14:15
Gần 90% dự án thủy điện nhỏ bị loại bỏ khỏi quy hoạch
KTĐT - Kết
quả rà soát quy hoạch thủy điện (TĐ) trong Báo cáo của Chính phủ trước Quốc
hội sáng nay (30/10) cho thấy đã loại bỏ 424 dự án; Không xem xét đưa vào quy
hoạch 172 vị trí tiềm năng; Tạm dừng có thời hạn 136 dự án; Tiếp tục rà soát,
đánh giá 158 dự án.
Như vậy, cả nước hiện còn lại 815 dự án, công trình TĐ; đang vận hành 268 dự án (14.240MW), đang thi công xây dựng và dự kiến khai thác từ nay đến năm 2017 là 205 dự án (6.198MW). Hiệu quả kinh tế thấp, không thu hút đầu tư Cho đến nay, các địa phương có dự án, công trình TĐ trên cả nước đã được rà soát quy hoạch. Đánh giá cao sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội (KH,CN&MT) đã thống nhất về nguyên tắc cần loại bỏ những dự án, vị trí tiềm năng TĐ không bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường, mất an toàn cho cộng đồng dân cư, hiệu quả đầu tư thấp, tác động tiêu cực đến KT-XH. Đối với các dự án tạm dừng có thời hạn và tiếp tục được rà soát, đánh giá, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện, đáp ứng những yêu cầu nêu trên.
Trong số các dự án loại bỏ, gần 90% số các dự án trong quy
hoạch là TĐ nhỏ nhưng đóng góp về tổng công suất của các dự án này chỉ chiếm
khoảng 26%.
Thực tế cho thấy, năng lực chuyên môn của một số cơ quan, đơn vị tư vấn, cơ quan quản lý nhà nước ở nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu. Việc kiểm tra, giám sát theo phân cấp của các cơ quan chức năng chưa thường xuyên, kịp thời, đặc biệt là trong giai đoạn quyết định đầu tư, lập, thẩm định dự án. Trách nhiệm, sự phối hợp các chủ thể trong quá trình xây dựng, thực hiện quy hoạch TĐ chưa quy định rõ ràng. Ngoài ra, quy hoạch TĐ nhỏ chưa thực sự quan tâm đến mục tiêu tổng hợp sử dụng tài nguyên nước lưu vực sông, bảo vệ môi trường và hiệu quả KT-XH. Do chủ yếu nằm rải rác trên các sông suối nhánh, thuộc các khu vực có điều kiện KT-XH khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, các tài liệu và thông tin cơ bản như khí tượng, thủy văn, địa hình, địa chất... còn thiếu. Mặt khác, do tình hình đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết tại khu vực các dự án TĐ nhỏ còn chậm, khó khả thi, hiệu quả kinh tế của các dự án này giảm rõ rệt, không thu hút được đầu tư. Báo cáo cũng chỉ ra, đối với các công trình TĐ nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống bão lụt (PCBL). Hiệu quả làm việc của hệ thống quan trắc tại một số công trình TĐ là rất thấp. Việc xây dựng phương án PCLB cho vùng hạ du trong tình huống xả lũ khẩn cấp, vỡ đập... gặp nhiều khó khăn, ít được quan tâm. Không ít chủ đầu tư dự án TĐ nhỏ có năng lực chuyên môn và tài chính hạn chế; quy định về chế tài xử phạt vi phạm về an toàn đập, kiểm định đập; vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư chưa được ban hành kịp thời, rõ ràng và chưa được thực thi đầy đủ. Ngoài ra, thông tin, số liệu về điều kiện tự nhiên thường không đầy đủ và thiếu cập nhật do hạn chế nguồn lực đầu tư cho giai đoạn điều tra, khảo sát khu vực dự án. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Làm rõ trách
nhiệm ở 2 dự án thủy điện ở Đồng Nai
Liên quan đến dự án TĐ Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A, trong thời gian qua, đã nhận được sự quan tâm của nhiều vị ĐBQH và dư luận xã hội. Hai dự án này đã được loại khỏi quy hoạch mặc dù trước đó đã nhiều lần đưa vào quy hoạch. Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết : Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. "Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy cần thiết phải nghiên cứu, xem xét, sửa đổi quy định về quy trình lập, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cho phù hợp", ông Dũng nhấn mạnh. Trong thời gian qua, một số sự cố dự án, công trình TĐ vừa và nhỏ khu vực miền Trung, Tây Nguyên đã xảy ra, gây thiệt hại về người và tài sản. Sự cố, hiện tượng bất thường tại công trình TĐ Sông Tranh 2 (tỉnh Quảng Nam) như thấm nước qua thân đập, động đất kích thích… đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng dân cư và hiệu quả hoạt động của công trình. Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Chính phủ đã rất tích cực chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có liên quan khẩn trương xử lý sự cố thấm nước, tiếp tục quan trắc, giám sát chặt chẽ mức độ an toàn của đập, hồ chứa; theo dõi hiện tượng động đất kích thích trong khu vực. Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ chưa có quyết định chính thức về việc tiếp tục tích nước hồ chứa công trình TĐ này.
(Theo Kinh tế đô thị) Huyền Trâm
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét