09:13
Nghịch lý vàng - tiền
Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng có hai mục tiêu. Mục tiêu trước
mắt là bình ổn, tránh những cơn sốt nóng, cơn hạ nhiệt, đảm bảo giá thị
trường phù hợp với giá thế giới.
Đây là mục tiêu
đúng và rất cần thiết. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện Nghị định 24 thành
hai giai đoạn. Giai đoạn đầu là bình ổn theo nghĩa đảm bảo nguồn cung, còn
yêu cầu phù hợp với giá vàng thế giới, bao gồm cả động thái lên, xuống cũng
như mức sát giá thì bản thân NHNN cũng thừa nhận là chưa được.
Vấn đề này,
theo NHNN có một lý do khách quan: Hiện nay, nhu cầu của thị trường rất lớn,
nếu đảm bảo sát giá, Nhà nước sẽ phải bỏ ra một lượng ngoại tệ rất lớn để
nhập khẩu vàng, và việc này sẽ gây thâm hụt ngoại tệ.
Hơn nữa, về góc
độ lợi ích nhà nước, đây là cơ hội để tăng thu cho ngân sách, bởi mỗi một
phiên đấu thầu trên dưới một tấn vàng, lãi được khoảng 100 tỷ đồng. Rõ ràng,
trong bối cảnh ngân sách đang căng thẳng thì đây là nguồn thu tốt.
Tuy nhiên, cũng
có hai yếu tố gây bức xúc trong xã hội. Một là từ phía các ngân hàng thương
mại (NHTM). Trước đây, NHNN cho phép các NHTM huy động, kinh doanh vàng một
cách hợp lệ, trong giả định giá vàng trong nước và thế giới liên thông. Bây
giờ, NHNN đột ngột không cho các NHTM làm nữa và độc quyền, khiến các NHTM bị
thiệt hại.
Thiệt hại này
được NHNN cho là các NHTM phải trả giá vì trước đây đã có lời. Phía người dân
cũng có hai nhóm chịu tác động, nhưng nhóm thiệt nhiều hơn phải mua vào giá
cao trong khi có rất ít người bán ra, khác với việc NHNN nói giữ giá cao để
bán giá cao. Cho nên, nói như NHNN là một cách, nhưng chưa phân biệt rõ các
nguyên nhân cũng như lợi ích mang tính hợp lý.
Việc thực hiện
các giải pháp của Nghị định 24 mang lại hai cái lợi nhất định. Thứ nhất, giúp
việc kinh doanh vàng giảm xuống và những cơn sốt nóng, cơn hạ nhiệt cũng ít
hơn. Người ta không còn coi vàng là thứ để kinh doanh như trước nữa. Chuyện
những bà nội trợ mua đi bán lại một vài chỉ vàng bây giờ hầu như không còn.
Điều này, về
góc độ ổn định là chấp nhận được trong bối cảnh hiện nay. Thứ hai, nó tạo ra
nguồn thu ngân sách bổ sung trong bối cảnh xuất hiện những tình huống ngoài
dự kiến liên quan đến dự trữ ngoại tệ.
NHNN có thể
biện bác về một nguồn nhập nào đấy, nhưng nếu tiếp tục dùng ngoại tệ mua vàng
về để bán, nguồn ngoại tệ dự trữ chẳng mấy chốc sẽ hết. Trong tương lai, nếu
tiếp tục độc quyền, NHNN có thể phải bán buôn vàng bằng ngoại tệ mới có nguồn
ngoại tệ để cân đối ngoại hối, nếu không sẽ gây mất cân đối và điều này rất
nguy hiểm.
Các giải pháp
này ngoài việc chưa đạt được mục tiêu đề ra, còn gây hai hệ lụy lớn. Thứ
nhất, rủi ro chính sách. Người mua vàng bị mua với giá đắt trong bối cảnh vừa
bị dồn ứ về tổng cầu, vừa bị độc quyền sàn đấu giá cao, nên có thể lỗ lớn.
Thứ hai, nó gây
ra sự bức xúc cho thị trường khi NHNN vừa ra lệnh về các thủ tục, vừa nhập
khẩu vàng và độc quyền về giá. Điều này vi phạm chính những nguyên tắc về
quản lý và quản trị kinh doanh, gây mất uy tín nhất định về mặt chủ trương
chính sách, về sự thiếu nhất quán cũng như độ ổn định của chính sách, bởi hầu
hết các can thiệp đều mang tính chất hành chính.
Thị trường vàng
là thị trường đặc biệt, cho nên cần xem nó như một dạng thị trường hàng hóa
đặc biệt, vì nó có nửa tính chất tiền, nửa tính chất hàng.
Một điểm nữa,
nó có thể gây ra sự mập mờ về chính sách, thậm chí là "cái nôi" để
tham nhũng, bởi nó gắn với hai chi tiết. Một là, NHNN cho phép tạm xuất, tái
nhập vàng của người dân gửi một cách không rõ ràng. Thứ hai, ra lệnh không
điều tra về vàng và điều này đã được Chính phủ chấp thuận. Như vậy, dòng vàng
luân chuyển rất bí mật. Những việc tạm xuất, tái nhập không có kiểm tra, giám
sát có thể gắn với lạm dụng, bao gồm lạm dụng để buôn lậu vàng, lạm dụng để
tiếp tục huy động vàng mà không ai cấm được, bởi vàng được coi như đồng tiền
quốc gia. Đây là kẽ hở rất lớn.
Một câu hỏi lớn
được đặt ra, với những chính sách, giải pháp đã và đang thực hiện về thị
trường vàng trong tương lai có đạt được mục tiêu đề ra không. Nhìn vào thực
tế, điều này phụ thuộc vào hai yếu tố chính. Một là, bối cảnh thế giới và thị
trường vàng thế giới.
Hai là, những
quyết sách của Chính phủ. Nếu như những quyết sách của Chính phủ không thay
đổi, chắc chắn thị trường vàng sẽ biến đổi theo hướng Nhà nước vẫn độc quyền
và thương hiệu vàng SJC vẫn là thương hiệu chi phối.
Như vậy, lợi
thế và giá cả khó sát với giá thế giới, chênh lệch không phải là 400 ngàn
đồng/lượng như NHNN đã từng hứa, mà sẽ là trên 1,5 triệu đồng/lượng.
(Theo DNSG) TS. Nguyễn Minh Phong
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét