Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014

Samsung thêm 3 tỷ USD: Ưu đãi khủng chiều lòng ông lớn?

Cập nhật lúc 14:50                 

Sau Bắc Ninh, UBND tỉnh Thái Nguyên vừa đề xuất lên HĐND tỉnh cơ chế ưu đãi cho Tổ hợp công nghệ cao Samsung giai đoạn hai. Việc này tiếp tục dấy lên những tranh cãi về ưu đãi khủng cho những dự án khủng.
Ưu đãi cao mời dự án khủng
UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất cho Samsung được áp thuế thu nhập DN 10% trong 30 năm. Trong đó, miễn thuế 4 năm đầu, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo, gia hạn giảm tiếp 50% trong 3 năm tiếp sau giai đoạn 9 năm trên. Ngoài ra, tỉnh còn dự định miễn tiền thuê đất suốt đời dự án, hỗ trợ Samsung 50% tiền thuê hạ tầng khu công nghiệp. UBND tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị cho Samsung được giảm các tiêu chí cần phải đạt được về nghiên cứu phát triển.
Về phía Samsung, DN này sẽ đầu tư thêm 3 tỷ USD, dự kiến không chỉ sản xuất điện thoại di động, mà còn sản xuất, lắp ráp máy tính xách tay, camera kỹ thuật số, máy hút bụi và tivi thông minh, thiết bị y tế... tại Thái Nguyên.
Về nguồn tiền hỗ trợ, UBND tỉnh này cho biết sẽ dành toàn bộ nguồn thu từ thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại; thuế thu nhập DN và các loại thuế khác (nếu có) của Samsung trong những năm đầu để làm nguồn hỗ trợ.


Thái Nguyên chưa chắc đã được hưởng nhiều lợi ích khi ưu đãi lớn cho Samsung (ảnh minh họa)
Sau Bắc Ninh, giờ đến lượt Thái Nguyên có nhưng đề xuất ưu đãi đầu tư cho tập đoàn này ở mức rất cao và được nhiều chuyên gia gọi là 'xe rào'. Lãnh đạo tỉnh cho rằng dự án đi vào sản xuất sẽ tạo sự phát triển kinh tế địa phương. Samsung sẽ thu hút các DN vệ tinh cùng đầu tư và Thái Nguyên sẽ trở thành một thành phố công nghệ trên bản đồ các thành phố công nghệ hàng đầu thế giới.
UBND tỉnh Bắc Ninh cũng từng đặt nhiều kỳ vọng nhiều vào dự án của Samsung, rằng nơi đây sẽ trở thành trung tâm điện tử của cả nước, có sức lan tỏa, thu hút đầu tư các DN hỗ trợ là những tập đoàn lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo thương hiệu cho Bắc Ninh thu hút đầu tư tiếp..
Những cảnh báo
Theo các chuyên gia kinh, trong bối cảnh cạnh tranh thu hút đầu tư giữa các tỉnh gay gắt như hiện nay thì việc đưa ra các ưu đãi để hấp dẫn là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, các cảnh báo cho thấy sự ganh đua như vậy chưa chắc đã thu hút thêm được nhiều vốn đầu tư hơn.
Các phân tích chỉ ra rằng, khi hai tỉnh cùng tuân thủ khung thu hút đầu tư chung, thì sẽ thu hiệu quả như nhau, ngược lại cả 2 cùng đua nhau phá rào, lợi ích sẽ giảm mạnh.
Cái mà các địa phương kỳ vọng nhận được là số vốn FDI cực lớn, cùng với sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ, tạo việc làm. Bởi thế, tỉnh nào cũng cố gắng ưu đãi hết mức có thể. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thừa biết, ưu đãi chỉ là nhất thời, còn cơ hội và môi trường kinh doanh mới là những yếu tố quan trọng nhất quyết định khả năng thành công của họ trong dài hạn.


Kinh nghiệm trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy, một nhà đầu tư nghiêm túc sẽ bỏ tiền ra nếu họ thấy có cơ hội và môi trường kinh doanh tốt, ngay cả khi không có những ưu đãi đặc biệt.
Hơn thế, việc ưu đãi quá mức dễ dẫn tới tình trạng không thu hút được nhà đầu tư lớn và nghiêm túc, ngược lại chỉ mời gọi được các nhà đầu tư kém hiệu quả, nương nhờ vào ưu đãi để tồn tại - điều mà các địa phương thường ít chú ý.
Câu chuyện Formosa cho thấy, khi Hà Tĩnh ưu đãi lớn cho tập đoàn Formosa, họ liền đề xuất thành lập khu kinh tế riêng tại Vũng Áng. Chưa kể, ban đầu, họ cam kết chỉ sản xuất thép cuộn cán nóng, thép tấm nóng - những sản phẩm trong nước chưa sản xuất được và xuất khẩu hết. Nhưng mới đây, Formosa lại chuyển hướng “xin” đưa 1 triệu tấn thép dài ra thị trường, trong khi Việt Nam dư thừa lớn loại sản phẩm này. Formosa có lợi thế lớn về vốn, lại được ưu đãi lớn kéo dài, khiến  DN thép nội rất lo ngại.
Bình Định cũng đang quyết tâm thu hút dự án lọc dầu lớn với số vốn lên tới 22 tỷ USD và đề nghị được hưởng những ưu đãi cao nhất. Nhà đầu tư cho hay sẽ xây dựng liên hợp lọc hóa dầu tại Việt Nam để xuất khẩu. Nhưng công suất các nhà máy lọc dầu ở khu vực đang thừa, và lợi nhuận từ lọc hóa dầu không cao.
Theo tính toán, dự án lọc dầu phải có mức sinh lợi IRR (chỉ số hoàn vốn nội tại) từ 13-17% mới có hiệu quả, trong khi khả năng sinh lợi của bản thân dự án chỉ khoảng 6-8%. Do vậy, phần lớn nhà đầu tư đều yêu cầu phải có ưu đãi nhằm đạt được hiệu quả tối thiểu cho dự án.
Đối với nhà kinh doanh, hễ ở đâu có lợi nhuận thì nhảy vào. Hiệu quả kinh tế từ lọc hóa dầu không cao, vậy lợi nhuận của họ có được từ đâu? Đó là từ chính sách ưu đãi. Việt Nam có chính sách ưu đãi để nhà đầu tư có lãi, chẳng tội gì họ không đầu tư. Trong khi, chúng ta không thu được đồng thuế nào trừ chút thuế giá trị gia tăng, thậm chí có thể bù thêm thông qua các chính sách ưu đãi. 
Chính vì thế, các nhà kinh tế cảnh báo, nếu như các địa phương chỉ quan tâm đến đua nhau đưa ra ưu đãi với mong muốn thu hút vốn đầu tư lớn, kết quả chưa chắc là những điều tốt đẹp mà tiềm ẩn nhiều vấn đề dài hạn.
(Theo Vef.vn) Trần Thủy
Một hiểm họa là ô nhiễm môi trường (cả với người trực tiếp lao động và cộng đồng) rất ít được các địa phương quan tâm. Sự tác động ô nhiễm ban đầu thường chưa thể hiện rõ nhưng khi nhận ra thì đã quá trầm trọng, thường là ngoài tầm năng lực giải quyết của địa phương, phải trông chờ vào Nhà nước. Lúc đó các địa phương khác cũng là nạn nhân của sự ưu đãi hôm nay! Đã đến lúc các nhà lãnh đạo nên thay đổi tư duy phát triển chiều rộng, cần ưu đãi các nhà đầu tư công nghệ cao, hiệu quả nhưng tiêu tốn ít nguồn lực.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét