Tỉnh Hải Dương xây trụ sở nghìn tỷ: “Lãng
phí, phản cảm”
Cập nhật lúc 08:43
(Kiến Thức) - Trong điều kiện ngân sách đang “giật gấu vá
vai”, việc xin xây dựng trung tâm hành chính với số vốn lớn như vậy là gây
phản cảm trong dư luận.
Như Báo điện tử
Kiến Thức đã đưa tin, UBND tỉnh Hải Dương
đang xin ý kiến Thủ tướng về dự án khu hành chính tỉnh rộng 19,15ha tại khu
đô thị mới phía Đông TP Hải Dương, tổng mức đầu tư khoảng 2.060 tỉ đồng, cao
không quá 20 tầng, trong đó ngân sách tỉnh chi khoảng 1.000 tỉ đồng...
Khu hành chính
này sẽ là nơi làm việc tập trung của 19 cơ quan quản lý nhà nước và chính
quyền thuộc tỉnh Hải Dương, bao gồm 5 khu: khu trụ sở của HĐND, UBND, đoàn
đại biểu Quốc hội tỉnh; khu làm việc khối các sở, ngành thuộc
UBND tỉnh; trung tâm hội nghị…
Đại diện tỉnh
Hải Dương lý giải hiện nay nhiều công trình thuộc khối hành chính của tỉnh đã
xuống cấp, có công trình có từ thời Pháp, đến nay cũng hơn trăm năm, so với
các tỉnh khác thì quá sập xệ.
Trong bối cảnh
nền kinh tế, ngân sách đang rất khó khăn như hiện nay lại liên tục xuất hiện
những công trình sử dụng nguồn vốn công lên đến hàng nghìn tỉ đồng, giờ tỉnh
Hải Dương lại xin xây trung tâm hành chính với số vốn ngân sách và tiền bán,
cho thuê công sản lên tới hơn 2.000 tỷ đồng đã khiến dư luận không khỏi lo âu,
hồ nghi.
Đại biểu Quốc
hội Dương Trung Quốc cho hay: “Đến bây giờ, tôi vẫn chưa hết xót xa khi nghĩ
về hình ảnh Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam ở Sơn Tây (Hà Nội) –
một dự án có vốn đầu tư lên tới 3.200 tỷ đồng bị hoang tàn, bỏ không, vắng
khách, nhiều công trình mới xây dựng được vài năm đã xuống cấp, xập xệ.
Trở lại dự án
xây dựng trụ sở hơn 2.000 tỷ đồng của tỉnh Hải Dương, trong điều kiện ngân
sách đang “giật gấu vá vai”, việc xin xây dựng trung tâm hành chính với số
vốn lớn như vậy là chưa hợp thời điểm, gây phản cảm trong dư luận.
Hướng tới một
nền hành chính tiến bộ với trụ sở làm việc hiện đại, tiện lợi... là mục tiêu
chính đáng. Tuy nhiên, đã là cơ quan nhà nước có nghĩa là công bộc của dân,
do vậy tiện nghi cũng vừa phải thôi, phải đi liền với tình hình kinh tế, ngân
sách và đời sống dân sinh. Bên cạnh đó, trong khi năng lực giải quyết công việc
và trách nhiệm phục vụ tận tâm của nhiều cán bộ trong các sở, ban ngành nhà
nước vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được cải thiện, lượng công việc ở một số
ban, ngành vẫn chưa nhiều, thì việc xây trụ sở nguy nga, hoành tráng có lẽ là
thừa thải, chưa phải lúc. Thiết nghĩ các tỉnh, thành cần đầu tư vào yếu tố
cốt lõi đó là hiệu quả giải quyết công việc, chứ không phải hình thức trụ
sở”.
Có cùng quan
điểm trên, Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho biết: “Thực tế không chỉ mình
Hải Dương mà nhiều tỉnh, thành khác cũng đã xây dựng hoặc đang xin xây dựng
trụ sở một cách hoành tráng với số vốn lên đến hàng nghìn tỉ đồng. Đây là
những công trình công, mà lĩnh vực này như chúng ta biết, tổ chức minh bạch
quốc tế đánh giá chúng ta còn rất yếu, chỉ được 31/100 điểm. Không biết khi
xin xây trụ sở hoành tráng, lãnh đạo các tỉnh có nghĩ đến việc lấy tiền thuế
của dân xây dựng, nếu sử dụng không hiệu quả, nếu đầu tư lãng phí là có tội
với dân hay không”.
Ông Tiến phân
tích thêm, có rất nhiều vấn đề đặt ra từ phong trào xây dựng công sở tốn kém.
Nguồn vốn từ đâu là câu hỏi lớn. Hiếm có địa phương huy động được vốn từ
nguồn xã hội hóa; đại đa số bán - đổi đất hay trụ sở cũ nhưng khoản này không
đủ, phải lạm vào ngân sách công.
Đường giao thông ở Hải Dương
Đã đầu tư bằng
tiền ngân sách nhà nước thì phải suy xét thật cẩn thận. Trong hoàn cảnh đất
nước còn nghèo, nhiều năm chưa thoát được gánh nặng nợ công và bội chi ngân
sách, việc đua nhau xây dựng trung tâm hành chính như thế là có biểu hiện của
sự lãng phí.
Không phải chỉ
có trụ sở công, mà các công trình công khác cũng rất nhiều, như sân vận động,
nhà văn hóa, bảo tàng hàng nghìn tỉ… nhưng lại để không, thậm chí hoang tàn,
xuống cấp, rồi cho thuê những dịch vụ sai mục đích, phi văn hóa. Thậm chí có
công trình vừa làm xong đã xuống cấp, hay có công trình vừa khai sinh đã khai
tử… Như vậy, bỏ ngân sách ra hàng nghìn tỷ đồng xây dựng những công trình đó
để làm gì, trong khi có rất nhiều việc thiết thực khác cần đến ngân sách.
Nếu chúng ta
cắt bớt đi được những khoản chi đầu tư công đó thì hoàn toàn có được tiền để
làm những công việc khác hữu ích hơn, tập trung vào những vấn đề bức bách
hơn, như giảm tải y tế chẳng hạn, rồi đầu tư cho đồng bào nghèo vùng sâu vùng
xa, hoặc cũng góp phần vào việc tăng lương cho người lao động.
Ngân sách cả
năm 2013 ước hụt thu khoảng hơn 59.400 tỷ đồng và dự kiến năm 2014 còn hụt
thu ở mức cao hơn nữa. Thế nhưng con số bội chi của năm 2014 vẫn trên đà
tăng.
“Chúng ta đang
sử dụng tiền thuế của dân không hiệu quả. Chính việc bội chi ngân sách đã
khiến nhiều hệ lụy kèm theo, đơn cử như câu chuyện tăng lương thời gian qua
cũng lỡ nhịp và phải lùi sang năm 2015 khiến dư luận băn khoăn”, ông Tiến nói.
Minh Hiếu
|
Thứ Sáu, 28 tháng 11, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét