Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

08:23

 2014 – Năm “khắc tinh” của tham nhũng!


(Dân trí) - Năm 2013 khép lại với một loạt các vụ tham nhũng lớn được đưa ra xét xử với những bản án nghiêm khắc nhất đã thể hiện một quyết tâm sắt đá của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với loại “giặc nội xâm” này.
 
 (Minh họa: Ngọc Diệp)
(Minh họa: Ngọc Diệp) 
  
Song, đó chỉ mới là những màn dạo đầu bởi năm 2014, nhiều tín hiệu cho thấy công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ quyết liệt hơn, khẩn trương hơn và cảnh báo sẽ có nhiều bản án nghiêm khắc tiếp tục dành cho tội danh này.

Trả lời Đài truyền hình và Đài tiếng nói Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành một thời lượng lớn nói về sự nỗ lực, cố gắng, đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị đồng thời Tổng Bí thư cũng xác định: “Nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng còn lâu dài, gian khổ, phức tạp, khó khăn lắm, thực sự là một cuộc đấu tranh”.

Theo đó, Tổng Bí thư cho biết có 6 nhiệm vụ cụ thể sẽ được tiến hành ngay, đó là:

“Thứ nhất, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, luật pháp để làm mạnh hơn nữa công tác phòng ngừa, răn đe, đồng thời xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực, vụ án nghiêm trọng.

Thứ hai, phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thấm nhuần sâu sắc nguy cơ về tham nhũng với một đảng cầm quyền. Nếu không làm cái này thì dẫn tới nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Thứ ba, phát huy kinh nghiệm đã có của năm 2013, tiếp tục xử lý một số những vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp được dư luận quan tâm. Nhất là những vụ việc, vụ án đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo.

Thứ tư, tiếp tục thành lập một số đoàn công tác liên ngành để kiểm tra công tác thanh tra, phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan thực hiện nhiệm vụ này. Kể cả ở Trung ương và địa phương.

Kinh nghiệm năm 2013 thành lập 7 đoàn kiểm tra có tác dụng tốt, vừa đôn đốc, nhắc nhở, tăng cường phối hợp, vừa răn đe, đồng thời phát hiện vụ việc tiêu cực đưa vào chỉ đạo.

Thứ năm, quan tâm hơn nữa tới công tác phòng, chống tham nhũng ở các địa phương. Giao trách nhiệm cho cấp ủy đảng, đồng chí bí thư cấp ủy phải trực tiếp lo công việc phòng, chống tham nhũng.

Thứ sáu, làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan phòng, chống tham nhũng ở nước ngoài,  nhất là trong công tác hỗ trợ tư pháp, hỗ trợ điều tra”.

Đây có thể coi như một “bản chiến lược” tổng tấn công vào “pháo đài tham nhũng” với các bước đi cụ thể như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tuyên truyền giáo dục nhân dân, xử lý nghiêm khắc những vụ tham nhũng nghiêm trọng, tiếp tục thành lập một số đoàn công tác liên ngành, giao trách nhiệm cho cấp ủy đảng và bí thư cấp ủy trực tiếp lo việc phòng chống tham nhũng, phối hợp với các cơ quan phòng, chống tham nhũng ở nước ngoài.

Cách đây ít lâu, trong bài “Trò chuyện với Bộ trưởng “lấy đá ghè chân mình” trên Việt Nam Net, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng nói: “Đấu tranh chống tham nhũng là mong muốn của nhân dân, của đất nước. Bởi vì tham nhũng sẽ làm xã hội đi xuống và sụp đổ. Không có chế độ nào có thể tồn tại lâu nếu như liên tục để tình trạng tham nhũng, không minh bạch. Với một đất nước mà Đảng là của nhân dân như chúng ta nói, đã trải qua những năm tháng vẻ vang giải phóng dân tộc, bảo vệ đất nước, thời bình lại không thắng nổi mình, luôn bị đánh giá xếp hạng là tham nhũng tiêu cực, thì rõ ràng chúng ta không thể chấp nhận được.
Cho nên chống tham nhũng là việc rất bức bách. Cái khó nhất là vượt qua chính mình”.

Đúng là công cuộc phòng chống tham nhũng chỉ có thể thành công khi có sự “vượt qua chính mình” bởi theo lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phỏng vấn trên: “Nó khó khăn phức tạp vì xảy ra ngay trong nội bộ của chúng ta, nó đã thành lợi ích nhóm, lợi ích ràng buộc với nhau”.

Hi vọng rằng bằng quyết tâm sắt đá của Đảng mà đứng đầu là Tổng Bí thư và nhân dân cả nước, năm 2014 sẽ là năm “khắc tinh” đối với tham nhũng.
(Theo Dân trí) Bùi Hoàng Tám

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét