'Nói và làm' của ông Trần Văn Truyền
Cập nhật lúc 08:11
Nguyên Tổng
Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền sẽ phải trả lại nhà, đất mà khi còn đương
chức ông đã lợi dụng sự cả nể của lãnh đạo một số địa phương để xin cấp không
đúng chế độ.
Biệt thự gia đình ông Truyền xây dựng hoành tráng tại xã Sơn Đông, TP.Bến Tre (tổng diện tích sàn 1.226,61 m2, trên diện tích 16.567,4 m2, tổng chi phí xây dựng 11 tỉ đồng), gây phản cảm và tạo dư luận xấu trong xã hội - Ảnh: Khoa Chiến |
Câu chuyện thời sự này cho thấy Đảng đang có những động thái
mạnh mẽ xử lý sai phạm của cán bộ, dù người đó là ai và dù ở cương vị nào, dù đương
chức hay đã nghỉ hưu, được dư luận hết sức hoan nghênh và ủng hộ.
Ngẫm lại những điều ông Truyền phát biểu với báo chí trước
đây, tôi chợt thấy giật mình bởi khoảng cách quá xa giữa lời nói và việc làm của
một người từng được Đảng, Nhà nước giao phó trọng trách.
Năm 2005, khi còn ở cương vị Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra
Trung ương Đảng, khi đề cập mức độ tham nhũng đang mỗi ngày một tăng, ông bày tỏ:
"Hồi xưa, nghe vài trăm triệu đồng đã kinh hồn, giờ hàng chục tỉ, hàng
trăm tỉ... Nội vấn đề đất đai, nó chỉ cần quặt quẹo trên quy hoạch, cấp phép
lòng vòng một chút, khi phát hiện ra thì đã mất hàng trăm tỉ đồng rồi".
Nói về thủ đoạn và cách thức tham nhũng ở lĩnh vực đất đai, ông cho rằng:
"Dù hợp pháp đến đâu, khi truy nguyên nguồn gốc cũng là tham nhũng. Vì nhờ
có chức quyền, anh nắm được quy hoạch, đầu cơ đúng chỗ, đúng lúc nên mới mua 1
đồng bán 10, 100 đồng. Biểu hiện tham nhũng rất rõ: một số cán bộ giàu lên
nhanh chóng. Căn cứ đồng lương, kể cả việc sản xuất kinh doanh gia đình cũng
không thể lý giải được mức sống đó". Rồi ông kết luận: "Qua những vụ
tham nhũng lớn vừa rồi, chúng tôi nhận thấy xử lý cán bộ đã nghỉ hưu dễ hơn
nhiều. Còn người gián tiếp mà đang tại chức, họ chạy rất dữ".
Cũng trong bài báo vừa nêu được đăng trên báo Pháp luật
TP.HCM ngày 5.7.2005, khi nói về vấn đề cán bộ kê khai tài sản, ông Truyền
khẳng định nó "là cần thiết để giám sát, quản lý cán bộ... Trong nền kinh
tế hai mặt của chúng ta thì kê khai tài sản cũng chỉ mang tính tương đối. Có
phải cái gì cũng thể hiện bằng nhà, đất. Ngay cả nhà, đất họ có đứng tên đâu;
tiền cho con du học thì họ khai là cô dì, chú bác... cho".
Phải chăng với tư duy như thế, ông đã giải trình ngôi biệt
thự ở thành phố Bến Tre là do tiền của người em kết nghĩa cho ông để ông xây? Quả
là "thuyết phục và an toàn" đấy chứ!
Lúc nhậm chức Tổng Thanh tra Chính phủ, ông từng hùng hồn:
"Vị trí trách nhiệm của mình đang được người dân quan tâm, kỳ vọng, tôi ý
thức được chuyện đó và sẽ làm hết sức mình, làm đầy đủ trách nhiệm và dám chịu
trách nhiệm. Đúng là có những việc vượt ngoài khả năng của mình, thậm chí có
việc trong khả năng nhưng không thể làm khác nữa được thì cũng phải chấp nhận,
vì không thể một mình giải quyết được. Tôi sẽ suy nghĩ và tự thấy khi nào đó
không hoàn thành nhiệm vụ hoặc dân hết tín nhiệm thì mình sẽ thôi, sẽ từ
chức". Ông tỏ ra am hiểu: "Bất cứ cuộc thanh tra nào, bất cứ vụ giải
quyết án nào cũng đều có “chạy”. Chạy trực tiếp, chạy gián tiếp, chạy nhiều,
chạy ít tùy mỗi việc"; "cái chính là do phẩm chất đạo đức, họ không
tự giữ mình" - (Báo Tuổi Trẻ, 30.3.2007).
Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh học
tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã được toàn Đảng phát động
trong nhiều năm. Chúng ta cũng mới sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động nói trên
với những thành quả nhất định. Tiếc rằng, câu chuyện thiếu gương mẫu ở người
từng là lãnh đạo cao nhất cơ quan Thanh tra Chính phủ, một trong những lực
lượng phòng chống tham nhũng ở tuyến đầu, quả đã khiến cho uy tín của Đảng và
Nhà nước bị ảnh hưởng không nhỏ.
Đã tới lúc chúng ta nên tìm những tấm gương quanh ta để mà
học tập, tránh xa rời thực tiễn cuộc sống đến mức trở nên hình thức và giáo điều.
Như thế sẽ kém tác dụng rất nhiều. Tôi xin kể lại một câu chuyện khi nhớ tới
nơi ông Truyền từng công tác, đó là Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng. Nơi
đó đã từng có những tấm gương đảng viên trung kiên và trong sạch tới mức không
thể sạch hơn được nữa.
Nguyên cố Bí thư Trung ương Đảng Trần Kiên, nguyên Chủ nhiệm
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá VI (1986-1991) là một con người như thế. Khi đương
chức, ông được ở một ngôi nhà công vụ thuộc phường Trung Tự (quận Đống Đa, Hà
Nội). Ngay sau khi hết nhiệm kỳ, ông xin trả lại tức thì nhà công vụ rồi thu
dọn tư trang với những chiếc bàn ghế, giường tủ cũ kĩ của thời bao cấp, không
còn đáng giá bao nhiêu, kể cả chiếc tivi đen trắng dùng nhiều năm mà ông không
chịu đổi. Nhìn chiếc xe tải chở đồ của ông về quê hương, một số người hàng xóm
sang dọn hộ đôi vợ chồng già không khỏi bất ngờ, nghẹn ngào và xúc động đến
trào nước mắt. Về quê, ông cũng sống giản dị trong một con hẻm nhỏ, ở một ngôi
nhà cấp 4 ở thị xã Quảng Ngãi, khiến lãnh đạo tỉnh hồi đó không khỏi băn khoăn.
Song dù thế nào và có thuyết phục ra sao, ông vẫn khước từ những đề nghị giúp
đỡ của tỉnh, lòng nhẹ tựa lông hồng...
(Theo Thanh niên) Hành Thiện*
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống ở Hà Nội
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét