Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

Khi sự mù quáng ngự trị ở Ukraina

 Cập nhật lúc 13:46      
            
su mu quang dang ngu tri o Ukraina 

Motthegioi- Một trong những sự kiện gây tiếng vang nhất trên thế giới trong năm 2014 hẳn phải là cuộc cách mạng ở Ukraina. Đồng thời nó cũng được xem là nguyên nhân chủ đạo dẫn đến cuộc xung đột đẫm máu kéo dài gần một năm ở đất nước Đông Âu này. 

Nếu như ngày càng có nhiều quốc gia có xu hướng chọn những biện pháp ôn hòa để cải cách đất nước, thì người dân Ukraina vẫn buộc phải lựa chọn một biện pháp cứng rắn và chấp nhận đánh đổi bằng một cái giá rất đắt để đạt được những khát vọng của mình. Những tưởng với cái giá phải trả quá đắt ấy, người Ukraina đang thấm thía hơn bao giờ hết giá trị của hòa bình và tự do, thì có vẻ như cơn bão tố vẫn chưa buông tha đất nước Đông Âu này. Ở Ukraina, tiếp sau nỗi đau của cuộc xung đột với máu và nước mắt, lại đang tiếp tục bị ngự trị bởi sự mù quáng.
Trong số các quốc gia đưa ra những giải pháp để thực hiện cải cách đất nước trong vài năm trở lại đây trên thế giới, thì Ukraina là một trường hợp đặc biệt. Trong khi hầu hết các quốc gia khác trên thế giới đều có xu hướng chọn lựa những biện pháp ôn hòa để cải cách đất nước, với điển hình là Cuba và Myanmar, thì Ukraina lại chọn một giải pháp hoàn toàn khác khi tiến hành lật đổ chính quyền cũ trước đó bằng những cuộc biểu tình và xung đột. Không phải là không có những nỗ lực cố gắng giải quyết tình hình bằng những biện pháp ôn hòa, nhưng tất cả đều đã thất bại và đã buộc Ukraina phải chọn một giải pháp mà ai cũng biết rằng, cái giá phải trả sẽ rất đắt. Người Ukraina hiểu rằng, họ không còn cách nào khác để thay đổi tình hình đất nước nếu như không lật đổ chính quyền của tổng thống Yanukovych và cùng với đó là ảnh hưởng rất lớn của nước Nga ở Ukraina.
Những cuộc biểu tình căng thẳng ở Ukraina đã thành công, về một phương diện nhất định. Chính quyền của tổng thống Yanukovych bị lật đổ, buộc vị tổng thống thân Nga này phải lưu vong, một chính phủ lâm thời được thành lập qua con đường bầu cử ở Kiev và cam kết những cải cách cần thiết để vực dậy đất nước. Nhưng cái giá phải trả cũng quá lớn. Những cuộc bạo loạn diễn ra ở miền Đông đã chia cắt hoàn toàn khu vực này với phần còn lại của Ukraina, trong khi đó Nga sáp nhập bán đảo Crimea trù phú. Gần một phần ba đất nước bị chia cắt và là những vùng giàu có và quan trọng nhất đất nước, đó là cái giá mà Ukraina phải trả để giành được thành công với cuộc cách mạng của mình. Những tưởng thỏa thuận ở Minsk, trong đó Ukraina buộc phải chấp nhận tạm thời tình trạng bị chia cắt, có thể khiến sự phẫn nộ bùng phát ở đất nước Đông Âu này. Nhưng người dân Ukraina đã chứng tỏ rằng họ hiểu rõ tình hình, bằng cách ủng hộ chính phủ mới ở Kiev và bắt tay vào tái thiết đất nước mà không một lời phàn nàn. Nhưng nếu như người dân Ukraina tỏ ra thực tế và mạnh mẽ bao nhiêu, thì những nhà lãnh đạo của họ lại không như vậy. Một sự mù quáng đang lan tràn và ngự trị ở những nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước này.
Không mất nhiều thời gian để những rắc rối nảy sinh ở trên thượng tầng giới lãnh đạo Ukraina. Ngay sau khi cuộc xung đột đẫm máu với các tỉnh miền Đông vừa chấm dứt, một cuộc khủng hoảng lớn đã nảy sinh từ sự bất đồng giữa những nhà lãnh đạo cao nhất tại Ukraina. Tổng thống Poroshenko và tỉnh trưởng khu vực Dnipropetrovsk là tỷ phú Igor Kolomoisky lao vào một cuộc bất đồng lớn. Kolomoisky là một trong những nhà lãnh đạo có uy tín lớn nhất ở Ukraina và là một người chống Nga mạnh mẽ nhất cùng với tổng thống Poroshenko. Và lẽ ra khi mà cuộc xung đột vốn đẩy cao tình cảm bài Nga ở Ukraina vừa mới kết thúc và là một cơ hội để các nhà lãnh đạo Ukraina bắt tay tái thiết đất nước, thì thay vào đó họ lại xung đột và cãi lộn với nhau. Sự xung đột giữa Kiev và Dnipropetrovsk đang gây ra một sự lo ngại lớn về sự chia rẽ đang phát sinh giữa hai trung tâm chính trị hàng đầu Ukraina.
Tình cảm bài Nga cũng đang là nguyên nhân hàng đầu gây nên những xáo trộn lớn ở Ukraina vào thời điểm hiện tại. Xuất phát từ chỗ chỉ muốn lật đổ ảnh hưởng chính trị của Nga thông qua chính quyền của tổng thống Yanukovych, tình cảm bài Nga ở Ukraina gia tăng nhanh chóng sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, và phần lớn người dân Ukraina đều tin rằng Nga đã đứng sau hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy ở hai tỉnh Donetsk và Luhan chống đối chính quyền Kiev. Rất hiếm người Ukraina tin rằng Nga không có ý định chia cắt lãnh thổ và làm suy yếu Ukraina. Tình cảm bài Nga quá khích này đang là nguy cơ có thể dẫn tới sự chệch hướng của cuộc cách mạng ở Ukraina. Mục đích lớn nhất của cuộc cách mạng lật đổ chính quyền của tổng thống Yanukovych của người Ukraina là muốn cải cách đất nước, nhưng giờ đây sau khi cuộc xung đột đã qua đi nó lại đang có nguy cơ trở thành một cuộc chiến chống lại Nga để giành lại những vùng lãnh thổ đã mất.
Điển hình cho sự chệch hướng này đang là tổng thống đương nhiệm Poroshenko. Thay vì đặt trọng tâm vào việc tái thiết đất nước và xây dựng lại nền kinh tế vốn là mục đích hàng đầu mà mọi người dân Ukraina mong muốn, vị tổng thống này lại đặt vấn đề chống lại Nga lên hàng đầu, kể cả khi nó đi kèm với những nguy cơ lớn. Tình cảm bài Nga mù quáng đã khiến Poroshenko khăng khăng về một cuộc chiến quân sự chống lại Nga để giành lại Crimea và các tỉnh miền Đông, kể cả bằng cách lôi kéo Mỹ và phương Tây tham chiến – một ý định điên rồ có thể khiến cả Ukraina chìm trong bể máu khi trở thành chiến trường cho hai thế lực hùng mạnh là phương Tây và Nga. Ý định điên rồ đó của Poroshenko tạm thời bị dẹp sang một bên khi Đức buộc Ukraina phải nhượng bộ và chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn ở Minsk. Nhưng Poroshenko đang chứng tỏ rằng, ông này sẵn sàng làm những điều tương tự khác miễn là thỏa mãn tình cảm bài Nga mù quáng của mình.
Trong động thái gần nhất, Poroshenko đã ký sắc lệnh, theo đó loại bỏ tất cả những gì gắn liền với quá khứ là một phần của Liên Xô của Ukraina. Tất cả mọi thứ dính dáng đến Liên Xô ở Ukraina đều bị dẹp bỏ, từ những bức tượng Lenin cho tới những khẩu hiệu thời xã hội chủ nghĩa, hay việc đổi tên những đường phố và thị trấn. Poroshenko không ngần ngại tuyên bố muốn xóa sạch quá khứ là một phần của Liên Xô của Ukraina. Và để làm điều này, vị tổng thống của Ukraina lại thực hiện theo một cách mù quáng nhất, đó là tôn vinh những nhóm thân phát xít đã từng giúp Hitler tiêu diệt người Do Thái trong thế chiến hai, và lấy tên của những tổ chức này để thay thế cho tên những nhân vật Liên Xô ở các con đường và các thị trấn. 
Poroshenko cho rằng những nhóm này là biểu tượng cho việc giành lại độc lập cho Ukraina và cần được tôn vinh, và lờ đi lý lịch phát xít và diệt chủng của những tổ chức này. Ngay lập tức sắc lệnh của Poroshenko vấp phải sự phản đối của các nước phương Tây vốn đang hỗ trợ cho quá trình tái thiết Ukraina. Dễ hiểu là chẳng mấy quốc gia phương Tây cảm thấy hào hứng với việc những nhân vật phát xít lại được tôn vinh bằng cách đặt tên cho những con đường và thị trấn cả. Poroshenko đang để tình cảm bài Nga quá khích và mù quáng của mình đi quá xa, và có trời mới biết nó sẽ đem lại những hậu quả gì cho một Ukraina vốn đã phải chấp nhận quá nhiều những nỗi đau và mất mát trong hơn một năm qua.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét