Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

14:45

 GS Nguyễn Lân Dũng:

Đáng tiếc cho ai chưa đọc sách của Huyền Chip


“Cuốn sách của Huyền Chip ngồn ngộn thông tin, không những thế em còn viết rất tự nhiên mà nhiều nhà văn khi đọc xong tôi tin cũng sẽ phải giật mình”, GS Nguyễn Lân Dũng chia sẻ.
Ngày 19/9, tại Hà Nội, Huyền Chip, cô gái 9X xách ba lô đi du lịch hơn 20 nước đã có buổi ra mắt tập 2 cuốn sách Xách ba lô lên và đi trước những luồng dư luận trái chiều xoay quanh thực hư của chuyến đi này.

Bên lề buổi họp báo ra mắt sách của Huyền Chip, phóng viên Infonet đã có cuộc trò chuyện với GS Nguyễn Lân Dũng.

Thưa GS, gần đây Huyền Chip đang là một cái tên đang hot trong giới trẻ. GS có biết gì về hiện tượng này không?

Huyền Chip là cô bé năm nay mới 23 tuổi nhưng đã có một hành trình qua 25 nước. Ngay khi tập 1 của Huyền Chip kể về hành trình của mình, tôi đã đọc và còn có bài giới thiệu trên blog tiếng việt (blog có số lượng hơn 400.000 blogger) và họ đều hết sức cảm động. Cách đây mấy ngày Huyền Chip có tặng tôi tập 2 của Xách ba lô lên và đi, tôi đã đọc hết và thấy càng cảm động hơn. 

 


Bởi Châu Phi khác với Châu Á, Châu Á thì là nước Chip ít nhiều đã biết đến. Huyền Chip đi Châu Phi mà trong đầu không có thông tin gì cả, ngoài những thông tin xấu, đói khổ, cướp giật, hạn hán… Huyền Chip dám đi, mà đi với số tiền - như các bạn biết - rất ít.

Huyền Chip đã tự kiếm việc làm giữa những khó khăn đe dọa như có những nơi không có điện, nước, người dân không nói được tiếng Anh, thậm chí cướp bóc… Huyền Chip không ngần ngại. Phải nói Huyền Chip đầy tự tin, dũng cảm, thông minh để vừa làm việc, vừa kiếm sống, vừa đi.

Cảm nhận của GS về cuốn sách này như thế nào?

Với tư cách người đọc khi đọc một cuốn sách thì phải nhận được thông tin gì đó (người ta gọi là bit). Có thể bit đó là sự kiện, bit đó là tấm lòng, là tình cảm. Nhưng hiện nay tác phẩm không có bit nào rất nhiều trên giá sách, vì không thiếu người cứ ngồi trong phòng tự tưởng tượng ra và tự viết, nhất là các bạn trẻ.

Ngược lại sách của Huyền Chip đầy ắp thông tin. Cô bé viết rất tự nhiên, không uốn éo, nghĩ gì viết nấy, có những câu văn mà tôi nghĩ là các nhà văn không viết nổi bởi vì họ không có thông tin, không có thực tiễn cuộc sống của giới trẻ.

Tôi cũng rất khâm phục Huyền Chip, quãng đường khó khăn như thế, Huyền Chip không ghi âm mà cũng viết lại đầy đủ, chi tiết như vậy. Chứng tỏ em có trí nhớ rất tốt. Đọc thông tin Huyền Chip viết ra cũng giống như chúng ta đang được đi du lịch vậy.

Đọc xong cuốn này, tôi có cảm giác các nhà văn, nếu nói hơi quá là phải thấy xấu hổ, nói đúng hơn là phải thấy tủi thân.

Chi tiết nào GS thấy ấn tượng nhất ở cuốn sách này?

Phải nói rằng, Huyền Chip biết dựa vào Couch Surfing (trang web kết nối những người sống ở địa phương và dân du lịch ba lô) và với các tình nguyện viên, họ họ sẵn sàng chia sẻ chỗ ở, chỗ ăn, nhưng cũng rất nguy hiểm. Chi tiết khiến tôi rùng mình nhất là chi tiết cô ngủ chung giường, chung phòng với một anh thanh niên cao to, đẹp trai. Cô ấy đã thuyết phục anh ta nghiêm túc và thành công.

Nhưng khi tôi hỏi: “Nhỡ anh ta tấn công thì cháu làm thế nào?”, Huyền Chip tỉnh bơ mà rằng: “Thì cháu sẽ đánh lại”. Với một bậc phụ huynh, có lẽ không ai dám cho con mình làm điều như thế. Nói thật, với người lớn tuổi như tôi, tôi quá khâm phục cô bé mới hơn 20 này.

Và điều quan trọng nữa đọc xong cuốn sách, ta thấy mình lớn lên. Bản thân tôi năm nay 76 tuổi rồi mà cũng thấy lớn lên vì đó là những trải nghiệm thật, con người thật, cuộc sống thật không giấu giếm của cô bé 21 tuổi khi đang hành trình trên đất châu Phi. Quá cảm động. Thật đáng tiếc cho những ai chưa đọc cuốn sách này.

 


GS có để ý xung quanh cuốn sách của Huyền Chip có nhiều luồng dư luận trái chiều? Thậm chí nhiều người còn cho rằng Huyền Chip bịa đặt?

Tôi rất tiếc khi Huyền Chip bị ném đá. Đó là những người thiếu lòng tin. Người ta cho rằng Huyền Chip bịa, tôi cho là không thể bịa. Tôi tin Huyền Chip nói thật, trải nghiệm của cô bé là có thật. Người ta cho rằng Huyền Chip xui dại giới trẻ vào chỗ nguy hiểm, không phải. Có ai xui ai đâu, mà xui cũng chả được.

Dễ gì được như Huyền Chip, dễ gì có tiếng anh tốt như Huyền Chip, dễ gì có năng lực sống như Huyền Chip khi ở châu Phi cô dám ăn thịt bò sống chấm muối ớt như người bản địa…? Huyền Chip không xui ai làm những việc như cô vì muốn cũng không dễ mà làm được.

Ở đây, tôi nghĩ đơn giản Huyền Chip muốn nói với các bạn trẻ rằng hãy tự tin, hãy dám làm điều mình nghĩ với khả năng nào đó. Như tôi thấy Huyền Chip thừa khả năng vào Đại học nhưng cô đã tạm dừng việc học, thực hiện ước mơ “vòng quanh thế giới” của mình.

Huyền Chip cũng tâm sự với tôi rằng cô sẽ chọn một trường nước ngoài để sắp tới sẽ học Đại học. Tôi hỏi: “Thế cháu lấy đâu tiền để học ở nước ngoài”, Huyền Chip tự tin: “Cháu kiếm học bổng”. “Thế Huyền Chip có đủ tiếng Anh chưa?”. Tôi rất bất ngờ khi Chip trả lời: “Cháu vừa dịch tập 1 cuốn sách ra tiếng Anh”.

Riêng điều đó tôi đã quá phục bởi vì dịch một cuốn sách không phải dễ với một người chưa hề học ở nước ngoài. Hơn nữa tôi còn ngạc nhiên hơn khi giờ Huyền Chip còn nói được cả tiếng Tây Ban Nha, tôi hỏi sao Huyền Chip nói được, cô bé giải thích, bởi vì chuyến đi Nam Mỹ vừa rồi không ai nói được tiếng Anh, nên cô buộc phải học tiếng Tây Ban Nha để có thể giao tiếp với người dân ở đó.

GS có e ngại rằng liệu khi đọc xong cuốn sách này của Huyền Chip, giới trẻ sẽ đua nhau xách ba lô và đi và có thể sẽ phải lao đầu vào chỗ chết?

Tôi không tin là đọc xong sách của Huyền Chip, các bạn trẻ sẽ xách ba lô lên đi hết và lao đầu vào chỗ chết đâu. Các bạn phải tự đặt câu hỏi các bạn đã giỏi tiếng Anh chưa, các bạn có đủ lòng can đảm, nghị lực phi thường chưa? Các bạn có đủ một số nghiệp vụ cần thiết để kiếm việc làm hay chưa?...

Vâng, xin cảm ơn GS! 
                                        (Theo Infonet) T.Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét