Gửi
những đồng nghiệp đang đi tìm “sự thật về Công Phượng”
Cập nhật lúc
08:00
Nhà báo Vũ Hoàng Nguyên thú nhận rằng anh "ít khi thất bại"
khi cố dùng các biện pháp nghiệp vụ để truy tìm "sự thật" về đời tư
của một con người. Nhưng rồi đến một ngày nhìn lại, anh lại ân hận vì cái kỹ
năng ấy. Đến hôm nay, khi "nghi án" tuổi thật của Công Phượng và
những lùm xùm quanh nó đã phần nào lắng xuống, chuyên mục "Thư gửi một
người" xin đăng tải lá thư của Vũ Hoàng Nguyên, gửi cho các đồng nghiệp,
và nói về thái độ với sự thật, với đời tư của nhân vật báo chí.
Các bạn đồng
nghiệp của tôi,
Cho đến hôm nay, tôi vẫn ân hận về một số
bài báo mình viết. Một số bài "đi tìm sự thật" mà không nghĩ đến
hậu quả của nó. Như có lần, đi tìm sự thật về một gia cảnh bi đát của một ca sĩ
nổi tiếng. Sau đó, cô gần như trốn tránh truyền thông. Tôi đã làm cái việc
không phải đi tìm sự thật, mà đào bới vào vết thương của người khác. Tôi đã
nhầm lẫn khái niệm là "đi tìm sự thật", và nhân danh nó để làm việc
kia.
Đó là một bài phỏng vấn, trong đó người
ca sỹ đã tự nói hoàn cảnh gia đình của mình. Sau này, đồng nghiệp hỏi tôi:
“Đó là cô ca sỹ tự nói ra, tại sao anh phải ân hận?”. Thật ra tôi đã dùng kỹ
năng của mình để “moi” lời lẽ từ cô ấy. Mục đích của tôi ngay từ đầu là muốn
cô ấy nói về chủ đề đó. Tôi đã từng tự hào về kỹ năng ấy, hiếm khi thất bại.
Tôi cũng đã từng cố đi tìm danh tính của
một người phụ nữ trong một mối tình bi đát với người nổi tiếng. Đó có phải là
“sự thật” không? Đó là sự thật. Nếu hỏi công chúng rằng họ có muốn biết điều
đó không thì rất nhiều người sẽ trả lời rằng họ muốn, và cả biên tập viên
cũng sẽ muốn. Cũng là một lần tôi tự hào về kỹ năng săn tin của mình. Nhưng
rồi người được công khai danh tính ấy rơi vào cảnh khốn đốn. Cô ấy đáng lẽ có
thể được bỏ quá khứ lại đằng sau.
Bây giờ nghĩ lại, tôi ước rằng mình
chưa bao giờ viết những bài báo ấy.
Có thể bạn cũng giống tôi, có chút tự hào
hăm hở về việc mình đang tìm ra một sự thật nào đó, và tham vọng để thay
đổi điều gì đó. Có ba thứ nên tách bạch: 1- Không phải mọi sự thật bản chất
đều giống nhau, cũng như dư luận tác động lên nó đều giống nhau. 2 - Bạn có
thể sẽ không thay đổi được gì hết, đừng tự quá đề cao bản thân mình. 3-Bạn có
thể “qua mặt” được công chúng về những mục đích về việc tìm sự thật, rằng họ
sẽ phải tin bạn về những sự thật bạn đi tìm đều vì mục đích và động cơ tích
cực? Riêng về điều thứ ba, rất nhiều đồng nghiệp của tôi đang vô tình hoặc cố
tình mắc phải. Họ đi tìm bằng nhiều mục đích khác nhau mà hiện nay, trong môi
trưòng truyền thông hỗn độn này, tôi thấy cái mục đích không tốt đang
chiếm ưu thế. Họ vì tiền, vì sự nổi tiếng, và có thể, vì sự gây chú ý cho một
sản phẩm mới.
Đừng thuyết phục tôi rằng, các bạn thực
hiện vụ Công Phượng là do đứng về phía sự thật để làm trong sạch thể thao. Vì
những gì trên sản phẩm của các bạn không hề đi đến cái đích đó mà ngược lại,
làm cho công chúng nghĩ đến những cái đích khác rất phản cảm bằng cái kiểu
làm, cách làm và thái độ của chính các bạn trước, trong và sau chương trình.
Cũng có thể rằng bạn có cái đích “vĩ mô” như bạn đề ra (mà đã rất nhiều vụ
tiêu cực bị phanh phui không thể giải quyết), nhưng trước khi điều ấy đạt
được, thì bạn đã hủy hoại một con người.
Đồng nghiệp của tôi ơi, đừng xây dựng sự
nghiệp trên nỗi đau của người khác. Cũng như, đừng tạo ra một sản phẩm báo
chí bằng sự đánh đổi cuộc đời và sự nghiệp của những người mà các bạn nhắm
tới sau cái chủ đích “đi tìm sự thật”. Tôi chắc rằng các bạn biết rõ sự thật
của việc các bạn làm là gì. Một sự nghiệp được xây dựng như vậy sẽ không bao
giờ bền vững, nếu không muốn nói là một vết nhơ lớn. Hãy rửa nó trước khi nó
thành mãn tính.
Làm sáng tỏ sự thật về cơ bản đều có giá
trị tích cực, nếu xét trên góc độ mang lại sự công bằng, an ủi những người bị
tổn thương, và thay đổi mọi việc theo chiều hướng tươi sáng. Nhưng có những
sự thật bạn tìm thấy lại lăn bánh số phận con người theo chiều dốc bi thảm.
Bạn còn nhớ có người đã bị báo chí đẩy đến đường cùng, gia đình tan nát, con
cái tự tử để chú phải chọn cách trốn đời? Bạn còn nhớ có người đã treo cổ tự
tử chỉ vì báo chí đẩy đến ngõ cụt?
Nếu bạn là người làm báo có tâm, tôi
tin rằng bạn vẫn nhớ những con người ấy, những bài báo ấy dù chuyện đã từ
nhiều năm trước.
Tôi chọn cách quên để tha thứ. Quên cho
người ta cũng là một cách tha thứ lỗi lầm cho họ, và tha thứ cho sự sân si
của chính mình. Có những lúc tôi thấy sợ khi thấy đồng nghiệp của tôi sẵn
sàng lôi tội lỗi của những người trái chiến tuyến từ một cuộc chiến quá khứ
ra nói lại lần nữa. Tôi thấy nổi da gà vì một số người viết cứ thiếu đề tài
thì lôi Yến Vy, Mỹ Xuân ra nhiếc móc mặc dù họ đã trải qua quá nhiều đau đớn
vì lỗi lầm của họ và vì báo chí đẩy họ đến đau đớn.
Đành rằng có những ký ức hằn sâu trong đời
thành ám ảnh, muốn quên không dễ. Thì thôi, quên hay nhớ lả việc của bạn,
nhưng nó chỉ là việc của bạn thôi, đừng hành hạ người khác, đặc biệt là những
người thân yêu bạn, bằng những ký ức của bạn. Nhưng tôi nghĩ nên quên, vì đời
sống ngắn ngủi lắm, bởi đưa nhau chìm trong đau khổ để được gì?
(Theo Lao động) Vũ Hoàng Nguyên
|
Thứ Ba, 25 tháng 11, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét