Thứ Hai, 2 tháng 9, 2013

07:00

Từ Lễ đài Ðộc lập đến Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lễ đài tại Quảng trường Ba Ðình ngày 2-9-1945.               Ảnh tư liệu 
Lễ đài tại Quảng trường Ba Ðình ngày 2-9-1945.               Ảnh tư liệu
Ngày 2-9-1945, tại Quảng Trường Ba Ðình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, Lễ Truy điệu Người vào ngày 9-9-1969 tại Quảng trường Ba Ðình được cử hành trọng thể. Ngày 2-9-1973, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Ba Ðình - nơi yên nghỉ vĩnh hằng của vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam - được chính thức khởi công xây dựng. Ngày 29-8-1975, sau hai năm khẩn trương xây dựng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức khánh thành, mở cửa đón tiếp đồng bào cả nước và khách quốc tế đến viếng Bác.
Ngày Ðộc lập
Sáng thứ bảy 1-9-1945, sau cuộc họp ở hội quán Trí Tri ở phố Hàng Quạt, những anh em nhận tham gia vào việc tổ chức "Ngày Ðộc lập" lịch sử tại vườn hoa Ba Ðình, đều tỏa đi ngay. Tất cả còn rất trẻ, tuổi đời chỉ từ 19 đến 25.
Ông Phạm Văn Khoa, giáo viên Trung văn, sau này là nhà điện ảnh, tới số nhà 32 phố Quang Trung, gặp GS, KTS Ngô Huy Quỳnh, truyền đạt yêu cầu cần làm gấp một lễ đài để chiều hôm sau, chủ nhật 2-9-1945, Bác Hồ và Chính phủ lâm thời sẽ ra mắt quốc dân đồng bào. Yêu cầu là lễ đài phải giản dị mà trang nghiêm, có thể đứng được khoảng ba chục người.
Theo ý kiến của ông Quỳnh, ông Khoa lại tới phố Hàng Ðào, Hàng Ngang, nói với các chủ hiệu bán vải cho mượn những tấm vải đỏ, vải vàng, rồi đến phố Hàng Hành gặp bác Quyến, chủ xưởng mộc, cho mượn gỗ xà, gỗ ván và những thợ bạn giỏi để cùng KTS Quỳnh, họa sĩ Lê Văn Ðệ dựng và trang trí lễ đài. Ai cũng vui vẻ nhận lời, không cần giấy biên nhận.
Ông Khoa đi rồi, ông Quỳnh vội vã đạp xe lên vườn hoa Ba Ðình để quan sát thực địa, đo đạc và xác định sẽ đặt lễ đài ở giữa vườn hoa, trên bệ xi-măng hình tròn. Trở về, ông vẽ xong ba mẫu lễ đài, vào đúng trưa, ông Khoa tới, lấy đem đi duyệt. Cấp trên duyệt mẫu có dựng cột cờ ở giữa và hai lư hương trầm đặt hai bên, trên bệ cao. Dưới ánh điện tỏa sáng của Nhà máy điện Yên Phụ, lễ đài làm xong vào trước rạng đông ngày 2-9-1945, mặt hướng về đường Ðiện Biên Phủ bây giờ, ít ai biết thời gian thiết kế và thi công rất ngắn, chỉ khoảng 15 giờ đồng hồ.
Lễ đài cao chừng 4 m, cấu trúc theo hình bệ cột cờ thành Thăng Long xưa, bốn mặt hình thang, khung gỗ, gần hết diện tích phủ vải đỏ gấp từng nếp lớn, ở giữa có ngôi sao vàng, phía trên cùng phủ vải vàng, bốn mặt trang trí những đường võng bằng lụa đỏ, ở mỗi điểm tiếp giáp tết bông hoa lớn. Hai mặt hai bên có bệ cao bọc vải đỏ, giữa có ngôi sao vàng, trên bày lư hương lớn bằng gỗ, bên trong đặt đỉnh đồng. Việc đốt trầm hương do mấy bô lão sở tại phụ trách. Các phụ lão ở ngoại thành còn mang chiêng trống đến.
Giúp việc BTC còn 40 anh em trong Hội Truyền bá quốc ngữ và Hội Văn hóa cứu quốc. Ông Nguyễn Dực, chủ hiệu sửa chữa ra-đi-ô Hàng Bài, mắc hệ thống loa phóng thanh quanh vườn hoa Ba Ðình, đặt mi-crô, thường trực dưới gầm lễ đài theo dõi dòng điện, tiếng loa. Nhà báo Trần Kim Xuyến, Ðổng lý văn phòng Bộ Tuyên truyền, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ông Lưu Văn Lợi... phụ trách việc thông tin, làm các khẩu hiệu theo ba thứ tiếng Việt, Anh, Pháp bằng giấy trang kim dán trên băng-rôn đỏ treo quanh khu vực lễ đài. Khoảng một đại đội thanh niên, gồm trinh sát, tự vệ chiến đấu, công nhân, được cử bảo vệ lễ đài, trang phục chưa thống nhất.
14 giờ, đoàn xe ô-tô đen chở Bác Hồ và các vị trong Chính phủ lâm thời rời Bắc Bộ Phủ, có các chiến sĩ bảo vệ đội mũ cát, mặc quần soóc, áo cộc tay, đi xe đạp hộ tống hai bên. Quá 14 giờ, đoàn xe ô-tô tiến vào phía sau lễ đài. Bác Hồ và các vị trong Chính phủ lâm thời bước lên lễ đài trong tiếng reo mừng như sấm dậy.
Dưới sự chỉ huy của ông Quản Liên, đội quân nhạc cử hành trọng thể hành khúc "Tiến quân ca" của Văn Cao. Bà Lê Thi, sau này là Viện trưởng Viện Triết học, từ từ kéo quốc kỳ lên đỉnh cột. Chủ tịch Hồ Chí Minh đội mũ cát, mặc lễ phục ka-ki, râu đen, mắt sáng, lần đầu ra mắt đồng bào. Trước máy phóng thanh, Người đọc "Tuyên ngôn độc lập" khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ðứng đằng sau, ông Chu Ðình Xương, nguyên Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ, cầm ô che nắng cho Bác. Giữa chừng, Bác ngừng lại  hỏi "Tôi nói đồng bào nghe có rõ không?". Biển người đồng thanh đáp "có... ó... ó" và khi Người đọc xong, lại hô vang "Việt Nam độc lập tự do muôn năm", "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm", tưởng như không bao giờ dứt.
Có một người Pháp đã quay được bộ phim "Ngày độc lập", trong đó có hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Một bà mẹ Pháp nói với nhà báo Hồng Hà và đạo diễn điện ảnh Phạm Kỳ Nam khi được cử sang Pháp sưu tầm: "Tác giả xin tặng lại nhân dân Việt Nam, xin từ chối mọi khoản thù lao và xin được giấu tên". Cho đến bây giờ, chúng ta vẫn chưa biết được tên tác giả của bộ phim quý giá đó là ai để bày tỏ lòng ân nghĩa. Có dịp xem lại bức ảnh lịch sử do nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Bá Khoản chụp, lúc ấy là phóng viên nhiếp ảnh Báo Cứu Quốc, mới thấy người quay bộ phim ấy cao lớn, đội mũ phớt, mặc sơ-mi trắng cộc tay, đang cúi xuống điều khiển máy quay đặt trên giá ba chân và đứng ngay ở góc lễ đài phía trên.
Rồi Bác Hồ đi xa
Ngày 2-9-1969, Bác đi xa. Nhớ ơn Người, Lăng Bác được khởi công xây dựng, được đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban phụ trách xây lăng do đồng chí Ðỗ Mười, lúc đó là Phó Thủ tướng, làm Trưởng ban và Phó Tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài làm Phó trưởng ban. Hơn 20 đơn vị hoạt động liên tục ba ca trên công trường xây lăng. Ðây là tấm lòng của nhân dân khắp cả nước, các đơn vị quân giải phóng và đồng bào hai miền đã khai thác, bảo quản nhiều nguyên vật liệu quý hiếm từ các địa phương trong nước và vận chuyển tới Hà Nội.
Trước hết là gần chục loại đá quý chưa từng thấy. Thanh Hóa có đá Hồng Ngọc ở Bá Thước, đá vàng ở Cẩm Thủy dùng làm cờ Tổ quốc, cờ Ðảng trong phòng đặt di hài và ốp hàng chữ "Chủ tịch Hồ Chí Minh" trên mái lăng, đá đen ở núi Ðọ để lát thềm và các bậc trên thềm vào lăng. Cao Bằng có đá hồng ngọc vân xanh nhạt, dùng ốp khung cửa chính. Tây Nguyên có đá mã não, được cắt gọt thành từng viên nhỏ, cẩn trên nền đá hoa gấm. Ðồng bào Tây Nguyên cho biết, một hòn đá mã não to hơn nắm tay có thể đổi được một con trâu to.
Ðồng bào Quảng Nam - Ðà Nẵng khai thác quặng vàng ở mỏ Bồng Miêu. Ngân hàng Nhà nước được giao luyện thành vàng để nạm lên hàng chữ "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" và chữ ký của Bác Hồ ở bên trong cửa chính.
Ðồng bào, cán bộ, chiến sĩ quân giải phóng các vùng Trị Thiên, Khu 5, Tây Nguyên... khai thác hàng chục nghìn mét khối gỗ quý như Huỳnh Ðàn, Kim Giao. Ðồng bào Nam Bộ cũng gửi ra ba súc (khoảng 3 m3) gỗ nu - miền Bắc gọi gỗ lúp, ngày xưa ở Sài Gòn mua bán tính bằng kg.
Cây xanh, cây cảnh cũng phong phú, nhiều loại, mỗi cây gắn liền với một sự kiện lịch sử của đất nước. Hai cây đa là nhánh phụ của cây đa Tân Trào. Những cành đào chiết từ cây đào Tô Hiệu ở Sơn La. Khóm trúc vàng Cao Bằng là những cây con của các khóm trúc do Bác Hồ trồng dưới chân núi có hang Pác Bó. Còn hoa ban Tây Bắc, hồng Ðà Lạt, quất Quảng Bá, đào Nhật Tân, bưởi Ðoan Hùng...
Ðảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô (trước đây) đã gửi tặng đá hoa gấm để ốp phần trên đài hoa, nơi Bác nằm; đá hoa cương để ốp bên ngoài, từ chân tới đỉnh lăng; những thiết bị kỹ thuật và hàng chục nghìn mét vuông thép tấm không gỉ dùng bọc các thiết bị đặt ngầm. Ðặc biệt là chiếc hòm kính bằng thủy tinh trong suốt, không bị khúc xạ làm biến dạng hình ảnh bên trong. Vào viếng Bác, nhìn Bác nằm bên trong, mắt ta không hề có cảm giác là có lớp thủy tinh bao bọc bên ngoài.
30 năm sau ngày đọc Tuyên ngôn độc lập, vào ngày 29-8-1975, cũng tại địa điểm lịch sử này, lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức trọng thể ở Hội trường Ba Ðình và bàn giao công trình cho Ban quản lý lăng, một công trình của lòng dân cả nước.
THỌ CAO  (Báo Nhân dân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét