Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

19:40

 “Liên kết độc quyền, liên kết để tăng giá là không được phép”

SGTT.VN - Như tin đã đưa, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 8864 truyền đạt chỉ đạo của phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, yêu cầu kiểm tra việc ba công ty viễn thông di động Vinaphone, Mobifone và Viettel đồng loạt tăng giá cước dịch vụ 3G vào ngày 16.10 lên cùng một mức cước.

 
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải 
Bộ Công thương được giao chỉ đạo cơ quan quản lý cạnh tranh khẩn trương nắm tình hình vụ việc, nếu có dấu hiệu lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tiến hành điều tra, xử lý. Nhân dịp này, báo Sài Gòn Tiếp Thị đã phỏng vấn phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải quanh vấn đề trên và tình trạng tràn lan độc quyền của doanh nghiệp nhà nước hiện nay:
Thưa phó Thủ tướng, được biết phó Thủ tướng vừa ký công văn chỉ đạo kiểm tra việc ba nhà mạng có việc liên kết tăng giá cước 3G hay không. Hiện nay phó Thủ tướng có được báo cáo, nắm được bằng chứng, dấu hiệu nào của việc ba nhà mạng có hành vi liên kết tăng giá chưa?
Ba ông đấy có bắt tay nhau tăng giá hay không thì phải chờ cơ quan chức năng điều tra. Nếu có sai phạm thì mới có căn cứ để xử lý theo quy định của pháp luật được. Nếu có sai phạm thì phải chấn chỉnh ngay. Liên kết độc quyền là một trong những mặt trái của kinh tế thị trường nên ở nhiều nước, họ đã có nhiều điều luật để chống. Nước mình cũng vậy cho nên tôi mới giao cho cục Quản lý cạnh tranh kiểm tra để xem xét việc ấy. Liên kết độc quyền và liên kết tăng giá là không được phép.
Tuy nhiên, cũng có thể nói đã có dấu hiệu, ví dụ như là không tăng trước, tăng sau mà cùng tăng một lúc?
Cho nên là người ta mới có cái để mà nói.
Nếu như bộ Thông tin và truyền thông lại ra văn bản tăng giá này thì có hợp pháp không, thưa phó Thủ tướng?
Cái đấy cũng đang chờ kiểm tra. Phải xem lại xem có phải bộ làm thế không hay bộ chỉ nói trong cuộc làm việc với các doanh nghiệp là yêu cầu kiểm soát giá cả. Trong nền kinh tế thị trường thì bộ không phải là cơ quan ra quyết định tăng giá.
Nhìn ra thực trạng độc quyền của nhiều doanh nghiệp nhà nước khác, thưa phó Thủ tướng, thời gian qua cũng có những quyết định cho hợp nhất, sáp nhập khiến có doanh nghiệp củng cố, mở rộng vị thế độc quyền và làm hạn chế cạnh tranh như việc Vietnam Airlines lại được sở hữu phần lớn cổ phần ở Jestar Pacific? Nhà nước lẽ ra không nên cho phép việc đó chứ?
Điều đó đúng. Nhưng cái đó nó phải từng bước. Cũng như lĩnh vực điện lực ấy, bây giờ ai cũng nói: làm gì có cạnh tranh đâu, EVN (tập đoàn Điện lực Việt Nam) chiếm trên 60% thị phần thì làm sao cạnh tranh? Nhưng muốn có cạnh tranh thì phải từng bước, không thể ngay được. Thị trường điện sẽ (được) đưa thêm nhà máy vào. Cổ phần hoá các tổng công ty điện thì sẽ tư nhân hoá dần dần. Chứ bây giờ mà bảo để hình thành thị trường cạnh tranh, ra luôn một văn bản, giải tán, chia tách ngay thì ai cung cấp hàng cho chợ? Người dân thì thế nào? Những thị trường như thế phải thiết kế rất cẩn thận.
Trước đây nền kinh tế của ta chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước, nay có đầu tư tư nhân thì cũng phải dẫn dắt họ vào, từng bước một chứ không phải lĩnh vực nào hô cái là người ta vào. Doanh nghiệp tư nhân thường họ muốn cái gì dễ, làm nhanh, có lợi nhuận nhanh họ làm, còn những cái đầu tư lớn, dễ rủi ro thì họ còn phải xem. Cho nên, như ta bắt đầu hình thành thị trường điện cạnh tranh, tuy ban đầu doanh nghiệp tham gia cũng đa số là của Nhà nước, cơ quan điều tiết cũng là của Nhà nước… nhưng dần dần rồi sẽ tách ra, nhà đầu tư tư nhân tham gia sâu vào.
Các nước họ cũng phải đi từng bước như thế cả. Nếu tư nhân hoá hết ngay, không có đủ nhà cung cấp điện ngay thì ai lo? Giá nước cũng vậy, làm sao có chuyện cung cấp thì cung cấp, không cung cấp thì thôi. Có những lĩnh vực nó là an ninh, an toàn như về năng lượng cho quốc gia thì không dễ một chốc tư nhân hoá hết cả. Cứ sốt ruột, vỡ trận là chết. Vỡ ra, quay lại làm còn khó hơn. Khi thị trường có tính cạnh tranh rồi mới kiểm soát về tỷ trọng, mỗi doanh nghiệp chiếm đến tối đa bao nhiêu phần trăm để đảm bảo tính cạnh tranh của thị trường…

 
Vietnam Airlines lại được sở hữu phần lớn cổ phần ở Jestar Pacific làm hạn chế cạnh tranh. 

Nhưng để giảm bớt tình trạng tràn lan kinh doanh độc quyền nhà nước hiện nay, có những doanh nghiệp lớn có thể sớm thực hiện chia tách ra để thúc đẩy cạnh tranh, ví dụ Vietnam Airlines có thể tách ra làm hai: tổng công ty Hàng không miền Nam và tổng công ty Hàng không miền Bắc?
Thì như tôi đã nói. Cũng phải từng bước. Không phải cứ nhiều nhà cung cấp, cạnh tranh là tôi có lợi. Nếu thị trường nhỏ, như một miếng bánh thôi, chia cho nhiều nhà cung cấp thì nó lại dẫn đến chi phí cao rồi cái chi phí cao đấy nó lại bắt người tiêu dùng phải trả thôi. Như thị trường ôtô, thị trường taxi… vậy, không phải cứ mở ra, có nhiều nhà cung cấp thì giá rẻ, chất lượng tốt được. Ta ra đường bây giờ, búng tay một cái, 3 – 4 xe taxi chạy đến, cứ tưởng tốt nhưng không phải, nhiều xe chạy trên đường, chi phí cao rồi cuối cùng cũng vào anh hết mà chất lượng dịch vụ lại kém. Cho nên, ở nhiều nước, họ cấm taxi chạy lung tung, đứng đúng bến, có người gọi mới chạy đến là vì thế. Cho nên, nói thị trường cạnh tranh là phải tuỳ từng sản phẩm, tính chất sản phẩm mà có chính sách, quy định khác nhau.
Thị trường hàng không cũng vậy, đã mở ra cho nhiều hãng tư nhân tham gia vào nhưng có phải ông nào cũng làm nổi đâu. Bài học rút ra là: anh chưa hình thành ra một cơ chế tốt cho nó vận hành mà đã dỡ cơ chế cũ ra là không có người phục vụ. Mục tiêu nhất quán là phải cạnh tranh nhưng đi thế nào để cho nó không đổ vỡ, nhiều nước bị đổ vỡ rồi, là một yêu cầu.
Ví dụ như thị trường viễn thông, Thủ tướng từng nói: giá mà nền kinh tế giống như viễn thông: cạnh tranh cao, chất lượng tốt, giá hạ thì bài học về phát triển thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực này có thể áp dụng thế nào cho các lĩnh vực khác?
Bài học đúng là vấn đề đảm bảo tính cạnh tranh. Thị trường viễn thông ở ta đúng là rất cạnh tranh, công nghệ luôn được nâng cấp, giá cả thì không ai nói giá dịch vụ viễn thông ở ta cao…Nhưng sẽ không phải dừng ở đó. Nó phải tiếp tục. Vẫn phải tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp, thị trường theo đề án mà Chính phủ vừa phê duyệt… Nhưng ngành viễn thông nó vẫn có một số đặc thù, có tính độc quyền tự nhiên về mạng lưới.
(Theo SGTT) MẠNH QUÂN THỰC HIỆN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét