Thứ Bảy, 22 tháng 11, 2014

Dịch hạch bùng phát ở Madagascar, 40 người thiệt mạng

Cập nhật lúc 10:27

TPO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/11 cho biết, một đợt bùng phát bệnh dịch hạch đã cướp đi sinh mạng 40 người trong số 119 trường hợp nhiễm bệnh tại Madagascar kể từ cuối tháng 8 và có nguy cơ lây lan nhanh chóng ở thủ đô Antananarivo.


Vi khuẩn dịch hạch Yersinia pestis dưới kính hiển vi - Ảnh: AFP
Trường hợp đầu tiên được ghi nhận nhiễm bệnh dịch hạch là một người đàn ông đến từ làng Soamahatamana, huyện Tsiroanomandidy vào hôm 31/8. Bốn ngày sau đó, người đàn ông này đã tử vong vì căn bệnh này.  
Chính quyền địa phương đã thông báo với WHO về nguy cơ bùng phát bệnh dịch hạch hôm 4/11.
Cho đến nay, hai trường hợp nhiễm bệnh và một ca tử vong đã được ghi nhận ở thủ đô Antananarivo. WHO cảnh báo, số lượng bệnh nhân có thể tăng lên nhanh chóng do "mật độ dân số của thành phố cao và hệ thống y tế yếu kém".
Theo WHO, mặc dù hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh dịch hạch có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh một cách hiệu quả. Tuy nhiên, 2% các bệnh nhân nhiễm bệnh ở Madagascar được báo cáo là ở thể phổi.
"Đó là một trong những bệnh truyền nhiễm gây tỷ lệ tử vong cao nhất và có khả năng giết chết người bệnh chỉ trong vòng 24 giờ", WHO khẳng định.
WHO cũng khuyến cáo khách du lịch nước ngoài hạn chế các chuyến đi tới Madagascar vào thời điểm này để đề phòng rủi ro.
Dịch hạch là một bệnh truyền nhiễm cực kỳ nguy hiểm (còn gọi là cái chết đen), tiến triển cấp tính, lây lan mạnh với tỷ lệ tử vong cao, được xếp vào diện phải kiểm dịch và khai báo quốc tế.
Các hình thức phổ biến nhất của bệnh dịch hạch là các hạch bạch huyết sưng lên, được gọi là buboes, ở nách hoặc cổ. Các hình thức hiếm nhất và nặng nhất của bệnh dịch hạch là ảnh hưởng tới phổi.
Bệnh do trực khuẩn Yersinia pestis gây ra, lưu hành trong quần thể động vật thuộc những loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và bọ chét ký sinh trên chúng. 
Từ đó, bệnh lây truyền sang người qua trung gian bọ chét nhiễm khuẩn. Nếu không được điều trị kịp thời, tử vong ở thể hạch là 75%, và ở thể phổi là gần 100%.
Theo Reuters

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét