Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015

Tiền và người tố cáo tham nhũng

Cập nhật lúc 08:34   

(Dân trí) - Khi nào mà những vụ án tham nhũng còn “đầu voi, đuôi chuột”, những kẻ bị phát hiện tham nhũng chưa được xử lý nghiêm, các bản án tham nhũng chủ yếu là án treo, người tố cáo chưa được bảo vệ thì dù mức tiền thưởng có bao nhiêu cũng không nhiều giá trị. 

(Minh họa: Ngọc Diệp) 
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Ngày 1/5 vừa qua, Thông tư liên tịch số 01/2015 của Thanh tra Chính phủ và Bộ Nội vụ quy định khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng chính thức có hiệu lực.
Đây là một nỗ lực nhằm đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng sau gần 10 năm (6/2006) Luật này có hiệu lực.
Điều này một mặt thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong công cuộc phòng chống tham nhũng nhưng mặt khác, nó ít nhiều biểu hiện công cuộc phòng chống tham nhũng những năm qua chưa đạt hiệu quả như mong đợi, cần có thêm nhiều biện pháp, chế tài kiên quyết hơn nữa.
Trả lời phóng viên Dân trí, ông Ngô Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) cho biết trong quy định trước đây, mức thưởng cao nhất cho người có thành tích xuất sắc nhất tối đa là 34,5 lần lương cơ sở (tương đương với khoảng gần 40 triệu đồng nếu tính theo mức lương cơ sở hiện nay) thì theo quy định mới, mức thưởng tối đa đã được nâng lên đến 3.000 lần mức lương cơ sở.
Như vậy, ngoài các phần thưởng như Huân chương Dũng cảm, Bằng khen của Thủ tướng, của cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể Trung ương… Người tố cáo tham nhũng còn có thể được thưởng cao nhất tới 3,45 tỉ đồng.
Đây là những phần thưởng lớn và cũng là bước ngoặt rất lớn trong công cuộc phòng chống tham nhũng.
Tuy nhiên, các danh hiệu khen thưởng rất cao quý, số tiền cũng rất lớn nhưng có lẽ chưa đủ bởi vẫn theo ông Hùng, kết quả một số cuộc khảo sát xã hội học thời gian gần đây cho thấy, có một tỷ lệ khá cao cán bộ, công chức, viên chức và người dân đã trả lời không sẵn sàng tố cáo cho dù biết chắc chắn về một hành vi tham nhũng.
“Nguyên nhân họ thường đưa ra để lý giải là người tố cáo không được bảo vệ, không được khen thưởng xứng đáng, hoặc tố cáo cũng chẳng giải quyết được gì mà chỉ thiệt thân người tố cáo…”. Ông Hùng nói.
Đây là một ý kiến rất chính xác bởi người tố cáo tham nhũng không bao giờ chỉ vì tiền và thậm chí trong nhiều trường hợp, họ không cần tiền mà chỉ cần sự công bằng xã hội. Họ không thể chấp nhận một số người có quyền có chức sống xa hoa, nhởn nhơ trên mồ hôi của người khác. Đã từng có rất nhiều vụ tố cáo tham nhũng trước đây không nhận được tiền dù chỉ rất ít ỏi.
Phần thưởng 320 ngàn đồng và tấm giấy khen trao “chiếu lệ” trong vụ việc nhân bản xét nghiệm ở Hoài Đức là một ví dụ.
Còn nhớ ngày 17/4 vừa qua, trong cuộc họp thường kỳ của Bộ Tư pháp, trả lời báo chí, ông Hoàng Sỹ Thành - Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết đến thời điểm này “vụ Vinashin đến nay đã thi hành án được khoảng mấy chục tỷ đồng. Nhưng riêng ông Phạm Thanh Bình thì chưa thi hành án được đồng nào cả”.
Điều người tố cáo tham nhũng cần hơn tiền là những kẻ tham ô, tham nhũng, ăn cắp tiền mồ hôi nước mắt của nhân dân phải bị trừng trị thích đáng, tài sản tham nhũng phải được thu hồi triệt để.
Khi nào mà những vụ án tham nhũng còn “đầu voi, đuôi chuột”, những kẻ bị phát hiện tham nhũng chưa được xử lý nghiêm, các bản án tham nhũng chủ yếu là án treo, người tố cáo chưa được bảo vệ thì dù mức tiền thưởng có bao nhiêu cũng không nhiều giá trị.
(Theo Dân Trí) Bùi Hoàng Tám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét