không ít người từ chỗ ngờ ngợ, ngại ngùng đã tham gia làm việc xấu, cũng dùng chất cấm, cũng mua bán logo “xe vua”, cũng học giả để có bằng thật... Cứ thế, chuyện bất thường bỗng dưng trở thành chuyện... bình thường.
Để cái bất thường không là bình thường, chỉ có cách duy nhất là kịp thời phát hiện và ngăn chặn những điều bất thường đó.
Trong thời đại ngày nay truyền thông và Internet phát triển, việc thu thập, nắm bắt kịp thời thông tin về đời sống xã hội, cả việc tốt và cái xấu đều thuận tiện hơn.
Khi thấy cái xấu, xã hội - đặc biệt là cơ quan nhà nước - có điều kiện phân tích, đánh giá tình hình một cách đúng đắn, từ đó có cách ứng phó phù hợp và kịp thời.
Thực tế đã có nhiều cái xấu được phát hiện và xử lý, mà trong đó truyền thông đóng vai trò rất tích cực của người cung cấp thông tin.
Báo chí từng vào cuộc vạch rõ chân tơ kẽ tóc của cái xấu; nhà chức trách, xã hội hành động quyết liệt và cuối cùng cái xấu đã được khống chế. Nạn “cơm tù” hoành hành một thời trên tuyến quốc lộ 1 là ví dụ điển hình.
Đừng để điều bất thường trở thành bình thường bởi khi đó việc khắc phục, hạn chế nó sẽ tốn kém, khó khăn, tệ hơn là nó còn tạo ra những thói quen ứng xử không lành mạnh trong xã hội, đó là tiêu cực, là thói quen chấp hành pháp luật nhiều khi bị thiệt - còn biết lách thì được việc, khấm khá...
(Theo Tuổi trẻ) NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

Trưởng nhóm đối chiếu bản đồ biên giới Campuchia-Việt Nam bị dọa giết



Vụ đe dọa "lấy mạng" Tiến sĩ Sok Touch cho thấy sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan vì những kích động về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Campuchia,

 
Tiến sĩ Sok Touch.
Đài RFA Khmer ngày 30/8 đưa tin, cả quan chức chính phủ lẫn phe đối lập Campuchia CNRP đều cho rằng cần phải điều tra kẻ nào đã đe dọa giết Tiến sĩ Sok Touch, trưởng nhóm học giả đối chiếu bản đồ biên giới Campuchia - Việt Nam thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia. Ngày 29/8, ông Sok Touch bị dọa giết trên Facebook với cáo buộc ông "bán đất cho Việt Nam"?!
Người phát ngôn chính phủ Campuchia Phay Siphan gọi đây là vụ án hình sự nghiêm trọng và cảnh sát cần điều tra khẩn cấp. Những kẻ đe dọa giết Tiến sĩ Sok Touch đang cố ý phá hoại hoạt động nghiệp vụ đối chiếu bản đồ chính phủ dùng đàm phán phân giới với Việt Nam và bản đồ từ các nguồn khác để xóa tan mọi nghi ngờ do luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của CNRP gây ra.
Sok Touch cho biết, những lời đe dọa "lấy mạng ông" trên Facebook sẽ không làm ảnh hưởng hoặc dừng lại công việc nghiên cứu, đối chiếu bản đồ. "Tôi không lùi bước bởi vì tôi đã cam kết và sẵn sàng, tôi làm những gì thực tế phải làm và không nhận được khoản tiền nào từ chính phủ hay nước khác."
Tiến sĩ Sok Touch đã công bố kết quả đối chiếu bản đồ từ 4 nguồn CPP, CNRP, Thư viện Quốc hội Mỹ, Pháp mà ông có cho thấy kết quả giống nhau. Nhóm nghiên cứu của ông sẽ tiếp tục ra thực địa kiểm tra cột mốc xem có đúng với bản đồ hay không.
Vụ đe dọa "lấy mạng" Tiến sĩ Sok Touch cho thấy sự nguy hiểm của chủ nghĩa dân tộc cực đoan vì những kích động về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Campuchia mà CNRP reo rắc vào đầu một bộ phận người dân Campuchia đã đến ngày phát tác. Nếu không dập tắt ngay những mầm mống hiểm họa này, đất nước chùa tháp sẽ còn phải đối mặt với nhiều hiểm họa khôn lường trong tương lai vì những kẻ cực đoan mưu đồ làm chính trị đen tối này - PV.
(Theo Giáo dục VN) Hồng Thủy

Nhiều chính sách kinh tế sát sườn có hiệu lực từ 1/9

Cập nhật lúc 13:23

Mở rộng tỷ lệ sở hữu nước ngoài; Ngân hàng được mua nợ khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; Bộ trưởng được đi xe công không quá 1,1 tỷ đồng; Mỗi lao động được vay tối đa 50 triệu đồng để tìm việc làm… là những chính sách sẽ có hiệu lực từ tháng 9.


Nghị định 60/2015/NĐ-CP, sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP, bãi bỏ Quyết định 55/2009/QĐ-TTg quy định, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng Việt Nam được thực hiện như sau: Trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ thực hiện theo điều ước quốc tế.Nới “room” cho nhà đầu tư ngoại
Công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật có quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài thì áp dụng quy định đó, trường hợp chưa có quy định mà hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%.
Công ty đại chúng hoạt động đa ngành, nghề, có quy định khác nhau về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu không vượt quá mức thấp nhất mà các ngành, nghề đó có quy định, trừ trường hợp điều ước quốc tế có quy định khác;
Đối với công ty đại chúng không thuộc các trường hợp quy định trên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.
Ngân hàng được mua nợ khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%
Theo Thông tư 09/2015/TT-NHNN, kể từ 1/9, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận hoạt động mua nợ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập của chi nhánh ngân hàng nước ngoài và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt. Trường hợp bán nợ thì không phải xin phép Ngân hàng Nhà nước. 
 
Ngân hàng được mua nợ khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% 
Tương tự, Công ty quản lý nợ và khai thác tài sản là công ty con của tổ chức tín dụng chỉ được mua nợ của tổ chức tín dụng khác, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi tổ chức tín dụng mẹ có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
Bộ trưởng được đi xe công không quá 1,1 tỷ đồng
Theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 21/09/2015, ngoài Bộ trưởng, các chức danh khác như Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ; Bí thư tỉnh ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và TPHCM… cũng sẽ được sử dụng thường xuyên trong thời gian công tác 01 xe ô tô với giá mua tối đa 1,1 tỷ đồng/xe.
Bên cạnh đó, các chức danh Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao… được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô trong thời gian công tác, không hạn chế mức giá. Riêng với chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội… được sử dụng thường xuyên 01 xe ô tô không hạn chế mức giá kể cả sau khi đã nghỉ công tác.
Ở mức thấp hơn, các chức danh được sử dụng xe ô tô để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác với mức giá mua xe tối đa 920 triệu đồng đa phần gồm các cấp phó.
Hướng dẫn cách thức giao dịch điện tử về thuế
Thông tư 110 của Bộ Tài chính hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, với các thủ tục như: đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế… sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 10/9/2015.
Theo Thông tư, người nộp thuế đã thực hiện khai thuế điện tử thì phải thực hiện các giao dịch khác với cơ quan thuế cũng bằng phương thức điện tử, trừ trường hợp xảy ra sự cố trong quá trình thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế.
Ngoài ra, người nộp thuế phải đáp ứng các điều kiện sau: Có chứng thư số đang còn hiệu lực do tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng cấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hay công nhận. Có khả năng truy cập và sử dụng mạng Internet; có địa chỉ thư điện tử, có số điện thoại di động (đối với cá nhân chưa được cấp chứng thư số) đã đăng ký sử dụng để giao dịch với cơ quan thuế.
Người nộp thuế được thực hiện các giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ và ngày Tết.
Mỗi lao động được vay tối đa 50 triệu đồng để tìm việc làm
Theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm có hiệu lực từ 1/9/2015, cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay 1 dự án tối đa là 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa là 50 triệu đồng.
Đối với mức vay trên 50 triệu đồng từ Quỹ, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.
Thời hạn vay vốn không quá 60 tháng (Thời hạn cụ thể do Ngân hàng chính sách xã hội và đối tượng vay vốn thỏa thuận). Lãi suất vay vốn bằng với lãi suất vay vốn đối với hộ nghèo theo từng thời kỳ do Thủ tướng Chính phủ quy định.
(Theo Dân trí) An Hạ tổng hợp

Không bảo kê, “xe vua” sao tồn tại!

 Cập nhật lúc 07:51    

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ và Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải bày tỏ ủng hộ việc triệt phá nạn mua bán logo “xe vua” và khẳng định sẽ xử lý nghiêm những cán bộ trong ngành nếu liên quan đến việc bảo kê

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết sau khi Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C45) Bộ Công an triệt phá 2 đường dây mua bán logo “xe vua” tại TP HCM, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải rất vui mừng. “Nhiều đồng nghiệp ở TP HCM đã gọi điện cho tôi và mong rằng Bộ Công an sẽ điều tra, đưa ra pháp luật những kẻ bảo kê “xe vua” nhằm ngăn chặn tận gốc tình trạng này” - ông Thanh nói.
Từng nhiều lần cảnh báo
Theo ông Thanh, tình trạng mua bán logo “xe vua” đã không ít lần được các DN vận tải phản ánh tại nhiều hội nghị của ngành giao thông vận tải (GTVT). Tuy nhiên, một số địa phương lại cho rằng chưa nhận được thông tin hoặc giải thích do tài xế tự mua logo rồi dán lên xe chứ không có việc tiêu cực.
Một xe dán logo “xe vua” Ảnh: Lê Phong 
Một xe dán logo “xe vua” Ảnh: Lê Phong
“Dư luận nghi vấn đằng sau người bán logo “xe vua” là ai? Một phụ nữ mới hơn 30 tuổi thì khó có thể là trùm đường dây bảo kê xe quá tải. Tôi cũng như các DN kinh doanh vận tải chân chính mong và tin tưởng cơ quan chức năng sẽ điều tra mở rộng để tìm ra người đứng sau 2 đường dây mua bán logo này” - ông Thanh bày tỏ.
Trong khi đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, nhìn nhận: “Chẳng có tài xế nào thừa tiền, bỏ ra cả triệu đồng mỗi tháng để mua logo dán lên xe mà không có tác dụng. Cũng chẳng có người dân nào có thể bảo kê được “xe vua” nếu không có sự móc nối với những người thực thi công vụ”.
Có hay không tình trạng bảo kê cho “xe vua” hoạt động thì phải chờ cơ quan điều tra làm rõ. Tuy nhiên, vào tháng 4-2015, tại hội nghị về công tác kiểm soát trọng tải phương tiện do Bộ GTVT và Bộ Công an phối hợp tổ chức, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, đã tỏ ra băn khoăn: “Xe quá khổ, quá tải chạy ầm ầm trên đường mà CSGT, thanh tra giao thông không chặn lại thì chúng ta phải đặt câu hỏi có tiêu cực hay không?”.
Cản trở quá trình triệt xóa xe chở quá tải
Sáng 30-8, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động về việc dư luận nghi vấn có bảo kê trong 2 đường dây mua bán logo “xe vua”, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho rằng vụ việc đang được Bộ Công an điều tra nên chưa thể khẳng định điều gì.
“Nếu có bảo kê thì phải là những người có chức, có quyền trong quá trình thực thi công vụ” - ông Huyện nhận định.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Huyện cho rằng hành vi mua bán logo “xe vua” gây khó khăn và làm chậm quá trình triệt xóa nạn chở quá tải mà Bộ GTVT đang triển khai quyết liệt. “Bộ GTVT và Tổng cục Đường bộ vẫn nhất quán quan điểm ủng hộ cũng như đề nghị Bộ Công an tiếp tục làm rõ có hay không những người đứng sau vụ mua bán logo “xe vua”. Nếu cán bộ thanh tra giao thông có liên quan đến việc bảo kê “xe vua” thì sẽ bị đuổi việc, vi phạm đến mức xử lý hình sự thì sẽ chuyển cơ quan công an và các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền” - ông Huyện khẳng định.
Trong khi đó, ông Lê Thanh Hà, Chánh Thanh tra Bộ GTVT, cho biết đã chủ động chuyển toàn bộ thông tin, hồ sơ liên quan đến vụ mua bán logo “xe vua” cho công an để tiếp tục điều tra. Bộ GTVT rất ủng hộ việc xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm này.
Có thể có cán bộ tiêu cực, tiếp tay
Nhân kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa trao tặng kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển GTVT Việt Nam cho 9 cá nhân, 4 tập thể thuộc C45 vì đã có công lao đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành GTVT, có nhiều thành tích trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trên tuyến giao thông đường bộ, nhất là việc vừa triệt phá đường dây bán logo “xe vua”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận định có thể có cán bộ ngành GTVT tiêu cực, tiếp tay trong việc mua bán logo “xe vua”, đồng thời đề nghị C45 điều tra làm rõ vụ việc.

(Theo Người LĐ) Văn Duẩn

Nếu không phát hiện ra công chức đứng đằng sau lô gô xe vua sẽ là câu chuyện khôi hài hay nhất 2015. Bạn có tin chăng một kẻ đầu đường xó chợ lại dọa được các tài xế để họ phải cống nạp tiền bằng cách mua lô gô? Và liệu những lô gô đó có hiệu nghiệm không khi đi trên đường? Khôi hài quá!!!
Thương Giang

Nhà nước như “tướng không có quân”

Cập nhật lúc 07:39    

Với 96% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nhà nước như “người tướng không có quân” trên mặt trận kinh tế.

nha-nuoc-nhu-tuong-ra-tran-ma-khong-co-quan 
96% doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.


Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, tham gia vào các chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên gia, khả năng đáp ứng của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình này rất hạn chế.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tại Diễn đàn CEO 2015 đã thẳng thắn nêu quan điểm: Với việc có tới 96% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nền kinh tế đang rơi vào hội chứng doanh nghiệp cỡ vừa. Trong khi đó, thực tế phát triển kinh tế các nước cho thấy, doanh nghiệp cỡ vừa chính là mắt xích vô cùng quan trọng để nền kinh tế có thể kết nối vào giá trị toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu những doanh nghiệp cỡ lớn (chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp lớn). Và nếu quá nhỏ thì sẽ không đủ năng lực về vốn, về công nghệ, về quản trị để có thể đạt chuẩn giá trị quốc tế, tiếp cận chuỗi giá trị toàn cầu.
Vấn đề này một lần nữa đã được ông Đặng Đức Thành-Chủ nhiệm Câu lạc bộ các nhà kinh tế (VEC), Ủy viên BCH Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi sẻ tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2015 rằng: Kinh nghiệm thế giới cho thấy, để nền kinh tế có thể cất cánh, các nước cần ít nhất đội ngũ doanh nghiệp tương đương trên 2% dân số. Theo thông lệ này, Việt Nam cần ít nhất 2 triệu doanh nghiệp hiệu quả, trong khi chúng ta mới chỉ có khoảng 400 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động…
Trong khi đó, năm 2015, Việt Nam tiếp tục có những bước hội nhập mạnh mẽ, sâu rộng vào hoạt động kinh tế quốc tế thông qua các Hiệp định thương mại với EU, Hàn Quốc, Liên minh Thuế quan... và sắp tới là Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Quá trình này được đánh giá là sẽ mở ra những cơ hội rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, đó là cơ hội mở rộng, thâm nhập các thị trường lớn như Hàn Quốc, EU... và rất có thể là cả Hoa Kỳ với những ngành hàng truyền thống, có thế mạnh như dệt may, da giày...
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng sẽ phải chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các doanh nghiệp đến từ các nước đối tác, đặc biệt là những vấn đề về công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng...
Và theo ông Đặng Đức Thành, những thách thức này đòi hỏi Việt Nam cần phải tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, khuyến khích mọi thành phần kinh tế. Việc hội nhập sâu rộng đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm rõ luật chơi, hiểu sâu hơn về đối tác và văn hóa của họ. Đặc biệt, Việt Nam cần có một cuộc cách mạng để xây dựng và phát triển 2 triệu doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả từ nay đến 2020. Đây sẽ là lực lượng chủ công xây dựng và phát triển kinh tế bền vững.
Để làm được điều này, theo ông Thành, bên cạnh những nỗ lực nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam cần tập trung vào hai nhóm giải pháp chủ yếu:
Thứ nhất là cần điều chỉnh cơ cấu tín dụng - không phải bằng biện pháp hành chính mà sử dụng các công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Cơ cấu tín dụng của các tổ chức tín dụng cần theo hướng tập trung ưu tiên cho sản xuất kinh doanh, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao… giảm bớt tín dụng cho khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Muốn điều chỉnh cơ cấu tín dụng, ngân hàng phải thay đổi căn bản cách thức cho vay. Tiến hành cho vay chủ yếu theo quản lý dòng tiền, hình thức thế chấp chỉ xem là phụ. Các khu vực cần khuyến khích như công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu… cần ưu tiên lãi suất đặc biệt.
Thứ hai, xây dựng và hình thành một hệ thống chính sách kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tập trung các bộ, cơ quan, địa phương với nỗ lực cao nhất để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, đồng bộ, hiện đại theo hướng tuân thủ đầy đủ quy luật của thị trường. Hình thành và đưa vào hoạt động các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cùng với đó, cần hỗ trợ về mặt hoàn thiện thể chế thông thoáng cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ “mở” thành lập hoạt động tại Việt Nam càng nhiều càng tốt. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hình thành hoàn chỉnh hệ thống pháp luật bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam yên tâm làm ăn chân chính.
“Nhà nước chỉ huy trận đánh kinh tế nhưng như “tướng không có quân”, không có những người lính làm kinh tế. Nguồn gốc sâu xa của các bất ổn về kinh tế; về nợ công tăng; bội chi ngân sách hàng năm tăng… đó chính là bắt nguồn từ doanh nghiệp chưa đủ về cả số lượng lẫn chất lượng (hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả). Đã không đủ số lượng và chất lượng doanh nghiệp lại rơi rụng dần, hoạt động bấp bênh”-ông Thành đưa quan điểm.
Cũng theo ông Thanh thì nhưng giải pháp này hiện đang được Việt Nam triển khai nhưng cần thực hiện quyết liệt hơn, nhất quán hơn và hiệu quả hơn nữa. Và để cụ thể hoá mục tiêu trên, Chính phủ cần có 2 Nghị quyết về việc xây dựng ít nhất 2 triệu doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả (số lượng và chất lượng) và nâng bậc thứ hạng quốc gia so với các nước khu vực và quốc tế (về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp).

Biến tướng của bánh Trung thu


Cập nhật lúc 07:20                 

 Trung thu cận kề. Ngày trước độ này trẻ con đã bắt đầu đếm ngược. Hình dung đèn ông sao, hình dung trăng sáng, hình dung phá cỗ... 

 Biến tướng của bánh Trung thu
Tết giữa thu, một nhịp tết sau mồng 5 tháng 5 để rồi thời gian sẽ phi một lèo đến Tết Nguyên đán. Các em đếm ngược vì đây là cái tết thật sự của các em.
Gia đình, họ mạc, nhà trường, cơ quan, khu phố, chính quyền địa phương... cùng nhớ rằng đây là ngày mà các em phải được phá cỗ và chơi đèn.
Người viết không nhớ nổi mình ngạc nhiên về sự biến tướng của Tết Trung thu tự khi nào. Rất ngạc nhiên. Rồi không chỉ ngạc nhiên mà phải nói là kinh ngạc. Sự chuyển động giống như cơn bão. Có quá lời không? Dám chắc đây là tâm trạng của không ít người.
Đừng nhìn vào những cửa hàng đỏ lòe, việc tiếp thị là của họ, không lấy làm lạ mà chi. Nhìn vào hàng quán tự nhiên mọc lên ở mọi chỗ như luật lệ bỗng dưng đi vắng. Cứ tự hỏi ai đã cần bánh trung thu lúc này mà dựng hàng dựng quán sớm dữ vậy trời?
Có cầu mới có cung, trẻ em chưa cần, ông bà tổ tiên chưa cần nhưng mà người lớn đã cần bánh trung thu hàng tháng trước Trung thu để làm gì?
Lại nhìn vào những chiếc xe to nhỏ đủ cỡ đến rồi lui ra ở những nơi “tế nhị”. Những túi bánh to, hoặc rất to, hoặc siêu to được đưa vào.
Đó không phải là thứ bánh có mặt ở hàng quán đang chiếm dụng vỉa hè đâu. Kỳ lạ nữa, bánh trung thu lại đi kèm với rượu tây! Có hộp lên đến hàng chục triệu, bởi chỉ riêng chai rượu là đã không biết bao nhiêu mà tính nữa rồi.
Dù xưa nay, chắc chắn rằng chẳng ai lấy bánh trung thu làm mồi nhắm với rượu! Chưa kể, nghe đồn rằng có những thứ bánh được làm ra theo đặt hàng, xuất xưởng kín đáo và... bên trong nó là những thứ nhân mà người biếu bánh ý tứ dặn “bánh này anh (chị) để cho mình, nhớ để cho mình thôi nha”!
Những chiếc bánh đặc biệt lòng vòng con đường đặc biệt của nó, nên Trung thu mới được khởi động sớm một cách kỳ quặc như vậy chăng?
Có gia đình không mua nổi hộp bánh, hộp nhỏ hai cái sơ sài quá đặt lên bàn thờ thấy chạnh lòng, nhưng hộp bánh bốn cái thì cũng mất hết một tuần tiền chợ của cả nhà. Vậy mà có nhà bánh không còn chỗ chứa, ai mang bánh tới thì trẻ con nhà ấy trề môi: “Lại bánh trung thu nữa rồi!”.
Và dù đã dành cho những mối quan hệ đang chờ mùa Trung thu không mất tiền nhưng “núi” bánh nhà họ cũng không thể biến đi cho hết được.
Vậy nên mới có cảnh sau Trung thu thì bánh trung thu sẽ được gửi về cho bà con họ hàng ở quê tiêu thụ giúp! Mới có cảnh chưa đến Trung thu nhưng bánh trung thu đã đại hạ giá, vì chẳng ai dám để đến sát ngày mới đi biếu.
Nhưng cái điều mà tôi sợ nhất là xã hội xấu đi thêm sau mỗi mùa Trung thu bởi nạn con người ta quay cuồng đi đưa và nhận bánh. Trẻ em có đứng ngoài không khí bất thường của những mùa Trung thu không?
Trẻ em có mắt, trẻ em cảm thấy được và trẻ em những nhà có bánh đi bằng cửa hậu thì bất cần hơn, trẻ em con nhà thiếu thốn thì sẽ tủi phận hơn.
Và xã hội lãnh đủ cho mọi thứ biến tướng, trong đó có việc biến mùa Trung thu thành “giữa mùa thu... hoạch” mà những kẻ sĩ Hà thành đã định nghĩa!
(Theo Tuổi trẻ) DẠ NGÂN

Việt Nam đã đúng đắn, không để chỉ lợi cho Trung Quốc

Cập nhật lúc 07:04


(Tài chính) - “Việc phá giá tiền đồng cần phải tỉnh táo bởi nếu không sẽ chỉ có lợi cho Trung Quốc. NHNN quyết định không phá giá tiếp là đúng đắn”.

TS. Bùi Trinh và PGS. TS Tô Trung Thành đã cho biết như vậy trước việc điều chỉnh tỉ giá và phản ứng của thị trường trong thời gian qua.
Trung Quốc đang cứu vãn tình thế
Trong nghiên cứu của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh và TS Tô Trung Thành, Đại học kinh tế Quốc dân đã phân tích cấu trúc kinh tế của Trung Quốc để làm rõ việc phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) của nước này thời gian qua.
Theo đó, nghiên cứu chỉ rõ, tỷ trọng tiêu dùng nội địa trong GDP của TQ không hề thay đổi trong khoảng 10 năm gần đây (khoảng 50%), đầu tư đã chiếm trong GDP rất cao (trên 40% GDP) và càng ngày càng tăng cao trong những năm gần đây trong khi tỷ lệ tiết kiệm nội địa trong GDP ngày càng thấp hơn tỷ lệ đầu tư trên GDP.

Viet Nam da dung dan, khong de chi loi cho Trung Quoc
Việc Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ chỉ là giải pháp cứu vãn tình thế
Như vậy, trong khoảng từ  năm 2010 -2013 bình quân TQ phải vay mượn từ bên ngoài nhằm mục đích đầu từ từ 7-12% GDPđể duy trì tăng trưởng . Đặc biệt  là, khi xuất khẩu tháng 7 năm 2015 giảm 8,3% là số giảm rất lớn, điều này cho thấy  Trung Quốc rất khó có tăng trưởng trong quý III thậm chí tăng trưởng âm trong 6 tháng cuối năm.
Tỷ lệ đầu tư rất cao nhưng dường hiệu quả đầu tư và chất lượng tăng trưởng của TQ ngày càng giảm sút.
Trong những năm gần đây tốc độ tăng trưởng về TFP của Trung Quốc giảm khá nhanh chóng và để đạt được tốc độ tăng trưởng cao phần nhiều phải dựa vào đầu tư.
“Việc đầu tư quá mức của Trung Quốc để đạt tốc độ tăng trưởng cao sẽ không phải là một giải pháp lâu dài. Các vấn đề vừa nêu là nguyên nhân cơ bản và để cứu vãn tình thế này là phải phá giá NDT, việc phá giá này vừa nhằm kích thích xuất khẩu (vì xuất khẩu của họ có độ lan tỏa rất lớn đến thu nhập) và đưa đồng tiền về giá trị thực”, nghiên cứu của Bùi Trinh, Tô Trung Thành chỉ rõ.
Trên thực tế theo tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Trung Quốc, phá giá NDT có thể làm tăng trưởng của TQ tăng từ 5 – 5,5% ở chu kỳ sản xuất thứ hai nếu không tính các tác động khác. Nhưng xuất khẩu TQ không được cải thiện nhiều do các nước mua hàng TQ không hoàn toàn do giá rẻ  thì GDP của TQ không những không tăng mà các khoản nợ nần sẽ tăng lên do việc phá giá NDT.
Việt Nam cần có cái nhìn tỉnh táo
Theo nghiên cứu này, hiện nhiều chuyên gia Việt Nam kỳ vọng VNĐ mất giá sẽ có lợi cho xuất khẩu, tuy nhiên chỉ nên dừng ở mức đó.
Trong nghiên cứu  phân tích, hiện Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 60% là nguyên vật liệu, trên 32% cho máy móc thiết bị và chỉ khoảng gần 8% cho tiêu dùng cuối cùng.
“Như vậy việc giá hàng nhập khẩu nguyên vật liệu của Trung Quốc giảm sẽ có lợi cho ta. Tuy nhiên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là của khu vực FDI, hàng nông sản chỉ chiếm 10-12% tổng kim ngạch  xuất khẩu trong đó xuất sang Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ 5-7% chỉ khoảng vài phần trăm xuất sang TQ.
“Khi xuất khẩu thực chất chỉ là xuất khẩu hộ nước khác do phía VN hầu như chỉ làm gia công thì tại sao chỉ chăm chăm lo xuất khẩu trong khi chính tiêu dùng trong nước mới lan tỏa đến phía cung (output) và giá trị gia tăng nhiều nhất?
Trong trường hợp cấu trúc chi phí của sản phẩm xuất khẩu như hiện nay thì việc tiếp tục phá giá VNĐ lại làm có lợi cho Trung Quốc”, TS Tô Trung Thành chỉ rõ.
Nghiên cứu cũng chỉ rõ, trong các yếu tố của cầu cuối cùng thì yếu tố xuất khẩu lan tỏa đến thu nhập kém nhất và ngày càng kém trong khi lan tỏa từ xuất khẩu đến sản lượng ngày càng cao, từ đó cho thấy xuất khẩu chỉ là xuất công gia công.
Khi 70% giá trị xuất khẩu là của khu vực FDI khi phá giá VNĐ thì khu vực này được hưởng lợi nhiều nhất, khu vực FDI được ưu đãi khá nhiều này lại được hưởng lợi thêm từ tỷ giá sẽ khiến sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp nội và FDI ngày càng gia tăng.
Ngoài ra, giá trị xuất khẩu hay nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc sẽ tăng lên hoặc giảm đi còn phụ  thuộc vào cơ cấu của xuất nhập khẩu theo nước và theo loại hàng hóa.
“Khi VNĐ mất giá sẽ khiến chi phí trung gian chung của nền kinh tế tăng lên do giá trị nhập khẩu tăng lên và  chỉ số giá sản xuất (PPI) ngay chu kỳ sản xuất đầu tiên tăng lên 0,65 điểm % và chu kỳ sản xuất tiếp theo chỉ số giá tăng này tăng lên 0,75% tổng ảnh hưởng 1,1  % và GDP có thể giảm 2% - 2,27” ở chu kỳ sản xuất tiếp theo, ông Trinh và ông Thành phân tích.
Trong 6 tháng đầu năm 2015 tăng trưởng GDP đạt 6,28% trong tình hình nhập siêu hàng hóa trên 3 tỷ USD thưc chất do đóng góp của tiêu dùng cuối cùng của dân cư (trên 77% GDP) và như vậy cũng có thể nói tăng trưởng ấn tượng này không thể không nói đến sự đóng góp vê chính sách điều hành tiền tệ của NHNN.
“Phản ứng của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua là kịp thời và chỉ nên dừng lại ở đó. Nếu tiếp tục phá giá VNĐ có thể dẫn đến sự hoang mang của người gửi tiền tiết kiệm, khi người dân rút tiền tiết kiệm để trú ẩn vào kênh USD và vàng thì tiếp kiệm  không thành vốn mà chỉ là tiền tệ, lúc đó sẽ kéo nền kinh tế suy trầm.
Tuy nhiên trong 2 ngày gần đây tỷ giá USD và vàng đã hạ nhiệt phần lớn do sự cam kết của NHNN và việc nới biên độ tỷ giá không hoàn toàn tương đương với việc phá giá như lo ngại trước đây”, ông Trinh nhìn nhận.
(Theo Đất Việt) Bích Ngọc

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

5 cách phát hiện tiền polymer giả

Cập nhật lúc 19:47

Các loại tiền giả polymer đều có thể dễ dàng nhận biết bằng tay, mắt thường qua kiểm tra các yếu tố bảo an dành cho công chúng.

Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy, lượng tiền giả thu giữ trong 6 tháng đầu năm 2015 qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước tăng 9,45% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo kết quả phân tích của NHNN, cho đến nay các loại tiền giả polymer đã thu giữ qua hệ thống ngân hàng, Kho bạc Nhà nước đều có thể dễ dàng nhận biết bằng tay, mắt thường qua kiểm tra các yếu tố bảo an dành cho công chúng (như hình bóng chìm, mực đổi màu, yếu tố hình ẩn (DOE)....
NHNN cho biết, người tiêu dùng có thể kiểm tra, nhận biết tiền giả thông qua 5 cách cơ bản là soi tờ bạc trước nguồn sáng; vuốt nhẹ tờ bạc (Kiểm tra các yếu tố in lõm); chao nghiêng tờ bạc (Kiểm tra mực đổi màu, IRIODIN, Hình ẩn nổi); kiểm tra các cửa sổ trong suốt (số mệnh giá dập nổi và yếu tố hình ẩn) và dùng kính lúp, đèn cực tím (Kiểm tra chữ in siêu nhỏ, các yếu tố phát quang).
phat hien tien gia polymer voi 5 cach co ban hinh 0 
Có thể dễ dàng nhận biết tiền giả polymer bằng tay và mắt thường.
(Ảnh minh họa: KT)

Một đặc điểm khác cần lưu ý, chất liệu in tiền giả dễ bị bai giãn hoặc rách khi bị kéo, xé nhẹ ở cạnh tờ bạc, mực in dễ bong tróc. Để khẳng định một tờ bạc là tiền thật hay tiền giả, lấy tờ tiền thật cùng loại so sách tổng thể và kiểm tra các yếu tố bảo an theo các bước nêu trên. Lưu ý phải kiểm tra nhiều yếu tố bảo an (tối thiểu 3 đến 4 yếu tố) để xác định là tiền thật hay tiền giả.
Mặc dù vậy, nếu người tiêu dùng không nắm rõ được các đặc điểm bảo an của tiền thật, không kiểm tra đồng tiền khi giao dịch thì vẫn có thể rủi ro nhận phải tiền giả.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước luôn khuyến cáo người tiêu dùng cần nắm rõ các đặc điểm bảo an của tiền thật và có thói quen kiểm tra đồng tiền mỗi khi giao dịch tiền mặt để tránh rủi ro nhận phải tiền giả. Để biết rõ hơn thông tin tiền Việt Nam, các tổ chức, cá nhân có thể tham khảo website của Ngân hàng Nhà nước tại địa chỉ: http://www.sbv.gov.vn
Theo VOV.VN

Trung Quốc 'hạ nhiệt' vấn đề Biển Đông vì khủng hoảng tài chính?


Cập nhật lúc 14:57  
 Khủng hoảng tài chính tại Trung Quốc sẽ tác động mạnh đến chính sách ngoại giao của nước này trong thời gian sắp tới, trong đó có vấn đề Biển Đông, theo tạp chí National Interest (Mỹ).
 Trung Quốc 'hạ nhiệt' vấn đề Biển Đông vì khủng hoảng tài chính? - ảnh 1
Một nhà đầu tư Trung Quốc đang theo dõi diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Trong bài viết đăng ngày 28.8, National Interest cho biết cách đây không lâu, kinh tế Trung Quốc có vẻ như đủ sức chống chọi khủng hoảng. Bất chấp nhiều năm tăng trưởng không cân đối, Bắc Kinh vẫn tìm ra cách dựa vào nguồn lực đầu tư để tăng cường sức mạnh cho nền kinh tế và giữ tốc độ tăng trưởng ở mức cao.
Khoản nợ công cao chót vót tính từ năm 2009 của Trung Quốc, xấp xỉ gần 300% trên GDP, vốn là tỉ lệ thảm họa đối với các quốc gia có thu nhập trên trung bình, vẫn chưa gây ra khủng hoảng tài chính.
Trong khi đó, bong bóng bất động sản của nước này, được cho là lớn nhất thế giới nếu tính vào số lượng dự án đã hoàn thành nhưng không có người ở, có đang xì hơi nhưng cũng chưa đến mức bị bể, theo National Interest.
Tạp chí Mỹ cho biết nền kinh tế “có vẻ như bất khả chiến bại” kiểu này đã khiến chính phủ Trung Quốc mạnh dạn tiến hành một chính sách ngoại giao mới đầy tham vọng, nhưng cũng đầy rủi ro trong vài năm qua.
“Nhiều lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cho rằng Mỹ và các nước phương Tây đang lâm vào tình trạng suy thoái không ngừng, trong khi sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thể ngăn cản… Sự cao ngạo này đã khiến Bắc Kinh, thay vì tiếp tục duy trì chính sách tránh bị chú ý, đã chuyển sang tăng cường các mối quan hệ kinh tế ở nước ngoài và bắt đầu công khai thách thức trật tự an ninh do Washington dẫn đầu ở Đông Á”, theo National Interest.
Đối mặt với đối thủ có trong tay một lượng dự trữ ngoại tệ lên đến gần 4.000 tỉ USD, tất cả những gì các nước phương Tây có thể làm là lo lắng trong lòng và công khai chỉ trích các chính sách môi trường và nhân quyền của Bắc Kinh trong các hoạt động đầu tư ở nước ngoài.
“Bước đi táo bạo nhất mà Trung Quốc đã triển khai khi đã trở thành siêu cường kinh tế chính là cách mà nước này xử lý các tranh chấp chủ quyền ở Đông Á”, tạp chí Mỹ cho biết.
“Trong khi các lãnh đạo trước đây đều cố ý phớt lờ các tranh chấp khó giải quyết và tiềm ẩn nguy cơ xung đột tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cũng như ở Biển Đông, giới cầm quyền Trung Quốc hiện tại đã triển khai một đường lối mang đầy tính đối đầu vì cho rằng với sức mạnh kinh tế và quân sự, Trung Quốc không cần phải tôn trọng các lợi ích và các vấn đề nhạy cảm của Mỹ và các đồng minh trong khu vực”, theo National Interest.
Kết quả là trong vòng 2 năm qua, Trung Quốc đã gây căng thẳng trong vùng bởi hành động đơn phương thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) tr6n biển Hoa Đông, bao trùm cả Senkaku/Điếu Ngư và hành động phớt lờ luật pháp quốc tế để xây dựng phi pháp hàng loạt đảo nhân tạo tại Biển Đông.
Trung Quốc 'hạ nhiệt' vấn đề Biển Đông vì khủng hoảng tài chính? - ảnh 2 
Tàu hải giám Trung Quốc phun nước vào tàu tuần duyên Việt Nam để bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981 hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam hồi tháng 5.2014 - Ảnh: Reuters

Sẽ phải "xuống thang" vì khủng hoảng kinh tế?

National Interest nhận định với việc tăng trưởng kinh tế cuối cùng đã chững lại và các điểm yếu đang bắt đầu bị phơi bày, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu Trung Quốc có thể tiếp tục duy trì chính sách ngoại giao hung hăng hay không.
“Dựa vào cách hành xử của giới lãnh đạo Trung Quốc từ trước tới nay, có vẻ như điều tích cực duy nhất có thể phát sinh khi kinh tế nước này bị suy thoái là họ sẽ trở nên bớt hung hăng về ngoại giao”, tạp chí Mỹ cho hay.   
Trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình chấp nhận các rủi ro ngoại giao to lớn, các lãnh đạo Trung Quốc thời hậu Mao Trạch Đông đều chọn cách làm việc dựa theo chủ nghĩa thực dụng thận trọng, National Interest bình luận.
Ba vị tiền nhiệm trước ông Tập, gồm ông Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đều nhận thấy rõ chênh lệch về sức mạnh giữa Trung Quốc và phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Do đó, các lãnh đạo này đã có nhiều nhượng bộ đáng kể về mặt ngoại giao khi kinh tế suy yếu buộc họ phải tính tới chính sách ngoại giao mang tính hợp tác.
“Đơn cử là việc ông Đặng đã không để cho việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan cản trở quan hệ thương mại Trung -Mỹ phát triển. Ông Giang đã có một sự kiềm chế đáng kể đối với vấn đề Đài Loan hồi cuối những năm 1990 để đổi lấy việc Mỹ ủng hộ Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)”, National Interest cho biết.
Nếu tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn của Trung Quốc đòi hỏi nước này phải tăng lượng hàng xuất khẩu sang phương Tây, thì khó có thể hình dung ra việc Bắc Kinh đạt được điều này trong khi vẫn cương quyết duy trì các đường lối ngoại giao hung hăng tại Biển Đông, tạp chí Mỹ bình luận.
Trung Quốc 'hạ nhiệt' vấn đề Biển Đông vì khủng hoảng tài chính? - ảnh 3 
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - Ảnh: Reuters

Ngoài ra, việc kinh tế tăng trưởng chậm lại cũng sẽ hạn chế đáng kể khả năng tài trợ cho các dự án kinh tế quy mô lớn, nhưng đầy rủi ro của Trung Quốc tại các quốc gia đang phát triển.
“Điều quan trọng hơn cả là Trung Quốc sẽ buộc phải tái phân bổ các nguồn tài chính để duy trì tốc độ tăng trưởng trong nước nếu kinh tế cứ tiếp tục suy yếu. Do đường lối chính sách của Trung Quốc dựa vào sức mạnh kinh tế, nên nếu Chủ tịch Tập lâm vào cảnh bị buộc phải lựa chọn giữa danh tiếng trên trường quốc tế và sự sống còn của chính quyền, ai cũng đều biết ông ta sẽ chọn cái nào”, National Interest kết luận.
(Theo Thanh niên) Hoàng Uy