08:52
'Cò' bệnh giăng bẫy khắp nơi
TP - “Cò” chuyên nghiệp giăng khắp
cổng vào các bệnh viện để lôi kéo thậm chí lừa người bệnh ra phòng khám tư để
nhận “hoa hồng”.
Chiều 18/9, chúng tôi chuẩn bị tấp xe vào cổng Bệnh viện Da liễu
trên đường Nguyễn Thông, quận 3, TPHCM để khám bệnh. Ngay lập tức, hai người
đàn ông khoảng 40 tuổi chặn xe. “Bệnh viện giờ này đông lắm, qua phòng khám
của bác sĩ Nguyễn Xuân Ng. khám cho nhanh. Bác sĩ này từng là chuyên gia đầu
ngành da liễu nên uy tín lắm”, “cò” nói.
Trong khi người này chặn xe thì người kia chìa ra tấm danh thiếp
ghi tên “Phòng khám bác sĩ Nguyễn Xuân Ng. chuyên trị da liễu và trĩ”. Nhanh
chóng, một “cò” kéo đầu xe chúng tôi quay lại đường Nguyễn Thông rồi “hộ
tống” tới số 79 Nguyễn Thông, nơi bác sĩ Ng. đang ngồi chờ sẵn.
Khi đưa chúng tôi tới phòng khám, “cò” này đá mắt với một phụ nữ
được cho là vợ bác sĩ Ng. rồi quay đầu xe chạy về lại cổng bệnh viện. Tôi hỏi
vợ bác sĩ Ng. “Dân Sài Gòn nhiệt tình quá, dẫn người lạ từ cổng bệnh viện về
đây mà không đòi hỏi gì”.
Người phụ nữ đáp: “Nó là cháu tui, chạy xe ôm ở cổng bệnh viện.
Nhiều khách muốn gặp bác sĩ Ng. khám mà không biết thì mấy đứa nó dẫn đường
thôi. Không có gì”. 10 phút sau, một người đàn ông khác cũng kè kè hai phụ nữ
khoảng 50 tuổi đến phòng mạch rồi quay xe trở lại bệnh viện. Cứ thế, những
“cò” này “bắt cóc” người bệnh từ các tỉnh lên thành phố và chuyển về phòng
mạch này.
Dụ dỗ, dối trá
Sáng 19/9, chị Hồ Thị H. 39 tuổi ở Tân Thạnh, tỉnh Long An lên
Bệnh viện Da liễu khám vì toàn thân nổi mẩn đỏ. Người thân hỏi gửi xe trước
cổng bệnh viện thì bị “cò” lôi sang đường Phạm Đình Toái, nơi có phòng mạch
da liễu của bác sĩ Võ Th.N. “Hôm nay bệnh viện nghỉ khám cho người Việt, họ
khám cho người nước ngoài thôi. Rẽ vô chỗ bác sĩ N. khám cho nhanh”, vừa nói,
người đàn ông khoảng 45 tuổi kéo chị H. và người thân vào phòng khám này.
Bất kể sáng hay chiều, tại cổng Bệnh viện Da liễu, hơn chục người
đàn ông đậu xe trước cổng, mặc áo đồng phục trong vai là “xe ôm”, nhưng hoạt
động chủ yếu là “cò” bệnh ra phòng khám tư. Nhiều người trong số này ngoài
việc “cò” còn đến sớm ở bệnh viện canh bóc số nhỏ, sau đó bán lại cho người
bệnh đến chờ khám với giá 200-300.000 đồng/số. Một số “cò” khác chặn xe,
không cho người bệnh vào bệnh viện, sau đó dụ dỗ đến các phòng khám để lấy
tiền “hoa hồng” hoặc “boa” của người bệnh.
Không chỉ ngang nhiên, lộng hành trước Bệnh viện
Da liễu, “cò” còn hoạt động rộng khắp ở các bệnh viện với nhiều cách thức.
Sáng 19/9, anh Long, ở Tây Ninh dẫn một người phụ nữ khoảng 20 tuổi đến trước
cổng Bệnh viện Từ Dũ, hỏi Khoa Kế hoạch, liền được hai “cò” vồ tới “hỏi thăm”
bệnh tình.
Biết anh Long dẫn người đi phá thai, lại không rành đường, “cò”
yêu cầu anh đi theo đến một phòng khám tư nhân ở đường Hoàng Diệu, quận 4 để
“giải quyết” cho nhanh.
“Nạo phá thai trong bệnh viện vừa gặp nhiều người quen, vừa dễ bị
công khai danh tính, lại chờ đợi lâu. Ở phòng mạch tư làm nhanh mà cũng là
bác sĩ bệnh viện này làm thôi”, “cò” tên Vinh nói.
Để được dẫn tới nơi giải quyết “chui”, anh Long bị “cò” yêu cầu
đưa 20.000 đồng gọi là tiền công. Tuy nhiên, khi đến nơi, đấy chỉ là phòng
khám kế hoạch hóa gia đình, không có khả năng phá thai như “quảng cáo”. “Bác
sĩ nói chỉ khám thôi, còn nếu muốn phá thai, xảy ra tai biến thì ráng chịu.
Khi ấy em mới biết mình bị bọn “cò” lừa”, anh Long nói.
Côn đồ
“Cò” lộng hành, có khi giở cả thói côn đồ với người bệnh. Sau
nhiều ngày theo dõi, chúng tôi phát hiện ở khu vực cửa sau của Trung tâm Y
khoa Medic, trên đường Nguyễn Duy Dương, quận 10 là nơi các băng nhóm “cò”
hoạt động tấp nập và mất trật tự hơn cả.
Ngoài lôi kéo người bệnh, bán số khám nhanh 100-300.000 đồng/số,
nơi đây còn hình thành một nhóm “cò” rất đầu gấu. Một người dân ở gần trung
tâm này nói rằng, ai muốn khám nhanh chỉ cần đưa cho nhóm “cò” này 300 nghìn
đồng thì sẽ được khám nhanh mà không bị “làm phiền”.
Sau khi dẫn chúng tôi khám nhanh xong, một “cò” cầm luôn đơn
thuốc của chúng tôi rồi yêu cầu đi thẳng ra nhà thuốc H. ở trên đường Hòa
Hảo. Chúng tôi phản ứng thì một “cò” trong nhóm tới dằn mặt: “Mua thuốc đây
đi, giá rẻ mà chất lượng, đi đâu cho xa”.
Sau khi thấy đơn thuốc 500.000 đồng, “cò” dẫn chúng tôi đi xin
trích 10% gọi là tiền công. Không biết điều bị “cò” đánh là chuyện thường.
Ông H. ở gần trung tâm này cho biết, có bệnh nhân sau khi “cò” dẫn đi khám
xong, thiếu tiền nên không đưa đủ 300.000 đồng gọi là khám nhanh, bị bọn
chúng đánh ngay cổng bệnh viện.
“Còn việc nhiều “cò” tranh giành người bệnh dẫn đến xô xát, ẩu đả
thì diễn ra như cơm bữa ở đây”, ông H. kể.
Trước cổng Bệnh viện Da liễu, việc “cò” đánh bệnh nhân cũng xảy
ra. Mới đây, khi ông Trường V.C. (55 tuổi ở quận 3), chạy xe ôm tận tình chỉ
dẫn cho 3 bệnh nhân ở quê vào Bệnh viện Da liễu khám bệnh, liền bị hai “cò”
đánh tới tấp vì cho rằng ông C. đã phá đám làm ăn của họ. Một bệnh nhân khác
bị nhóm “cò” vây đánh do đã vào phòng khám rồi, nhưng không chịu khám mà quay
trở lại Bệnh viện Da liễu.
Chị Nguyễn Thị Thu Hồng (ngụ ở Hóc Môn), cho biết: “Đầu tuần vừa
qua, khi tôi đến Bệnh viện Da liễu để khám, vừa đến thì có một người đàn ông
ra nói là hết số rồi. Đi xa nên không thể về không, tôi đồng ý đưa cho người
này 200.000 đồng với lời hứa 5 phút sau sẽ có số khám, nhưng chờ hoài chẳng
thấy. Lúc này, tôi mới biết mình bị lừa”.
Bó tay
Nạn tranh giành người bệnh diễn ra công khai ở nhiều bệnh viện
trong thời gian dài, gây mất an ninh trật tự, lừa gạt bệnh nhân, nhưng không
được ngăn chặn. Đại diện Công an phường 6, quận 3, nơi Bệnh viện Da liễu đóng
chân, thừa nhận có biết tình trạng “cò” dẫn khách đến một số phòng mạch tư để
lấy tiền “hoa hồng” gây mất trật tự trước bệnh viện.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Vũ Văn Hiển, Phó Công an phường 6,
nhiều lần ra quân dẹp nạn “cò”, nhưng dẹp hôm nay thì hôm sau “cò” lại giăng
lưới tiếp. “Cái khó là luật pháp không có điều khoản nào quy định xử lý “cò”,
nên chỉ xử phạt họ vì tội gây rối trật tự công cộng mà thôi”, ông Hiển nói.
Khẳng định không có hiện tượng bác sĩ bắt tay với “cò”, ông Huỳnh
Ngọc Thạch, Trưởng phòng Tổ chức Bệnh viện Da liễu, cho rằng, “cò” có đất
sống vì người bệnh tin vào những lời chèo kéo.
“Một số bệnh nhân muốn khám, điều trị nhanh, số khác muốn được
bác sĩ giỏi khám, có bệnh nhân lại e ngại khi đến khám và điều trị tại bệnh
viện. Vì vậy, nhiều đối tượng xe ôm chuyển sang làm “cò”, trong đó có cả “cò”
chuyên bắt khách đến các phòng khám tư”, ông Thạch nói.
Tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc bệnh
viện, vừa có cuộc làm việc với các bác sĩ, yêu cầu họ cam kết không liên kết
với “cò” để đưa về phòng khám tư.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét