Thứ Tư, 30 tháng 10, 2013

16:07

 Tín hiệu tốt để những cái đúng dám lên tiếng

SGTT.VN - Đến lúc này, có thể nói câu chuyện thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A đã có kết thúc có hậu. Những tranh luận kéo dài suốt 11 năm về chuyện được mất đã khép lại. Điều đáng mừng hơn cả đó là những tiếng nói, dám đấu tranh cho cái tốt đã thực sự được ghi nhận. Trên hơn cả, người ta mong đợi công tác đánh giá tác động môi trường (ĐMT) sẽ được làm kỹ càng để tránh những rủi ro, chi phí và vì môi trường sẽ có nhiều Cát Tiên nữa được giữ lại…

 
Việc loại bỏ dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ giữ được sự toàn vẹn của vườn quốc gia Cát Tiên.

TS Vũ Ngọc Long (viện trưởng viện Sinh thái học miền Nam, một trong những người đầu tiên và kiên trì lên tiếng phản đối việc xây dựng hai dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A)
Khoa học chân chính đã được công nhận
Là một trong những người kiên trì lên tiếng phản đối việc xây dựng hai dự án này, bản thân tôi cũng như một số nhà khoa học đã phải chịu nhiều áp lực không nhỏ. Bởi không phải nhà khoa học nào cũng công tâm bảo vệ môi trường thiên nhiên, dám vượt qua áp lực để lên tiếng cho cái chung. Ở ta, cái gọi khoảng trống hay cái diễn đàn tự do còn ít quá.
Nhà sử học Dương Trung Quốc từng nói ý rằng: khi người ta phát ngôn, có thể sai có thể đúng nhưng đừng gạt đi mà hãy bảo lưu. Giống như báo Nga có mục: “Trong năm trước báo này nói gì?” Bởi nếu không có khoảng trống tự do thì ý kiến các nhà khoa học sẽ bị cuốn trôi, sẽ bị bỏ ngoài tai. Nhiều người góp ý nhưng không được ghi nhận nên họ cho rằng tốt nhất không nói. Hoặc có những người bị chi phối, sẽ thụ động. Khi đó, một diễn đàn tự do sẽ là nơi bảo vệ tiếng nói của những người yêu khoa học thực sự.
Trong vụ thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A, chúng ta đã huy động được sức mạnh của quần chúng, tiếng nói của nhân dân cũng như các tổ chức phi chính phủ. Đây là tín hiệu tốt để những cái đúng dám lên tiếng, xã hội sẽ tốt hơn. Đặc biệt, một kinh nghiệm rút ra với các chủ đầu tư khi làm ĐTM sau dự án này đó là cần tính toán, cân nhắc rủi ro sẽ gặp phải trước khi thuyết trình một dự án nào đấy. Chứ cứ cố làm lấy được mà không biết đúng sai thì sẽ gây hậu quả, lãng phí lớn.
TS Đào Trọng Tứ (uỷ viên Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, thành viên hội đồng Thẩm định báo cáo ĐTM dự án thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A)
Bài học để nhìn lại cách thức quản lý
Hiện nay, báo cáo ĐTM do doanh nghiệp làm. Họ thuê đơn vị khảo sát, lập báo cáo. Khi đó, báo cáo ĐTM sẽ mất tính khách quan vì đơn vị tư vấn được doanh nghiệp trả tiền nên báo cáo sẽ chủ yếu tập trung làm lợi cho chủ đầu tư. Cần phải thay đổi, khi dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, Nhà nước sẽ đứng ra thuê đơn vị tư vấn, lập báo cáo ĐTM dựa trên kinh phí do chủ đầu tư cấp.
Câu chuyện thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A cũng sẽ là bài học để cơ quan quản lý nhìn lại cách thức quản lý của mình. Dù biết, nhà đầu tư thì phải chấp nhận rủi ro. Nhưng khi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phải chi nhiều tỉ đồng để đầu tư trong suốt 11 năm, cuối cùng dự án bị loại bỏ sẽ rất lãng phí và tạo tiền lệ xấu.
Trao đổi với báo chí TS Mai Thanh Dung – cục trưởng cục Thẩm định và đánh giá tác động môi trường (bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, từ đầu năm tới nay, cục chưa nhận được hồ sơ xin thẩm định báo cáo ĐTM nào gửi về
Để hạn chế rủi ro cho chủ đầu tư
Để hạn chế rủi ro cho chủ đầu tư, theo ông Dung, trong dự luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), bộ Tài nguyên và môi trường kiến nghị quy trình lập ĐTM hai bước: ĐTM sơ bộ và ĐTM chi tiết. Theo đó, chỉ những dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư mới phải lập ĐTM chi tiết. Quy trình này áp dụng cho các dự án phải xin chủ trương đầu tư, phải nghiên cứu tiền khả thi và có nhiều rủi ro. ĐTM hai bước sẽ giúp sàng lọc các dự án thiếu khả thi, hạn chế rủi ro cho doanh nghiệp, bởi lẽ trên thực tế, có nhiều chủ đầu tư phải chi rất nhiều tiền cho giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi nhưng cuối cùng dự án vẫn không được thông qua, gây lãng phí.
TS Nguyễn Khắc Kinh (nguyên vụ trưởng vụ Thẩm định và đánh giá tác động môi trường – bộ Tài nguyên và môi trường)
Đánh giá tác động môi trường phải minh bạch
Người ta cứ bảo làm ĐTM dự án lớn phải chia nhiều giai đoạn. Điều đó không đúng, phải chia nhiều giai đoạn vì trong quá trình làm không có đủ thông tin. Có thông tin đến đâu thì làm đến đấy, ít thông tin thì làm sơ bộ, nhiều thông tin thì làm chi tiết. Nhưng luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) không đặt vấn đề ấy ra, họ nói chia hai bước nhưng không nói cụ thể, từng bước sẽ làm như thế nào. Chia hai bước không phải vì dự án lớn, nếu đủ thông tin vẫn có thể làm một bước nhưng với dự án nhỏ mà không đủ thông tin vẫn phải làm hai bước.
Bài học từ dự án thuỷ điện 6 và 6A cho chúng ta thấy, nếu không đủ thông tin sẽ quyết bừa, quyết bừa mới tranh luận bừa, tranh luận bừa nhưng hỏi thông tin cho tâm phục khẩu phục thì không có. Do đó, khi chưa đủ thông tin thì đừng vội kết luận. Chưa rõ thì nên dừng. Ví dụ ngay giai đoạn đầu, đánh giá sơ bộ xem xét ngay địa điểm có phù hợp hay không, nếu không phù hợp thì dừng ngay cho đỡ tốn kém.
Một vấn đề nữa, đơn vị làm ĐTM nên có tính độc lập và thoát hoàn toàn ra khỏi sự ràng buộc về tài chính của chủ đầu tư. Sau đó cần phải công khai để công chúng biết. Bởi nếu cứ bưng bít thì làm sao người ta muốn tham gia được. Khi thông tin được minh bạch thì các nhà khoa học mới có thông tin để nghiên cứu phán xét, người dân mới có thể tham gia góp ý, chứ nếu phán xét theo cảm tính thì không ăn thua.
(Theo SGTT) BÀI VÀ ẢNH: THANH TUYỀN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét