Chu kỳ lạm phát bị phá vỡ
Trong gần 10 năm qua (tính từ năm 1994), CPI đã
lặp đi lặp lại chu kỳ “hai năm tăng cao, một năm tăng thấp”. Kiểu chu kỳ này
thể hiện tính không bền vững của việc kiềm
chế lạm phát, điều hành còn có dáng dấp “giật cục”, nghiêng về
giải pháp có tính hành chính, nhẹ về giải pháp cơ bản là hiệu quả đầu tư,
năng suất lao động.
Trong 10 tháng năm 2013, CPI tăng 5,14% (thấp thứ hai trong 10
năm qua, thấp nhất trong 4 năm gần đây); tháng 10 tính theo năm tăng 5,92%,
bình quân 10 tháng so với cùng kỳ năm trước tăng 6,74% (thấp nhất so với 12
tháng trước đó). Dù xét dưới góc độ nào thì CPI 10 tháng qua cũng thuộc loại
thấp so với cùng kỳ nhiều năm qua. Đây là tín hiệu khả quan để cả năm CPI
không tăng quá 7%. Nếu dự đoán đó là đúng, thì năm 2013 sẽ là năm đầu tiên
không lặp lại chu kỳ “hai năm tăng cao, một năm tăng thấp”.
Kết quả trên đạt được do nhiều nhóm yếu tố. Về chi phí đẩy, cả 3
yếu tố đã góp phần làm giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ. Nhiều khoản
nộp ngân sách đã được cắt, giảm, giãn hoãn. Lãi suất cho vay của các ngân
hàng thương mại đã giảm tương đối nhanh trong mấy tháng nay, hiện đã có một
số khoản, một số đối tượng được vay với lãi suất thấp như cách đây mấy năm;
giá nhập khẩu tính bằng USD năm trước đã giảm; giá nhập khẩu tính bằng VND
giảm. Về cầu kéo, tổng cầu đã yếu từ vài ba năm nay, thể hiện ở 3 yếu tố. Tỷ
lệ vốn đầu tư/GDP đã giảm nhanh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch
vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố tăng giá) bình quân 2011 - 2013 tăng thấp
bằng một nửa so với trước đó (5,9%/năm); Về tiền tệ - tín dụng, tốc độ tăng
dư nợ tín dụng đã giảm mạnh (bình quân 2006 - 2010 là 33,3%/năm, 2011 là
14,4%, 2012 là 8,85%, 9 tháng 2013 là 6,82%, khả năng cả năm tăng 12%). Về
tâm lý, sức ép đối với tâm lý kỳ vọng lạm phát không còn lớn như trước, khi
giá vàng giảm sâu, giá USD ổn định, VN-Index chật vật lên xuống mốc 500 điểm,
thị trường bất động sản được dự đoán đáy còn đang ở phía trước, trong khi
xuất hiện trở lại tâm lý “thắt lưng buộc bụng”, “tích cốc phòng cơ”, thậm chí
ở một số chủ thể trên thị trường có tâm lý “co cụm, thủ thế”.
Tuy nhiên, giá thế giới có thể tăng, nếu tỷ giá tăng sẽ làm cho
chi phí đẩy tăng; đầu tư, tiêu dùng tăng cao vào cuối năm nay và đầu năm sau.
Việc thực hiện lộ trình giá thị trường nếu không minh bạch công khai, không
được giám sát kiểm tra, không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, T.Ư
và địa phương, nếu không cẩn trọng về liều lượng, thời điểm…, thì sẽ làm tăng
chi phí đẩy, đồng thời góp phần làm cho tổng cầu yếu thêm. Đó là chưa nói tới
yếu tố tâm lý lạm phát, yếu tố thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp, yếu tố
cơ bản của lạm phát là hiệu quả đầu tư, năng suất lao động còn thấp. Đây là
sự cảnh báo cần thiết.
(Theo Thanh niên) Ngọc
Minh
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét