Thứ Năm, 31 tháng 10, 2013

10:33

Thủy điện:

Phá 19.000 ha, trồng... 800 ha rừng

Dân Việt - Sáng 30.10, Quốc hội nghe báo cáo kết quả rà soát quy hoạch, đầu tư xây dựng các dự án thủy điện. Theo đó, diện tích đất rừng trồng mới sau khi bị phá đi làm thủy điện thấp khó tin: Chưa đạt 4%. 

Nhiều đập thủy điện chưa được kiểm định

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đọc báo cáo, ông Phan Xuân Dũng – Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng: Tại một số dự án, công trình thủy điện (CTTĐ), chất lượng khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát có nhiều hạn chế, gây không ít hệ lụy tiêu cực. Trong khi đó, trách nhiệm, xử lý sai phạm của chủ đầu tư, các chủ thể khác có liên quan khi công trình có chất lượng kém hoặc để xảy ra sự cố chưa được quy định cụ thể.
 
Phát triển thủy điện ồ ạt đang gây ra những hệ lụy xấu cho cuộc sống người dân (ảnh minh họa).
Phát triển thủy điện ồ ạt đang gây ra những hệ lụy xấu cho cuộc sống người dân (ảnh minh họa).

“Công tác quản lý an toàn tại các CTTĐ nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường. Đối với các CTTĐ nhỏ, gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 6% số chủ đầu tư hoàn thành cắm mốc chỉ giới; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão” – ông Dũng cho biết.

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội, ĐB Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng việc có hơn 400 dự án thủy điện bị loại bỏ là hậu quả một thời kỳ rộ lên phong trào làm thủy điện, công tác quy hoạch khi đó làm chưa được đầy đủ.

“Số doanh nghiệp tham gia làm thủy điện nhiều, có những công trình đạt chất lượng nhưng cũng có nhiều công trình không đạt chất lượng. Bây giờ, yếu tố đầu tiên là phải an toàn, đảm bảo chất lượng và đảm bảo môi trường, cũng như các quy định. Vì thế, việc rà soát thủy điện để đảm bảo các yếu tố theo quy định, như môi trường, xã hội, năng lượng, không phù hợp tình hình thực tế thì để lại” – ĐB Vẻ cho biết.

Trồng lại rừng chưa đạt 4%

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội, số liệu về diện tích đất rừng chuyển mục đích cho CTTĐ chưa thống kê rõ ràng.

Theo số liệu của Bộ NNPTNT trong giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2012, cả nước có 160 dự án thuộc 29 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang xây dựng TĐ với diện tích 19.792ha. Thế nhưng, cho đến nay, diện tích rừng trồng thay thế được 735ha, đạt 3,7% tổng diện tích theo yêu cầu.

Kết quả giám sát cho thấy, nhiều địa phương không có quỹ đất quy hoạch hoặc có đất nhưng lại không phù hợp để trồng rừng thay thế. Trong khi trách nhiệm và nghĩa vụ của địa phương và chủ đầu tư dự án TĐ trong việc bố trí quỹ đất, phương thức thực hiện, bố trí chi phí trồng rừng thay thế trong tổng mức đầu tư… chưa xác định rõ. Tại một số dự án TĐ, có đối tượng đã lợi dụng việc thi công mở công trường cho khai quang rừng với quy mô lớn hơn so với yêu cầu, lợi dụng hạ tầng CTTĐ để khai thác khoáng sản trái phép.

Hiện có nhiều nhà máy TĐ hiện chưa nộp phí dịch vụ môi trường rừng, tổng số nợ đọng từ năm 2010 -2013 khoảng 300 tỷ đồng. Các doanh nghiệp chậm nộp đã viện lý do khó khăn về tài chính để “chây ỳ”, trong khi đó các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan chưa quy định cụ thể chế tài xử lý vấn đề này.
62.000 hộ nhường chỗ cho thủy điện
Theo báo cáo của Chính phủ, hiện Bộ NNPTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân các tỉnh tổ chức các đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện trồng hoàn trả diện tích rừng của các dự án thủy điện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân và tái định cư cơ bản đáp ứng yêu cầu. Tổng vốn cho công tác bồi thường, hỗ trợ, di dân và tái định cư là 43.868 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân 27.517,5 tỷ đồng. Tổng số dân phải di dời là 62.784 hộ, đến nay đã di chuyển về nơi tái định cư 57.014 hộ (đạt 90,81%) cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu...

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải:Kiên quyết xử lý chủ đầu tư thiếu trách nhiệm

Các trường hợp vỡ đập, xả lũ không đúng quy trình đều đã xảy ra rồi, đều có xử lý nhưng những vi phạm chưa đến mức hình sự thì không thể xử hình sự được. Tâm lý của mọi người thường đặt vấn đề, người gây ra hậu quả phải đi tù, nhưng rõ ràng phải đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự thì cơ quan điều tra mới làm được. Quan điểm của Chính phủ là rất rõ ràng, kiên quyết xử lý những chủ đầu tư thiếu trách nhiệm. Anh làm một hồ thủy điện hay thủy lợi mà nghĩ như trò chơi là không được, phải rất trách nhiệm với nó bởi đó là "thủy hỏa đạo tặc", cực kỳ nguy hiểm.

Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy: Các số liệu chưa toàn diện

Các số liệu trong báo cáo của Chính phủ chưa thể hiện toàn diện một số vấn đề như diện tích rừng đã chuyển mục đích, rừng trồng mới chưa phản ánh đúng thực tế. Ngoài ra, theo tôi vẫn phải chỉ rõ được cơ quan nào là chính, trách nhiệm đến đâu, cần phải rõ trong một số lĩnh vực. Thứ nhất là trồng rừng thay thế. Thứ hai là bảo vệ an toàn công trình thủy điện, an toàn vận hành hồ chứa và liên hồ chứa, phải xác định cơ quan nào chủ trì, phối hợp các chủ đầu tư trên toàn bộ bậc thang thủy điện đó chứ không chỉ một công trình đơn lẻ.
H.P ghi
(Theo Dân Việt) Lương Kết

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét