Vụ ông
Trần Văn Truyền: Chỉ kiểm điểm có an lòng dân?
Cập nhật lúc 14:31
(PLO)- Sau
kết luận của Ủy ban kiểm tra trung ương về khối tài sản “khủng” và biện pháp
xử lý đối với cựu tổng thanh tra chính phủ Trần Văn Truyền, dư luận vẫn chưa
lặng yên bởi một câu hỏi lớn được đặt ra: Chẳng lẽ chỉ xử lý ở mức như vậy là
êm?
Hàng loạt sai phạm
“lộ thiên” mà theo điều tra của cơ quan UB kiểm tra trung ương là ít nhất 6
tài sản bất động sản thuộc cỡ “bự” của ông Truyền đều “có vấn đề”. Một vài
sai phạm của ông Truyền được kể ra như thiếu trung thực, thiếu gương mẫu, gây
dư luận không tốt, thiếu tự giác v.v….
Hình thức xử lý đặt
ra cho cựu tổng thanh tra chính phủ là kiểm điểm trách nhiệm về các khuyết
điểm, vi phạm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre và UB KTTW. Hai bất động
sản bị thu hồi là căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, F15, Phú Nhuận, TP.HCM
và thửa đất 598B5 Nguyễn Thị Định, F. Phú Khương, TX Bến Tre, tỉnh Bến Tre.
So sánh giữa siêu
lợi ích mà ông Truyền thu được dựa trên các tài sản không hợp lệ trên với mức
đề xuất xử lý chỉ mang tính rút kinh nghiệm là chính, bạn đọc PLO đặt ra
nhiều câu hỏi, trong đó nhức nhối nhất là “chẳng lẽ chỉ xử có thế?”
Nhà đất có liên quan đến ông Truyền ở nhiều nơi được ủy ban Kiểm tra trung ương làm rõ - Đồ họa: V.Cường/Tuổi trẻ
Xấu hổ cho một ông quan đầu ngành
Sở dĩ sự việc gây
bức xúc cao độ, dư luận quan tâm trong suốt một thời gian dài chính là vì vị
trí của ông Truyền không phải là bình thường.
Khi đương nhiệm, với
tư cách là Tổng Thanh tra Chính phủ, ông là người đứng đầu cơ quan chuyên
trách của Chính phủ về thanh tra, là đầu mối theo dõi, tổ chức, đôn đốc thực
hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cả nước. Đó là cơ
quan chuyên trách, có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra sai phạm của tất cả cơ
quan khác. Biết sai vẫn phạm, mà còn phạm nghiêm trọng, điều đó đã gây tâm lý
thất vọng, bất bình sâu sắc trong dư luận.
Bạn đọc Dinh Thi
Tuyet Son bày tỏ: “Thật
xấu hổ cho người nguyên là một vị tư lệnh của một ngạch chuyên đi kiểm tra,
làm trong sạch đội ngũ CBCC”. Bạn Phạm Anh Dũng chỉ buông một câu
chán nản: “Thanh tra mà còn vậy thì hỏi ai bây giờ?”
Nhìn từ “tầm cỡ”
đáng nể của những sai phạm mới bị phanh phui ấy, nhiều người đặt nghi vấn về
cả quá trình nắm quyền trước đó của ông Truyền. Độc giả CCB nói:
“Phải xem những con người do ông Truyền tranh thủ ký đề bạt trước khi hạ
cánh, có bao nhiêu trong số đó lo lót đi bằng cửa hậu? Khi về đã như vậy thì lúc
đương chức hiệu quả công việc trong trọng trách của mình, ông làm đến đâu?”.
Đáng buồn là nhiều ý
kiến cho rằng đây chỉ là một trường hợp “bị lộ” trong khi còn rất nhiều quan
chức khác vẫn đang trong vòng bí mật. Bạn duongdoan nêu nghi ngại
“còn bao nhiêu cán bộ như bác Truyền nữa?”.
Có thể nói, vụ việc
của tổng thanh tra chính phủ Truyền đã làm lung lay đáng kể niềm tin vào cơ
quan công quyền của quần chúng.
Dấu hiệu vi phạm
pháp luật
Cách xử lý thu hồi
hai bất động sản như trên kèm hình thức kỷ luật chỉ là kiểm điểm, rút kinh
nghiệm trước Đảng không đủ để thuyết phục dư luận về tính nghiêm minh khi xử
lý đối với các sai phạm của ông Truyền.
Lý do là vì đại đa
số ý kiến đều cho rằng hành vi của ông Truyền có dấu hiệu vi phạm pháp luật
và phải bị xử lý trước pháp luật chứ không chỉ xử lý về trách nhiệm đảng viên
là xong. Mặc dù ông Truyền đã về hưu, nhưng các chuyên gia luật đã khẳng định
không có vùng cấm trong xử lý vi phạm và cũng không có việc cho hạ cánh an
toàn.
Bạn đọc Nguyen
Huu Nhan kiên quyết đề xuất: “Tôi nghĩ ta làm đến đâu chắc chắn
đến đó, ra ngô ra khoai, có kết luận xử lý thông báo rộng rãi. Nhiều bạn đọc
cho là ông Truyền đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tôi nghĩ là có cơ sở, đề
nghị các cơ quan có trách nhiệm đi sâu theo hướng này”.
Độc giả Nguyen
Thi Thanh thì nêu quan
điểm: “Thu hồi không chưa đủ, phải xử lý tội tham ô vì người làm luật mà còn
vi phạm luật”. Ý kiến này được rất nhiều người đồng tình.
Phát biểu trên báo,
đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm UBVH, GD Thanh niên, Thiếu
niên và Nhi đồng của QH cũng cho rằng đằng sau sự việc này có thể có những
dấu hiệu trục lợi, vi phạm pháp luật về công tác phòng, chống tham nhũng, về
công tác bổ nhiệm cán bộ.
Không có cách khác
để xử lý ông Truyền?
Vụ việc ông Truyền
coi như là phát hiện muộn, xử lý muộn. Song nhiều bạn đọc tự hỏi, đây có phải
là một trong nhiều trường hợp “xui xẻo” bị lộ? Nếu xử lý mạnh tay, nghiêm
khắc thì có thể sẽ ngăn chặn được các trường hợp khác tương tự. Còn nếu chỉ
giữ ở cách xử lý này thì e rằng tính răn đe là không đủ mạnh.
Ở mức độ hiểu biết
thông thường về pháp luật, công chúng chỉ cảm thấy kỳ lạ vì sao hành vi “thu
gom” tài sản sai phép ở mức độ cao như vậy mà hình thức xử lý lại quá đơn
giản? Nếu vụ việc này bị phát hiện khi ông Truyền còn đương chức, liệu có thể
coi là một trọng án tham nhũng hay không?
Bạn đọc TanHoangGia bất bình nói: “Tại sao cả hệ thống chính
trị, rất nhiều cơ quan chức năng quản lý nhà nước không phát hiện được mà đến
khi báo chí phanh phui mới vào cuộc nhỉ, chẳng nhẽ cả hệ thống không bằng một
vài phóng viên? Mà đây mới là phần nổi của tảng băng chìm thôi nhé. Phải xem
xét luôn yếu tố hình sự ...”
Độc giả Lê Thái
Bình nêu ý kiến có phần chua chát: “Làm quan chức sướng thật, nhà
đất nhiều quá-cuối cùng có sai phạm thì cũng kiểm điểm rút kinh
nghiệm là chính...”.
Những ý kiến trên đã
phần nào cho thấy sự bất cập trong việc xử lý sai phạm ông Truyền và đặt ra
thực tế phải bổ sung vào hệ thống quy định pháp luật với những cách làm khác
sát sườn hơn, phù hợp với thực tế hơn để làm gương cho số đông cán bộ đã,
đang và có “nguy cơ” lợi dụng chức quyền để trục lợi.
Không thể loại trừ trách nhiệm của địa phương
Trong khi người dân
thường muốn đăng ký tiêu chuẩn mua nhà ở xã hội hay vay tiền ngân hàng để mua
nhà đều trải qua quy trình điều tra, xác minh rất chặt chẽ về điều kiện tài
chính thực có.
Thế nhưng vì sao một
quan chức như ông Truyền, vốn dĩ “có điều kiện” hơn dân thường, lại làm đơn
xin gì cũng liên tiếp được chấp nhận, bày tỏ hoàn cảnh khó khăn để từ xin
thuê, tới xin mua nhà đất đều được đồng ý?
Độc giả PLO đặt ra
một vấn đề đó là trách nhiệm của các cơ quan đã “tạo điều kiện thuận lợi” để
ông Truyền vi phạm.
Độc giả Nguyễn
Thanh Phong nói đơn giản: “Trách nhiệm này thuộc về ai? Xin không
cho thì làm gì có chuyện vi phạm?”.
Tương tự, bạn Nguyễn
Văn Ren cũng cho rằng có sự liên đới trách nhiệm và không chỉ nên
dừng lại ở việc xử lý đương sự một mình ông Truyền.
“Khuyết điểm ông
Tuyền như kết luận của UBKTTW thì các cơ quan, địa phương bị thanh tra thời
điểm ông đương chức và cấp đất cũng có trách nhiệm một phần. Có thể không có
vấn đề khuất tất, nể nang hay làm sai nhưng đã bỏ qua, xử lý nhẹ, vì ông là
quan thanh tra”, là ý kiến của bạn lethanh.
Biệt thự khủng của ông Truyền nổi bật giữa vùng quê Bến Tre.
Như vậy có thể thấy
sau một thời gian đấu tranh, cuối cùng những nghi vấn đầu tiên về khối tài
sản khủng của ông Truyền đã phần nào có lời đáp. Cơ quan kiểm tra của Đảng
cũng đã nêu rõ cách thức xử lý đối với những sai phạm của ông Truyền trên tư
cách là một đảng viên cao cấp đã nghỉ hưu.
Tuy nhiên, điều mà
nhiều bạn đọc PLO nói riêng cũng như dư luận nói chung còn băn khoăn là liệu
vụ việc này có được xử lý tiếp tục bởi những quy định pháp luật của Nhà nước
hay không? Bởi lẽ với những sai phạm như vậy mà chỉ dừng ở mức “lấy lộn thì
trả lại” và "kiểm điểm rút kinh nghiệm" thì chúng ta cũng khó an
lòng được về quyết tâm chống tham nhũng - một chủ trương đã được nhấn mạnh từ
nhiều năm qua.
Xin dùng ý kiến của
bạn đọc Đức Cạn để kết lại bài viết: “Kiểm điểm là gì khi đã nghỉ hưu?
Nếu dư luận không phanh phui thì sẽ ra sao?”
(Theo Pháp luật TP HCM) An Khương tổng hợp
|
Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét