10:01
“Túi tiền” quốc gia:
Hụt thu và... bội chi
“Túi tiền” quốc gia đang đối diện với tình trạng hụt thu nghiêm
trọng. Đây là điều được cả đại diện Chính phủ và Quốc hội cùng thừa nhận tại
phiên họp chiều 23/10.
Trong phiên họp, Bộ
trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã
trình bày báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013;
dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014.
Theo Bộ trưởng Đinh
Tiến Dũng, năm 2013 thu cân đối ngân sách Nhà nước ước đạt 752.370 tỷ đồng,
giảm 63.630 tỷ đồng (tương đương 7,8%) so với dự toán.
Trong số này, thu
cân đối ngân sách Trung ương hụt 47.200 tỷ đồng và địa hương hụt 16.430 tỷ
đồng. Tình trạng này dẫn tới việc năm nay chênh lệch thu chi ngân sách sẽ là
195.000 tỷ đồng, gây khó khăn cho việc chi tiêu chung của quốc gia.
Sau nhiều năm vượt
thu, đây là năm đầu tiên số thu ngân sách cả năm ước không đạt dự toán thu
cân đối ngân sách, ảnh hưởng lớn tới việc điều hành ngân sách và cân đối, bố
trí vốn để thực hiện các nhiệm vụ chi ngân sách.
Chính vì vậy, Chính
phủ đề xuất với Quốc hội về việc tăng bội chi, theo đó nâng mức bội chi từ
4,8 lên 5,3% GDP. Với mức bội chi này, nợ công dự kiến 56,2% GDP, dư nợ chính
phủ là 42,6% GDP và dư nợ quốc gia 39,5% GDP, một tỷ lệ mà theo Bộ trưởng
Dũng là “vẫn trong giới hạn an toàn”.
Trong báo cáo thẩm
tra tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân
sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014 của Quốc hội
do ông Phùng Quốc Hiển, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban
Tài chính - Ngân sách trình bày, câu chuyện hụt thu cũng được đề cập đậm nét.
Ông Hiển cho rằng,
trong khi tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 5,4% nhưng Chính phủ báo cáo số
liệu hụt thu nội địa khá lớn. “Đề nghị Chính phủ đánh giá đúng thực chất hơn
về mức tăng trưởng kinh tế trong mối quan hệ với thu ngân sách, trên cơ sở đó
rà soát lại về khả năng thu, tăng cường chống thất thu, xử lý nghiêm gian
lận, trốn thuế; đôn đốc thu hồi nợ đọng để có số ước thu ngân sách tích cực
hơn”.
Mặt khác, thu ngân
sách từ đất đai và dầu khí hiện còn nhiều bất cập, số thu tiền sử dụng đất
giảm so với thực hiện năm 2012 (bằng 82%), trong khi thu từ dầu thô ước vượt
16,2% so với dự toán (bao gồm cả số ghi thu, ghi chi), song đây là yếu tố
tăng thu phụ thuộc vào giá thị trường quốc tế, tính ổn định không cao.
Thực tế cho thấy, số
thu từ dầu thô có xu hướng giảm dần (thu từ dầu thô năm 2013 chỉ bằng 77,3%
so với thực hiện năm 2012). “Do đó, đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu hoàn
thiện cơ chế tài chính, sửa đổi cơ chế trích để lại từ thu lãi dầu, khí nước
chủ nhà theo điều 32 của Luật Dầu khí và tăng cường giám sát lĩnh vực đầu tư,
nhất là đầu tư ra nước ngoài của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam để bảo
đảm sử dụng vốn hiệu quả, nâng cao khả năng đóng góp cho ngân sách”, ông Hiển
nói.
Tuy nhiên, điều đáng
nói là trong bối cảnh thu ngân sách giảm khá lớn nhưng chi ngân sách “về
cơ bản vẫn được bảo đảm”. Thu ngân sách giảm nhiều, nhưng chi đầu tư phát
triển vẫn tăng; phân bổ, bố trí vốn xây dựng cơ bản chưa khắc phục được
tình trạng đầu tư dàn trải, thi công kéo dài, gây lãng phí nguồn lực.
“Vẫn còn nhiều dự án
triển khai chậm tiến độ, phân bổ vốn không đúng cơ cấu, chương trình hỗ trợ
được giao; còn tình trạng một số cơ quan, đơn vị thiếu kiên quyết trong cắt,
giảm đầu tư công; khởi công dự án mới trái quy định. Qua giám sát thực tế, Ủy
ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, một thực trạng là việc ban hành nhiều chế
độ, chính sách mới làm tăng chi ngân sách nhà nước, song chưa cân đối với
nguồn lực ngân sách nhà nước”, trích báo cáo do ông Hiển trình bày.
Tuy nhiên, trước đề
xuất nới bội chi, trong bối cảnh hụt thu lớn, Ủy ban Tài chính - Ngân sách
“cơ bản nhất trí” với việc Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành nghị quyết về
việc điều chỉnh dự toán theo quy định tại điều 49 của Luật Ngân sách Nhà
nước, theo đó, cắt/giảm một số khoản chi và nâng mức bội chi đã được Quốc hội
quyết định từ 4,8% GDP lên 5,3% GDP.
Theo VNECONOMY
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét