08:01
Thiêng
liêng hai tiếng "đồng bào"
QĐND - “Tôi nói
đồng bào nghe rõ không?…”. Câu hỏi như một lời tâm tình ấm áp thiết tha của
Bác trong buổi sáng Ba Đình 68 mùa thu trước, vẫn văng vẳng bên tai mỗi người
con đất Việt hôm nay và mai sau, nhất là mỗi độ thu về. Trong bản Tuyên ngôn
Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam), hai tiếng “đồng bào” được Bác nhắc đến với tất cả tình
cảm thiêng liêng cao quý.
Những ngày này xem truyền hình, đọc báo
và lên internet, đâu đâu chúng ta cũng thấy sáng bừng hình ảnh Bác Hồ cùng
những dòng chữ trích từ bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 được in trang
trọng ngay trang nhất và trên phần chính giao diện các trang tin điện tử,
cộng đồng mạng xã hội facebook, blog... Thật cảm động khi được xem lại những hình
ảnh, thước phim tư liệu về buổi sáng mùa thu 68 năm trước. Những người chứng
kiến thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy, giờ đây nhiều người đã về cõi thiên
thu. Những em bé thơ ngây với nụ cười hồn nhiên trong trẻo trong ngày lễ
trọng đại ấy, bây giờ cũng đã thuộc lớp người “cổ lai hy”.
Gần 7 thập kỷ đi qua, mỗi năm người dân
cả nước và kiều bào khắp nơi trên thế giới lại có một khoảng thời gian
bồi hồi rạo rực sống trong không khí của ngày lễ Quốc khánh. Đó là thời khắc
để mỗi người dân con Lạc, cháu Hồng ngoái nhìn quá khứ, soi rọi và chiêm
nghiệm về những giá trị của độc lập, tự do và chủ quyền thiêng liêng của dân
tộc để bồi đắp tinh thần yêu nước, làm đầy thêm nghĩa đồng bào.
Những ngày này, trên khắp đất nước, từ
thành phố đến làng quê, trước mỗi căn nhà, trụ sở, trên mỗi con đường… đều
rực rỡ màu cờ đỏ sao vàng phấp phới. Treo cờ Tổ quốc trong các dịp lễ, Tết
không chỉ là nghi thức thiêng liêng mà thực sự đã trở thành nghĩa cử, tình
cảm tự giác từ mỗi trái tim. Thế hệ trẻ của đất nước hôm nay, những chàng
trai, cô gái 8X, 9X, 10X… tuy không có những trải nghiệm tự thân về quá
khứ để cảm nhận hết những cảm xúc của lớp người đi trước khi Bác Hồ tuyên
ngôn với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự
thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem
tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do,
độc lập ấy”, nhưng ai cũng hiểu cái giá của tự do, độc lập phải trả
bằng xương máu của đồng bào, chiến sĩ lớn lao đến đâu, giá trị của một dân
tộc có tự do, độc lập vĩ đại đến thế nào!
Sáng nay, anh bạn từ Trường Sa gọi điện
thoại háo hức kể về lễ chào cờ kỷ niệm ngày Quốc khánh trong không khí của
bài nhạc Quốc ca hùng tráng, dưới bóng cờ Tổ quốc tung bay trên mặt biển biếc
xanh. Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, nơi đô thị náo nhiệt nhịp sống công
nghiệp hay bên mâm cơm ấm tình ruột thịt của mỗi gia đình… đều dậy lên trong
ta những cung bậc tình cảm tôn kính, tự hào.
Hòa cùng dòng người xênh xang váy áo
muôn màu, tay nâng niu những lá cờ đỏ thắm tiến về trung tâm thành phố mang
tên Bác dự lễ mít tinh, vui ngày hội lớn, ngước nhìn hình ảnh Bác trên cao
tươi cười vẫy tay chào đồng bào; ngỡ như Bác vẫn còn đây, vừa đến đây để thỏa
lòng đồng bào miền Nam "mong đợi một ngày Bác sẽ vô thăm”… Thật xúc động
khi trong dòng người đứng nghiêm trang chào cờ Tổ quốc, có cả những bạn trẻ
nước ngoài đang theo học chương trình tiếng Việt tại Đại học Quốc gia TP Hồ
Chí Minh. Khi giao lưu với sinh viên Việt
Rời lễ mít tinh trở về nhà, tôi gặp cụ
Thính ở cùng khu phố. Cụ Thính tuổi ngoại bát thập, đảng viên từ kháng chiến
chống Pháp. Cụ là người tinh thông Nho học, ham đọc sách báo, thường lấy
những điều hay, lẽ phải đọc được trong sách để dạy con cháu về lẽ sống nên
được bà con khu phố luôn nể trọng. Sang nhà tôi chơi, cụ kể, đảng viên
trong khu phố vừa họp chi bộ. Cuộc họp nóng lên bởi nhiều đảng viên bày tỏ
thái độ bức xúc trước những thông tin trên báo chí những ngày vừa qua. Nào là
chuyện lãnh đạo nhiều doanh nghiệp công ích ở thành phố nhận lương “khủng”,
nào là chuyện tiêu cực trong ngành này, cấp nọ. Rồi cả chuyện nguy cơ xảy ra
một cuộc chiến tranh ở Xy-ri… Cụ đã góp ý với chi bộ rằng, là đảng viên, quan
tâm đến thời cuộc, bày tỏ thái độ bức xúc trước những mặt trái, tiêu cực
trong Đảng là đúng, nhưng điều quan trọng cần làm là hãy tập trung giải quyết
tốt những yếu kém, khuyết điểm trong chi bộ mình, ở khu phố mình đã, chứ
không nên hùa theo dư luận để nói kiểu a dua, bày tỏ quan điểm cực đoan,
thiếu tinh thần xây dựng. Bà con khu phố đang bức xúc chuyện thanh niên
nghiện ma túy, nạn trộm cắp, cướp giật, lấn chiếm lòng lề đường vi phạm trật
tự an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường… Đó là những việc liên quan thiết
thân đến cuộc sống người dân, đội ngũ cán bộ đảng viên phải gương mẫu, trách
nhiệm góp phần giải quyết. Xây dựng Đảng mạnh từ chi bộ, từ mỗi đảng viên là
phải bắt đầu từ những việc làm gần gũi, thiết thực ấy. Nghe cụ nói, chi bộ
rất đồng tình.
Đất nước có tự do độc lập đã 68 năm
nhưng phần lớn trong khoảng thời gian ấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ,
cả dân tộc ta phải liên tục đương đầu với các cuộc chiến tranh đánh đuổi thực
dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ toàn vẹn chủ
quyền lãnh thổ. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, kiến thiết đất nước sau
chiến tranh đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian, trí tuệ và sức lực của cả
dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong hành trình gian nan ấy, đâu đó trong
đời sống xã hội và cả trong bộ máy chính trị của Đảng, đã bộc lộ những hạn
chế, yếu kém, tiêu cực… làm giảm sút niềm tin của nhân dân. Những đảng viên
kiên trung không khỏi buồn lòng trước những biểu hiện “tự diễn biến” của một
số người từng là đồng chí, đồng đội một thời chung chiến hào khói lửa trong
chiến tranh. Trong cuộc sống hôm nay, dù đã được hưởng không ít vinh quang, dù
đã ở tuổi “gần đất xa trời” nhưng lại mơ hồ, ảo tưởng, quay lưng với lý tưởng
mà mình đã theo đuổi đến gần trọn cuộc đời. Với bản chất của một Đảng cầm
quyền, Đảng ta đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, tự đổi mới, hoàn
thiện để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu. Đội ngũ đảng viên kiên
trung luôn có lòng vị tha, nhân ái để giúp những người đi lầm đường lạc lối
biết tu chỉnh bản thân, trở về với lẽ phải. Đảng tự nhìn lại mình để xốc lại
đội ngũ, giữ vững vai trò tiên phong, đủ sức lãnh đạo toàn dân kiên định con
đường đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện thành công mục tiêu dân giàu, nước
mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh trong môi trường hội nhập. Hơn ai hết,
những người đã xả thân trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, giành
lại độc lập, tự do, thống nhất đất nước đều thấu hiểu sâu sắc rằng, chỉ có
giữ vững ngọn cờ tiên phong của Đảng thì nền độc lập, tự do, toàn vẹn chủ
quyền lãnh thổ đất nước mới được bảo đảm bền vững, trường tồn.
Sớm mai nay đi trong nắng thu vàng, tôi
lại nhớ độ này năm ngoái được gặp gỡ, tiếp xúc với các trí thức kiều bào về
thăm quê. Tôi đã trò chuyện với một giáo sư nổi tiếng, nhà nghiên cứu văn hóa
hàng đầu trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Sau hơn 50 năm dồn tâm
huyết nghiên cứu, bảo tồn, quảng bá giá trị văn hóa dân tộc Việt ra thế giới,
ông đúc kết rằng một trong những nhân tố cốt lõi làm nên bản sắc văn hóa,
truyền thống dân tộc Việt Nam chính là giá trị thiêng liêng của hai tiếng
đồng bào. Truyền thuyết về Mẹ Âu Cơ, Cha Lạc Long Quân với cái bọc trăm trứng,
nở ra trăm con thể hiện khát vọng đoàn kết, hòa hợp dân tộc, tinh thần yêu
thương đùm bọc lẫn nhau của muôn dân. Đoàn kết thống nhất toàn dân là bài học
thành công trong dựng nước và giữ nước ở mọi thời đại. Lời dạy của Bác kính
yêu: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết / Thành công, thành công, đại thành
công!” là sự khẳng định tiếp nối truyền thống, khát vọng ngàn đời của tổ
tiên, cha ông trong thời đại Hồ Chí Minh.
Như một lẽ tôn kính tự bao đời, mỗi lần
đến dịp lễ, Tết hay sự kiện trọng đại của đất nước, chúng ta lại thành kính
hướng về cội nguồn bằng những nén tâm nhang tri ân. Trong niềm vui kỷ niệm lễ
Quốc khánh 2-9, thêm một lần chúng ta ghi nhớ công ơn và những lời dạy của
Bác để khắc cốt ghi tâm nghĩa đồng bào, tình đồng chí, dâng Mẹ Âu Cơ trọn vẹn
tấm lòng thơm thảo hiếu trung. Với ý nghĩa và giá trị văn hóa cội nguồn linh
thiêng ấy, đồng bào Việt luôn hướng về một mối để giữ vững độc lập tự do,
toàn vẹn lãnh thổ đất nước mà tổ tiên đã khai lập tự ngàn đời.
Tùy bút của
PHAN TÙNG SƠN (Báo Quân đội)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét