Thứ Năm, 27 tháng 11, 2014

Phòng, chống tham nhũng: “Không diệt chuột, chính nó sẽ đuổi chúng ta ra khỏi nhà”

Cập nhật lúc 08:13

Minh hoạ của ĐAN

“Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, tín dụng, chứng khoán, quản lý sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản tiếp tục diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn... số tiền tham nhũng được thu hồi vẫn còn rất thấp...” - đó là thông tin được đưa ra tại Đối thoại phòng, chống tham nhũng lần thứ 13 giữa Việt Nam và các nhà tài trợ quốc tế diễn ra vào sáng 26.11 tại Hà Nội. Đại sứ Vương quốc Anh có mặt tại hội nghị đã ví von: “Chống tham nhũng như diệt chuột. Không diệt chuột, chính nó sẽ đuổi chúng ta ra khỏi nhà”.

*Số tiền tham nhũng được thu hồi rất thấp.
*Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Việc thu hồi tài sản của ông Truyền được thực hiện tích cực.
Cởi mở với báo chí, chống tham nhũngsẽ tốt hơn
Tại cuộc đối thoại, Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết trong năm 2014, cơ quan thanh tra đã chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 144 vụ; phát hiện, xử lý 54 vụ, 87 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng; kiến nghị xử lý trách nhiệm hàng nghìn tập thể, cá nhân; đôn đốc thu hồi tài sản bị thất thoát, sai phạm được phát hiện qua thanh tra đạt 64% về tiền, 80,6% về đất. 
Riêng thu hồi tài sản trong các vụ, việc liên quan đến tham nhũng phát hiện qua hoạt động thanh tra đạt 68,5%, tăng 18,3% so với năm 2013. Cũng trong năm 2014, Kiểm toán Nhà nước ban hành 163 báo cáo kiểm toán; kiến nghị xử lý tài chính trên 13,6 nghìn tỉ đồng, kiến nghị sửa đổi, bổ sung 59 văn bản không phù hợp; chuyển 5 vụ việc để cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.


Chị Định (trái, ảnh) và chị Nguyệt đấu tranh trong vụ “Nhân bản phiếu xét nghiệm” ở BVĐK Hoài Đức (Hà Nội) được khen thưởng 320.000 đồng.

Theo ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (TTCP) - thì trong năm 2014, tiến độ điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 2014 các cơ quan tố tụng phát hiện, khởi tố mới 256 vụ/593 bị can tham nhũng (so với cùng kỳ năm trước tăng 23 vụ/25 bị can); hoàn thành việc xét xử sơ thẩm 287 vụ án tham nhũng (bao gồm cả các vụ án khởi tố trước năm 2014) và đã kết tội 673 tội phạm tham nhũng; tăng 9 vụ, 91 bị cáo so với năm 2013.
 Một số vụ án kinh tế, tham nhũng lớn như vụ Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm, vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm, vụ Công ty cho thuê tài chính II, vụ Huỳnh Thị Huyền Như v.v... được xét xử nghiêm minh đã có tác dụng răn đe mạnh mẽ, tạo ảnh hưởng tích cực trong xã hội và củng cố niềm tin của nhân dân.
Tại cuộc đối thoại, ông Vũ Tiến Lộc - đại diện VCCI - cho rằng, qua khảo sát vẫn còn có tới trên 50% số doanh nghiệp nói vẫn phải trả những khoản chi phí không chính thức cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì lẽ đó ông Lộc cho rằng cần phải công khai minh bạch tất cả các thủ tục hành chính và có chế tài buộc công chức nhà nước thực hiện các thủ tục đó. 
Nêu ra những giải pháp PCTN, ông Phạm Trọng Đạt cho rằng, thời gian tới Việt Nam sẽ coi việc cung cấp thông tin cho báo chí, thực hiện công khai minh bạch là một biện pháp ưu tiên hàng đầu. Đồng tình với quan điểm này, đại diện Đại sứ quán Thụy Điển cũng cho rằng: “Không ai chống tham nhũng một mình cả, báo chí tự do và một xã hội dân chủ cởi mở thì cuộc đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả hơn”.
Đại diện cho nhà tài trợ, Đại sứ quán Vương quốc Anh cho rằng tham nhũng là trở ngại lớn cho sự phát triển của Việt Nam. Nhắc lại câu nói của Hồ Chủ tịch “đánh chuột cần phải giữ lấy bình” và bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống tham nhũng, vị Đại sứ Vương quốc Anh cho rằng tham nhũng như bầy chuột và bày tỏ: “Chúng tôi mong muốn rằng các vị đã tìm ra các giải pháp để đánh chuột mà không vỡ bình”. “Qua làm việc ở một số nước tôi thấy rằng nếu không có cách diệt chuột thì có thể chuột sẽ lớn rất nhanh và sẽ đuổi chúng ta ra khỏi nhà”- vị đại sứ bày tỏ.

Nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải VN Dương Chí Dũng gây thiệt hại hơn 366 tỉ đồng, tham ô hơn 10 tỉ đồng, bị tuyên án tử hình.
Thu hồi tài sản tham nhũng còn rất thấp
Một trong những nội dung quan trọng của đối thoại lần thứ 13 đó là việc thu hồi tài sản tham nhũng. Theo ông Nguyễn Thanh Tú - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế (Bộ Tư pháp) - thì từ ngày 1.10.2010 đến ngày 30.4.2013, tổng giá trị tài sản tham nhũng và thiệt hại do tham nhũng gây ra được phát hiện và xác định khoảng trên 17.000 tỉ đồng. Tuy nhiên tổng giá trị tài sản thu hồi chỉ được khoảng gần 5.000 tỉ đồng. 
Ông Tú cũng cho biết năm 2014, qua thanh tra, các cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 54 vụ tham nhũng với số tiền 68,5 tỉ đồng, thu hồi 46,9 tỉ đồng (đạt 68,5%, tăng 18,3% so với năm 2013); lực lượng cảnh sát điều tra các cấp đã thụ lý 415 vụ án về tham nhũng với số tiền thiệt hại trên 6.740 tỉ đồng, đã thu hồi nộp ngân sách nhà nước trên 1.500 tỉ đồng.
Về vấn đề rửa tiền, đại diện Bộ Tư pháp cho hay, cơ quan tình báo về tài chính của Việt Nam đã có những thông tin về những giao dịch đáng ngờ và những thông tin tình báo về tài chính khác. Cơ quan này đã gửi thông tin này đến những cơ quan có thẩm quyền để xử lý nhưng hiện vẫn chưa có một vụ việc nào về rửa tiền hay tham nhũng được xử lý dựa trên cơ sở những thông tin này.
Cũng theo đại diện Bộ Tư pháp thì có rất nhiều vụ việc không thể thu hồi tài sản do không phát hiện, truy tìm được tài sản đã được các đối tượng phạm tội chuyển hóa tinh vi dưới nhiều cách thức khác nhau như chuyển quyền sở hữu cho người thân; thông qua hoạt động rửa tiền, mua sắm các tài sản, phương tiện có giá trị trong đó có việc chuyển tiền ra nước ngoài.
Quá trình phát hiện, điều tra, xử lý một vụ việc tham nhũng ở Việt Nam diễn ra tương đối dài, bị cắt khúc qua nhiều cơ quan xử lý khác nhau trong khi đó các cơ quan có thẩm quyền thường chưa kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ (kê biên tài sản người phạm tội), dẫn đến tình trạng người phạm tội tẩu tán hết tài sản. 
Quá trình xét xử thường chú trọng nhiều phần trách nhiệm hình sự của bị cáo mà chưa quan tâm đúng mức đến phần trách nhiệm dân sự và việc xử lý tang-tài vật. Đối tượng phải thi hành án trong các vụ án tham nhũng chủ yếu phải chấp hành hình phạt tù, trong khi phần dân sự có thể có giá trị lớn nhưng không có tài sản, không có điều kiện thi hành.
Phát biểu tại đối thoại, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, một trong những tác nhân gây tham nhũng là doanh nghiệp và người cầm tiền. “Vì vậy doanh nghiệp cần phải nói không với tham nhũng. Doanh nghiệp không được đưa tiền cho quan chức” - Phó Thủ tướng nói.
(Theo Lao động) CHÍ TÙNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét