Thứ Ba, 1 tháng 10, 2013

15:25

 Huyền Chip, trí thức lập ngôn và văn hóa phản biện

Gây bão dư luận về một vụ việc gây bão khác, Trần Ngọc Thịnh lặp lại đúng cái sai của... Huyền Chip.
Cơn bão @
Cô gái trẻ Huyền Chip có lẽ không hình dung bản thân cô và câu chuyện 'chu du thế giới' của cô bỗng một ngày trở thành cuộc tranh luận lớn trên nhiều diễn đàn; kéo nhiều trí thức già/trẻ, lớn/nhỏ vào cuộc tranh luận. Đương nhiên vì thế Huyền Chip và cuốn sách của cô càng trở nên nổi tiếng, theo nhiều khía cạnh. Huyền Chip vui hay buồn vì điều này, chỉ có bản thân cô biết.
Nếu Harry Potter và nhà văn J.K. Rowlings được coi là hiện tượng xuất bản toàn cầu thì Xách ba lô lên là đi và Huyền Chip được coi là 'hiện tượng tranh cãi' toàn... mạng xã hội Việt. Trong thời đại @, không có điều gì dễ được bỏ qua, không có thông tin nào được bỏ sót... Chỉ cần một cú enter, thông tin đó có thể bị mổ xẻ kỹ lưỡng. Trừ phi bản thân thông tin được đưa ra mà... chẳng ai quan tâm, còn nếu đã được chú ý thì mọi khía cạnh của nó sẽ được 'chụp cắt lớp'.
Những phân tích của độc giả về cuốn sách của Huyền không phải không có lý, và hẳn nhiên cô thừa nhận điều này và chọn cách im lặng, vì sách đã ra, đã đủ ồn ào.
Bỏ qua những chi tiết thiếu logic mà cư dân mạng đã nói nhiều kiểu 'gãy ống đồng' chi phí chuyến đi.. vv.. từ góc độ cá nhân, người viết bài cho rằng sở dĩ Huyền bị phản ứng như thế vì có lẽ từ một chút hiếu thắng, một chút ngông cuồng, một chút bất chấp.. của tuổi trẻ mà Huyền quên đi nguyên tắc rất tối thiểu của không chỉ người viết, mà là người-đưa-thông-tin nói chung.
Hãy hình dung một diễn giả đứng trước đám đông kể câu chuyện: thời sinh viên tôi cũng nghịch ngợm lắm, tôi đã từng cùng đám bạn đói vàng mắt có lần đã nhổ trộm mấy gốc sắn của người dân, kỷ niệm nhớ đời một thời quậy phá... với giọng điệu hài hước, có chút chân thành và giễu nhại, thì người nghe cười và có khi còn phụ hoạ: tôi cũng thế. Đơn giản họ hiểu trên đời chỉ có hai loại người không bao giờ 'vi phạm' gì đó: hoặc siêu giả tạo, hoặc là.. Thánh!
Nhưng nếu diễn giả đó kể chuyện: tôi ăn trộm tiền của bạn cùng phòng với giọng thản nhiên, thậm chí hơi tự đắc, chắc chắn sẽ làm cử toạ sững sờ. Trong khi về bản chất, hai câu chuyện đều về hành động 'ăn trộm'.
Trường hợp của Huyền, nếu cô kể chuyện: tôi từng trốn vé.. tôi bắt buộc phải vượt biên trái phép.. ở một tình huống cụ thể; nếu không hậu quả sẽ... cảm giác hồi hộp căng thẳng vì lý do ABC, bất đắc dĩ... độc giả sẽ thích thú và chia sẻ. Nhưng câu chuyện trốn vé lặp lại lần 2 người ta sẽ băn khoăn, lần 3 sẽ coi thường.
Có một ranh giới, hay chính xác hơn, một nguyên tắc bất thành văn của người-đưa-thông-tin để thuyết phục người nghe, người đọc tin vào những điều mình chia sẻ. Khi vượt qua nguyên tắc/ranh giới đó, thông tin và thậm chí tư cách của người viết sẽ bị nghi ngờ.
Thử đặt một phép so sánh ở thể giả định, cũng là một người phụ nữ đi du lịch 'bụi' như Huyền Chip, nhưng tác giả Tôi là một con lừa - Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai, một mình đi qua các nước Trung Đông trải nghiệm 'con đường Hồi giáo' chắc sẽ không gây ra cơn bão như Huyền. Một phụ nữ trưởng thành, sắc sảo, đủ nhạy cảm để nhận biết ranh giới này. Giống như chị nhận mình là 'con lừa' kiểu như câu chuyện 'ăn trộm sắn'.. chỉ làm tăng thêm sự gần gũi của người kể chuyện.
Tất nhiên rất khập khiễng để so sánh một cô gái trẻ 21 tuổi với một tiến sĩ ở tuổi trung niên. Điều này chắc chắn cần thời gian cho Huyền Chip.
 Huyền Chíp, Trần Ngọc Thịnh, Xách ba lô lên là đi, tranh luận
Bìa cuốn sách của Huyền Chip. Ảnh: Kiến thức
Người hùng @
Vụ ồn ào của Huyền Chip có lẽ rồi nhanh chóng qua đi như một tai nạn 'chém gió' quá tay. Nhưng câu chuyện trở nên thực sự nghiêm trọng khi một công dân mạng, Trần Ngọc Thịnh, được biết đến là một cựu du học sinh fulbright biến trang mạng cá nhân của mình thành diễn đàn về vấn đề Huyền Chip. Sẽ rất bình thường khi một độc giả khen/chê một tác phẩm hay một tác giả. Nhưng cách phản ứng, câu chữ và đặc biệt đơn kiến nghị 21 trang của cựu du học sinh này lên Cục Xuất bản đề nghị đình bản sách của Huyền, lại đang thổi bùng một cơn bão mới.
Vấn đề ở đây không chỉ nằm ở nội dung bản kiến nghị có gì, không chỉ nằm ở những chi tiết thông tin đã được nói đến nhiều lần, mà điều gây chú ý khác là thái độ và ngôn từ của một du học sinh, được cấp học bổng đi học ở một nước phát triển, trên mạng công cộng, gây ngỡ ngàng.
'Đã dốt lại tỏ ra nguy hiểm' 'đỉnh cao chói loà nguỵ biện' 'phe bênh HC toàn là một lũ vô văn hoá' 'tát vỡ mồm ông Lương Hoài Nam' ngu dốt, vô liêm sỉ, hèn nhát.. là những câu chữ xuất hiện khá thường xuyên trong các phát ngôn trên diễn đàn mở của cựu du học sinh này.
Nếu hành động phản biện được coi là thẳng thắn, mạnh mẽ của một người đọc văn minh thì ngôn từ khá nặng nề dành cho những người không cùng quan điểm khiến cựu du học sinh này gây tranh cãi chẳng kém Huyền Chip. Bên cạnh luồng dư luận ủng hộ, có không ít ý kiến bày tỏ sự ngỡ ngàng, bất bình và nghi ngờ anh.
(Vẫn) là nhận định cá nhân, người viết cho rằng Trần Ngọc Thịnh lặp lại đúng cái sai của ... Huyền Chip. Nghĩa là không có điểm dừng, không kiểm soát được thái độ, thông tin và ngôn từ khiến người đọc khó chịu và nghi ngờ tư cách người phát ngôn, dẫn đến nghi ngờ mục đích và thông tin anh/chị ta đưa ra.
Nếu Trần Ngọc Thịnh chỉ dừng lại ở việc phản biện, phê bình những chi tiết không hợp lý trong sách của Huyền Chip, kể cả việc kiến nghị với những lập luận có căn cứ về việc Huyền Chip đã gây hại cho hình ảnh đất nước như thế nào, vi phạm pháp luật ra sao, gây ảnh hưởng không tốt đến người đọc thế nào... thì anh sẽ nhận được ủng hộ.
Nhưng - như đã nói - sự mất kiểm soát của anh làm cho sự việc lẽ ra được coi là văn minh, lại thành phản tác dụng. Dư luận lại có cơ sở để nghi ngờ, phản bác và bất bình. Với tư cách người-đưa-thông-tin, Trần Ngọc Thịnh làm sai tính quang minh - chính đại cần có của người thuyết phục; bao gồm sự chân thành, hiểu biết, tỉnh táo và tôn trọng (hoặc ít nhất tỏ ra tôn trọng) đối thủ.
Hãy khoan nói đến 'tự do ngôn luận kiểu Mỹ' hay 'văn hoá tranh luận kiểu Việt' như vấn đề đã được mở rộng; phát ngôn 'lũ vô văn hoá' 'tát vỡ mồm' đối tượng tranh luận - thay vì việc chứng minh lập luận của họ không thuyết phục - là những ngôn từ người đọc không mong đợi ở một người có học, nhất là trên diễn đàn công khai anh lập ra với mục đích 'khuyến học', giúp đỡ chắp cánh ước mơ du học.
Một câu chuyện tưởng không liên quan, nhưng cũng khá ồn ào về chuyện 'lập ngôn' là ông Vũ Bảo Thạch - Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội): "Mấy đứa vào số 9 Trần Thánh Thông ngã, không đến phường trình báo thì như tai nạn xe máy đầu đường xó chợ. Mà mấy đứa trẻ con hiếu kỳ chỗ nào cũng vào chụp ảnh thì lộn cổ từ tầng 4 chứ kể cả tầng 14 cũng là việc của chúng!" (Dân trí)
Cứ cho rằng ông Thạch phát ngôn kiểu 'xuề xoà' 'tào phào' 'không chính thức'... và "bị" phóng viên ghi âm lại. Nhưng hẳn ngay câu 'tào phào' này ông chỉ có thể thì thầm với người nhà ông, chứ ông tào phào ngoài quán bia để người thứ ba nghe được cũng đủ thành vấn đề.
Chưa bàn đến chức danh, chỉ là một người bậc cha chú nói về tai nạn của người tuổi con cháu mình cách đó, cũng khó được chấp nhận.
'Một lời nói ra, bốn ngựa không đuổi kịp', nhất là thời đại của Internet.. Thánh cũng chịu!
Nổi tiếng trên mạng cũng dễ, tai tiếng cũng càng dễ; người viết chỉ nghĩ thầm giá như những vụ việc gây ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, môi trường và đời sống sức khoẻ người dân như vụ thuốc sâu Nicotex Thanh Thái, bệnh viện Hoài Đức, tráo thuỷ tinh thể ở Viện Mắt... cũng được các trí thức, các du học sinh, nghiên cứu sinh đứng ra làm 'người hùng'; nhiệt tình sử dụng thời gian, tâm huyết và kiến thức được trang bị để phân tích, tranh luận và bảo vệ quyền lợi cộng đồng như 'vụ Huyền Chip', thì xã hội tốt đẹp hơn nhiều lắm!
Hoàng Hường (VietNamnet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét