Thứ Tư, 25 tháng 9, 2013

08:00

Quan hệ Việt-Pháp: Xác lập đối tác chiến lược

 - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định "con tàu" quan hệ Việt - Pháp đã cập bến bờ của tình hữu nghị và hợp tác thành công với việc xác lập quan hệ đối tác chiến lược.

Ngày 24/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp (từ 24-26/9) theo lời mời của Thủ tướng Jean-Marc Ayrault. 

Lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được tổ chức trọng thể sáng 24/9 (giờ địa phương) tại Điện Invalides (Paris).

Cũng trong sáng 24/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự lễ khai trương trụ sở mới của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp (số 61 đường Miromesnil, quận 8, Paris).
 Thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng, Pháp, đối tác chiến lược
Lễ đón chính thức Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Paris (không có đón Phu nhân - KB). Ảnh: VGP
Ông đã tới dâng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, thăm "Không gian Hồ Chí Minh", "Không gian Đông Dương" tại công viên Montreau ở thành phố Montreuil.
Chòng chành nhưng không chìm đắm

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm Viện Quan hệ quốc tế Pháp - một trong 10 viện nghiên cứu quan hệ quốc tế lớn nhất châu Âu.
Tại đây ông có bài phát biểu nêu bật chặng đường 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao - một chặng đường lịch sử với nhiều biến cố mà Thủ tướng mô tả quá trình phát triển quan hệ giữa hai nước như “hình ảnh con tàu đang căng buồm lướt sóng thể hiện trên biểu trưng của thủ đô Paris, dù phải trải qua nhiều bão tố, sóng gió, những thời khắc rất khó khăn, dù có chòng chành nhưng không bao giờ chìm đắm”.

Ông nhấn mạnh mối quan hệ Việt - Pháp đã trở thành một biểu tượng của tinh thần dũng cảm “khép lại và vượt qua những “chòng chành”, những trang sử đau buồn của quá khứ để xây dựng lòng tin vào nhau - lòng tin chiến lược - cùng hướng tới hòa giải, hòa bình, hữu nghị và phát triển". 

Đồng thời đây cũng là hình mẫu cho sự hợp tác Đông - Tây, giữa Pháp, một quốc gia công nghiệp hàng đầu ở châu Âu và Việt Nam, một nước đang phát triển năng động ở Đông Nam Á. 

“Xuất phát từ những nền tảng tốt đẹp đó, tôi cho rằng hôm nay chúng ta có thể cùng nhau vui mừng nói rằng “con tàu” quan hệ hai nước đã cập bến bờ của tình hữu nghị và sự hợp tác thành công với việc lãnh đạo hai nước cùng tuyên bố xác lập quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố. 

5 nhóm lĩnh vực trọng tâm


Khẳng định chính sách coi trọng và ưu tiên quan hệ đối tác với Pháp trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam, Thủ tướng cho hay, tiềm năng, thế mạnh hợp tác hai bên còn rất lớn.
 Thủ tướng, Nguyễn Tấn Dũng, Pháp, đối tác chiến lược
Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Pháp chào đón Thủ tướng. Ảnh: VGP

Với khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược, Thủ tướng nhấn mạnh các nhóm lĩnh vực trọng tâm mà hai bên có thể thúc đẩy hợp tác. 

Đó là hợp tác chính trị - ngoại giao; quốc phòng và an ninh; kinh tế, hợp tác phát triển; văn hóa, giáo dục đào tạo; nghiên cứu khoa học và tư pháp, bao gồm cả hợp tác song phương và đa phương trên các diễn đàn quốc tế, khu vực, toàn cầu . 

Ông cũng nhấn mạnh nhu cầu tăng cường các chuyến thăm trao đổi, gặp gỡ, tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao để đạt được sự thống nhất về các vấn đề mang tầm chiến lược trên các lĩnh vực. 

Qua đó mở đường cho việc nâng cấp các cơ chế đối thoại và thúc đẩy hợp tác trong hàng loạt các lĩnh vực quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam và là thế mạnh của Pháp, như năng lượng, công nghiệp hàng không và vũ trụ, công nghệ cao, nông nghiệp, giao thông, ngân hàng... 

Phải thay thế chủ nghĩa dân tộc vị kỷ 


Trên bình diện hợp tác đa phương, quốc tế, Thủ tướng nhấn mạnh cơ chế phối hợp tại diễn đàn của Cộng đồng Pháp ngữ, diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), Đối thoại ASEAN - EU... , đặc biệt hai bên có thể trở thành cây cầu nối mới cho phát triển hợp tác Á - Âu. 

“Quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp cần phát triển hài hòa với các cặp quan hệ Pháp - ASEAN, Việt Nam - EU để có thể cùng nhân lên sức mạnh và hiệu quả” - Thủ tướng nêu.

Ông cũng đề cập sự cạnh tranh về lợi ích chiến lược, nhất là giữa các nước lớn, sự cọ xát bởi những khác biệt về giá trị văn hóa, lịch sử, nhân văn… cần được  cân bằng thỏa đáng. 

“Hợp tác, cùng tùy thuộc vào nhau phải lấn át, thay thế chủ nghĩa dân tộc vị kỷ. Trong quá trình khó khăn đầy thách thức này, rất cần phải xây dựng lòng tin chiến lược giữa các quốc gia đối tác. Phải chăng mối quan hệ đối tác chiến lược Việt - Pháp trên nền tảng của sự tin cậy, của những giá trị lịch sử, văn hóa, nhân văn sâu sắc riêng có, cần phải được phát huy, tạo hiệu ứng lan tỏa để góp phần xây dựng môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển trên 2 châu lục Á, Âu” - Thủ tướng phát biểu. 

Ông cho rằng hai nước qua đó có thể cùng góp phần ngăn ngừa sự can dự mang những toan tính chỉ cho riêng mình, bất bình đẳng; ngăn chặn những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế mang tính chất áp đặt và chính trị cường quyền. Tất cả vì hòa bình, an ninh, hợp tác phát triển và thịnh vượng trên thế giới. 
Theo VGP
 Nghe VTV1 thông báo là Thủ tướng cùng Phu nhân sẽ thăm chính thức CH Pháp. Tuy nhiên trong lễ đón ngoại giao chính thức tôi không hề thấy sự hiện diện của Phu nhân Thủ tướng? Người đồng cấp Pháp cũng không mang kèm Phu nhân khi đón. Phải chăng người Pháp "thất lễ"? Một việc nhỏ nhưng cũng làm chạnh lòng mọi người về vị thế và sự tôn trọng. Thiết nghĩ trong tình hình kinh tế khó khăn, thành phần đi công tác nước ngoài cần hết sức thiết thực trong khi ta đang rao giảng ý thức tiết kiệm cho người dân.
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét