Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

11:05

 Bỏ lọt Vinashin, Vinalines:

Thanh tra, kiểm toán “vô can”?

 

Vấn đề trách nhiệm của thanh tra, kiểm toán trong việc bỏ lọt các vụ việc sai phạm lớn...

Bỏ lọt Vinashin, Vinalines: Thanh tra, kiểm toán “vô can”? 
Nhiều tỉnh, thành phố hàng năm tiến hành rất nhiều cuộc thanh tra nhưng lại không phát hiện được tham nhũng

Bản báo cáo kết quả giám sát “Chấp hành pháp luật trong việc xử lý tội phạm về tham nhũng, chức vụ” của Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã đặt ra vấn đề trách nhiệm của các cơ quan chức năng như thanh tra, kiểm toán trong việc bỏ lọt các vụ việc sai phạm lớn.

Thừa nhận những kết quả tích cực trong quá trình thanh, kiểm tra của các cơ quan chức năng của Chính phủ, song theo Ủy ban, việc đánh giá tình hình tham nhũng tại các địa phương mà đoàn tiến hành giám sát cũng như trên phạm vi cả nước theo tiêu chí mà Thanh tra Chính phủ ban hành còn “rất lúng túng, ít được quan tâm thực hiện”. 

Quá trình giám sát của Ủy ban đã phát hiện tình trạng công tác thanh tra phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng ở nhiều địa phương còn rất hạn chế; nhiều tỉnh, thành phố hàng năm tiến hành rất nhiều cuộc thanh tra, phát hiện nhiều sai phạm trong quản lý Nhà nước với thất thoát nhiều tỷ đồng, nhiều ha đất, nhưng lại không phát hiện được tham nhũng hoặc có phát hiện được thì rất ít, phần lớn là các vụ nhỏ lẻ ở cấp xã, thôn. 

Ủy ban Tư pháp cho rằng, thực trạng công tác phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng qua công tác thanh tra là chưa tương xứng với đánh giá về tình hình tham nhũng ở Trung ương cũng như ở nhiều địa phương vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm; chưa phúc đáp được yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng. 

“Nguyên nhân của tình trạng trên đây có phần trách nhiệm, kỷ luật công vụ đối với các cơ quan thanh tra, kiểm toán, đoàn thanh tra, kiểm toán và thanh tra viên, kiểm toán viên chưa rõ ràng, cụ thể và còn bị buông lỏng trong tổ chức thực hiện”, báo cáo viết. 

Ví dụ điển hình là tại một số bộ, ngành, địa phương tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán, nhất là đối với các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp công ích, tổng công ty, các tập đoàn kinh tế nhưng lại không phát hiện được tiêu cực, tham nhũng; tuy nhiên, sau đó báo chí, cơ quan điều tra lại phát hiện ra như trường hợp Vinashine, Vinalines. 

“Mặc dù vậy, các đoàn thanh tra, kiểm toán, thanh tra viên, kiểm toán viên, cơ quan thanh tra, cơ quan kiểm toán lại không bị xem xét trách nhiệm và không phải chịu trách nhiệm về việc thanh tra, kiểm toán nhiều nhưng không phát hiện ra tham nhũng”, báo cáo nêu vấn đề. 

Trong tháng 7/2013, Ủy ban Tư pháp đã thành lập 3 đoàn công tác tiến hành giám sát tại thành phố Hà Nội, Tp.HCM, các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương, Quảng Bình và Quân khu 3.

Từ kết quả giám sát, Ủy ban đề nghị Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trong phạm vi trách nhiệm của mình, trên cơ sở đánh giá, tổng kết thực tiễn công tác thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan, đề xuất, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung các quy định của luật nhằm bảo đảm tạo cơ chế kiểm sát, giám sát chặt chẽ việc xử lý kỷ luật, xử lý hành chính đối với hành vi tham nhũng để chống bỏ lọt tội phạm và tăng cường hơn nữa trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong xử lý vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm minh đối với tội phạm về tham nhũng, chức vụ; quy định cụ thể, đầy đủ hơn về thẩm quyền của viện kiểm sát nhân dân trong kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm; bảo đảm thời hạn xử lý tin báo, tố giác tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội phạm này phù hợp với yêu cầu thực tiễn…
(Theo VnEconomy) Anh Minh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét