Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

 08:26

Kinh tế Việt Nam vẫn nhập nhoạng sáng tối

 Tại Việt Nam, bức tranh kinh tế vĩ mô ba quý đầu năm cũng bao gồm những gam màu sáng tối đan xen nhau, Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận định.
Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa phát hành bản tin kinh tế vĩ mô của quý 3, với nhiều khuyến nghị chính sách quan trọng. Một trong các vấn đề được Ủy ban đề cập là câu chuyện liệu có nên lựa chọn giải pháp kích cầu cho nền kinh tế hay tiếp tục thận trọng?
Thận trọng với gói kích cầu?
Ủy ban Kinh tế đánh giá, hiện tại, trong bối cảnh tăng trưởng trì trệ và lạm phát ở mức thấp, có một số kiến nghị đề xuất nên hướng tới kích thích nền kinh tế (thực hiện chính sách kích cầu) vì lạm phát trong nước năm nay ở mức rất thấp. Tuy nhiên, cần hết sức thận trọng với các kiến nghị kích cầu.
Bởi, lạm phát ở Việt Nam rất nhạy cảm với việc nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa do những yếu kém trong cơ cấu kinh tế (sự không hiệu quả của hệ thống doanh nghiệp, các điểm nghẽn về hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực có chất lượng...) cũng như tâm lý lạm phát của người dân còn nặng nề sau một giai đoạn bất ổn vĩ mô kéo dài. Những diễn biến trong suốt những năm gần đây đã thể hiện rất rõ điều này.
Vấn đề thứ hai là môi trường làm chính sách hiện nay có quá nhiều ràng buộc hạn chế. Cụ thể là nợ công đang ở mức cao và đang có xu hướng tiếp tục gia tăng.
Tiền lương, thu nhập tối thiểu chưa đảm bảo mức sống tối thiểu.
Mặt khác, lộ trình chuyển lĩnh vực năng lượng sang cơ chế thị trường, cũng như giảm bù lỗ trong các lĩnh vực y tế, giáo dục vẫn còn tiếp tục diễn ra.
Năng lực thiết kế và đặc biệt là thực thi chính sách còn hạn chế, dẫn đến việc chính sách chậm được triển khai làm tăng thêm độ trễ giữa thời điểm nền kinh tế cần được kích thích với thời điểm thực sự được kích thích, dẫn đến sự sai lệch hoàn toàn kết quả so với dự tính ban đầu (kích thích khi nền kinh tế đã phục hồi hay ngược lại, thắt chặt khi nền kinh tế đã nguội lạnh).
 kinh tế VN, lạm phát, nợ công, điều hành kinh tế, đòn bẩy kinh tế, bất ổn vĩ mô
Lạm phát ở Việt Nam rất nhạy cảm với việc nới lỏng các chính sách tiền tệ và tài khóa. Ảnh minh họa
Đáng chú ý, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng cảnh báo "hiệu lực và hiệu quả của chính sách trong bối cảnh các nhóm lợi ích có khả năng tác động lên khâu thiết kế hay khâu thực thi theo hướng có lợi cho nhóm của mình bất chấp tác hại đối với quyền lợi quốc gia".
Ủy ban Kinh tế Quốc hội khuyến nghị, tuy lý thuyết cũng như thực tiễn ở nhiều nước trên thế giới đều ủng hộ những can thiệp chính sách theo kiểu nghịch chu kỳ, song việc thực hiện các chính sách nới lỏng để kích cầu ở Việt Nam hiện nay chứa đựng nhiều rủi ro, bởi những ràng buộc quá chặt chẽ như ở trên đã làm cho dư địa can thiệp chính sách rất hạn hẹp.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tiếp tục kiên định thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát ở mức hợp lý, thúc đẩy tăng trưởng dựa trên hiệu quả thông qua việc đẩy mạnh cải cách cơ cấu như là điều kiện cần thiết cho phát triển bền vững trong dài hạn.
Theo đó, triển vọng kinh tế VN trong ngắn hạn và trung hạn sẽ phụ thuộc vào những yếu tố nội tại của nền kinh tế cũng như diễn biến của kinh tế toàn cầu.
Theo Ủy ban Kinh tế QH, dự báo tăng trưởng do một số tổ chức đưa ra cho thấy nền kinh tế nhiều khả năng vẫn tiếp tục tăng trưởng chậm.
Ngân hàng Thế giới, vào giữa năm cũng đưa ra dự báo về tăng trưởng của Việt Nam trong ngắn hạn đến trung hạn, với kết quả như sau. Năm 2013, tăng trưởng là 5,3%; năm 2014 là 5,4% và năm 2015 cũng ở mức 5,4%.
Các dự báo khác cũng cho thấy chỉ số tương tự và đều phản ánh rằng chỉ tiêu tăng trưởng năm nay khó có thể đạt được. Trong trung hạn, nền kinh tế sẽ phục hồi chậm chạp theo hình chữ U.
Về lạm phát, cơ quan QH cho hay, đến thời điểm hiện nay, tỷ lệ lạm phát đang ở mức thấp. Các chuyên gia nghiên cứu của Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam dự báo, trong trường hợp ít có biến động mạnh về điều hành chính sách kinh tế vĩ mô cũng như cú sốc giá năng lượng và hàng hóa trên thị trường thế giới, tỷ lệ lạm phát của VN năm nay sẽ vào khoảng 7,32%.
Tuy nhiên, nếu có biến động đáng kể trong điều hành chính sách vĩ mô (như tăng tỷ giá hay nới lỏng chính sách tín dụng và đầu tư công, hoặc giá điện than, xăng dầu, y tế tăng mạnh) thì lạm phát có thể lên tới mức cận trên 8,84%. Dự báo lạm phát các năm tới tương ứng là 7,8% và 8,4%.
Theo dự báo của các tổ chức và chuyên gia khác, tỷ lệ lạm phát năm 2013 nằm trong khoảng 6 - 8%.
Gam màu sáng hay tối?
Phân tích những thách thức nói trên, Ủy ban Kinh tế QH khuyến nghị, những diễn biến trong ba quý đầu năm đã cho thấy khó khăn, thách thức vẫn tiếp diễn trên phạm vi toàn cầu.
Nói riêng trong khu vực châu Á, kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm tốc cùng với rủi ro gia tăng trong hệ thống ngân hàng. Tuy sức ép lạm phát trên toàn cầu đã giảm nhưng đối với khối các nước đang phát triển, lạm phát vẫn là một nguy cơ lớn tiềm ẩn.
Còn riêng trong khu vực Asean, các nước thuộc Asean-5 lại đang tiếp tục đà phục hồi rất nhanh.
Ủy ban Kinh tế nhận định, tại Việt Nam, bức tranh kinh tế vĩ mô ba quý đầu năm cũng bao gồm những gam màu sáng tối đan xen nhau. Điểm sáng nhất là lạm phát được kiềm chế, xuất khẩu tăng, cán cân thương mại chỉ thâm hụt nhẹ trong khi cán cân tổng thể thặng dư đã tạo điều kiện để ổn định tỷ giá và thực hiện được một bước tiến quan trọng trong chống đôla hóa, vàng hóa.
Một điểm sáng khác, tuy ít được chú ý hơn, song hết sức quan trọng cho dài hạn. Đó là sự gia tăng của dòng vốn đầu tư của các công ty đa quốc gia hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ mới đến từ Đông Á, với nhiều tiềm năng giúp VN tăng giá trị xuất khẩu, cải thiện chất lượng công nghệ và nhân lực, dần bước lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Nhưng ngoài các gam màu tươi sáng nói trên, thì gam màu tối thể hiện ở chỗ, nền kinh tế đang suy giảm rõ, phản ánh sự suy giảm của tăng trưởng tiềm năng cũng như tác động trễ của các chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ được thực hiện trong những năm gần đây.
Đi cùng với tăng trưởng suy giảm là những khó khăn lớn khác mà hiện VN đang phải đối mặt, đó là tồn kho, nợ xấu, DN tiếp tục chật vật khó khăn..
"Những tháng còn lại và các năm tiếp theo cho thấy triển vọng kinh tế còn tiếp tục khó khăn", Ủy ban Kinh tế đánh giá.
Như những gì đang diễn ra trên thế giới, ở VN, sau giai đoạn tăng trưởng nóng, xu hướng cắt giảm nợ đang diễn ra ở cả khu vực doanh nghiệp cũng như khu vực hộ gia đình, dẫn đến cầu nội địa tiếp tục suy yếu.
Trong những năm tới, VN cần thực hiện kiên định và quyết liệt các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi chương trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Do tăng trưởng chậm lại trong ngắn hạn đến trung hạn nên rất cần chú trọng đến cơ cấu tăng trưởng, bảo đảm ưu tiên cho các lĩnh vực tạo nhiều việc làm và sinh kế cho người nghèo.
Ủy ban Kinh tế cũng nêu vắn tắt các khuyến nghị chính sách trong ngắn hạn và trung hạn. Trong đó, về trước mắt, chính sách tiền tệ cần áp dụng biện pháp tăng cung tiền, cũng như phương  thức phân bổ tín dụng hiệu quả nhất trong việc đạt mục tiêu kép là ổn định vĩ mô và tăng trưởng hợp lý.
Về tài khóa, cần ưu tiên giải quyết nợ đọng từ công trình đầu tư công (góp phần giải quyết nhanh nợ xấu). Đặc biệt, tăng cường việc minh bạch các chi phí và giá thành điện, nước, xăng dầu để thuyết phục được người dân thấy sự cần thiết của việc điều chỉnh giá các loại năng lượng chiến lược nói trên.
(Theo TuanVietNamnet) Thanh Châu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét