14:14
"Thành phần chủ đạo" của nền kinh tế đang vắt
kiệt sức dân
Được coi là thành phần chủ đạo trong nền kinh tế của đất nước,
song nhiều doanh nghiệp nhà nước (DNNN), mà đặc biệt là các tổng công ty đầu
ngành, liên tiếp cho thấy những màn trình diễn tồi, không những không đóng
góp thiết thực vào sự tăng trưởng kinh tế, mà còn gây thiệt hại lớn đến nguồn
vốn ngân sách, và quyền lợi của người dân.
Trong
cuộc họp báo chiều 17.10 chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội sắp khai mạc, ông
Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - đã trao đổi với báo giới về
một số nội dung liên quan đến tiến độ của dự thảo Hiến pháp, trong đó, nội
dung quy định vai trò các thành phần kinh tế trong dự thảo Hiến pháp nhận
được sự quan tâm đặc biệt. Ông Phúc nhấn mạnh: “Đương nhiên kinh tế nhà nước
phải chủ đạo, không thể để tư nhân làm chủ đạo, không thì ai lo an sinh xã
hội. Còn các thành phần kinh tế thì bình đẳng, không phân biệt”.
Tuy nhiên, không hiểu sao kinh tế tư nhân lại bị lôi vào cuộc tranh giành ngôi vị này, khi trước nay ứng cử viên duy nhất vẫn là kinh tế nhà nước, mà các ý kiến chỉ xoay quanh việc yêu cầu cần có sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, tức là bỏ luôn cái khoản “chủ đạo” đi. Và kinh tế nhà nước chủ đạo thì có mối quan hệ gì tới việc “lo” cho an sinh xã hội?!
Trên
thực tế, sau gần 1/4 thế kỷ kinh tế nhà nước làm chủ kể từ sau giai đoạn mở
cửa, và gần 10 năm sau khi gia nhập WTO, chưa bao giờ kinh tế Việt Nam lại
lao đao hơn hiện tại. Và trong suốt hơn hai thập kỷ qua, nhận được vô vàn ưu
ái từ chính sách, đặc biệt đối với khâu cấp vốn cho tới các hoạt động thị
trường cùng những đảm bảo “vàng” - làm ăn thua lỗ đã có tập thể chịu, chưa
một vị giám đốc DNNN nào chỉ vì quản lý yếu kém mà bị bỏ tù, kê biên tài sản
- nên rất nhiều DNNN tiếp tục rơi vào tình trạng thua lỗ và thất thoát triền
miên với con số lũy kế theo năm lên tới cả chục ngàn tỷ đồng.
Cái sự dửng dưng mỗi khi ngân sách bị thất thoát khiến người ta có cảm giác như những cái “tàu há mồm” nuốt chửng từ hàng nghìn tỷ có thể đến hàng trăm nghìn tỷ đồng như Vinashin, Vinalines… chỉ “nhẹ bẫng” so với tổng thu ngân sách mỗi năm vài trăm ngàn tỷ đồng - từ tiền thuế của dân?! Rõ ràng, nhiều người không đau xót vì trong hàng ngàn tỷ đồng thua lỗ, hay còn được một số người vớt vát gọi trệch đi là “nợ xấu chưa thu hồi”, thì một vị tổng giám đốc như Dương Chí Dũng cũng phải bỏ túi không ít, và bộ sậu - ê kíp giúp cho Dũng thực hiện được hành vi tham ô - cũng nhận được một khoản rất có thể lớn hơn nhiều lần. Điểm qua một số DNNN có “máu mặt” nhất, được xếp trong top 10 của 500 DNNN có doanh thu và quy mô vốn lớn nhất thị trường (theo VNR500-2012), có thể thấy những cái tên như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Than khoáng sản (Vinacomin), Ngân hàng NN&PTNN (Agribank)… Tuy nhiên, là ngân hàng có quy mô vốn lớn nhất trong hệ thống tài chính của Việt Nam với mạng lưới chi nhánh dày đặc, nhưng Agribank cũng là một trong những doanh nghiệp làm ăn bết bát nhất với tỷ lệ nợ xấu luôn dẫn đầu, lên đến 6,14% (báo cáo đến ngày 30.6.2012 - Ngân hàng Nhà nước). Thậm chí, theo thông tin từ beforeitsnews.com, tính đến hết tháng 8.2013, nợ xấu của Agribank lên tới 33.500 tỉ đồng, vượt 13,1% so với 29.605 tỉ đồng vốn điều lệ! Một đại diện khác cho DNNN cũng “lẫy lừng” không kém về khả năng làm ăn là EVN với khoản lỗ tính riêng cho năm 2010 là 8.416 tỉ đồng, năm 2011 là 8.000 tỉ đồng (lỗ lũy kế đến năm 2010 xấp xỉ 25.000 tỉ đồng). Chỉ sang năm 2012, EVN mới bất ngờ tuyên bố có lãi thông qua một lộ trình tăng giá điện dày đặc: Năm 2009, giá điện tăng 8,92%; năm 2010, tăng 6,8%; năm 2011, từ tháng 1-3, tăng 15,3%, tháng 12.2011, giá điện tăng lần hai 5%; tháng 7.2012, tăng thêm 5%, tháng 12.2012, giá điện tăng lần hai 5%; và từ 1.8.2013, giá điện tăng 5%. Chỉ nhìn vào tốc độ tăng giá sản phẩm bán cho dân của một doanh nghiệp được vận hành bằng tiền (thuế) của dân trong một thị trường độc quyền cũng có thể thấy, việc doanh nghiệp này “làm ăn có lãi” là hoàn toàn vô nghĩa, thậm chí đi ngược lại với quyền lợi của khách hàng - là người dân. Trong khi đó, Viettel - một tập đoàn kinh tế Nhà nước nhưng được tổ chức và điều hành với đặc thù riêng của quân đội - được cho là doanh nghiệp làm ăn có lãi thực sự, song cũng đang dính tới không ít khoản đầu tư ngoài ngành - vốn bị xem chính là một trong các thành phần cấu thành nên “lỗ thủng” cho nhiều Tập đoàn nhà nước - trong lĩnh vực xây dựng (với Vinaconex), năng lượng (với EVN Quốc tế), tài chính (với Công ty Tài chính CP Vinaconex), sản xuất-chế biến (với Công ty CP Công nghiệp cao su Coecco)… Một “ông lớn” khác là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) lại “chơi chiêu” với các cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2013 của tập đoàn này, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận hợp nhất trước thuế thu nhập doanh nghiệp đạt 898 tỉ đồng. Lãi lớn, nhưng liên tục phát ra thị trường thông điệp thua lỗ, lãi ít, kể khổ để tiện bề tăng giá xăng dầu tùy hứng, Petrolimex đang đi ngược lại lợi ích của người tiêu dùng - những cổ đông lớn nhất của chính các DNNN mà trong đó có tập đoàn này. Chưa dừng ở đó, mặc dù có lãi, nhưng Petrolimex vẫn “xin” khất thuế, nợ thuế vào cuối năm nay. Với kiểu làm ăn “chày bửa” như vậy, khó có thể hy vọng những doanh nghiệp kiểu này đóng góp gì cho nền kinh tế, cho người dân. Điểm qua một vài “ông anh cả” trong các tập đoàn Nhà nước, có thể thấy tình trạng làm ăn thua lỗ là phổ biến. Trong trường hợp có lãi, thì phần sinh lời người dân cũng không được hưởng bởi ngay cả khi có thặng dư thì các doanh nghiệp này vẫn tìm cách tăng giá bán sản phẩm: EVN tăng giá bán điện trung bình 2 năm /lần, Petrolimex tăng giá bán xăng 5 lần chỉ trong vòng 3 tháng năm 2013, Viettel/MobiFone/Vinaphone tăng cước 3G 2 lần trong 6 tháng... với lý do bù lỗ trước đó! Không những phần đóng góp cho xã hội rất thấp, mà phần lấy đi lại nhiều khi các doanh nghiệp này luôn tìm cách “hưởng thụ” với lương và những ưu đãi cực lớn cho người trong ngành. Ví dụ, theo kết quả kiểm toán, lương bình quân công ty mẹ EVN năm 2010 là 13,7 triệu đồng/tháng, lương cán bộ văn phòng EVN bình quân 30 triệu đồng/tháng; lương bình quân nhân viên công ty mẹ của Petrolimex là 21 triệu đồng/tháng (kiểm toán 2011)… Chưa kể những hoạt động đầu tư để hưởng thụ theo bề nổi, bề chìm mới được Thanh tra Chính phủ công bố một phần như EVN xây biệt thự, chung cư, trung tâm thể thao, vui chơi… cho cán bộ tại hàng loạt dự án, mà theo lời biện hộ của lãnh đạo tập đoàn này là để “tái tạo sức lao động”. Kèm theo những cục lương “khủng” thì những công trình giải trí, thư giãn của EVN đang được người dân è cổ ra cõng bằng “giá điện khủng”. Trước những bất cập kể trên, một tỷ lệ lớn các tập đoàn Nhà nước, các DNNN quả có đóng “vai trò chủ đạo” trong nền kinh tế, nhưng không thiên về hướng điều tiết, dẫn dắt thị trường và đóng góp cho sự tăng trưởng ổn định bền vững của nền kinh tế, cũng như phục vụ quyền lợi của người dân, mà đáng tiếc theo hướng ngược lại. Trên thực tế, càng đẩy mạnh vai trò của DNNN lên bao nhiêu thì đặc quyền, đặc lợi cho nhóm đối tượng này càng tăng lên bấy nhiêu, và làm giảm sức cạnh tranh của chính các doanh nghiệp này, và đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân - vốn đóng góp tới 31,3% thuế cho ngân sách Nhà nước (2011) - bấy nhiêu. Trong khi đó, việc khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tận dụng được chất xám, lẫn nguồn lực tài chính tự nguyện trong dân bao nhiêu thì đầu tư cho các DNNN càng tăng thêm yếu tố rủi ro về vốn ngân sách bấy nhiêu. Mặt khác, nguồn gốc của an sinh xã hội ở bất kỳ một quốc gia nào vẫn là từ tiền đóng thuế và nộp bảo hiểm của người dân cũng như các thành phần kinh tế, được chính phủ điều tiết thông qua các chương trình, chính sách, chứ việc các tập đoàn kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo cũng không quyết định đến an sinh xã hội, nếu chưa muốn nói ngược lại, với tình trạng lỗ và xin khất lần như vậy, chính bản thân DNNN lại là một trong những nguyên nhân không nhỏ gây “thủng” quỹ bảo hiểm.
Theo NGUỒN SONGMOI.VN
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét