20:11
Một lễ hội mông muội thời hiện đại được đưa vào di sản văn
hóa quốc gia!
Một tin vui vô bờ bến đối với những người mê chọi trâu, những
người kinh doanh thân xác trâu và với cả những người… mê thịt trâu ấy là việc
Lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận
là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Nghe mà thật dựng tóc
gáy.
Không hiểu trò chọi
trâu này thể hiện tinh thần thượng võ ở đâu, về khía cạnh tâm linh thì có góp
phần gì để cho các bậc thần thánh phù hộ cho “quốc thái dân an” hay không?
Nhưng về khía cạnh dã man thì cách ứng xử của con người đối với loài động vật
thân thiết, gắn bó ngàn đời với nền văn minh lúa nước của chúng ta là hết sức
vô nhân đạo.
Một con trâu được
tuyển chọn rất công phu về để nuôi nấng, dạy dỗ, được chăm bẵm, được thương
yêu…
Và rồi con trâu ấy
được mang ra sới để chọi.
Chọi xong, nếu là
trâu thắng trận thì thay vì được tôn vinh, được gìn giữ và coi đó là một tài
sản của người nuôi thì lại bị chính ông chủ nuôi dùng điện cao thế chích cho
bất tỉnh, rồi xẻ thịt đem bán. Giá thịt của “ngưu hùng” này cao gấp nhiều lần
so với kẻ chiến bại. Không hiểu những người có trách nhiệm xét duyệt để đưa
lễ hội chọi trâu thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã bao giờ chứng
kiến cảnh người ta dùng điện để giết chết trâu, rồi chặt đầu mang đi tế lễ…
hay chưa?
Đối xử với con trâu
vô nhân đạo như vậy, hành vi phản văn hóa như vậy mà lại trở thành di sản thì
không sao hiểu nổi.
Thật ra, chuyện dùng
động vật trâu, bò, lợn, gà… để cúng lễ cũng đã có từ rất lâu. Tuy nhiên,
những lễ hội đâm trâu, rồi những trò thể thao đấu bò trên thế giới gần đây
đang bị phản đối nhiều.
Quả thật, không có
trò nào dã man hơn là mang biểu tượng chiến thắng đi xẻ thịt bán. Người ta đã
lợi dụng chọi trâu để kinh doanh và chen vào đó là cả sự lừa đảo, dối trá. Có
giời mà biết thịt bày ra phản, tảng nào là của trâu thắng, miếng nào là của
trâu bại. Rồi bên cạnh đó là cá độ và vô vàn những hành vi tiêu cực khác…
Một tập tục nào đó
khi đã được xét duyệt thành di sản văn hóa thì điều đầu tiên phải xem xét đến
là tính nhân văn, tính giáo dục và tính truyền thống.
Vậy thử hỏi chuyện
chọi trâu ở Đồ Sơn và bây giờ lại lan ra một số địa phương khác thì tính nhân
văn, rồi bản sắc văn hóa dân tộc ở đây là gì? Không hiểu ít hôm nữa, người ta
có đề nghị đưa lễ hội chém lợn được phục hoạt ở một vùng ngoại ô Hà Nội mấy
năm gần đây là di sản văn hóa thì mấy người có trách nhiệm xét duyệt tính sao?
Thiết nghĩ, để công
nhận một lễ hội, một tập tục… trở thành di sản văn hóa thì nên chăng phải lấy
ý kiến rộng rãi của toàn dân, của các bậc thức giả. Còn làm như hiện nay,
không hiểu rồi tới đây người ta sẽ tùy tiện như thế nào trong việc xét duyệt
và cấp giấy chứng nhận di sản văn hóa quốc gia cho các lễ hội, tập tục khác.
(Theo
Năng lượng mới) N.T
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét