Chủ Nhật, 23 tháng 11, 2014

Xung quanh vụ xây trụ sở ngàn tỷ ở Hải Dương: Phải xót “đồng tiền bát gạo” của dân
Cập nhật lúc 08:14
     
Trong khi tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, việc cấp thiết xây dựng trụ sở nghìn tỷ tại Hải Dương, chưa nói đến vấn đề phân lô phân nền để bán, liệu chăng là sự lãng phí? Bất cập chính là có dự án là phê duyệt, là xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, trong khi những vấn đề cơm áo gạo tiền của người dân đáng phải suy nghĩ và trăn trở hơn. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội trao đổi với Đại Đoàn Kết.


 Một trụ sở hoành tráng của tỉnh Hải Dương

Thưa ông, thời điểm kinh tế suy thoái, ngân sách đang "giật gấu vá vai”, việc xây dựng trụ sở nghìn tỷ phải chăng là chưa đúng thời điểm, nhân dân không đồng tình? 
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương: - Không chỉ riêng tỉnh Hải Dương, rất nhiều địa phương hiện nay đã và đang bỏ tiền tỷ để xây trụ sở mới. Và sự "mới” chưa chắc là đã thực sự cần thiết. Thực tế cho thấy, không chỉ khối hành chính, chính quyền, ngay cả các cơ quan tư pháp cũng đã dốc tiền của để xây trụ sở khang trang hơn, to hơn, hoành tráng hơn. Tất nhiên, việc làm mới này, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay,  là sự lãng phí. 

Tất nhiên, sự lãng phí này là theo quan điểm cá nhân. Địa phương chưa hẳn đã nghĩ vậy. Song lãng phí hay không lãng phí phải có ai đó kết luận chứ.  Hay là cứ có dự án là phê duyệt. Cứ có dự án là xây dựng. Còn có lãng phí hay không, có phù hợp hay không, ở thời điểm hiện nay hay ở thời điểm nào đó, không ai chỉ ra. Điều này thật đáng tiếc

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, một số đại biểu Quốc hội trao đổi với tôi rằng trụ sở hệ thống các cơ quan tư pháp vừa rồi được xây mới quá nhiều. Trụ sở Viện Kiểm sát, Tòa án, cứ có dự án là xây, trong khi trụ sở cũ vẫn còn tốt. Nhức nhối như vậy, nói gì để các trụ sở của các khối cơ quan khác. Đơn vị lấy lý do, nào là quá chật chội, nào là chưa tương xứng với sự phát triển của địa phương như một bài ca muôn thuở. Xây mới thì thường to, đẹp và trụ sở cũ, còn "dùng tốt” thì "nhường” lại cho đơn vị cấp dưới. 

Ở đây, tôi cho rằng, cần xem xét đâu là lý do chính đáng để xây dựng trụ sở mới. Nên nhớ rằng, hầu hết tiền xây dựng trụ sở sẽ lấy từ ngân sách nhà nước, tiền đóng thuế của nhân dân. Cho nên làm thế nào cho hiệu quả, phải được xem xét kỹ càng và minh bạch.

Xây trụ sở nghìn tỷ, trong khi còn những vấn đề đời sống, an sinh xã hội cấp thiết hơn, thưa ông?

- Thực tế chứng minh, còn rất việc cần thiết và cấp bách, hơn. Chỉ nói riêng vấn đề trụ sở, chưa nói đến những thứ khác, hiện nay còn nhiều cơ quan có trụ sở nhưng không ra trụ sở. Thực tế, khi tôi đi công tác, tại nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng cao còn không có trụ sở, phải lấy địa điểm của nhà văn hóa, của trường học để thay thế. Điều này nhiều năm trước đã có nhiều cuộc kiểm tra, rà soát nhưng các địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức. Ở đây, quan điểm lãnh đạo địa phương là cốt lõi, gần như không có sự phản biện trong vấn đề xây dựng các trụ sở.

Quay trở lại trụ sở nghìn tỷ tại Hải Dương, việc xây dựng Đề án đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, chưa kể đang có sự khuất tất trong việc xây lô, bán nền, thưa ông?

- Theo tôi, khi có chủ trương dự án, tất nhiên người dân sẽ bị hạn chế cơi nới, xây dựng, thậm chí không được cấp phép. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Thêm nữa, trụ sở khối chính quyền hiện nay thường là rơi vào những khu "đất vàng”, nhưng vì lý do xây trụ sở mà tạo ra phân lô phân nền để bán, như vậy không phù hợp với mục đích ban đầu.
Ở câu chuyện bức xức này, nếu như cần thiết xây trụ sở, thì phải minh bạch công bố đất thu hồi để xây trụ sở. Bây giờ, có dự án xây dựng trụ sở, lấy đó để thu hồi đất rộng ra, rồi cho rằng không hết, để xây đường, làm nhà, để bán. Nếu tiếp tục như vậy, người dân tất sẽ khiếu kiện.

Gút lại sự việc: Nếu những ngôi nhà đẹp đẽ được bán với giá rất cao, trong khi thu hồi đất lại là giá rất rẻ, người dân bức xức là đúng. Trăm dâu sẽ đổ đầu dân. 

Trân trọng cảm ơn ông!

Đại biểu Ngô Văn Minh - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Đã là cơ quan nhà nước có nghĩa là công bộc của dân, do vậy tiện nghi cũng vừa phải thôi, và chỉ cần đáp ứng yêu cầu làm việc thôi. Việc này tùy thuộc vào khả năng của đất nước, nhưng trong thời buổi hiện nay thì không thể chấp nhận được. 

Đại biểu Lê Như Tiến – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: Tôi được biết nhiều địa phương xây dựng trụ sở một cách rất hoành tráng với số vốn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Những dự án đó tập trung vào những công trình công, khu vực công. Mà lĩnh vực này như chúng ta biết, Tổ chức Minh bạch quốc tế có đánh giá chúng ta là còn rất yếu, chỉ được 31/100 điểm. 

Thực tế hiện nay cho thấy, không phải chỉ có trụ sở công đâu, mà các công trình công khác cũng rất nhiều, như sân vận động, nhà văn hóa, bảo tàng hàng nghìn tỷ…nhưng lại để không, hoang hóa, xuống cấp, rồi cho thuê những dịch vụ sai mục đích, phi văn hóa. Thậm chí có công trình vừa làm xong đã xuống cấp, hay có công trình vừa khai sinh đã khai tử…

Nói đến đầu tư công nghĩa là lấy từ tiền thuế đóng góp của nhân dân thì phải được sử dụng và đầu tư cho thực sự hiệu quả. Ngược lại nếu sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích thì sẽ thành có lỗi với dân.

Nếu chúng ta cắt bớt đi được những khoản chi đầu tư công đó thì hoàn toàn có được tiền để làm những công việc khác hữu ích hơn, tập trung vào những vấn đề bức bách hơn, như giảm tải y tế chẳng hạn, rồi đầu tư cho đồng bào nghèo vùng sâu vùng xa, hoặc góp phần vào việc tăng lương cho người lao động.
Nhóm PV

(Theo Đại đoàn kết)  Tuấn Việt thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét