Thủ tướng
luôn “thiệt thòi” về thời gian trả lời chất vấn
Cập nhật lúc 14:51
Gần như chưa có kỳ họp nào Thủ tướng có đủ thời gian để trả lời hết
các chất vấn trực tiếp của đại biểu...
Có những vấn đề cho dù đã được bộ
trưởng trả lời hay thể hiện trong báo cáo, thì khẳng định của Thủ tướng trước
Quốc hội và đồng bào cả nước vẫn mang một ý nghĩa khác hẳn.
16h45 chiều
19/11, Thủ tướng kết thúc phần trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội, khi
vẫn còn 3/10 vị đại biểu đã đặt câu hỏi chưa được trả lời. Và còn 10 vị chưa
có thời gian để đặt câu hỏi.
“Tôi và nhiều đại biểu khác thấy tiếc lắm, vì lẽ ra nên dành cho Thủ tướng cả 15 phút còn lại, Chủ tịch Quốc hội chỉ nên nói một câu kết thúc 3 ngày chất vấn chứ không nên điểm lại từng phiên của các vị bộ trưởng nữa”, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp bày tỏ. Ông Tiếp giải thích thêm rằng, sở dĩ lúc Chủ tịch nói về công việc tới đây của các vị trưởng ngành, đại biểu thấy “tiếc”, vì sau mỗi phần chất vấn từng vị Chủ tịch cũng đã nêu khá rõ nội dung đó rồi. Trong khi, một số vấn đề đại biểu chất vấn Thủ tướng rất thiết thực, cả đại biểu và cử tri đều muốn nghe người đứng đầu Chính phủ trực tiếp trả lời. Vị đại biểu Cần Thơ và một số vị đại biểu khác cũng cho rằng, thời gian dành cho Thủ tướng trả lởi chất vấn trực tiếp chỉ khoảng 45 phút là ít ỏi. “Nếu không nhiều hơn thì cũng nên “công bằng” với các bộ trưởng là một buổi”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng nói. Nghị viện nhiều nước chất vấn đến khi nào trả lời hết thì thôi, tại sao Quốc hội Việt Nam cứ đến 17h là dừng, trong khi đại biểu và cử tri muốn được nghe hết các câu trả lời của Thủ tướng? Đây là câu hỏi đã được một số vị đại biểu đặt ra từ trước kỳ họp này, khi mà gần như chưa có kỳ họp nào Thủ tướng có đủ thời gian để trả lời hết các chất vấn trực tiếp của đại biểu. Tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2011, thời gian dành cho Thủ tướng trả lời chất vấn trực tiếp là 20 phút cho 22 câu trả lời. Và sau đó chỉ là nửa buổi chiều tại phiên trả lời chất vấn ở kỳ họp cuối năm 2013. Một vị đại biểu giải thích, chương trình chất vấn chi tiết là do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ấn định, nên đại biểu dù có muốn cũng khó có thể thay đổi. Giải thích nữa là do truyền hình trực tiếp nên nếu kéo dài hơn thời gian làm việc bình thường, thì cũng khó cho “nhà đài”. Hay, dù không trả lời trực tiếp thì sau đó chất vấn của đại biểu vẫn được trả lời đầy đủ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Chính phủ. Song, dường như đó vẫn là những lý do chưa đủ thuyết phục với một số đại biểu. Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Cần Thơ Huỳnh Văn Tiếp nói, khi rút kinh nghiệm kỳ họp này, ông sẽ đề nghị kỳ họp cuối năm sau dành trọn một buổi để chất vấn Thủ tướng. Bởi, có những vấn đề cho dù đã được bộ trưởng trả lời hay thể hiện trong báo cáo, thì khẳng định của Thủ tướng trước Quốc hội và đồng bào cả nước vẫn mang một ý nghĩa khác hẳn. Chẳng hạn, nợ công là vấn đề đại biểu còn hoài nghi, nhưng khi Thủ tướng khẳng định nợ công vẫn an toàn, thì không chỉ đại biểu mà nhân dân tin tưởng hơn. Hay, tình hình biển Đông, đại biểu lo lắng và cử tri cũng muốn biết quan điểm của Thủ tướng. “Vậy nên, tôi vẫn tiếc 15 phút có thể dành thêm cho Thủ tướng hôm qua”, ông Tiếp nhấn lại.
(Theo VnEconomy) Nguyên Hà
Tựa đề của Kinh Bắc
|
Thứ Năm, 20 tháng 11, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét