Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

07:01

 Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam thấp nhất trong 13 năm qua


(Dân trí) - Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1 - 2 năm tới.

Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại thì một số nước trong khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 13 năm 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 13 năm
Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năn 2013 và 3 năm 2011 – 2013, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng: Tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định hơn.
Tuy nhiên, các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt thấp theo Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch 5 năm 2011-2015. Một số ý kiến cho rằng, kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 3 năm 2011-2013 dự kiến sẽ chỉ đạt 5,6%/năm, là mức thấp nhất trong 13 năm trở lại đây, thấp xa so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch (6,5 - 7%). Trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại thì một số nước trong khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt .
Sản xuất nông nghiệp được đánh giá là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần từ 3,3% giai đoạn 2006-2010 dự báo chỉ còn 2,81% trong năm 2013. Tình trạng sụt giảm mạnh cả về giá và số lượng tiêu thụ, nhất là các sản phẩm lúa, gạo, cá tra, cà phê trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013 tiếp tục tác động tiêu cực đến đời sống nông dân và tổng cầu của nền kinh tế.
“Chính sách mua tạm trữ lúa, gạo chưa cải thiện nhiều. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp không có mạng lưới thu mua trực tiếp từ nông dân mà thông qua thương lái nên tình trạng ép giá mua vẫn xảy ra phổ biến”, báo cáo nhấn mạnh.
Tồn kho hàng hóa có giảm, trong đó có bộ phận do doanh nghiệp khó khăn thị trường buộc phải cắt giảm công suất, hoạt động cầm chừng đã diễn ra từ năm 2012 và tiếp tục kéo dài đến nay. Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại (tổng số là 64.906 doanh nghiệp) 8 tháng đầu năm 2013 có xu hướng tăng dần, tuy nhiên vẫn không nhiều hơn đáng kể số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động (tổng số là 60.438 doanh nghiệp).
Báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp đang hoạt động vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn mặc dù đã cầm cự được trong mấy năm vừa qua, nhưng đến nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản sẽ tác động tiêu cực hơn tới vấn đề lao động, việc làm và thu ngân sách nhà nước. Việc tiếp cận vốn tín dụng đối với doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội dự kiến với số tiền khoảng 30.000 tỷ đồng đã triển khai nhưng số tiền giải ngân chương trình này còn ở mức rất thấp .
Ngân sách hụt thu gần 60.000 tỷ đồng
Trong phiên khai mạc Quốc hội sáng nay 21/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội nâng trần bội chi năm 2014 lên mức 5,3% GDP, thay cho mức trần 4,8% GDP hiện nay.
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, bội chi ngân sách giảm từ mức 4,9% năm 2011 xuống 4,8% năm 2012 và dự kiến năm 2013 tăng lên 5,3%; ước thực hiện cả năm hụt thu cân đối ngân sách 59.430 tỷ đồng, dự báo 2014 có khả năng sẽ hụt thu ở mức cao hơn nên khó đạt chỉ tiêu đến năm 2015 bội chi ngân sách kể cả trái phiếu Chính phủ dưới 4,5% GDP. Kinh tế vĩ mô chưa có các yếu tố bền vững, các yếu tố phi thị trường vẫn còn tiềm ẩn.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, nền kinh tế đứng trước thách thức. Một mặt phải sớm chấm dứt can thiệp thị trường bằng các công cụ hành chính để tránh méo mó về các chính sách và phân bổ nguồn lực; mặt khác, những khó khăn kinh tế vĩ mô khiến áp lực lạm phát tăng cao luôn tiềm ẩn và mỗi quyết định điều chỉnh chính sách trong quá trình điều hành nếu không hợp lý về thời điểm và liều lượng sẽ gây nên những tác động đến kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý thị trường, tác động xấu đến an sinh xã hội.
Đánh giá về tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, đến nay đã cơ bản thực hiện xong việc tái cơ cấu 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội yêu cầu cần tập trung giảm nhanh nợ xấu và kiểm soát tình trạng sở hữu chéo các ngân hàng thương mại cổ phần.
Tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã có những kết quả ban đầu có tính nền tảng nhưng nhiều ý kiến băn khoăn vì kết quả mang lại còn chậm và thực tế cho thấy để càng chậm thì hậu quả càng trầm trọng hơn. Thậm chí có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp có tiềm lực, có khả năng tự vượt qua được khó khăn nhưng do chưa có hệ thống chính sách để hỗ trợ quá trình tái cơ cấu như xử lý lỗ, dôi dư tài sản, cán bộ, lao động khi sắp xếp lại doanh nghiệp nên lúng túng, chờ đợi, sẽ ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo Nghị quyết Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ giám sát tối cao và sẽ đánh giá toàn diện hơn về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng.
(Theo Dân trí) Nguyễn Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét