Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Nghi vấn trong bản tin "Máy bay VNA suýt đâm máy bay quân sự": Chiêu minh họa sân bay quá tải?

(GDVN) - Đó là ý kiến nhận định của TS Nguyễn Bạch Phúc trước thông tin vụ việc hai máy bay dân sự và quân sự suỵt đụng nhau được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ ngày 19/11.
Theo đó liên quan đến vụ việc suýt xảy ra va chạm giữa máy bay dân sự và quân sự tại sân bay Tân Sơn Nhất ngày 29/10 vừa qua, trước thông tin trả lời của ông Đỗ Quang Việt – Cục phó Cục Hàng không VN trên Báo Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Bách Phúc Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý HASCON, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử - Tin học EEI đã có bài viết phân tích nhận định về những con số và thông tin đăng tải trong bài báo.
Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu độc giả bài viết TS Nguyễn Bác Phúc:
Ngày 19/11, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Quang Việt – Cục phó Cục Hàng không VN - cho biết đã nhận được báo cáo của Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) về sự cố một máy bay dân sự và một máy bay quân sự suýt đụng nhau trên vùng trời sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (báo Tuổi Trẻ ngày 20/11/2014, trang 5, với tiêu đề: Hai máy bay suýt đụng nhau).
Đọc những con số trong Báo cáo của ông Đinh Việt Thắng, Tổng Giám đốc VATM, trình ông Đỗ Quang Việt, người ta không khỏi "hết hồn": Máy bay dân sự Airbus A321 (có thể chở hơn 200 hành khách), bay cách máy bay trực thăng quân sự Mi 172/423 chỉ có 60 mét! Khoảng cách 60 mét với người đi bộ, hay với xe khách, xe ô tô chẳng là gì cả, nhưng với hai máy bay, tốc độ hàng trăm km/h, thì quả thật là một điều kinh khủng.


Một chiếc Airbus A321.

Có lẽ Cục Hàng không Việt Nam đưa ra câu chuyện này để nhằm chứng minh cho nhận định vô cùng hùng hồn của Cục Hàng không và Bộ Giao thông Vận tải là: Sân bay Tân Sơn Nhất bị “tắc nghẽn bầu trời” và “chồng lấn bầu trời với sân bay Quân sự Biên Hòa”. Với ý nghĩa này thì Cục Hàng không và Bộ Giao thông Vận tải đã rất thành công.
Liên quan sự cố máy bay Hãng hàng không Vietnam Airlines suýt va chạm với máy bay trực thăng quân sự ngày 29/10, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, đây là vụ việc này vi phạm khoảng cách tối thiểu giữa hai đường bay, nguyên nhân ban đầu có thể nói rằng do sự phối hợp hợp đồng bay giữa hàng không dân sự và quân sự không tốt của kíp trực điều hành. Lỗi của kiểm soát viên trong việc canh nghe huấn lệnh.
“Còn vừa qua có thông tin đại chúng cho rằng kết luận lỗi của chỉ huy bay quân sự. Tuy nhiên cho đến ngày hôm nay chưa có cơ sở để kết luận lỗi do chỉ huy bay quân sự. Hiện Cục Hàng không đang phối hợp với các bên thành lập tổ điều tra tiếp tục làm rõ nguyên nhân", ông Thanh nói.
Tuy nhiên, nếu đọc kỹ những con số của bản tin, sẽ thấy sao lại “tréo ngoe” đến thế. Đến nỗi, một học sinh cấp một cũng có thể thấy được cái vô lý của bản tin. Chúng tôi mong muốn được làm “minh bạch” những thông tin này.
Con số tréo ngoe thứ nhất, hai máy bay cách nhau 60m. Bản tin viết: “Máy bay Airbus 321 của Hàng không Việt Nam Airline (VNA) khởi hành từ TP.Hồ Chí Minh đi Huế, sau khi cất cánh, tổ lái phát hiện có máy bay cắt ngang ở độ cao 1000 feet (304m) gây uy hiếp an toàn bay”. Rồi bản tin lại viết: “Theo đại diện VNA, khi máy bay Airbus 321 đang ở độ cao 500 feet (khoảng 150m) thì tổ lái quan sát thấy một máy bay trực thăng cắt ngang phía trước, theo nhận định của tổ lái, lúc này hai máy bay cách nhau khoảng 200 feet (khoảng 60m)”.
Airbus bay ở độ cao 152m, máy bay trực thăng bay ở độ cao 304m, thì khoảng cách gần nhất có thể, chỉ xảy ra khi hai máy bay “đội đầu” nhau, khoảng cách “đội đầu” gần nhất đó chỉ bằng 304 – 152 = 152m! Lạ lùng chưa? Cục Hàng không Việt Nam lại bảo chúng chỉ cách nhau 60m! 
Cục Hàng không đưa ra thông tin như vậy có dụng ý gì?
Con số tréo ngoe thứ hai, máy bay trực thăng có tốc độ siêu thanh, hơn 4.600km/h. Cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất, theo hướng đông tây, Airbus 321 phải bay về phía tây. Bản tin nói rằng: máy bay A321 phát hiện trực thăng cắt ngang khi đang ở độ cao 152m. Chúng ta hãy thử xác định xem vị trí này của máy bay ở đâu?. Tốc độ nâng độ cao của mỗi máy bay tùy thuộc nhiều yếu tố: loại máy bay, thời tiết…, nhưng thông thường, với máy bay dân dụng, tốc độ đó nhỏ nhất là 5m/giây. 
Cho rằng máy bay A321 bay với tốc độ nâng độ cao nhỏ nhất này, khi máy bay đạt độ cao 150m, thì thời gian bay tính từ khi cất cánh chỉ là 152m/(5m/giây) = 30 giây. Với 30 giây này, máy bay mới rời mặt đất được một quãng đường chỉ hơn 2 Km. Tính quãng đường này như sau: Tốc độ khi cất cánh của máy bay dân sự thường là 250 Km/giờ, quãng đường S = v x t  = 250 Km/giờ x (30/3000)giờ = 2,08 Km. Nếu tính chi li ra, máy bay tăng dần tốc độ sau khi rời mặt đất, sẽ khiến quãng đường này dài thêm được 0,04 Km, kết quả S = 2,08 Km + 0,04 Km = 2,12 Km (trong phần Phụ lục cuối bài sẽ có bài tính chi tiết con số 0,04 Km này, mời những bạn đọc quan tâm tham khảo). 
Như vậy, theo Cục Hàng không Việt Nam, máy bay A321 đã phát hiện máy bay cắt ngang khi mới rời sân bay Tân Sơn Nhất chỉ 30 giây, mới xa sân bay chỉ hơn 2 Km, tức là ngay trên vùng trời quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh. 
Bản tin lại nói, sau khi máy bay A321 cất cánh được 9 giây, thì máy bay trực thăng được lệnh cất cánh từ sân bay Biên Hòa. Thật lạ lùng, là chỉ với thời gian 30 giây - 9 giây = 21 giây, máy bay trực thăng đã kịp vọt từ sân bay Biên Hòa, đến chắn ngang máy bay A321 đang ở gần Tân Sơn Nhất? Trực thăng đã vượt khoảng cách từ sân bay Biên Hòa đến Tân Sơn Nhất 25 Km, cộng thêm 2 Km máy bay Airbus đã bay, tổng cộng 27 Km, chỉ trong 21 giây. Vậy thì, theo Cục Hàng không Việt Nam tốc độ của máy bay trực thăng Mi 172 là (25 Km + 2 Km)/21 giây = 27 Km/(21/3000)giờ = 4628 Km/giờ!
Xin hiểu rằng những máy bay chiến đấu siêu thanh hiện đại nhất hiện nay cũng chỉ có tốc độ hơn 3000 Km/giờ, trong khi Cục Hàng không Việt Nam “hô biến” cho loại máy bay trực thăng dòng Mi 172 của Nga, với tốc độ tối đa chỉ 250 Km/giờ, thành máy bay “siêu siêu thanh” 4628 Km/giờ!
Lưu ý rằng, Bản tin không nói tên sân bay quân sự mà trực thăng cất cánh. Trong câu chuyện này, ngoài sân bay Biên Hòa, thì chỉ còn duy nhất Tân Sơn Nhất. Nếu trực thăng cất cánh từ Tân Sơn Nhất thì câu chuyện cũng hoàn toàn vô lý, vì máy bay A321 lúc cất cánh bay với tốc độ 250 Km/giờ, trực thăng Mi172 có tốc độ tối đa 250 Km/giờ, nhưng xuất phát sau A321 thời gian 9 giây, kết quả là trực thăng chỉ có thể “bám đuôi” A321, chứ lấy sức đâu mà vượt lên trước, rồi rẽ cắt ngang mặt A321. Hơn nữa, trực thăng và A321 bay cùng hướng, rất gần nhau, thấy nhau rõ mồn một, nếu trực thăng có “phép màu” nào đó để đuổi kịp và vượt lên trước, thì trực thăng cũng chẳng “dại gì” mà rẽ cắt ngang A321.
Tính quãng đường S mà A321 bay được trong thời gian t = 30 giây, khi nhìn thấy trực thăng cắt ngang:
1.Tính thời gian T để máy bay nâng độ cao lên 10000m: 
Với Tốc độ nâng độ cao của máy bay dân dụng là Vn = 5m/ giây, Thời gian T = 10000m/(5m/giây) = 2000 giây
2. Tính gia tốc a của máy bay, là độ gia tăng tốc độ của máy bay:
a = (v1 – v0)/T
(Trong đó v1 là tốc độ ở độ cao 10000m, với máy bay Airbus 321 tốc độ v1 xấp xỉ  900Km/ giờ;  a = (900 Km/giờ - 250 Km/giờ)/T = (650 Km/giờ)/2000 giây= (650 Km/giờ)/(2000/3600 giờ) = 1170 Km/giờ2)

3. Tính quãng đường S mà A321 bay được trong thời gian t = 30 giây, khi nhìn thấy trực thăng cắt ngang:
S = v0 x t + a x t2/2
t = 30 giây = 30/3600 giờ = 0.00833 giờ
v0 là tốc độ của A321 khi rời mặt đất, v0 = 250 Km/ giờ
a = 1170 Km/giờ2
S = 250 Km/giờ x 0.0083 giờ  + 1170 Km/giờ2 x 0.0083 giờ x 0.0083 giờ/2 = 2,08 Km  +  0.04 Km = 2,12 Km.

(Theo Giáo dục VN) TS Nguyễn Bách Phúc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét