Vụ
“mua” đầu vào thạc sĩ ở Thanh Hóa:
Có dấu hiệu phạm tội
Cập nhật lúc 09:20
LS Lê Hồng Nhu cho rằng hành vi nhận tiền “chạy chọt” của một số cán
bộ TTGDTX là vi phạm Điều 283 Bộ luật Hình sự. Ảnh A.T
Liên quan đến vụ “mua” đầu vào thạc sĩ
quản lý kinh tế Trường ĐH Kinh tế (ĐHKT) thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội của hơn 40
cán bộ, công chức tỉnh Thanh Hóa, ngày 13.2, ông Lê Hữu Viên - PGĐ Sở Tư pháp
tỉnh Thanh Hóa - đánh giá: Với những tình tiết, bằng chứng khá rõ ràng như
thông tin phản ánh, cho thấy vụ việc này có dấu hiệu phạm tội, cần được cơ
quan chức năng điều tra làm rõ hành vi đưa - nhận tiền.
Trong số hơn 40 cán bộ, công chức tỉnh Thanh Hóa tham dự lớp
chuyển đổi và dự thi vào thạc sĩ quản lý kinh tế nêu trên vào cuối năm 2013,
Sở Công Thương có 2 cán bộ tham gia gồm: Cán sự lớp Lưu Thị Nga - Chánh Văn
phòng, Nguyễn Xuân Thắng - Phó phòng Xuất nhập khẩu. Việc xử lý các cán bộ,
công chức vi phạm quy định trong thi cử, đến thời điểm này, các cơ quan chủ
quản vẫn chưa có ý kiến.
Ngày 13.2, ông Hoàng Văn Hùng - GĐ Sở Công Thương - cho biết,
thông tin trên ông biết qua báo chí ngày 12.2. Ông Hùng đã chỉ đạo cho PGĐ sở
phụ trách khối văn phòng sang làm việc trực tiếp với lãnh đạo Trung tâm giáo
dục thường xuyên tỉnh (TTGDTX), nắm bắt cụ thể tình hình. Từ đó, căn cứ vào
các quy định kỷ luật đối với cán bộ, công chức sẽ đưa ra hình thức xử lý.
Ông Hoàng Văn Hùng nhấn mạnh: “Sở Nội vụ cần có văn bản yêu cầu
các sở, ngành có cán bộ tham gia kỳ thi vào lớp thạc sĩ báo cáo, từ cơ sở đó,
chúng tôi sẽ trả lời”.Cũng theo GĐ Sở Công Thương thì cần phải xử lý tận gốc
vụ việc. Sở GDĐT cần tiến hành làm rõ mức độ sai phạm của từng cán bộ tham gia
trực tiếp vào việc “giao dịch” tiền nong; xem xét trách nhiệm của ban giám
đốc, người đứng đầu TTGDTX.
“Lãnh đạo TTGDTX trả lời như vậy là không được. Ban giám đốc trực
tiếp quản lý, sử dụng cán bộ thì về tinh thần trách nhiệm phải liên đới”- ông
Hùng nói. Vụ nộp tiền “mua” đầu vào thạc sĩ, có người đưa tiền, người nhận
tiền, do đó có thể khẳng định những người liên đới có dấu hiệu phạm tội.
Ông Lê Hữu Viên - PGĐ Sở Tư pháp - đưa ra ba tình huống: Nếu các
cán bộ TTGDTX nhận tiền xong và không có hành động cụ thể mà “ôm tiền” chờ
kết quả thi nếu êm xuôi thì “ẵm” luôn số tiền đã nhận thì phạm tội lạm dụng
tín nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu nhận tiền xong, cán bộ TTGDTX đưa một
phần cho “đối tác”, giữ lại một phần thì phạm tội lạm dụng tín nhiệm và cùng
với các học viên vướng tội đưa - nhận hối lộ.
Nếu một số cán bộ TTGDTX nhận tiền của học viên xong rồi đưa hết
cho “đối tác” mà không giữ lại đồng nào thì những cán bộ này cùng các học
viên mắc tội đưa - nhận hối lộ. Từ những phân tích nêu trên, ông Lê Hữu Viên
cho rằng: “Trong vụ việc này, chắc chắn một số cán bộ TTGDTX có dấu hiệu phạm
tội.
Nhưng cần xem xét họ có dấu hiệu phạm tội gì, mức độ xử lý ra sao
thì nhờ tới sự vào cuộc của cơ quan chức năng. Song không thể xử lý hành
chính được. Ít ra phải khởi tố, điều tra, từ kết quả đó sẽ đánh giá mức độ
sai phạm”. Ngoài ra, theo ông Viên, lãnh đạo TTGDTX cần báo cáo vụ việc đến
cơ quan chủ quản (Sở GDĐT và cơ quan điều tra).
Luật sư Lê Hồng Nhu - Văn phòng luật sư Thiên Phúc (Đoàn luật sư
Thanh Hóa) cho rằng: “Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn của những cán bộ
TTGDTX trực tiếp nhận tiền của học viên để “chạy chọt” đầu vào lớp thạc sĩ đã
vi phạm Điều 283 Bộ luật Hình sự.
Căn cứ vào điều luật, cơ quan điều tra sẽ xem xét xem việc phạm
tội này có tổ chức hay không, đây là tình tiết định khung. Riêng việc trả lại
tiền cho các học viên của một số cán bộ TTGDTX chỉ là tình tiết giảm nhẹ tội
(nếu có), không thể coi việc khắc phục hậu quả là xong việc”.
(Theo
Lao động) Linh Anh
|
Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét