08:32
Chuẩn bị phong bì và viết di chúc
Hồi tháng 8, sau liên tục các vụ bệnh nhi tử vong do “sốc phản
vệ” khi tiêm vaccine, ĐBQH Nguyễn Thị Quốc Khánh đã nói tới sự “hoang mang
trong xã hội”. Không hoang mang không được khi mũi tiêm phòng bệnh nhiều khi
giống hơn với mũi kiếm đoạt mạng, không phải chỉ với một đứa trẻ, không chỉ ở
Quảng Trị, cũng không chỉ ở Hải Phòng.
Đến hôm qua, ĐBQH Bùi Thị An đã nói về cảm giác bất an, dù bà cẩn
thận nói đại ý cái cảm giác này không chỉ xảy ra trong lĩnh vực y tế.
Một sản phụ nằm ngoài hiên, giữa đêm tối, gió lạnh, chịu đau đớn hàng giờ đồng hồ. Các vị lương y không hề thăm nom, vì còn bận… ngủ. Các “từ mẫu” không thèm động lòng, thậm chí còn chửi mắng “Đẻ là phải đau chứ” - chuyện xảy ra ở Thanh Hóa. Trong khi đó, ngay giữa thủ đô, một bác sĩ lẳng lặng ném xác nạn nhân tử vong xuống sông phi tang sau ca phẫu thuật thẩm mỹ. Khó nhìn thấy khoảng cách giữa sự hoang mang xã hội và cảm giác bất an trong dân chúng. Càng khó để biết rằng, tháng sau, tuần tới, sẽ còn điều gì xảy ra trong bệnh viện và người dân còn có thể đủ chữ để mô tả cảm giác sợ hãi và sự phẫn nộ của mình. Chỉ có một điều có thể thấy rất rõ là giữa tai nạn mang tính chất rủi ro ẩn chứa trong mũi tiêm mang tên vaccine và sự lơ là, tắc trách trong cái chết của sản phụ ở Thanh Hóa đã có một sự suy vi trầm trọng hơn về vấn đề y đức, đã có một khoảng trống về niềm tin của người dân với những tấm áo blouse trắng. Đi tiêm vaccine phải chăng giống như canh bạc may rủi với thần chết? Và khi người ta đã nói đến mức “Giá như tôi đưa phong bì cho họ thì có lẽ cái Xuân sẽ không chết”, thì đó không chỉ là sự phẫn nộ trước đau thương, mà phải là chỉ dấu cho thấy sự cạn kiệt niềm tin của một người bệnh đối với “từ mẫu”. Có nơi nào trên trái đất này mà người bệnh phải cầu xin bác sĩ cứu người? Có ở chỗ nào trong thế giới này, bác sĩ vô nhân tính đến mức vứt xác phi tang? Hay giờ đây trước khi vào viện, người ta phải chuẩn bị phong bì nếu như không muốn viết sẵn di chúc? Sau vụ bác sĩ ném xác nạn nhân xuống sông, có người đã bảo rằng, sự sợ hãi khiến cho người ta trở nên man rợ. Nhưng sự man rợ khiến cả xã hội bàng hoàng ngày hôm nay có mầm mống từ câu chuyện những cái phong bì, từ sự bàng quan, tắc trách trước sự đau khổ của người bệnh. Đã có những lời xin lỗi được đưa ra. Sẽ có những cuộc kiểm tra được tiến hành. Nhưng giá như, những lời xin lỗi thực sự là cách thức nhận trách nhiệm. Giá như những cuộc kiểm tra không phải chỉ sau những cái chết.
Đào Tuấn
Y đức đã chạm đáy!
“Y đức đã xuống thấp đến cực điểm” - Đó là nhận xét của ĐBQH Bùi
Thị An (đoàn Hà Nội) với PV Báo Lao Động liên quan đến việc bác sĩ Nguyễn
Mạnh Tường - chủ cơ sở mỹ viện Cát Tường - đã ném xác khách hàng của mình
xuống sông Hồng để phi tang gây chấn động dư luận.
“Hậu họa xảy ra bây giờ không phải chỉ có trách
nhiệm của Bộ trưởng Bộ Y tế hiện nay, mà còn của nhiều thế hệ… Việc mở phòng
khám tư nhân là cần thiết nhưng nếu không quản lý được thì phải do lỗi của
mình” - ĐBQH Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) trao đổi với PV Lao Động bên hành lang
Quốc hội sau vụ bác sĩ ném xác bệnh nhân phi tang ở Hà Nội.
Cảm giác của bà thế nào khi nghe tin một bác sĩ ném xác bệnh nhân nhằm phi tang? - Thú thực tôi thấy sởn hết gai ốc. Tôi không thể hình dung được hành vi vô nhân tính đó lại xảy ra trong ngành y. Hơn nữa hành vi này lại xảy ra từ một bác sĩ còn tương đối trẻ, lại đang làm ở một bệnh viện lớn có uy tín trong ngành y. Liên tiếp thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ đau lòng trong ngành y như việc tiêm vaccine, nhân bản kết quả xét nghiệm, rồi sản phụ tử vong, rồi đến sự việc này. Người dân đang rất băn khoăn về vấn đề y đức trong ngành y hiện nay. Bà nhận định thế nào về vấn đề này? - Việc này, trong các báo cáo công khai đã thừa nhận vấn đề y đức bây giờ đang bị suy giảm, và suy giảm tới mức dẫn đến những vụ việc đau lòng đáng tiếc như vậy trong thời gian qua. Đó là những điều không thể chấp nhận được. Còn về nguyên nhân thì có rất nhiều, nhưng có một nguyên nhân lớn cần phải nói đến là người ta đã quên đi cái liêm sỉ, đạo đức để chạy theo lợi nhuận, mà không tính đến những hậu quả gây ra. Một vấn đề khác cũng cần phải đề cập đến là công tác quản lý có vấn đề. Trong vụ việc này, nếu không phải là trách nhiệm của Sở Y tế, thì phải là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Anh không thể nói vô trách nhiệm trong việc này. Bà nghĩ sao trước thông tin Sở Y tế khẳng định, thẩm mỹ viện đó chưa được cấp phép nên không biết gì về vấn đề này? - Lý do đó không thể chấp nhận được. Tôi sẽ đề nghị với lãnh đạo TP.Hà Nội xem xét cụ thể trách nhiệm thuộc về ai, còn cứ quy chung chung thì sẽ rất khó. Tôi tin chắc chắn lãnh đạo Hà Nội đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, sẽ xử lý nghiêm.
Thưa bà, bà có ý định đưa ra nghị trường những vấn đề liên quan đến y đức và trách nhiệm trước hàng loạt những vụ việc đau lòng xảy ra liên tiếp trong thời gian qua? - Trước khi quyết định tôi sẽ phải làm hai việc. Thứ nhất, tôi sẽ trao đổi với lãnh đạo Hà Nội trong đoàn ĐBQH TP.Hà Nội. Vì khi chúng tôi cùng đi tiếp xúc cử tri, lãnh đạo Hà Nội cũng rất quan tâm và có sự chỉ đạo hết sức cụ thể đến những việc liên quan đến cuộc sống của nhân dân. Thứ hai, có thể tôi sẽ trao đổi trực tiếp với Sở Y tế Hà Nội. Thậm chí tôi sẽ trao đổi trực tiếp với chính quyền địa phương nơi thẩm mỹ viện Cát Tường đang hoạt động. Cuối cùng tôi mới có thể đưa ra quyết định có đưa vấn đề này ra nghị trường hay không. Ở một số cán bộ trong ngành y thì đúng là có sự xuống cấp đến cực điểm rồi và không thể xuống thấp hơn được nữa. Vụ việc ở thẩm mỹ viện Cát Tường phải có giải pháp mang tính chất đột phá ngay, khống chế luôn sự xuống cấp về y đức của một số cán bộ và phải xử lý thật nghiêm. Xin trân trọng cảm ơn bà! |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét