Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

 07:11

Chống tham nhũng từ gốc




Theo báo cáo khảo sát toàn cầu của Tổ chức Minh bạch quốc tế (khảo sát về quan điểm và trải nghiệm của người dân đối với tham nhũng), 55% người dân VN cảm nhận tham nhũng tăng lên trong 2 năm qua, cao hơn mức trung bình 48% ở khu vực Đông Nam Á. Chỉ có 18% cho rằng tham nhũng đã giảm và 27% nhìn nhận mức độ tham nhũng không thay đổi.

Trong khi đó, lòng tin của người dân vào các nỗ lực chống tham nhũng của chính quyền lại giảm sút đáng kể. Nếu như trong cuộc khảo sát tương tự năm 2010, chỉ có 35% người dân đô thị được hỏi tại 5 thành phố lớn cho rằng các nỗ lực chống tham nhũng của chính quyền không hiệu quả, thì con số này đã tăng lên 60% vào năm 2013.
Chúng ta có một hệ thống các văn bản pháp quy về phòng chống tham nhũng tương đối nhiều, có tổ chức bộ máy chống tham nhũng từ T.Ư đến địa phương nhưng “tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm”. Và thực sự chúng ta có vẻ đang rất lúng túng trong công tác được coi là “sống còn” này.
Báo cáo của Chính phủ thừa nhận tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm nhưng cũng chưa chỉ ra được cụ thể tình hình tham nhũng xảy ra chủ yếu ở lĩnh vực nào; ngành nào, địa phương nào. Đây quả là điều đáng tiếc. Nó thể hiện bộ máy chống tham nhũng chưa thực sự hiệu quả.
Cụ thể, chế tài để áp đặt thi hành luật pháp còn yếu. Đơn cử như, hiện có tới 3/4 nội dung quan trọng luật Phòng, chống tham nhũng giao hướng dẫn từ năm 2005, đến nay vẫn chưa được ban hành (quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nghĩa vụ giải trình đối với tài sản tăng thêm và cơ chế xử lý đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc, việc bảo vệ và khen thưởng người tố cáo tham nhũng…), nhưng cũng chả ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm.
Chúng ta đề ra rất nhiều giải pháp chống tham nhũng, nhưng hầu hết mang tính hình thức, hiệu quả không cao như chuyển đổi vị trí công tác, kê khai tài sản, tuyên truyền, trả lương qua  tài khoản...
Muốn chống tham nhũng, trước hết phải chế ước được các quyền năng do chức vụ mang lại. Mà nguyên tắc đơn giản là quyền phải đi đôi với trách nhiệm. Do vậy, “tham nhũng chưa giảm” nhưng xử lý người đứng đầu ngày càng ít là điều khó hiểu. Cần có những văn bản pháp lý quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tự phát hiện tham nhũng. Người đứng đầu không phát hiện ra tham nhũng nhưng qua tố giác của quần chúng, báo chí phanh phui, các cơ quan chức năng phát hiện ra thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính trị. Hệ thống giám sát theo đó cũng phải vận hành trên thực tế. Cấp trên giám sát cấp dưới trong cơ quan hành chính. Các quan chức hành chính được giám sát bởi quan chức chính trị. Các quan chức chính trị bị giám sát bởi cử tri. Khi chế độ trách nhiệm được áp đặt, tự khắc mọi việc sẽ trở nên đỡ rối rắm hơn nhiều.
(Theo Thanh niên) An Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét