07:03
Hiến pháp còn bốn
vấn đề lớn có ý kiến khác nhau
TTO -
Tiếp tục chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ sáu của Quốc hội, sáng
nay 28-9, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ
(TP Hà Nội).
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các cử tri
quận Tây Hồ - Ảnh: Nguyễn Khánh
Tại cuộc tiếp xúc cử tri này, Tổng bí
thư cho biết trong kỳ họp sắp tới Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận, xem xét
thông qua dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Đây là văn kiện chính trị pháp lý
quan trọng nhất sau cương lĩnh của Đảng, là đạo luật gốc.
Theo Tổng bí thư, đến nay còn lại bốn
vấn đề lớn trong nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Đầu tiên, xung
quanh thành phần kinh tế, có hai phương án. Một phương án
xác định nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với
nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, các thành phần kinh tế đều
là bộ phận cấu thành của nền kinh tế và bình đẳng trước pháp luật, trong đó
kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Phương án còn lại khác ở chỗ không có
câu “kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo”.
Tổng bí thư nói tuyệt đại đa số đang
tán thành với phương án khẳng định kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo, vì
chúng ta đang xây dựng CNXH, kinh tế nhà nước đang có yếu kém, đang có “bệnh
tật” nhưng không phải là chủ đạo thì sẽ ra sao?
Liên quan đến
Luật đất đai và việc thu hồi đất, giá cả đền bù giải phóng mặt bằng, vừa qua 70%
khiếu kiện về đất đai là từ chuyện giá cả thu hồi. Đất đai là sở hữu toàn
dân, giao Nhà nước thống nhất quản lý.
Việc thu hồi đất chỉ trong trường hợp
phục vụ cho công việc quốc gia, công việc quốc phòng, công việc công cộng và
phát triển kinh tế xã hội. Hiện ý kiến khác nhau ở chỗ có ghi là “phát triển
kinh tế xã hội” hay không. Sợ rằng có câu ấy thì mai đây thu hồi tùy tiện, giao
cho các doanh nghiệp, nhưng nếu không khẳng định việc phát triển kinh tế xã
hội thì làm sao có thể thu hồi đất để xây dựng những công trình quốc gia,
những khu công nghiệp lớn.
Vấn đề thứ ba
xung quanh chính quyền địa phương. Nhiều cử tri quan
tâm chính quyền địa phương có HĐND hay không, nhưng nơi không có HĐND
thì ai kiểm tra, giám sát. Ở đây không chỉ là vấn đề có HĐND hay không, mà
còn nội dung về xây dựng chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn, chính
quyền hải đảo, vấn đề đặc khu kinh tế. Hiện nay đang xây dựng một số đặc khu
kinh tế hành chính như Vân Đồn ở Quảng Ninh, Vân Phong ở Khánh Hòa, Phú Quốc
ở Kiên Giang.
Tổng bí thư nói: “Cũng còn hai loại ý
kiến, đó là quy định thẳng vào trong Hiến pháp, nói rõ chính quyền các cấp
thế nào, địa phương thế nào để tránh tùy tiện. Nhưng bây giờ chúng ta còn
đang thí điểm, chưa tổng kết. Vấn đề chính quyền đô thị thì TP.HCM đang xin
làm thí điểm, một số đặc khu kinh tế hành chính chưa ra đời, chưa có kinh nghiệm,
nếu mà ghi cứng vào trong Hiến pháp thì tự ta bó tay mình. Cho nên cũng có
khuynh hướng đề xuất ghi vào Hiến pháp theo hướng về chính quyền địa phương
để cho luật sau này quy định. Đa số thiên về ý trong Hiến pháp phải có một
câu về định hướng, còn lại giao cho luật quy định.
Vấn đề thứ tư
là có thành lập Hội đồng Hiến pháp hay không. Việc thành lập
hội đồng để bảo vệ pháp luật thì ai cũng tán thành, đã sinh ra quyền lực thì
phải có cơ chế kiểm soát quyền lực. Hiến pháp là tối thượng thì phải có cơ
chế bảo vệ pháp luật, nhưng tổ chức cơ chế như thế nào? Các nước có tòa án
hiến pháp, nhưng các nước là đa đảng, chúng ta chỉ có một đảng lãnh đạo, hệ
thống chính trị không tam quyền phân lập. Quốc hội nước ta là cơ quan quyền
lực nhà nước cao nhất. Lâu nay đã có Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy
ban pháp luật, Ủy ban tư pháp… đều tham gia giám sát về mặt luật pháp,
bây giờ lập một cơ quan độc lập thì ai đứng trùm lên Quốc hội. Còn nếu lập ra
cơ quan vẫn trực thuộc Quốc hội, chỉ để làm tư vấn thì không cần vì hiện đang
có rồi.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét