Phụ thu xe chiều chạy rỗng: nhà xe hốt
bạc
Cập nhật lúc
08:53
Vào các dịp lễ, tết, các nhà xe “thổi” giá vé tăng
20-60% với lý do “phụ thu chiều chạy rỗng”. Thật ra hầu hết các
chuyến xe đều đầy ắp khách cả đi lẫn khi về
Trên lý thuyết, số tiền thu được từ
việc tăng giá vé là để bù đắp chi phí chiều chạy rỗng (ít khách), nhưng thật
ra hầu hết các chuyến xe đều đầy ắp khách cả đi lẫn khi về.
Ông
Thượng Thanh Hải, phó giám đốc bến xe Miền Đông, cho biết trước mỗi dịp lễ,
tết các doanh nghiệp vận tải và đại diện cơ quan chức năng ngồi lại với nhau
bàn bạc về việc phụ thu chiều chạy rỗng. Sau khi thống nhất được mức phụ thu,
thời điểm phụ thu, các doanh nghiệp sẽ trình lên cơ quan chức năng (Sở Tài
chính và Sở Giao thông vận tải).
Được cơ quan chức năng đồng ý, các
doanh nghiệp thực hiện việc phụ thu dưới sự giám sát của các cơ quan hữu
quan, trong đó có bến xe.
Theo ông Hải, việc phụ thu chiều chạy
rỗng nhằm khuyến khích xe quay đầu rước khách và kích thích các doanh nghiệp
đưa xe tăng cường vào hoạt động.
Ông Hải kể cách đây khoảng 10 năm, trong
một dịp lễ cơ quan chức năng tại TP.HCM không cho phép nhà xe phụ thu nên năm
đó khách đã bị ùn ứ tại bến xe. Sau đó, qua các năm từ đó đến nay đều có phụ
thu chiều chạy rỗng trong dịp lễ, tết.
Sự thật của “chiều chạy rỗng”
Sáng 28-4, chiếc xe đò loại 29 chỗ chạy
trên tỉnh lộ 741 hướng ra quốc lộ 13 để về bến xe Miền Đông (TP.HCM), đậu trả
khách tại ngã tư Sở Sao (tỉnh Bình Dương). Có năm người khách từ trên xe bước
xuống, khi bước lên xe này chúng tôi thấy chỉ có vài ghế trống trên xe.
Phía trước đầu xe, các ghế phụ và chỗ
trống xung quanh ghế ngồi của tài xế được tận dụng để “nhét” thêm khách. Điều
này chứng tỏ lượng khách “chiều chạy rỗng” của chiếc xe này rất đông, thậm
chí quá số ghế trên xe.
Phụ xe cho biết xe chạy tuyến Bù Đăng -
bến xe Miền Đông (TP.HCM) khách rất đông ở cả hai chiều. Thậm chí ở
“chiều chạy rỗng” (chiều từ Bù Đăng về bến xe Miền Đông) nhà xe phải từ chối
khá nhiều khách dọc đường vì hết chỗ.
“Chỉ có tết mới ít khách “chiều chạy
rỗng”, chứ những ngày lễ khách đông ở cả hai chiều. Dịp lễ đâu có phải chỉ
khách từ TP.HCM đi các nơi, không ít khách tỉnh khác cũng tới TP.HCM để du
lịch”, phụ xe nói.
Theo bà Vĩnh, một người dân sống tại
huyện Phú Giáo (tỉnh Bình Dương), bà đón xe tại xã An Bình (huyện Phú Giáo)
để đi lên TP.HCM thăm con. Những ngày thường giá vé chỉ khoảng 50.000 đồng
nhưng lần này bà phải trả tiền vé 60.000 đồng với lý do “lễ, tết mà”. Hầu hết
khách trên xe đều cho biết giá vé ở “chiều chạy rỗng” đều nhỉnh hơn so với
ngày thường.
Trên một chuyến xe khác từ Phước Long
đi TP.HCM, có hơn 2/3 số ghế trên xe này có người ngồi. Dọc đường xe này còn
rước 10 khách để lấp vào các ghế trống. Tương tự, chuyến xe trong chiều 28-4
xuất phát từ Vũng Tàu đi TP.HCM cũng đông nghẹt khách.
Sáng 29-4, xe khách nối đuôi nhau từ
các tỉnh ùn ùn đổ về bến xe Miền Tây và Miền Đông (TP.HCM). Khoảng 8g30
cùng ngày, tại bến xe Miền Đông xe 46 chỗ hiệu Tiến Đạt Thành xuất phát từ
tỉnh Quảng Trị dừng trả khách tại bến chở hơn 20 khách.
Tiếp đó, chiếc xe khách loại 40 chỗ
ngồi mang biển số từ Tuy Hòa (Phú Yên) cũng dừng lại, khách nhộn nhịp bước
xuống. Vào buổi sáng, các xe của Hãng Phương Trang cũng chở khá nhiều khách
từ các tỉnh đổ về.
Tại bến xe Miền Tây cũng có nhiều khách
đi xe đò từ các tỉnh như Bến Tre, Tiền Giang... lên TP.HCM. Trong đó, các xe
của Hãng Phương Trang luôn chiếm số lượng khách khá đông, hầu hết đều kín chỗ
ngồi.
Không phụ thu vẫn có lãi
Trong tháng 1-2015, Sở Giao thông vận
tải TP.HCM có báo cáo về tình hình thực hiện giá cước vận tải với Bộ Giao
thông vận tải. Theo đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM tính toán chi phí trực
tiếp cho một chuyến xe chiếm 57-63%.
Vào các dịp lễ tết, hầu hết xe chỉ khai
thác được một chiều có khách, chiều còn lại không có hoặc có rất ít khách. Do
đó, việc các doanh nghiệp phụ thu thêm chiều xe chạy rỗng tối đa 60% (tùy
theo từng thời điểm và từng khu vực tuyến đường mà áp dụng mức phụ từ 20%,
40%, 60%) là phù hợp.
Đây cũng là điều kiện để khuyến khích
các xe quay đầu về thành phố và thuê thêm xe để giải tỏa hết lượng khách, vì
nếu không giải quyết phụ thu thì các xe sẽ không quay đầu về thành phố, dẫn
đến việc không đủ xe đưa hết hành khách đi các địa phương khác.
Tuy nhiên, ông K., đại diện một nhà xe
chạy tuyến TP.HCM - Bình Định, khẳng định việc phụ thu “chiều chạy rỗng” thực
chất là cái cớ để nhà xe tăng giá vé. Trong giới nhà xe, dịp lễ, tết được xem
là mùa làm ăn.
“Nếu như cơ quan chức năng không cho
phụ thu “chiều chạy rỗng” thì nhà xe vẫn phải quay đầu xe để chở khách, thậm
chí thuê thêm xe để tăng cường chở khách dịp này, không ai dại gì bỏ ra cả tỉ
đồng đầu tư xe, chỉ vì không được tăng giá trong vài ba ngày mà bỏ xe một
chỗ”, ông K. nói.
Ông K. còn tiết lộ thêm chỉ trong một
mùa lễ được phụ thu chiều chạy rỗng khoảng 40%, với 10 chiếc xe khách loại 50
chỗ ngồi cùng khoảng năm chiếc xe khách thuê ngoài, doanh nghiệp của ông cũng
đã thu về hơn 100 triệu đồng tiền lãi.
(Theo Tuổi Trẻ) MẬU TRƯỜNG -
ĐỨC PHÚ
Phụ thu – đây là một lỗ hổng trong công tác quản lý của cơ quan chức năng của ta, nó
đã phát triển thành “tập quán”, như một quyền lợi đương nhiên với doanh
nghiệp vận tải hành khách. Thử nghĩ xem sẽ ra sao nếu ngành nào cũng đưa ra
chiêu “phụ thu” để bù đắp cho những lúc kinh doanh bất lợi, không hiệu quả? Họ
cũng có thể nói tại sao ngành vận tải được phụ thu mà họ không được làm vậy
(ví như ngành kinh doanh nghỉ mát tại các bãi biển phía Bắc cũng có một “mùa
rỗng” là mùa Đông, vậy thì mùa Hè họ cũng được “phụ thu” chứ? Đã đến lúc cơ
quan chức năng cần nghiêm cấm kiểu kinh doanh này và siết chặt kỷ cương về
giá cả dịch vụ.
Thương Giang
|
Thứ Hai, 4 tháng 5, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét