Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2013

 08:04

Giấc mơ triệu phú đa cấp:

Bắc thang lên hỏi ông trời

Nộp tiền đa cấp có đòi được không? 

Những sinh viên mới bước vào cổng trường đại học đang là đích ngắm để các Cty bán hàng đa cấp (BHĐC) lôi kéo. Phóng viên Báo Lao Động đã cùng một số sinh viên thâm nhập để tận thấy mặt trái của ngành hàng mà theo nhận xét của Bộ Công Thương là “gây ra nhiều bức xúc trong dư luận xã hội”.
 
Nguyễn Hoàng Hưng - sinh viên ĐH Thủy lợi - bị đánh chảy máu khi yêu cầu hủy hợp đồng BHĐC.

Một khi đã đặt bút ký vào hợp đồng BHĐC, “nạn nhân” muốn lấy lại được tiền thường nhận được câu trả lời: Đã tham gia không được trả lại hàng. Nếu kiên quyết với mục tiêu đòi tiền, thậm chí sẽ nhận được “khuyến mãi” bằng… nắm đấm.

Ăn đòn trước, nhận tiền sau

Như Lao Động online đã thông tin, sáng 15.9, anh Lê Quốc Đạt và anh Nguyễn Hoàng Hưng cùng một số bạn bè đến chi nhánh phía nam của Cty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy (TNMU) tại 96 Định Công để yêu cầu chấm dứt hợp đồng BHĐC. Kết quả là sau khi nhóm sinh viên nhận một trận đòn hội đồng khiến anh Hưng bị chảy máu đầu, anh Đạt mới nhận lại được 7 triệu đồng đã đóng vào Cty để mua máy lọc nước ozon.
 

Chúng tôi đã cùng một sinh viên khác có nhu cầu muốn hủy hợp đồng tìm đến chi nhánh Cty TNMU tại 96 Định Công để tìm hiểu lý do tại sao yêu cầu hủy hợp đồng, trả lại hàng lại bị gây khó dễ đến vậy.
 

Trong hợp đồng BHĐC của anh N.X.Q - sinh viên ĐH Nông nghiệp - có đóng dấu hai chương trình khuyến mãi là Long phụng hòa ca và Rồng bay phượng múa, còn tờ đơn đặt hàng có một ô hình có chữ tham gia hoạt động không trả lại hàng. Thời điểm chúng tôi tìm đến để hủy hợp đồng, anh N.X.Q mới ký hợp đồng chưa được 7 ngày.
 

Người đầu tiên chúng tôi gặp là một tổ trưởng tên Diệp giải thích: “Đã tham gia mua hàng không thể rút tiền ra được vì sẽ sập cả hệ thống!”. Dù đã dẫn chứng quy định trong Nghị định 110/2005/NĐ-CP rằng chúng tôi được phép trả lại hàng trong vòng 30 ngày sau khi mua hàng, nhưng vị tổ trưởng vẫn đưa ra lý lẽ dựa vào hai chương trình khuyến mãi được đóng dấu vào trong hợp đồng.
 

Chúng tôi tiếp tục chỉ ra điều bất thường của chương trình khuyến mãi là: Gần như tháng nào cũng thấy triển khai và các tuyến trên đều nói là chỉ có trong một tháng.
 

Theo quy định, một chương trình khuyến mãi có thời gian bắt đầu và kết thúc nhưng 2 chương trình trên đã được triển khai nhiều năm. Theo tờ giới thiệu chương trình của Cty trong tài liệu quảng cáo, chúng tôi được xem ở chi nhánh Định Công, thời gian áp dụng hai chương trình khuyến mãi là từ 3 - 31.5.2012. Đuối lý, vị tổ trưởng đưa chúng tôi lên gặp cấp cao hơn là phó phòng rồi trưởng phòng.
 

Sau hơn 2 giờ tranh luận, những người tự xưng là phó phòng, trưởng phòng vẫn trả lời quanh co để kéo dài thời gian và không có ý cho trả hàng. Thậm chí, sau khi anh N.X.Q gửi đơn kiến nghị lên Cty TNMU ở Mai Dịch và được hướng dẫn xuống làm việc với giám đốc chi nhánh, người tiếp chúng tôi là Nguyễn Thị Huê - tự xưng là một trưởng phòng - còn nói: “Đấy, các anh có lên Cty cũng có giải quyết được gì đâu”.
 

“Lợi ích” thật sự của khuyến mãi

Theo tìm hiểu của chúng tôi, chương trình khuyến mãi như Long phụng hòa ca thực chất là mô hình trả thưởng kiểu hình tháp.
 

Sau khi ký hợp đồng và mua máy ozon với giá 7 triệu đồng, chuyên viên kinh doanh mới cần chờ thêm 6 người nữa tham gia để nhận được 500.000 đồng. Số tiền nhận được sẽ là 12 triệu đồng khi đã có đủ 18 người tham gia sau thời điểm chuyên viên kinh doanh đã ký hợp đồng.
 
Ký hợp đồng BHĐC, những SV sẽ trở thành chuyên viên cấp 1 với những tấm thẻ như thế này.

Cùng nhìn vào mô hình trả thưởng ở quy mô 19 người để thấy được “lợi ích” thật sự khi tham gia chương trình khuyến mãi này và lý do để người tham gia không được trả lại hàng. Để người đứng ở “đỉnh tháp” này nhận được 12 triệu đồng, Cty sẽ thu về 133 triệu đồng từ 18 người phía sau và từ chính người đứng ở đỉnh. 

Trong số này sẽ có 1 người nhận 12 triệu đồng, 6 người nhận 3 triệu đồng, 6 người nhận 500.000 đồng và 6 người ở đáy tháp không nhận được tiền. Tổng số tiền Cty trả thưởng cho một mô hình 18 người cùng một “đỉnh tháp” là 33 triệu đồng.
 

Những người ở “đáy tháp” muốn nhận được tiền phải tích cực mời chào người mới tham gia ký hợp đồng mua hàng hoặc chờ đến khi đủ người tham gia sau mình. Nếu một người tiến hành hủy hợp đồng, trả hàng lấy lại tiền sẽ ảnh hưởng đến lợi ích nhận thưởng của những người tuyến trên...
 

Tuy nhiên, bên cạnh lời hứa về số tiền nhận được trong tương lai, một lợi ích cốt lõi khác người tham gia mới sẽ “bị” hưởng là: Không được trả lại hàng!
 

Nghị định 110/2005/NĐ-CP đã cấm DN BHĐC yêu cầu người tham gia phải mua một số lượng hàng hóa dưới bất kỳ hình thức nào để được tham gia mạng lưới BHĐC.
 

Tuy nhiên thực tế ở chi nhánh phía nam Cty TNMU, gần như người nào ký vào hợp đồng BHĐC sẽ đồng thời ký vào đơn đặt hàng mua sản phẩm.
 
 
Đồng thời với việc đặt bút ký hợp đồng BHĐC, chuyên viên kinh doanh mới sẽ ký đơn đặt hàng trị giá 7 triệu đồng, ở phía dưới có ô vuông tham gia hoạt động không trả lại hàng.

Ông Phan Đức Quế - Trưởng ban Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, Bộ Công Thương - cho rằng: “Trường hợp DN nào có chứng cứ về việc ép người sắp tham gia phải ký đơn hàng mới được ký hợp đồng, chúng tôi sẽ xử lý ngay. Ví dụ như có thể thể hiện qua việc hợp đồng và đơn hàng ký cùng một lúc, nhưng DN cũng có thể nói không ép buộc mà người ta tự nguyện mua, mình phải có bằng chứng”.
(Theo Lao động) Vinh Hải - Tiến Đạt  
Tựa đề của Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét