ĐỌC
& NGẪM VỀ “BÊN THẮNG CUỘC”
Nguyễn Văn Thịnh
Nhà báo Huy Đức nói anh để 20 mươi năm thu thập tư liệu và
3 năm biên tập cho ra được bộ sách “Bên thắng cuộc”. Có người khen đây là “cuốn
sách hay nhất về lịch sử Việt Nam sau 1975”, nói về “những sự thật
khốc liệt rất trung thực”, là “kho tàng dữ liệu quý báu có thể làm
ngạc nhiên cả những chuyên viên theo dõi chính trị Việt Nam trong nhiều thập
niên qua”, là “công trình khảo cứu lịch sử đặc sắc của một nhà báo có
tay nghề lão luyện với lương tâm trong sáng”. Cộng với dãy dài những nhân
vật tiếng tăm đủ các tầm cỡ được ghi lời cảm ơn rất là trân trọng như một sự
đồng thuận hợp tác cho ra đời cuốn sách chứng tỏ người viết rất sành sỏi nghề
quảng cáo, nắm bắt đúng thị hiếu của người xem tin.
Là một cựu chiến binh, là chứng
nhân suốt chặng đường lịch sử hơn 70 năm qua từ Bắc vào Nam, tôi có một số ý
tản mạn nảy ra khi đọc nó, có thể không giống ai nhưng cũng chẳng theo ai.
Cuốn sách đầy đặc những
thông tin dài dòng luẩn quẩn không có gì là đáng “ngạc nhiên”, “đặc sắc” và
“khốc liệt” với những người theo dõi sát thời cuộc. Non nửa những thông tin ở
đây được rút tỉa ra từ báo chí, những tin tức chuyên ngành cập nhật và những
sách chính thống đã được lưu hành. Quá nửa là những tin tức “lượm lặt gần
xa”, đa phần “khẩu thiệt vô bằng” trúng trật khó phân, mà loại tin này thì
gom nhặt không biết thế nào cho đủ. Với một phóng viên xã hội có nhiều năm
hành nghề làm việc này không khó. Có điều là nó được gom lại in ra thành sách
và tung lên mạng trong bối cảnh xã hội lúc này, người hỷ hả hân hoan, người
hoang mang lung lạc.
Những thiếu sót sai lầm
của Đảng cầm quyền hầu như ai cũng biết trong sinh hoạt từ nội bộ ra ngoài xã
hội, được tổng kết trong các nghị quyết và công khai trên các phương tiện
truyền thông rộng hẹp. Suy cho cùng là từ trình độ lãnh đạo. Từ đó để mất dần
niềm tin gây nên tâm trạng bất bình trong một bộ phận không nhỏ đảng viên và
dân chúng. Tuy nhiên nhân dân
ta rất tốt và yêu nước, đã cùng với Đảng vượt qua mọi gian khổ hy sinh giành
lại Tổ quốc Việt Nam thống nhất, hòa bình, độc lập, tạo được những đổi thay
xã hội đáng kể tuy chưa xứng với tiềm năng công sức, có vị thế quốc gia được
tôn trọng như hôm nay. Nhưng đã đến lúc Đảng lãnh đạo nhận ra rằng uy tín của
Đảng đang giảm sút nghiêm trọng và sự tồn vong của Đảng tùy thuộc vào tiến độ
sửa chữa sai lầm lấy lại niềm tin, nói và làm nhất quán, xây dựng nhà nước
pháp quyền công khai minh bạch, chăm lo phòng thủ quốc gia, mở rộng dân chủ,
thật sự đẩy lùi tham nhũng, thu hẹp khoảng cách giữa giàu với nghèo, thiết
thực chăm lo sức dân bằng cách trả lại đúng giá trị giữa đồng lương danh
nghĩa và lương thực tế, bảo đảm phúc lợi xã hội như học hành, chữa bệnh, việc
làm…, nâng cao dần mức sống của nhân dân, tăng cường sức chiến đấu xứng đáng
với một Đảng có truyền thống cách mạng vẻ vang.
Tất cả gom lại là như
thế, cần chi kể những chuyện dông dài kín hở từ cung đình tới phố phường quán
chợ phân tâm lòng người giống kiểu mô tả sống thế nào để sanh con? Mỗi lời
nói hay sự kiện đều có ngữ cảnh, bối cảnh riêng. Trích dẫn một lời nói hay
dẫn chứng một sự kiện phải tôn trọng đặc điểm ấy để người đọc hiểu đúng tinh
thần của người nói và bản chất của sự kiện. Báo Tuổi trẻ ngày thứ bảy
19/1/2013 có bài “Không hố sâu thật sự” của nhà báo Lưu Đình Triều – người
đồng nghiệp lớn tuổi hơn, nói về chuyện Huy Đức dựa vào tình cảm bạn bè để
khai thác và đưa tin xuyên tạc về gia đình anh. Bao nhiêu nhân chứng “cộm”
được nêu ra hoặc đã thành người thiên cổ hoặc không biết nhà báo đó là ai!
Giới viết lách hiểu rất rõ rằng nếu Thủ tướng Võ Văn Kiệt muốn viết hồi ký
thì cỡ Huy Đức chưa phải là người ông nghĩ đến. Một chuyện nhỏ ấy đủ để người
đọc đánh giá Huy Đức “rất trung thực” và “lương tâm trong sáng” cỡ nào!
“Bên thắng cuộc” là ai?
Cần hiểu dứt khoát rõ ràng đây lànhân dân Việt Nam thắng thế
lực ngoại bang xâm lược. Một ngày tháng 5/1975, TBT Lê Duẩn trong
chuyến đầu công du miền Nam, buổi thăm bệnh viện Vì Dân (Thống Nhất ngày
nay), gặp một nữ y tá tất tả đi trên hành lang, ông dừng lại hỏi: - Đi đâu mà
vội thế? - Em đi học chính trị! - Học thấy thế nào? - Dạ, thấy rằng chúng em
có tội vì đã hợp tác với quân Mỹ xâm lược tổ quốc ta! Ông buồn, nói với các
cán bộ tiếp quản: “ Các anh dạy tào lao! Phải làm cho mọi người hiểu rằng đây
là chiến thắng chung của toàn dân tộc để ai cũng ngẩng đầu lên tự hào. Không
lẫn lộn nhân dân với số người sống bám vào ngoại bang chống lại sự nghiệp
thống nhất độc lập của Tổ quốc ta”. Càng không thể hiểu là“cộng sản
thắng quốc gia” hay là “miền Bắc thắng miền Nam”.
Đó là thắng lợi của chính
nghĩa chống phi nghĩa. Trong hoàn cảnh chiến tranh quyết liệt lâu
dài, ý nghĩa của cặp từ “cộng sản”, “quốc gia” đã bị xuyên tạc và ngộ nhận.
Mục đích đấu tranh của những người yêu nước chân chính thời nào cũng nhằm bảo
vệ lợi ích quốc gia dân tộc. Nếu những người cộng sản xa rời mục tiêu ấy
không thể tập hợp được quảng đại dân chúng ủng hộ mình. Những ngày đầu dựng
nước cam go, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Không giải phóng được dân tộc
thì làm sao giải phóng được giai cấp”. Thực tế nhân dân đã quay lưng lại
với những ai ngộ nhận là “quốc gia” chỉ nhằm mang lại lợi ích cá nhân hoặc
một nhóm người. Nửa sau thập kỷ 1950, trong bối cảnh điên cuồng tàn sát những
người yêu nước lại muốn làm sạch mặt chính quyền, trước thuộc hạ Ngô Đình
Diệm nói câu nổi tiếng: “Phải giành lại chính nghĩa từ tay cộng sản!”.
Chính nghĩa là nguyện vọng độc lập dân tộc thống nhất non sông trải hàng thế
kỷ những người Việt Nam
yêu nước trong bất kỳ hoàn cảnh nào luôn son sắt một lòng. Ngay cả nhân dân
Pháp và Mỹ cũng nhận ra cuộc chiến tranh ở Việt Nam do chính giới nước họ gây ra
là phi nghĩa và quyết liệt đòi rút ngay con em trong đội quân viễn chinh về
nước! Hồi ký của GS Trần Thanh Đạm kể rằng: Ngày đầu, trong đoàn Bộ giáo dục
gặp gỡ các thầy cô dạy trường Sư phạm văn khoa Sài Gòn. Sau khi nói về việc
ổn định trường sở và bước đi tiếp của nhà trường, hướng về giáo sư Nghiêm
Toản – bậc trưởng thượng trong làng sư phạm cả Bắc và Nam đều biết:
“Thầy có ý kiến gì không?”. Vị giáo sư Hán học uyên thâm khả kính lắc đầu từ
tốn: “Tôi đã bỏ chính nghĩa mà đi thì còn gì để nói!”. GS đã trong đoàn người
di tản vào Nam
1954. Sau 1975, không ít nhà trí thức tâm huyết cũng rời bỏ đất nước ra đi,
mỗi người một tâm trạng nhưng lòng yêu tổ quốc Việt Nam vẫn khôn
nguôi ngoai trong họ. Kẻ sỹ Việt Nam trong những thăng trầm của
lịch sử dù đứng ở đâu luôn trăn trở với vận mạng của đất nước và mang nặng
một lòng riêng u ẩn. Câu hỏi lớn về Tổ quốc chưa có lời giải nào trọn vẹn.
Nhưng một điều chắc chắn là không bao giờ họ đối lập với dân tộc của mình!
Học giả Hoàng Xuân Hãn
tổng kết: lịch sử ngàn năm dựng nước của dân tộc ta có 14 cuộc chiến tranh
bảo vệ tổ quốc, trong đó chỉ có hai cuộc chiến tranh giải phóng là thời Lê
Lợi chống quân xâm lược nhà Minh và thời Hồ Chí Minh chống quân xâm lược Pháp
và Mỹ. Phát động người người đồng lòng đứng lên chống lại khi giặc đã vào ở
nhà mình, sân trước vườn sau nó chiếm, ai chống lại thì nó giết, ai xuôi chịu
thì nó tha mà phải làm theo ý nó, có người được nó ưu ái tin dùng, sinh
chuyện anh em một nhà đố kỵ lẫn nhau tan đàn xảy nghé! Giặc kia lại đến từ
các quốc gia lớn, giàu và văn minh, càng ở lâu càng sinh lắm chuyện. Đuổi
được nó đi không là chuyện dễ, phải có lòng yêu nước nồng nàn và chấp nhận
mọi gian khổ hy sinh. Nhưng khi giặc bỏ chạy rồi vẫn còn lắm chuyện rối rắm
phức tạp anh em hòa hợp không dễ một sớm một chiều. Cuộc chiến tranh giải
phóng vừa qua diễn ra như thế dù là do nhân dân ta đứng lên đoàn kết chiến
đấu tự giải phóng cho mình. Nói “miền Bắc giải phóng miền Nam” là xúc phạm tới lòng yêu nước
truyền thống Việt Nam.
Dân tộc ta đã đau đớn chịu đựng cuộc nội chiến phân tranh Trịnh-Nguyễn kéo
dài hơn 200 năm. Sáu lần quân Trịnh và một lần quân Nguyễn vượt sông Gianh
đều phải rút về. Nhân lúc ở Đàng Trong chúa Nguyễn thoái, quân Tây Sơn nổi
lên, ở Đàng Ngoài chúa Trịnh suy, Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc phò Lê diệt
Trịnh, xong rồi lại rút ngay về Phú Xuân chỉ mang theo công chúa Ngọc Hân.
Đến khi quân Thanh kéo vào dày xéo lên nửa phần phía Bắc của Tổ quốc thiêng
liêng thì mọi người dân Việt không phân biệt Nam-Bắc, xóa bỏ mọi xích mích tị
hiềm đoàn kết nhau lại. Nguyễn Huệ chỉ một trận hành binh thần tốc “đánh cho
sử tri Nam
quốc anh hùng chi hữu chủ”. Tướng giặc Tôn Sỹ Nghị nhảy lên ngựa không yên bỏ
mặc 20 vạn quan quân tháo chạy! Sông Hồng ngập đầy xác giặc như cá chết trôi!
Giang sơn nước Việt thâu về một mối.
Sâu xa mà nói, cuộc kháng
chiến chống xâm lược phương tây lần này khởi đầu từ năm 1858 khi quân Pháp nổ
súng đánh chiếm thành Đà Nẵng và bùng lên thành cao trào khi Phan Thanh Giản
lừa vua phản dân ký hàng ước 1862 (Nhâm Tuất) bán đứng ba tỉnh miền Đông và
tiếp đó năm 1867 (Đinh Mão) qua lời tuyên cáo đầu hàng nhục nhã với một dân
tộc ba lần đại phá quân xâm lược Nguyên-Mông: “Người Phú-lang-sa có chiến
thuyền to chở đầy quân và võ trang bằng đại bác. Không người nào có thể chống
lại. Mình còn ngốc khi mình đánh lại người Phú-lang-sa bằng võ khí. Các quan
văn cũng như các võ tướng hãy bẻ gãy giáo gươm và giao thành trì khỏi chống
lại”, cống nạp nốt ba tỉnh miền Tây, biến lục tỉnh Nam kỳ thành thuộc địa của Pháp, mở đầu quá
trình Việt Nam
mất nước! Phong trào toàn dân đánh giặc giữ nước khởi từ địa đầu phía nam này
lan ra cả nước và chưa bao giờ tắt. Thế chiến II nổ ra, nước Pháp phản bội
Đồng minh đầu hàng phát xít Đức và Nhật. Năm 1945, nhân dân Việt Nam nhất tề
đứng lên giành lại độc lập và thực hành quyền dân tộc tự quyết. Được người Mỹ
đồng tình, Pháp đưa quân tái chiếm Việt Nam,
lần thứ hai miền Nam
lại nổ tiếng súng đầu kháng Pháp. Không ít trí thức Nam kỳ vứt bỏ “làng tây”
như Thái Văn Lung, Nguyễn Ngọc Nhựt, Phạm Ngọc Thạch, Phạm Ngọc Thuần, Phạm
Ngọc Thảo... kiên quyết đứng về phía nhân dân giữ gìn tổ quốc. Ông Lưu Văn
Lang (1880-1969) mà giới trí thức Nam
kỳ tôn kính như người anh cả, đã từ chối lời mời đứng ra thành lập chính phủ
đầu tiên tái lập Nam
kỳ với lời khảng khái: “Tôi đã quá già để làm tay sai!”. Sau hiệp định
Genève 1954, những người yêu nước miền Nam lại đứng lên đấu tranh tự bảo
vệ mình và đòi hòa bình thống nhất nước nhà tiêu biểu như Nguyễn Hữu Thọ,
Huỳnh Tấn Phát... Người Mỹ từ can thiệp đến dấn chân ngày càng sâu, cuối cùng
nhảy vào thay thế hoàn toàn quân Pháp. Để thích nghi với hoàn cảnh thế giới
mới, người Mỹ không áp dụng “Chủ nghĩa thực dân cũ” như người Pháp (dùng quân
đội và bộ máy thống trị ngoại bang) mà thay thế bằng “Chủ nghĩa thực dân mới”
(tổ chức quân đội và chính quyền tay sai thông qua viện trợ quân sự và kinh
tế). Người Việt Nam
không dễ bị mắc lừa. Người Mỹ buộc phải tiến hành cuộc “Chiến tranh cục bộ”
với gần 600 ngàn lính GI (quân chính phủ liên bang) và lính Đồng minh. Nhân
dân Nam-Bắc càng một lòng kề vai sát cánh bảo vệ tổ quốc chống xâm lăng. Kết
cục là quân Mỹ “rút lui
trong danh dự” bằng cách “thay màu da những xác chết” để kết thúc bằng cuộc
tháo chạy tán loạn chưa từng thấy trong lịch sử chống ngoại xâm của người
Việt Nam. Đó là chiến thắng của tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập
tự do”, cốt lõi của truyền thống Đại Việt mới có thể tồn tại qua bao
biến cố thăng trầm.
Đã nói chuyện lịch sử
phải công bằng, nghiêm túc và không thể bỏ qua điều kiện lịch sử cụ thể của
nó. Chiến thắng 30/4/75 không là cuộc vui vẻ xuống đường của những người từ
rừng hối hả kéo nhau về xuôi vượt bưng biền, lội kênh, băng lộ, lên ngồi nhờ
vắt vẻo trên xe đò chạy thẳng vào dinh Độc Lập nhận sự đầu hàng. Bao nhiêu
chuyện phát sinh sau đó ở cả hai phía, nó như hai mặt của một trang giấy mà
nhà báo Huy Đức chỉ lật ngược cho mọi người xem mặt trái. Chiến tranh tất nhiên sinh ra những
mối hận thù, càng lâu càng chồng chất. Một đội quân lớn tinh binh tinh nhuệ
được trang bị vũ khí, kỹ thuật tối tân tự tan rã chỉ trong một ngày, hàng
triệu tướng lĩnh quan quân tản vào trong dân chúng khắp chợ cùng quê. Trải ba
chục năm liền đối đầu sống mái mà không có cuộc “tắm máu” thậm chí chỉ là những cuộc trả thù
lẻ tẻ đã chứng tỏ tính chính nghĩa của người chiến thắng. Suy cho cùng cũng
là “chiến thắng đặc biệt của tình cảm dân tộc Việt Nam”.
Có nỗi vui mừng nào hơn thế nữa? Hãy
nhìn qua bên kia biên giới tây-nam với họa diệt chủng xảy ra cùng thời điểm
ấy? Vàhãy xem lại trang sử thế giới không xa – thời Thế chiến II (1939-1945).
Chỉ sau bốn năm, quân kháng chiến lưu vong theo quân Đồng minh tiến về giải
phóng nước Pháp khỏi sự chiếm đóng của phát xít Đức trong không khí hằn thù
bạo lực: Toàn bộ chính phủ Vichy
bị lôi ra trước pháp đình. Án nặng nhất tuyên cho những kẻ cầm đầu như Thống chế Pétain, mặc dù đã từng
là người hùng của nước Pháp trong thế chiến thứ nhất (tuy nhiên vì đã quá già
nên bị đày ra đảo cho tới chết), viên
Thủ tướng Laval, nhà văn Bonnard – Tổng trưởng Giáo dục… đều bị treo cổ trước
đám đông dân chúng, mãi mãi là vết nhơ trong lịch sử dòng dõi Gaulois. Các
phần tử từng cộng tác với chính quyền Đức khủng bố những người kháng chiến kể
cả số gái chuyên làm trò giải trí cho quân phát xít đã bị những người du kích
hành quyết ngay trên đường phố! Ai
cũng biết quân giải phóng Việt Nam do Đảng Cộng sản tổ chức, chỉ
huy nhưng những chiến sỹ giải phóng được nhân dân các vùng bị chiếm đóng vui
mở rộng lòng như đón những đứa con xa mẹ từng chịu bao gian lao anh dũng
chiến thắng trở về. Khác hẳn cảnh khi quân đội Mỹ giàu có hùng hổ từ các
chiến hạm Thái Bình Dương ào ạt đổ bộ lên chiếm đảo Okinawa, đã có hàng trăm
ngàn người kể cả binh sỹ và thường dân Nhật mổ bụng tự sát bởi lo sợ bị trả
thù. Khi quân Đồng minh đặt chân lên kinh đô Tokyo, hàng ngàn phụ nữ tự nguyện phô thân
đủ kiểu trước Hoàng thành, khuyến dụ kẻ chiến thắng không cho xúc phạm tới
Nhật hoàng. Sau này người Nhật có nhiều Mỹ lai một phần là thế.
Trước đó, năm 1945, khi
mới giành được chính quyền, Cụ Hồ mời cụ Huỳnh Thúc Kháng từ miền Trung ra Hà
Nội. Vừa đặt chân tới thủ đô, cụ Huỳnh tuyên bố: “Cụ Chủ tịch thuộc hàng
con cháu, tôi sẽ khuyên Cụ nước ta không thể đi theo con đường cộng sản!”.
Chỉ sau một đêm thày trò bên nhau rủ rỉ, lấy đại sự quốc gia dân tộc làm
trọng, cụ Hồ đã thuyết phục được và cụ Huỳnh là người hợp tác tích cực và tâm
đắc nhất với cụ Hồ cho tới trọn đời. Cụ Huỳnh – vị đại trí thức từng vào tù
ra khám vì dám cổ vũ phong trào “cự sưu kháng thuế”, từng là nhà báo cương
trực tiếng tăm, là bạn tâm giao với cụ Sào Nam, cùng với các cụ Trần Cao Vân,
Phan Châu Trinh được mệnh danh là “nhóm tam hùng” của đất Quảng Nam… lung lạc
cụ đâu có dễ! Nhân dân ta không hề ân hận vì đã tin đảng Cộng sản, một lòng
với Đảng vượt qua mọi thử thách chông gai hoàn thành sự nghiệp hòa bình thống
nhất đất nước và đang đồng hành với Đảng trên con đường xây dựng một quốc gia
thống nhất độc lập trong một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ,
văn minh. Trái lại nếu Đảng cầm quyền không giữ trọn được niềm tin với dân
với nước thì chẳng những sẽ chỉ là rất ân hận mà còn mang tội với bao lớp
tiền bối tiền nhân. Cụ Hồ nói: “Một người tốt chưa hẳn sẽ tốt mãi nếu
không luôn biết sửa mình. Một tổ chức mạnh chưa hẳn sẽ mạnh mãi nếu không còn
được lòng dân”. Tin rằng những lớp người kế tục mãi mãi ghi nhớ lời dạy của người sáng
lập luôn biết sửa mình để giữ được lòng dân. Người xưa dạy: “Dân vi quý – Xã tắc
thứ chi – Quân vi khinh”. Lịch sử quốc gia nào cũng trải nhiều triều vua
nhưng chỉ một dân tộc trường tồn trong lòng Tổ quốc.
Không chỉ một Huy Đức
từng đưa cuộc nội chiến Hoa Kỳ (1862-1865) ra
làm tấm gương soi. Trước hết
đem cuộc chiến chống phân ly Nam-Bắc của nước Mỹ so với cuộc chiến trường kỳ
chống xâm lăng của dân tộc ta 1945-1975 thật chẳng hợp chút nào, bởi lẽ về
bản chất hai cuộc chiến ấy khác nhau hoàn toàn. Ở Mỹ là cuộc nội chiến thật
sự chống sự ly khai đất nước. Chúa cứu thế Mỹ Abraham Lincoln nói: “Một
gia đình bị chia rẽ thì không thể đứng vững được. Một chính phủ không thể mãi
mãi một nửa là tự do và một nửa kia là nô lệ. Tôi không muốn cho Liên bang
tan rã. Tôi cũng không muốn cho gia đình sụp đổ. Nhưng tôi muốn cho nó chấm
dứt chia rẽ”. Thắng lợi của người Bắc
Mỹ là thắng lợi của tư tưởng tự do tiến bộ với tư tưởng bảo thủ duy trì nô lệ
mà trên cơ sở đó cả Bắc và Nam Mỹ đều có cơ hội vươn lên mạnh mẽ. Khác hẳn
cuộc chiến tranh giải phóng của chúng ta. Sự thật lịch sử là nếu không có đội
quân viễn chinh xâm lược Pháp thì không thể có cái gọi là “quân đội quốc gia”
của phế đế–quốc trưởng bù nhìn Bảo Đại. Và nếu không có bàn tay của phù thủy
Mỹ thì cũng không thể có cái gọi là “chính phủ” và “quân lực Việt Nam cộng
hòa”. Bản chất của đội quân vong bản ấy đã được Nguyễn Văn Thiệu – viên Tổng
tư lệnh tối cao của nó lộ ra trong giờ phút chót: “Người Mỹ đưa viện trợ
nhiều thì chúng tôi đánh nhiều, còn đưa ít thì chúng tôi đánh ít. Nếu Hoa kỳ
không viện trợ cho chúng tôi nữa thì không phải là một ngày, một tháng, một
năm mà chỉ sau ba giờ chúng tôi sẽ rời khỏi dinh Độc lập”! và được viên
tướng bốn sao Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên phụ họa: “Chúng ta không
có trách nhiệm về cuộc chiến tranh này. Trách nhiệm chiến đấu ở đây là người
Mỹ. Chính sách đó do họ đề ra. Chúng ta chỉ làm theo họ mà thôi!”. Những
người tưởng rằng mình chiến đấu thật sự vì lý tưởng quốc gia không khỏi xót
lòng cay đắng đã lầm lỡ nhập vào một đội quân thật đấy mà giả đấy! Cái chết
ấm ức của ai chỉ là cái “gan” của kẻ võ biền chứ không thể là cái “dũng” của
người tướng “tuẫn tiết” như tấm gương “vị quốc vong thân” của các đấng tiên
liệt Võ Duy Ninh, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Trương Định…
Trái lại từ khi Chủ tịch
Hồ Chí Minh phát lời “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh nước Việt
Nam mới thì trên đất nước này chỉ có một đội quân thật sự từ nhân dân mà ra,
vì nhân dân mà chiến đấu duy nhất. Đội quân khởi đầu từ những chiến sỹ tự vệ
hợp thành các đội du kích, trưởng thành Đoàn Vệ quốc quân, Đoàn Giải phóng
quân và Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay, đi từ thắng lợi phòng vệ buổi
đầu tới thắng lợi cuối cùng là “đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào”, non sông
nước Việt một lần nữa sạch sành sanh bóng quân xâm lược! Không ít chiến sỹ
của đội quân trung thành yêu nước ấy đã ngã xuống trên mọi miền của tổ quốc,
xứng đáng được ghi công và tôn vinh đời đời như những anh hùng liệt sỹ.
Lịch sử Mỹ thừa nhận rằng
Tổng Thống A. Lincoln lệnh cho quy tập 7.000 binh sỹ chết trận của cả hai bên
thắng bại đều được đưa vào chôn xen kẽ trong cùng một khu mộ có tấm bia đề
“Nơi đây là chỗ nằm xuống của tất cả những người vì nước Mỹ” tại Nghĩa trang
quốc gia Arlington, là điều thế gian chưa từng thấy xưa nay. Đó là việc làm
hàm chứa ý nghĩa chính trị lớn xuất phát từ nội tình nước Mỹ đang cần thiết
cất bỏ đi gánh nặng của ý muốn phục thù đặng an dân, ổn định xã hội nhanh
chóng hướng đến việc phát triển đất nước. Nói rằng xuất phát từ tính nhân văn
– nhân bản thì tại sao sau đó những “đồng bào nổi loạn” ở miền Nam vẫn bị
tước quyền bàu cử và những người Cộng hòa cấp tiến vẫn bằng mọi cách khống
chế những kẻ chiến bại ngoan cố và dùng cả vũ lực khi cần? Trải một thời gian
dài hai miền nước Mỹ mới chung nhịp thở và đồng bước song hành. Đặc biệt một
trăm năm sau (1968), hậu duệ những người Phi nô lệ mới hoàn toàn được hưởng
mọi quyền công dân bình đẳng với người da trắng đúng lúc nước Mỹ đang rất cần
có lính quân dịch đưa sang Việt Nam! Và thêm 20 năm nữa (1988)
với những người cầm đầu phe ly khai mới được ân xá về tội lỗi của họ.
Huy Đức khai thác cả
những tiểu tiết vụn vặt trong các sự kiện như là cải tạo và những trại tập
trung, vượt biên, nạn kiều… có nhằm để khuấy động lên những cảm xúc bi thương
uất hận? Thật sự đó là nỗi đau khôn nguôi với từng cá nhân, gia đình vàcũng
là trang sử buồn của đất nước. Tuy nhiên có điều tránh được và cũng có điều
khó tránh. Không thể phủ nhận
rằng cuộc cách mạng nào cũng nhân danh sự công bằng bác ái nhưng bị kích động
cực đoan hoặc vì tư thù hay vụ lợi đã xảy ra không ít điều bất nhẫn, làm mờ
đi cái thiện căn của nó và hằn sâu những hận thù.May thay lịch sử chỉ diễn ra
có một lần!
Nếu như lấy mốc 30/4/1975
để phân định lịch sử Việt Nam hiện đại thì trước đó là vô cùng “khốc liệt” và
sau đó là vô cùng “phức tạp”. Không thể có sự vô tư và công bằng nếu chỉ nêu
ra những lầm lỗi chủ quan một bề mà không xem xét tổng thế những sự kiện
khách quan đưa tới. Rõ ràng là cả hai miền Nam-Bắc trước đó đều sống nhờ vào
nguồn viện trợ “vô tư, phong phú, toàn diện” của các nước lớn bỗng bị cắt
phăng tất tần tật cũng chỉ trong có một ngày! Trong khi những hành động phục
thù như “chuyển lửa về quê hương” diễn ra từ mọi phía! Tiếng súng của cuộc chiến
tranh bản chất là “khủng bố” của những kẻ phản bội đã bắn vào lưng chiến sỹ
ta khi đang hướng vào trận chiến quyết định cuối cùng và tiếp đó lại rộ lên ở
cả hai đầu đất nước! Song hành với chính sách kích động nhân tâm vượt biên và
cấm vận nghiệt ngã kéo dài hàng chục năm càng làm cho dân tình khốn đốn, có
lúc tưởng như là bế tắc. Tất cả đều có người Mỹ làm chỗ dựa. Trong tình cảnh
ấy có ai nghĩ rằng Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội “bình thường hóa quan hệ” với Mỹ
ngay từ năm 1978 chỉ là sự lừa dối nhau thôi. Đô đốc Elmo R. Zumvalt người
từng là tư lệnh Hải quân Mỹ ở Việt Nam
cùng hai con trai đều tham chiến ở Việt Nam. Trung tá James Zumvalt – tác
giả cuốn sách nổi tiếng “Chân trần chí thép” nói thật lòng
rằng: Dù cuộc chiến đã kết thúc nhưng suốt nhiều năm sau đó ông vẫn mang nặng
những định kiến hận thù sâu xa với đối phương. Cho đến năm 1994, khi cùng cha
qua Việt Nam, trong đầu
ông vẫn “luôn có một niềm tin xác quyết rằng trong chiến tranh Việt Nam lực lượng
phi nghĩa đã chiến thắng phe chính nghĩa”! Những phút đầu tiếp xúc với
những người từng là thù địch, trong ông “cơn giận giữ không ngừng dâng lên
và nghĩ rằng lẽ ra họ không được đứng trước mặt tôi với tư cách là người
chiến thắng – bởi đó chỉ là số phận, định mệnh chống lại chúng tôi mà thôi”.
Dù rằng cha ông đã nhận ra sai lầm sớm hơn khi đứa con trai cả của ông bị
chết vì nhiễm chất độc dioxin trong thuốc diệt cỏ mà chính ông là người ra
lệnh làm việc đó. Cuộc tìm hiểu kiên trì gần 20 năm, James qua lại Việt Nam
hơn 50 lần, tiếp xúc với gần 200 nhân chứng là du kích địa phương, bộ đội chủ
lực, từ sỹ quan chỉ huy chiến thuật đến các tướng lĩnh tầm cao chiến lược,
thường dân là nạn nhân chiến cuộc… Cái nhìn về cuộc kháng chiến của người
Việt Nam, về con người Việt Nam với ông đã hoàn toàn thay đổi: “Thật không
may cho người Việt Nam, đất nước họ đã bị nước Mỹ chọn để dựng chiến tuyến
chống cộng sản” và khẳng
định: “Việt Nam chưa bao giờ là mối đe dọa với nước Mỹ. Họ đơn giản chỉ
muốn chúng ta trở về nhà”! Đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với một
nhà báo nước ngoài khi cuộc chiến ở lúc gay go nhất: “Chúng tôi không muốn
là người chiến thắng. Chúng tôi không muốn là anh hùng. Chúng tôi chỉ muốn
điều duy nhất là họ (quân xâm lược Mỹ) cút ngay khỏi đây thôi”! Phải mất
không ít thời gian lên thác xuống gềnh mới gạt bỏ được những rào cản để có
được thời điểm thích hợp thể hiện nhu cầu bình thường hóa quan hệ của cả hai
bên.
Tất nhiên những sai lầm
không nhỏ kéo dài trong việc quản lý kinh tế, tổ chức xã hội… càng làm cho
những khó khăn thêm chồng chất nặng nề hơn mà nạn nhân của nó không phân biệt
bất kỳ ai đang sống trên mảnh đất chưa nguôi khói bom và nhiễm đầy hóa chất này.
Ai đó nói rằng sau 30 tháng Tư “hàng triệu người sung sướng thì cũng có hàng
triệu người đau khổ” (!) là quay lưng lại với những người từng che chở cưu
mang họ khi còn trứng nước. Hòa bình đến với mọi nhà. Ngoài những ông quan
mới, nhân dân cả nước không trừ ai vẫn trong cảnh khốn khó trăm bề bởi đủ thứ
di họa của chiến tranh đặc biệt là nhân dân vùng căn cứ kháng chiến và những
người từng hết lòng khi đất nước gian lao. Nước Mỹ thời sau nội chiến từng
lâm vào cảnh: “Toàn bộ cuộc sống chỉ là làm thế nào để khỏi chết”! Từ lời gợi
ý của TBT Nguyễn Văn Linh: “Mỗi người hãy tự cứu lấy mình!” ta có thể suy ra
bối cảnh xã hội Việt Nam
lúc đó ra sao? Một Đại tá nguyên là sỹ quan an ninh quân đội Sài Gòn, sau 12
năm cải tạo được trở về kể chuyện như sau: “Ngày ra trại cùng lúc được trả
quyền công dân nghĩa là hai bên bình đẳng. Chúng tôi tới chào ban quản giáo.
Dù sao ở lâu thì cũng có chút tình, thay mặt anh em tôi tỏ lời cảm ơn và nói
thật rằng: Đời sống của anh em chúng tôi so với trước đây thì quá khổ là lẽ tất
nhiên rồi nhưng so với các anh thì chưa chắc ai khổ hơn ai! Anh trưởng trại
đáp nửa chơi nửa thật rằng: Rất mong cấp trên sớm giải quyết xong chuyện này
cho chúng tôi được thoát nợ! Thực ra thì các anh tù trong còn chúng tôi tù
ngoài mà lại còn phải lo bao nhiêu là trách nhiệm”.
Huy Đức khéo chắp nối
những sự kiện khác nhau trong những điều kiện lịch sử khác nhau cố ý làm lệch
lạc cái nhìn của người đọc và làm giảm đi ý nghĩa to lớn rất đáng tự hào của
toàn dân tộc. Anh ví “cuộc chiến được gọi là giải phóng đã mở mắt cho người dân
miền Bắc” hoặc là: “Nói miền Bắc giải phóng miền Nam
nhưng thực ra là miền Nam
đã giải phóng cho miền Bắc”! Một cách chơi chữ để chuyện nọ xọ chuyện kia lẫn
lộn! Trong khi tổ chức chiến tranh và xây dựng kinh tế là hai lĩnh vực trái
chiều nhau dù rằng mục đích cuộc chiến tranh giải phóng là để có hòa bình ổn
định đặng mà xây dựng. Đặc biệt ở Việt Nam việc xây dựng một xã hội hoàn
toàn mới lạ cùng những quy luật riêng của nó phụ thuộc không ít vào biến động
của thế giới, đúng sai thế nào hậu hồi phân giải! Chẳng hạn như chuyện “một
đất nước hai chế độ” cũng xảy ra trong hoàn cảnh thế giới đã có nhiều thay
đổi và có lẽ chỉ Trung Quốc mới dám làm và hậu hồi ra sao còn phải chờ xem.
Ngày 30/4/1975, khi người con gái TBT Lê Duẩn chạy về báo tin cho cha, thấy ông
một mình ngồi lặng trong phòng đang ứa trào ra nước mắt! Trong nỗi vui đến
bàng hoàng của toàn dân tộc, Huy Đức đế vào: Giá như không có sự kiện ngày
19/4/1974 (ngày quân Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa) thì coi
như chiến thắng này là trọn vẹn kể từ khi hoàng đế Gia Long mở mang bờ cõi!
Nhà báo Huy Đức có cố tình quên đi lịch sử?! Đúng là chín đời chúa Nguyễn có
công mở mang bờ cõi. Nhưng đến lúc sa cơ, sau khi dẫn mấy vạn quân Xiêm về
dày xéo phương nam nơi tổ tiên mình mở mang bờ cõi, bị Nguyễn Huệ đánh
cho tan tác, lãnh chúa Nguyễn Ánh đã giao đứa con 5 tuổi cho viên giám mục
tây Bá-đa-lộc (Pigneau de Béhaine) làm đại diện cho mình qua cầu viện Pháp
hoàng, ký bản giao ước năm 1787 đại lược rằng: Để đổi lấy vũ khí và viện binh, Chúa
lưu vong cắt đứt Hội An và đảo Côn lôn cho Pháp kèm theo lời hứa sẽ là nguồn
cung cấp binh lính và lương thực khi nước Pháp cần qua đánh ở phương đông,
đồng thời để cho nước Pháp độc quyền ra vào buôn bán và hàng năm nộp cống vật
là một chiếc tàu như Pháp đã cho! Nếu như không có chuyện vua Louis XVI và
hoàng hậu Maria Antoinnette cùng đám bảo hoàng bị cách mạng Pháp 1789 treo
cổ, thỏa ước trên được thực thi thì như một sử gia Pháp nhận định: “Có lẽ
nước Pháp đã hoàn thành cuộc bảo hộ ở An Nam từ 100 năm trước, khiến cho về
sau khỏi phải dùng đến sự chiến tranh mới xong công việc”! Đến đời Tự Đức
và các vua kế nghiệp phát triển thảo ước của tổ vương xưa bằng những hiệp ước
1862, 1874, 1884 đã dần để mất nước! Việt Nam bị xóa tên trên bản đồ thế
giới! Người ta chỉ còn biết đến một vùng lãnh thổ Đông Pháp nằm giữa biển Ấn
Độ–Trung Hoa mang cái tên Indochine (Đông Dương) lạ lẫm. Trải hàng thế kỷ với
xương máu của bao nhiêu thế hệ con Lạc cháu Hồng mới từng bước thu hồi lại
giang sơn để quốc danh Việt Nam
được sáng ngời lên. Còn chuyện mấy hòn đảo giữa trùng khơi xảy ra trong điều
kiện lịch sử rất là đặc biệt. Để đáp lại tuyên bố của Quốc vụ viện nước CHND
Trung Hoa về hải phận, trong công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ngày
14/9/1958 nói rõ ràng: “Triệt để tôn trọng hải phận 12 hải lý của Trung Hoa
trong mọi quan hệ với nước CHND Trung Hoa trên mặt bể”, tuyệt nhiên không có
từ nào công nhận quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Hoa. Và
ngay khi kết thúc chiến tranh, TBT Lê Duẩn qua Trung Quốc để cảm ơn sự giúp
đỡ to lớn hữu hiệu của người anh em, cũng đề cập ngay tới việc thu hồi quần
đảo Hoàng Sa. Rất là nhất quán! Những ai theo dõi thời cuộc đều hiểu rằng
những quốc gia có biển đảo đều xảy ra sự tranh chấp do lịch sử đẻ ra và cũng
chỉ lịch sử giải quyết được thôi. Chẳng lẽ đó gọi là “tay nghề lão luyện” của
một nhà báo?!
Ngay trang đầu, Huy Đức
mượn câu: “Suy cho cùng trong mỗi cuộc chiến tranh bên nào thắng thì nhân dân
đều bại!” của một nhà thơ như tiêu chí của tập sách này? Thực ra đó là cách
nói “nhái ý” của một nhà văn phương tây cách nay đã hai thế kỷ: “Không có
cuộc chiến tranh nào gọi là chiến thắng với các bà mẹ mất con!”. Tuy nhiên
trong chiều dài lịch sử nhân loại vẫn diễn ra những cuộc chiến tranh và sự xả
thân cao thượng vì nghĩa lớn vẫn sáng ngời lên càng làm vững nền tảng đạo đức
con người để không thành con vật!
Huy Đức không phải là
“nhà báo nổi tiếng” nhưng anh được trong giới biết tiếng giỏi dùng nghề kiếm
tiền. Tuy nhiên “chơi dao sắc có ngày đứt tay”. Ai cũng biết Hà Tĩnh quê
hương Huy Đức là một xứ nổi tiếng nghèo mà cũng nổi tiếng thời nào cũng có
văn nhân hào kiệt và phong trào chống ngoại xâm cực kỳ oanh liệt cả nước tự
hào. Hẳn nhiên trong đó cũng có sự đóng góp của bà con thân tộc dòng họ
Trương của anh. Khi mượn lời thơ của người đồng nghiệp Đỗ Trung Quân, Huy Đức
nhằm ý khác mà xem ra nó vận chính vào anh:
“Những đứa con tự nhận
mình trong sạch
đang nói về quê
mẹ của mình
như kẻ ngoại nhân!”
Đã đăng
trên Tuần
báo Văn nghệ TPHCM
Số 244
thứ năm ngày 07 tháng 3 năm 2013
(Có bổ sung chỉnh sửa)
Theo Blog Đông
La
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét