Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

10:11

 Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Đinh Đức Lập có nhiều sai phạm nghiêm trọng theo Kết luận của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam

 Việc ông Đinh Đức Lập, Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết bị các nhà báo, các lãnh đạo Ban của báo Đại Đoàn Kết tố cáo từ hơn một nay khiến dư luận rất quan tâm. Ngày 8/1/2013, Đảng đoàn cơ quan Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã có Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ. Đối chiếu với quy định của Đảng, của pháp luật thì với những sai phạm nghiêm trọng trong kết luận này, ông Đinh Đức Lập ít nhất cũng phải chịu hình thức kỉ luật cảnh cáo (kỉ luật Đảng), cách chức Tổng biên tập. Thế nhưng, không hiểu sao việc xử lí ông Lập lại được tiến hành “xử lí nội bộ”, quá nhẹ so với tính chất mức độ sai phạm. Trong khi đó, những người tố cáo ngang nhiên bị trả thù bằng hình thức: Buộc thôi việc. Báo Người cao tuổi xin điểm qua một số sai phạm nghiêm trọng của ông Đinh Đức Lập đã được Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ khẳng định là đúng, là có cơ sở…

Sai phạm đầu tiên xin được nêu ra là vụ việc ông Đinh Đức Lập vi phạm Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Đó là việc cố ý làm trái quy định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức trao cúp, huy động kinh phí trong chương trình “Tự hào thương hiệu Việt” do báo tổ chức (Báo Người Cao Tuổi đã có bài điều tra về vấn đề này). Báo Đại Đoàn Kết đã kí hợp đồng với các doanh nghiệp để thu tiền sau đó trao cúp cho họ. Kết luận cũng đã làm rõ việc ông Lập tạo dựng hồ sơ không trung thực, không hề có sự bình chọn nào của độc giả để bình chọn như tiêu chí của cúp đã được tuyên truyền trên báo Đại Đoàn Kết.
Đã cố ý làm trái quy định của Quy chế quản lí tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 51/2010/QĐ-TTg ngày 28/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ nhưng ông Lập lại “hợm hĩnh” cho mình quyền chê trách người khác khi không đến dự buổi lễ trao cúp “Tự hào thương hiệu” ngày 30/7/2011.  Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ đã chỉ rõ sai phạm của ông Lập trong việc “cho đăng bài viết “Trách nhiệm” trên báo Đại Đoàn Kết (số 182 ra ngày 1/8/2011) nhằm miệt thị lãnh đạo các cấp, vi phạm chức trách công vụ, lạm dụng tờ báo Mặt trận để phục vụ chủ nghĩa cá nhân, làm ảnh hưởng tới uy tín của Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam”. Về sai phạm này, Kết luận nêu: “Đảng đoàn đã chỉ đạo Ban Thường trực rút kinh nghiệm với đồng chí Đinh Đức Lập”.
Sai phạm thứ hai của ông Lập là trong công tác tổ chức cán bộ. Ông Nguyễn Xuân Huy là người được ông Lập tuyển về, chưa đánh giá hết năng lực, đạo đức đã vội bổ nhiệm làm Trưởng ban Tuyên truyền quảng cáo và phát hành.  Ông Nguyễn Xuân Huy đã vi phạm trong việc môi giới hối lộ bất thành Tổng biên tập báo Người cao tuổi để chạy án cho sai phạm của ông Nguyễn Văn Nam – Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế quốc dân. Ông Huy bị từng bị báo Người cao tuổi phanh phui giả mạo Tiến sĩ, Phó Cục trưởng Cục Báo chí xuất bản, Phó Tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết. Đơn tố cáo của các nhà báo đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông Lập trong việc ông Lập có dấu hiệu bao che tội phạm, không báo cáo và không chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng  để làm rõ về vấn đề hình sự. Kết luận cho biết: “Vấn đề này, đã được xác minh tại Báo cáo số 05-BC/KT-ĐU của Tổ Kiểm tra Ủy Ban kiểm tra Đảng ủy. Sau kết luận Đảng đoàn chỉ đạo Ban Thường trực đề nghị Đảng ủy kiểm điểm làm rõ”. Tuy nhiên, đến nay, sự việc vẫn chưa được giải quyết vì ông Nguyễn Xuân Huy cố tình tiêu hủy vật chứng, vi phạm bộ luật hình sự.
Trường hợp ông Nguyễn Văn Hải, người lái xe lâu năm của báo Đại Đoàn Kết bị ông Lập trù dập chuyển công tác sang làm bảo vệ là có cơ sở, trái nguyện vọng của người lao động. Trong khi đó, ông Lập tuyển một lái xe khác, lái xe cho ông Lập như một lái xe gia đình nhưng do báo trả lương. Kết luận chỉ rõ: “Việc làm này đã vi phạm Điều 8 Quyết định 59/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”. Thế nhưng, Kết luận không ghi kiến nghị xử lí ông Lập theo Khoản 2 Điều 22 Quy định Tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lí, sử dụng phương tiện đi lại trong cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty Nhà nước (Ban hành kèm theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg, ngày 07 tháng 05 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ). Theo đó, ông Lập phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đồng thời bị xử lí kỉ luật theo quy định của Chính phủ quy định về bồi thường thiệt hại, xử lí kỉ luật, xử phạt vi phạm hành chính trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cũng liên quan đến việc chuyển công tác cán bộ, Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ chỉ rõ nội dung tố cáo: Điều chuyển công tác nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng từ Phó Trưởng ban Văn hóa – Nghệ thuật sang làm Phó Trưởng ban Kỹ thuật Quản trị mạng trong khi ông Thắng có đơn tố cáo là có cơ sở. Kết luận không kiến nghị xử lí việc vi phạm này theo quy định của Đảng về xử lí kỉ luật đảng viên vi phạm và theo quy định của luật tố cáo. Theo đó, việc trả thù người tố cáo sẽ bị kỉ luật cảnh cáo (kỉ luật Đảng) và cách chức.
Nhà báo Hữu Nguyên, Phó Trưởng ban Đại diện báo Đại Đoàn Kết tại TP. Hồ Chí Minh cũng bị ông Lập trả thù. Kết luận nêu việc ông Lập ngang nhiên không cho nhà báo Hữu Nguyên được ngồi họp giao ban trực tuyến để chỉ đạo công việc là có cơ sở.
Sai phạm về công tác quản lí tài chính của ông Lập được Kết luận nêu rõ. Ví dụ việc tùy tiện cắt giảm lương tăng thêm của cán bộ, phóng viên Ban Đại diện báo Đại Đoàn Kết tại TP. Hồ Chí Minh là có cơ sở. Tình hình tài chính mất cân đối, nợ nần nghiêm trọng của báo Đại Đoàn Kết cũng đã được Kết luận đề cập đến. Kết luận nêu kiến nghị của Tổ công tác yêu cầu cơ quan kiểm toán và cơ quan thuế điều tra làm rõ. Tuy nhiên, không hiểu sao, đến nay, vẫn chưa thấy cơ quan kiểm toán và cơ quan thuế vào báo Đại Đoàn Kết điều tra làm rõ.
Sai phạm quản lí công sản của ông Lập được kết luận dẫn ra hai trường hợp cụ thể. Đó là “thiếu chặt chẽ” trong việc kí kết hợp đồng với Công ty CP đầu tư xây dựng địa ốc Đông Dương (có thể khiến báo Đại Đoàn Kết mất 1 triệu USD). Kết luận cũng nêu ra việc vi phạm pháp luật của Công ty CP đầu tư xây dựng địa ốc Đông Dương khi chiếm đoạt về danh nghĩa trụ sở của báo Đại Đoàn Kết làm trụ sở chính của mình. Sai phạm thứ hai trong quản lí công sản là “từ bỏ quyền sử dụng văn phòng thường trú tại 82 Trần Quốc Toản, Đà Nẵng”. Kết luận nêu rõ sai phạm này thuộc về Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết và cá nhân ông Lập – Tổng biên tập. Kết luận không kiến nghị gì liên quan đến việc thu lợi bất minh 1 tỉ VNĐ của báo Đại Đoàn Kết từ Công ty CP xây dựng 79. Theo Khoản 2 điều 33 Luật Quản lí, sử dụng tài sản Nhà nước quy định thì số tiền 1 tỉ thu được từ Cty CP Xây dựng 79 lẽ ra phải được hạch toán riêng, sau khi trừ đi chi phí hợp lí liên quan, nộp thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước, báo Đại Đoàn Kết mới được sử dụng để phát triển hoạt động sự nghiệp. Hơn nữa, theo quy định của luật thì ông Lập không phải là người có thẩm quyền để giải quyết những vấn đề liên quan đến trụ sở, văn phòng của báo Đại Đoàn Kết.
Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ nêu nội dung tố cáo ông Lập “lợi dụng chức vụ quyền hạn để lạm dụng báo Đại Đoàn Kết nhằm mục đích thỏa mãn chủ nghĩa cá nhân, bệnh hình thức, đánh bóng hình ảnh Tổng biên tập gây ảnh hưởng xấu tới uy tín và đạo đức người làm báo, làm ảnh hưởng không tốt tới MTTQ Việt Nam là cơ quan chủ quản của báo Đại Đoàn kết” là có cơ sở.
Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ mặc dù đã được kí từ ngày 8/1/2013, song đến nay Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vẫn chưa có hình thức xử lí kỉ luật nghiêm, đúng với tính chất và mức độ vi phạm của ông Đinh Đức Lập và Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Trong khi những nội dung tố cáo vừa được Kết luận, chưa được xử lí thì ông Lập lại tiếp tục vi phạm những quy định của Đảng và pháp luật. Đó là việc để cho cháu ruột Đinh Quang Sơn, kế toán trưởng, Phó Trưởng ban Kế hoạch tài chính thụt két chiếm dụng vốn tại dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên. Báo Người cao tuổi cũng đã có bài điều tra về vấn đề này. Đến nay, mới chỉ thấy ông Lập kỉ luật thủ quỹ Lê Thị Kim Dung và Đinh Quang Sơn còn Ủy Ban Trung ương MTTQ Việt Nam chưa xử lí ông Đinh Đức Lập và Ban hỗ trợ dự án báo Đại Đoàn Kết.
Chính vì không bị xử lí nghiêm đúng tính chất và mức độ sai phạm, nên ông Lập đã ngang nhiên tiếp tục sai phạm trả thù người tố cáo. Báo Tuổi trẻ và Tạp chí Người Làm Báo đã có bài phản ánh về sự trả thù buộc thôi việc người tố cáo này.
(Theo Người cao tuổi) Vũ Văn Hiệu

Cần phải khôi phục lại công việc và chế độ cho các nhà báo chống tiêu cực


Quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước đã quy định rõ quyền khiếu nại, tố cáo và cách giải quyết của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền. Hình thức kỉ luật cho người vi phạm “những hành vi bị nghiêm cấm” rất nghiêm khắc. Thế nhưng, bất chấp  Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ ngày 8/1/2013 của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, ông Đinh Đức Lập, Tổng biên tập và hội đồng kỉ luật báo Đại Đoàn Kết vẫn tiến hành kỉ luật những người tố cáo. Điều đáng nói ở đây là đa số những nội dung tố cáo đều có cơ sở, (người giải quyết đã giảm đi rất nhiều mức độ và tính chất sai phạm).
Việc trả thù ba nhà báo Nguyễn Mạnh Thắng, Đặng Thị Kim Ngân và Bùi Hữu Phước (Hữu Nguyên) của ông Lập đã được báo Tuổi trẻ (ra ngày 4/8/2013) và Tạp chí Người Làm Báo (số tháng 8) phản ánh. Ở đây, chúng tôi bổ sung thêm căn cứ để khẳng định việc trả thù người tố cáo của ông Lập và Ban biên tập báo Đại Đoàn Kết là có cơ sở.
Thứ nhất, Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ nêu rõ nội dung tố cáo: Điều chuyển ông Nguyễn Mạnh Thắng từ Phó Trưởng Ban Văn hóa – Nghệ thuật sang làm Phó Trưởng ban Kỹ thuật Quản trị mạng là có cơ sở. Thế nhưng, thay vì sửa sai, khôi phục vị trí công tác, trả lương và các chế độ cho ông Thắng nhưng ông Lập lại cố tình thành lập Hội đồng kỉ luật và “trắng trợn” ghi “căn cứ vào Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ của Đảng đoàn” để quy kết ông Thắng “không chịu sự phân công công tác của Ban Biên tập” để ra quyết định Buộc thôi việc với ông Thắng.
Thứ hai, đến nay, nội dung đơn tố cáo ông Lập và Ban Hỗ trợ dự án báo Đại Đoàn Kết thụt két chiếm dụng vốn trong dự án xây dựng nhà ở cho cán bộ công nhân viên của nhà báo Đặng Thị Kim Ngân (từ tháng 1/2013) vẫn chưa được giải quyết. Ngày 22/10/2013, Ủy Ban Kiểm tra Đảng ủy MTTQ Việt Nam vẫn còn mời bà Ngân lên làm việc xung quanh sai phạm này của ông Lập và Ban Hỗ trợ dự án. Thế nhưng, từ tháng 7/2013, bà Ngân đã bị ông Lập ra quyết định kỉ luật vì “tố cáo nhiều lần, nhiều nơi, không đúng và không có cơ sở”.
 Thứ ba, việc kỉ luật nhà báo Hữu Nguyên – Phó Trưởng Ban Đại diện báo Đại Đoàn Kết tại TP. Hồ Chí Minh trong khi đa phần những nội dung do ông Hữu Nguyên tố cáo (tại Kết luận số 43 KL/MTTW – ĐĐ) đều khẳng định là có cơ sở. Tại sao thay vì khen thưởng người tố cáo như quy định, ông Lập lại cố tình trả thù kỉ luật người tố cáo với hình thức Buộc thôi việc?. Hơn nữa, Biên bản họp Ban Đại diện báo Đại Đoàn Kết tại TP. Hồ Chí Minh đều phủ nhận những cáo buộc của Thông báo kỉ luật ông Hữu Nguyên. Trong Hội đồng kỉ luật ông Hữu Nguyên không có thành phần của BCH Công đoàn MTTQ ở phía Nam (nơi ông Hữu Nguyên sinh hoạt) như quy định.
Còn nhiều căn cứ khác để khẳng định việc ông Lập ra quyết định Buộc thôi việc những người tố cáo là có cơ sở. Điều này sẽ được làm rõ tại Tòa án nhân dân Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Đến nay, đã quá 4 tháng kể từ thông báo Thụ lí, nhưng Tòa án nhân dân quận Hoàn kiếm vẫn chưa đưa vụ án tranh chấp Hợp đồng lao động của ông Thắng khởi kiện báo Đại Đoàn Kết ra xét xử. Ông Thắng đã làm Đơn khiếu nại việc này. Ngày 14/10/2013, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã có công văn số 213/2013/CV-TA chuyển đơn và đề nghị Tòa án nhân dân quận Hoàn Kiếm giải quyết vụ án.
Thiết nghĩ, để bảo vệ uy tín của mình, thực hiện thẩm quyền của người giải quyết và bảo vệ người tố cáo theo luật định, lãnh đạo MTTQ Việt Nam nên chỉ đạo Ban Biên tập báo Đại Đoàn Kết hủy bỏ quyết định buộc thôi việc những người tố cáo. Đồng thời khôi phục vị trí công tác, lương cùng cách chế độ khác.
(Theo Người cao tuổi) Duy Nghĩa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét