10:01
Nguy cơ đổ bể chính sách
TP - Thiết bị giám sát hành trình
(hộp đen) được trang bị theo chính sách quản lý vận tải, cải thiện tình hình
an toàn giao thông (ATGT) được Chính phủ thông qua. Việc nhùng nhằng trong xử
lý tăng giá cước dịch vụ mạng với thiết bị này sẽ đẩy doanh nghiệp (DN) vận
tải và sản xuất hộp đen vào thế khó, chính sách lớn này có nguy cơ đổ bể.
Doanh nghiệp hộp đen lo phá sản
Ông Đào Thanh Anh, Phó Chi hội trưởng DN thiết bị giám sát hành
trình (thuộc Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam-VATA) đại diện cho 18 DN hộp đen
(chiếm 80-90% thị phần cả nước) cho biết: Việc tăng giá, đặc biệt là thay đổi
đơn vị tính cước của Viettel (từ block 10KB lên 50KB) làm DN như ngồi trên
lửa. Với mỗi sim cho hộp đen, DN tốn thêm khoảng 3.000-5.000 đồng/ngày.
“DN nào có khoảng 2.000 hộp đen sẽ mất đứt 10 triệu đồng/ngày.
Việc tăng giá đã hơn 10 ngày; nếu cứ công văn qua lại, họp hành nhiều mà
không thay đổi, DN khó chịu nổi” - ông Thanh Anh nói.
Không
chỉ Viettel, nhà mạng chủ lực khác là VinaPhone cũng bị kêu vì tính giá cước
kiểu nhảy cóc với hộp đen. Ông Nguyễn Thanh Hải, GĐ Cty CH Hà Nội (cung cấp
dịch vụ hộp đen) đang sử dụng khoảng 2.500 sim của VinaPhone cho biết: Trước
đây, Công ty sử dụng gói cước M0 (dùng bao nhiêu tính tiền bấy nhiêu), mức
chi phí là 20.000-25.000 đồng/sim/tháng. Nay, sau khi VinaPhone tăng giá,
thay đổi cách tính (cũng đưa lên block 50KB giống Viettel), mỗi ngày DN phải
trả thêm 2.000-6.000 đồng/sim.
“Công ty ký hợp đồng thu phí quản lý hộp đen của DN vận tải là
80.000 đồng/tháng (gồm cả chi phí duy trì mạng). Hiện nay, tính riêng chi phí
duy trì mạng cho 2.500 sim với mức giá 150.000 đồng/sim/tháng đã mất gần 375
triệu đồng/tháng. Nếu tình trạng này tiếp diễn, không quá 2 tháng nữa, Công
ty sẽ phải đóng cửa”, ông Hải nói.
Trong khi các “ông lớn” tăng cước và thay đổi block, buộc khách
hàng dùng 0,1KB cũng bị tính thành 50KB, nhà mạng Vietnamobile vừa nhanh
chóng gửi công văn đến Bộ GTVT và VATA giới thiệu gói cước cho hộp đen. Gói
cước này chỉ từ 10.000 đồng/tháng với block chỉ là 1KB, không thay đổi giá
trong suốt quá trình ký hợp đồng.
Nói về việc thay đổi block, ông Trần Hải Anh, trưởng phòng 3G và
dịch vụ gia tăng của nhà mạng Vietnamobile cho biết: “Việc đưa ra đơn vị tính
1KB hay 50KB không có khó khăn gì về công nghệ. Đây chỉ là cách cài đặt để
tính giá cước”. Được biết, nhà mạng MobiFone cũng vừa tung ra gói cước 10.000
đồng/tháng cho một hộp đen.
Những khuất tất cần làm rõ
Như Tiền Phong phản ánh, sau khi các DN vận tải và hộp đen lên
tiếng, Viettel giải thích rằng họ có các gói cước dành riêng cho hộp đen với
giá và cách tính không thay đổi. Chính các DN hộp đen được Viettel liệt kê là
“khách hàng lớn” của các gói này sau đó lại khẳng định không biết đến gói
cước này.
Thậm chí, sau khi Viettel công bố các gói cước chuyên biệt cho
hộp đen (Dbiz 15, Dbiz 35, Dbiz 50...), ông Tạ Công Thuận, GĐ Cty hộp đen
Vinh Hiển (một đơn vị hộp đen lớn nhất khu vực phía Nam) cử nhân viên đến các
trung tâm dịch vụ khách hàng của nhà mạng Viettel để hỏi.
Tuy nhiên, các nhân viên Viettel ở đây không biết đến các gói
cước này. “Bản thân Viettel cũng kinh doanh hộp đen, phải chăng, họ chỉ bán
gói cước trên cùng với thiết bị của họ”, ông Thuận nói.
Trong khi đó, giải thích với Tiền Phong, đại diện Viettel Telecom
cho rằng, việc các DN ngoài không tiếp cận được có thể do các nhân viên chăm
sóc khách hàng chưa làm tròn trách nhiệm.
Dự kiến, sáng 29/10, Viettel sẽ làm việc với VATA để tìm cách
tháo gỡ. Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vận tải (Bộ GTVT) cũng cho biết, ngày
30/10 có lịch làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và
các nhà mạng để xử lý vấn đề này.
“Một trong những nội dung chúng tôi sẽ làm rõ là liệu có xảy ra
khả năng Viettel độc quyền cung cấp gói cước cho DN hộp đen của họ hay
không”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục Đường bộ nói: Các DN vận tải
đã chung tay cùng nhà nước để thực hiện chính sách quản lý vận tải, giảm tai
nạn giao thông. Đây là thực hiện chính sách, các DN viễn thông nên ủng hộ;
không thể xem các DN sử dụng hộp đen như những khách hàng tiêu dùng bình
thường.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét